ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 117/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 01 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ Ở THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 06 năm 1989;
- Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30 tháng 11 năm 1989;
- Căn cứ Nghị định số 141 ngày 25 tháng 4 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định về xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực an ninh, trật tự;
- Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và vệ sinh trên các tuyến giao thông đường bộ ở thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Người điều khiển ô tô vận tải, xe ba gác chở hàng và các phương tiện vận tải khác khi chở hàng phải để hàng nằm gọn trong thùng xe. Các loại ô tô vận tải, ô tô chuyên dùng không được để hàng hoặc thiết bị lắp đặt trên xe cao quá 3.5m (kể từ mặt đất đến đỉnh hàng hóa hoặc thiết bị) khi lưu thông trên đường. Lái xe ba gác, xe xích lô không được để hàng che khuất tầm nhìn của mình. Khi chở hàng dài hơn thùng xe, lái xe phải đặt tín hiệu báo nguy hiểm đúng điều lệ về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Vi phạm, phạt tiền 100.000 đồng đối với lái xe ô tô, 20.000 đồng đối với lái xe ba gác và các phương tiện khác.
Điều 2: Lái xe chở hàng hóa thành khối, phải che chắn, đậy, cột chắc hàng vào thùng xe. Lái xe chở rác, đất, vôi, các, than, củi, đá, sỏi, gạch, ngói, phân, tro, trấu và những vật liệu rời khác phải có khung chắn 4 phía và vật chở không được cao hơn khung chắn, phải có tấm đậy phủ kín bề mặt hàng vận chuyển, không được để hàng rơi xuống đường hoặc bốc bụi trong quá trình vận chuyển.
Vi phạm, phạt tiền 30.000 đồng đối với lái xe thô sơ và xe gắn máy, 200.000 đồng đối với lái xe ô tô.
Điều 3: Lái xe không được để bốc mùi hôi, thối từ hàng vận chuyển, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.
Vi phạm, phạt tiền 50.000 đồng đối với lái xe thô sơ và xe gắn máy; 500.000 đồng đối với lái xe ô tô.
Điều 4: Cấm các loại xe khi chạy làm dính bùn đất gây mất vệ sinh mặt đường nhựa ở thành phố. Tất cả các loại xe khi lưu thông bị hư hỏng phải đẩy vào sát lề đường, không được cản trở giao thông đường bộ.
Vi phạm, phạt tiền 20.000 đồng đối với lái xe 2-3 bánh, 30.000 đồng đối với lái xe dươi 15 chỗ ngồi, 50.000 đồng đối với lái xe tải, xe khách trên 15 chỗ ngồi.
Vi phạm, phạt tiền 50.000 đồng đối với lái xe ba gác, 200.000 đồng đối với lái xe ô tô tải và xe công trình.
Điều 6: Đào đường, vỉa hè để xây dựng, sửa chữa các công trình ngầm phải đặt biển báo hoặc vật cản ở hai đầu của công trình, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Công trình ở nội thành đào đến đâu phải lắp đặt thiết bị ngay và phải san lắp xong trong hai ngày. Trường hợp do tính phức tạp của công trình, kéo dài quá hai ngày phải có giấy phép của Giám đốc Công an thành phố. Khi kết thúc công trình phải sửa chữa ngay vỉa hè, lòng đường đã bị hư hỏng và phải làm vệ sinh do công trình gây dơ bẩn. Bùn, đất, rác từ cống rãnh móc lên phải có vật chứa đựng và vận chuyển ngay trong ngày, phải dọn, quét, rửa sạch các vết bẩn ở miệng cống, rãnh.
Phạt tiền 100.000 đồng, 200.000 đồng, 300.000 đồng đối với người hoặc đơn vị vi phạm.
Điều 7: Tất cả các hành vi làm hư hỏng lòng đường, vỉa hè, cây xanh và các công trình công cộng khác đều bị phạt tiền 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng, 2.000.000 đồng.
Điều 8: Cá nhân hoặc đơn vị vi phạm từ điều 1 đến điều 7, sau khi nộp phạt phải khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra. Khi vi phạm mà chạy trốn, bị phạt tiền gấp đôi mức quy định. Người vi phạm có hành vi chống đối việc xử phạt bị phạt tiền gấp đôi mức quy định và bị giữ xe từ 10 ngày đến 1 tháng, có hành vi chống đối làm mất trật tự giao thông còn bị rút giấy phép lái xe. Tái phạm lần 2 điều 6 còn bị rút giấy phép thi công, hoặc giấy phép hành nghề; người vi phạm phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do việc vi phạm gây ra.
Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 9: Lực lượng thanh tra giao thông công chánh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm thuộc điều 6, điều 7. Lực lượng cảnh sát nhân dân kiểm tra và xử phạt tất cả các vi phạm trong quyết định này. Người hoặc đơn vị vi phạm chỉ bị xử phạt một lần đối với mỗi lần vi phạm. Các vi phạm khác xử phạt theo Nghị định số 141/HĐBT ngày 25.4.1991 của Hội đồng Bộ trưởng, quyết định số 176/LBGTVT-NV ngày 9.12.1989 của Liên Bộ Giao thông vận tải – Nội vụ.
Điều 10: Biên lai thu tiền phạt do Sở Tài chính phát hành. Đơn vị xử phạt được trích thưởng 15% tổng số tiền nộp phạt. Cá nhân cán bộ, nhân viên trực tiếp phạt được hưởng 5% trong tổng số tiền trích thưởng cho đơn vị. Người có công phát hiện người vi phạm cho cơ quan có trách nhiệm để phạt hoặc hướng dẫn truy tìm được kẻ vi phạm lẫn trốn thì được hưởng 5% số tiền nộp phạt, nhưng không ít hơn 20.000 đồng.
Người thi hành công vụ có trách nhiệm trực tiếp xử phạt người vi phạm mà làm ngơ không xử phạt phải bị xử lý kỷ luật hành chánh từ mức khiển trách trở lên. Tái phạm nhiều lần cơ quan chủ quản phải buộc thôi việc.
Điều 11: Giám đốc Công an thành phố và Giám đốc Sở Giao thông công chánh thành phố có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quyết định này cho các đơn vị trực thuộc.
Điều 12: Quyết định này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 30 tháng 1 năm 1993.
Điều 13: Các Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc công an thành phố, Giám đốc Giao thông công chánh thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh thành phố, Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố, các Báo, Đài Tiếng nói nhân dân, Đài truyền hình thành phố, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Quyết định 117/QĐ-UB năm 1993 về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện vận tải đường bộ ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 117/QĐ-UB năm 1993 về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện vận tải đường bộ ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 117/QĐ-UB |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Võ Viết Thanh |
Ngày ban hành | 1993-01-16 |
Ngày hiệu lực | 1993-01-30 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |