ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/2007/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÔNG GIỮ, QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG BỊ TẠM GIỮ DO VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 152/2005/NĐ-CP, ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 70/2006 ngày 24/7/2006 của Chính phủ quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28/8/2001; Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 15/2003/TT-BTC ngày 7/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT);
Căn cứ Thông tư số 19/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ bị tịch thu theo thủ tục hành chính và thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội;
Theo đề nghị của liên ngành Công an thành phố, Sở Tài chính, Sở Giao thông công chính, Cục thuế thành phố tại Tờ trình số 81-TTr/CAHN (PV11), ngày 17/7/2007,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trông giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 71/2003/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định tạm thời về thu, quản lý và sử dụng nguồn phí trông giữ các phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc CATP, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông Công chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VIỆC TRÔNG GIỮ, QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG BỊ TẠM GIỮ DO VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 102/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 của UBND thành phố Hà Nội).
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Bản quy định này quy định việc trông giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (dưới đây viết tắt là TTATGT). Mức thu phí, quản lý, sử dụng nguồn phí trông giữ, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ.
Điều 2. Đối tượng nộp phí là người bị tạm giữ phương tiện do vi phạm pháp luật về TTATGT theo Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ.
- Phương tiện bị tạm giữ nhưng sau xác định người sử dụng phương tiện giao thông không có lỗi trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT thì không phải nộp phí trông giữ phương tiện. Nếu người sử dụng phương tiện đã nộp phí thì đơn vị thu phải hoàn trả lại tiền phí đã thu.
- Phương tiện bị tạm giữ có quyết định tịch thu thì phí trông giữ được sử dụng từ tiền bán đấu giá phương tiện vi phạm.
- Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ được chuyển sang cơ quan điều tra thì không phải nộp phí trông giữ.
Điều 3. Các doanh nghiệp, tổ chức đơn vị được phép tổ chức quản lý, trông giữ phương tiện bị tạm giữ gồm:
1. Đơn vị ra quyết định tạm giữ phương tiện (Công an, Thanh tra Giao thông công chính) có kho bãi và đủ điều kiện quản lý trông giữ.
2. Công ty khai thác điểm đỗ thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội.
3. Các doanh nghệp, tổ chức có chức năng, đủ điều kiện và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép trông giữ phương tiện.
Điều 4. Doanh nghiệp, tổ chức được giao quản lý, trông giữ phương tiện có trách nhiệm phối kết hợp với đơn vị ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm (Công an, Thanh tra GTCC) để thực hiện tốt việc thu giữ, quản lý, bảo quản, cũng như quá trình tiếp nhận trao trả phương tiện đúng quy định của pháp luật.
Điều 5. Các doanh nghiệp, tổ chức được giao trông giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về TTATGT phải tổ chức địa điểm quản lý, trông giữ (kho, bến, bãi,…) đảm bảo các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, có mái che và các điều kiện cần thiết khác đảm bảo an toàn cho các phương tiện bị tạm giữ, đối với phương tiện bị tạm giữ do tai nạn giao thông phải có kho bãi, khu vực trông giữ riêng. Phải thực hiện đúng Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 của Chính phủ quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Điều 6. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ an toàn và phục vụ tốt việc xử lý vi phạm. Doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trông giữ phương tiện nếu để mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường. Nghiêm cấm mọi hành vi đánh tráo, chiếm đoạt, mua bán trái phép. Làm hư hỏng, thiếu hụt, vi phạm niêm phong tang vật, phương tiện tạm giữ và các hành vi trục lợi khác.
Chỉ tiếp nhận, trả lại hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền. Các hoạt động này phải được theo dõi bằng sổ sách và lưu giữ các giấy tờ, quyết định có liên quan.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8. Mức thu phí trông giữ phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về TTATGT cụ thể như sau:
TT | Loại phương tiện | Giá trông giữ 01 ngày đêm |
1 | Xe máy, xe lam, xe công nông | 5000đ/xe |
2 | Xe đạp, xe xích lô | 3000đ/xe |
3 | Xe công nông, xe tải đến 1,5 tấn | 11.000 đ/xe |
4 | Xe tải từ 1,6 tấn đến 3,5 tấn | 13.000 đ/xe |
5 | Xe tải từ 3,6 đến 7 tấn | 18.000 đ/xe |
6 | Xe tải trên 7 tấn | 26.000 đ/xe |
7 | Xe đến 9 ghế ngồi | 30.000 đ/xe |
8 | Xe có 10 đến 16 ghế ngồi | 36.000 đ/xe |
9 | Xe từ 17 đến 29 ghế ngồi | 42.000 đ/xe |
10 | Xe từ 30 ghế ngồi trở lên; | 48.000 đ/xe |
( Mức thu phí trên đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng theo quy định).
Điều 9. Chứng từ thu phí
Doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị thu phí phải lập và giao hóa đơn, vé in sẵn hoặc biên lai thu phí mức thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Điều 10. Quản lý, sử dụng nguồn phí thu được:
1. Đối với doanh nghiệp, tổ chức chuyên doanh trông giữ phương tiện tạm giữ là phí không thuộc Ngân sách Nhà nước, tiền phí thu được là doanh thu; có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định đối với số phí thu được và có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.
2. Đối với đơn vị ra quyết định tạm giữ phương tiện có tổ chức trông giữ (Công an, Thanh tra GTCC):
Số phí thu được sau khi sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Nhà nước, phần còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước và được hạch toán vào mục ngân sách Nhà nước theo loại, khoản, mục, tiêu mục tương ứng theo quy định.
Chương 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Giám đốc các Sở: Tài chính; Giao thông công chính; Giám đốc CATP; Cục trưởng Cục thuế Thành phố; Giám đốc Kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện; các tổ chức cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị cá nhân phản ánh kịp thời về Công an thành phố Hà Nội để tổng hợp báo cáo UBND thành phố điều chỉnh cho phù hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Quyết định 102/2007/QĐ-UBND quy định về trông giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 102/2007/QĐ-UBND quy định về trông giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Số hiệu | 102/2007/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Văn Khôi |
Ngày ban hành | 2007-09-19 |
Ngày hiệu lực | 2007-09-19 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |