Nghị định 29/2014/NĐ-CP về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Điều 19. Quyết định chuyển giao tài sản
1. Đối với các tài sản quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Nghị định này, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này phải gửi quyết định tịch thu cho cơ quan tài chính cùng cấp, cụ thể:
a) Đối với các tài sản do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu gửi về Bộ Tài chính.
b) Đối với các tài sản do người có thẩm quyền thuộc cơ quan địa phương ra quyết định tịch thu gửi về Sở Tài chính.
2. Khi nhận được quyết định tịch thu do đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản gửi, cơ quan tài chính quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này chủ trì, phối hợp với đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và nhu cầu sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng, cụ thể:
a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: Chuyển giao tài sản quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này. chuyển giao tài sản quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý hoặc điều chuyển tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương khác.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển giao tài sản quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
3. Trường hợp không thực hiện chuyển giao được thì tài sản được xử lý theo hình thức bán đấu giá quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 20. Tổ chức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
1. Việc tổ chức xử lý tài sản được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc xử phạt hành chính bị tịch thu.
Trường hợp giá trị tài sản bị tịch thu của một vụ việc thấp (dưới 100 triệu đồng/01 vụ việc) thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần.
2. Đối với tài sản chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành Biên bản theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
Sau khi tiếp nhận tài sản, cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm quản lý, xử lý tài sản được tiếp nhận theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Đối với tài sản chuyển giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để quản lý, sử dụng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này.
Việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành Biên bản theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận tài sản chuyển giao có trách nhiệm hạch toán tăng tài sản, thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
4. Đối với tài sản là tiền Việt Nam thì Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với tài sản là ngoại tệ thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ trên để chuyển nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam theo quy định.
5. Đối với tài sản quy định tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định này, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các cơ quan có chức năng thực hiện tiêu hủy các tài sản theo quy định của pháp luật.
Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu huỷ được thực hiện theo các hình thức gồm: Sử dụng hóa chất. sử dụng biện pháp cơ học. hủy đốt. hủy chôn. hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc tiêu huỷ tài sản phải được lập biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm có: Căn cứ thực hiện tiêu hủy. thời gian, địa điểm tiêu hủy. thành phần tham gia tiêu hủy. tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của tài sản tại thời điểm tiêu hủy. hình thức tiêu huỷ và các nội dung khác có liên quan.
Trường hợp tài sản quy định tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định này được xử lý theo hình thức khác thì thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
6. Đối với tài sản bán đấu giá quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định này, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này phối hợp với các cơ quan có chức năng thực hiện bán tài sản theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
7. Đối với tài sản thanh lý quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định này, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản thành lập Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện việc thanh lý. Hội đồng thanh lý tài sản do lãnh đạo đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản làm Chủ tịch Hội đồng. các thành viên khác bao gồm: Đại diện cơ quan tài chính cùng cấp. đại diện bộ phận chuyên môn của đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan.
Hội đồng thanh lý tài sản có trách nhiệm phân loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần thanh lý để thực hiện theo một trong các hình thức sau:
a) Bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua.
b) Phá dỡ, hủy bỏ đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không thể tiếp tục sử dụng được và không bán được.
Việc tổ chức thanh lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.