Quyết định 1002/QĐ-TCHQ năm 2014 về Quy chế thu thập, cập nhật, quản lý, ứng dụng thông tin vi phạm pháp luật của người thực hiện xuất, nhập khẩu, xuất, nhập, quá cảnh do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
Điều 6. Thu thập, cập nhật, quản lý thông tin vi phạm pháp luật do cơ quan hải quan phát hiện, xử lý
1. Thông tin vi phạm pháp luật do cơ quan hải quan phát hiện, xử lý được nhập vào hệ thống bao gồm:
a) Thông tin chung về hồ sơ vụ việc vi phạm.
b) Nội dung Biên bản chứng nhận về dấu hiệu vi phạm pháp luật.
c) Nội dung Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
d) Nội dung các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế và nội dung các Quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các Quyết định nêu trên.
đ) Nội dung Quyết định khởi tố vụ án hình sự. Quyết định khởi tố bị can đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và nội dung các Quyết định hủy bỏ các Quyết định nêu trên.
e) Nội dung các Quyết định về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.
g) Nội dung Quyết định về việc giải quyết khiếu nại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
h) Nội dung Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm hình sự.
i) Nội dung Biên bản bàn giao hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực hải quan cho đơn vị có thẩm quyền xử lý.
2. Thông tin vi phạm pháp luật tại khoản 1 Điều này được nhập vào hệ thống theo nội dung các Biểu mẫu, khuôn dạng dữ liệu trên hệ thống và hướng dẫn tại Mục 1 Quy trình cập nhật thông tin vi phạm pháp luật của người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ban hành kèm theo Quyết định này
3. Mỗi vụ việc vi phạm pháp luật chỉ tạo lập 01 hồ sơ trên hệ thống, trong đó phải bao gồm: thông tin chung về hồ sơ vụ việc vi phạm và các nội dung biên bản, quyết định (tại khoản 1 Điều này) được lập trong quá trình phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm.
4. Thời điểm nhập thông tin vi phạm pháp luật vào hệ thống:
a) Việc nhập thông tin chung hồ sơ vụ việc vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện tại thời điểm xác lập hồ sơ vi phạm (khi nhập thông tin của một trong các trường hợp tại điểm b, c, d, đ, e, g, h khoản này).
b) Việc nhập thông tin vi phạm pháp luật tại điểm b, c, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều này được thực hiện ngay sau khi lập các biên bản, ký ban hành các quyết định tại các điểm nêu trên.
c) Việc nhập thông tin vi phạm pháp luật tại điểm i khoản 1 Điều này được thực hiện trong thời hạn 03 ngày kể từ khi hoàn thành việc bàn giao hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực hải quan cho đơn vị có thẩm quyền xử lý.
Trường hợp nơi lập biên bản, xử lý vi phạm pháp luật ở xa trụ sở cơ quan hải quan hoặc hệ thống bị sự cố hoặc lỗi đường truyền, việc nhập thông tin vi phạm vào hệ thống được thực hiện ngay khi công chức lập Biên bản, ra Quyết định xử phạt về đến trụ sở cơ quan hải quan hoặc ngay khi sự cố, lỗi hệ thống được khắc phục.
5. Phân công trách nhiệm
a) Đơn vị, công chức tại Hải quan các cấp khi phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ quy định có trách nhiệm nhập đầy đủ, kịp thời các thông tin của vụ việc vi phạm pháp luật vào hệ thống theo quy định tại Điều này và các quy định, hướng dẫn tại Quyết định này, cụ thể như sau:
a.1) Đơn vị, công chức lập Biên bản chứng nhận về dấu hiệu hành vi vi phạm có trách nhiệm nhập thông tin tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
a.2) Đơn vị, công chức lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có trách nhiệm nhập thông tin tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này.
a.3) Đơn vị, công chức thụ lý xử lý vụ việc vi phạm có trách nhiệm thực hiện điểm d, đ, e, g, i khoản 1 Điều này.
Đơn vị, công chức thực hiện nhập thông tin phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin vi phạm pháp luật do đơn vị, công chức nhập trên hệ thống.
b) Đơn vị Quản lý rủi ro cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc nhập thông tin, dữ liệu vụ việc vi phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Cục tại điểm a khoản này. báo cáo Cục trưởng đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý đối với các đơn vị, công chức không thực hiện đúng quy định về nhập thông tin vi phạm pháp luật tại Quyết định này và các quy định khác có liên quan.
c) Đơn vị Quản lý rủi ro cấp Tổng cục có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc nhập thông tin, dữ liệu vụ việc vi phạm pháp luật của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và của các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục tại điểm a khoản này. báo cáo Tổng cục trưởng đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý đối với các đơn vị, công chức không thực hiện đúng quy định về nhập thông tin vi phạm pháp luật tại Quyết định này và các quy định khác có liên quan.