ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1400/UBND-KTN | Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2022 |
Kính gửi: | - Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; |
Ủy ban nhân dân Thành phố nhận được văn bản số 1076/SNN-TL ngày 29/4/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề xuất chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ các vụ vi phạm được xử lý chưa cao, nhiều vụ việc vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình thủy lợi. Cụ thể: Tổng số các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phát sinh trong năm 2021 là: 348 vụ, giải tỏa được 202 vụ (gồm: 75 vụ phát sinh trong năm 2021 (mới đạt 21,6% số vụ phát sinh trong năm 2021) và 127 vụ vi phạm xảy ra trước năm 2021), còn tồn tại 273 vụ chưa được xử lý. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022: số vụ vi phạm phát sinh 105 vụ, giải tỏa được 01 vụ vi phạm mới, còn tồn tại 104 vụ; ngoài ra giải tỏa được 50 vụ vi phạm cũ. Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện: Thường Tín (42 vụ), Thanh Trì (10 vụ), Phú Xuyên (10 vụ), Thanh Oai (7 vụ), Sóc Sơn (17 vụ)... Hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà, xưởng, lều, quán, lán tạm; xây dựng công trình khác (bắc cầu tạm qua kênh, đặt các cống dẫn nước, trồng cột điện, xây tường rào...) và thi công công trình khi chưa được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định. Tình trạng vi phạm tại các hồ chứa thủy lợi xu hướng diễn biến phức tạp hơn với diện tích và quy mô lớn: Năm 2021, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn tồn tại 35 vụ chưa được xử lý (hồ Đồng Đò: 30 vụ; hồ Ban Tiện: 04 vụ; hồ Đồng Quan: 01 vụ); hồ Suối Hai thuộc địa bàn huyện Ba Vì: 09 vụ.
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đảm bảo phát huy hiệu quả khai thác công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo như sau:
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về thủy lợi, Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của UBND Thành phố ban hành Quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, dự án đầu tư trên địa bàn bảo đảm việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch và quy định của Luật Đất đai; chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ban Quản lý dự án trực thuộc khi triển khai các dự án trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật.
- Tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm công trình thủy lợi; chủ trì, phối hợp với các Công ty thủy lợi trên địa bàn và các đơn vị liên quan tổ chức xử lý các vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm còn tồn đọng, đặc biệt là các vụ vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, khả năng tưới tiêu nước phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai của công trình thủy lợi; vi phạm xảy ra tại các công trình đầu mối; các sông, trục tiêu chính.
- Kiểm tra, xử lý giải tỏa dứt điểm các vụ vi phạm tại các công trình đập, hồ chứa nước như: hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây; hồ Suối Hai, huyện Ba Vì; hồ Đồng Đò và Đồng Quan, huyện Sóc Sơn.
- Chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, tránh để vi phạm đến mức khó xử lý.
- Thường xuyên báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kết quả xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về tình trạng vi phạm diễn ra trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa kịp thời theo quy định.
2. Các Công ty thủy lợi:
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm ngay từ giờ đầu khi phát sinh vi phạm, báo cáo đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định của pháp luật. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kịp thời xử lý kiên quyết, triệt để vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.
- Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thực hiện đúng nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kịp thời ngăn chặn, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các hoạt động trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phát sinh mới theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; thường xuyên thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, trên cơ sở đó kiến nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
- Tăng cường công tác tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an Thành phố trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi; kiểm tra, đôn đốc, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các Công ty thủy lợi và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình vi phạm, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý trong các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Sở Xây dựng: Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát ngăn chặn và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
6. Công an Thành phố: Tiếp tục tham mưu, phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi; Luật Phòng, chống thiên tai làm ảnh hưởng đến an toàn, năng lực tiêu thoát nước của công trình thủy lợi trong việc phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố.
Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các Công ty Thủy lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Công văn 1400/UBND-KTN năm 2022 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do thành phố Hà Nội ban hành đang được cập nhật.
Công văn 1400/UBND-KTN năm 2022 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do thành phố Hà Nội ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Số hiệu | 1400/UBND-KTN |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Mạnh Quyền |
Ngày ban hành | 2022-05-11 |
Ngày hiệu lực | 2022-05-11 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |