ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2010/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 23 tháng 8 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2010/NQ-HĐND ngày 19/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 14 về việc thông qua Đề án “Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum từ nay đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Văn bản số 1120/SNV-CCVC ngày 11/8/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum từ nay đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
- Xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn (2010-2015) và (2016-2020). Phấn đấu tăng dần tỷ lệ trí thức là người dân tộc thiểu số, ở các ngành nghề, lĩnh vực đạt 12% trí thức của tỉnh vào năm 2015 và 15% vào năm 2020.
- Phấn đấu đến 2020 các ngành, lĩnh vực: kinh tế, hoạch định chính sách, khoa học mỗi ngành có ít nhất 01 tiến sĩ làm nòng cốt cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đạt hiệu quả.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Đào tạo đại học:
+ Khối hành chính - sự nghiệp; khối Đảng, đoàn thể: Chỉ cử đi đào tạo để nâng cao trình độ khoảng 30% giai đoạn (2010-2015) và 25% giai đoạn (2016-2020) cho số cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị hiện tại chưa có trình độ đại học. Số trí thức còn lại do nhu cầu tăng thêm trong từng giai đoạn, sẽ có kế hoạch tuyển mới hằng năm trong số sinh viên của tỉnh tốt nghiệp đại học (ưu tiên số sinh viên người dân tộc thiểu số và số được đào tạo theo địa chỉ) nhằm đảm bảo mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020.
+ Khối cán bộ, công chức cấp xã: Chỉ cử một số cán bộ, công chức cấp xã có khả năng học tập nhằm nâng cao trình độ. Số còn lại do nhu cầu tăng thêm sẽ có kế hoạch bố trí, sử dụng trong số sinh viên đã được đào tạo theo địa chỉ và đào tạo dự nguồn tại các cơ sở đào tạo của tỉnh; đồng thời tiếp tục đào tạo dự nguồn trong thời gian tới, để từng bước thay thế số CBCC cấp xã năng lực hạn chế, nhưng không có khả năng học tập để nâng cao trình độ.
- Đào tạo thạc sỹ và tương đương: Cử đi đào tạo ở mỗi cơ quan, đơn vị tối thiểu 01 người; các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, phải tăng cường cử đi đào tạo để phấn đấu đến 2015 tỷ lệ thạc sỹ đạt 80%, các trường THPT tỷ lệ giáo viên có trình độ thạc sỹ đạt 25% vào năm 2020 (theo Nghị quyết số 08/NQ-BCSĐ ngày 04/04/2007 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo). Ngành Y tế tiếp tục cử đi đào tạo sau đại học đối với số Bác sĩ và cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
- Đào tạo tiến sĩ: Các ngành: Tài chính- Ngân hàng; Kế hoạch & Đầu tư; Nông, lâm, thủy sản; Thông tin & truyền thông; Khoa học & công nghệ; Văn hóa- văn nghệ; Dân tộc, Tôn giáo; Y tế; GD& ĐT; Công nghiệp- xây dựng; Thương mại- dịch vụ phấn đấu mỗi ngành có ít nhất 01 tiến sĩ để tham gia hoạch định chính sách, chiến lược. Riêng đối với các trường cao đẳng, đại học tỷ lệ tiến sĩ đạt 25% đến 2015 (theo Nghị quyết số 08/NQ-BCSĐ ngày 04/04/2007 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo).
- Về bồi dưỡng: Các cấp, các ngành chủ động chọn cử cán bộ, CCVC tham dự các khóa bồi dưỡng nhằm để trang bị kiến thức, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ trí thức của tỉnh.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Giai đoạn 2010-2015: Cử đi đào tạo đại học: 433 người; 72 chuyên khoa I; 310 thạc sỹ; 06 chuyên khoa II; ít nhất 35 tiến sĩ (kể cả trong nước và nước ngoài).
- Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục cử đi đào tạo đại học: 574 người; 164 chuyên khoa I; 219 thạc sỹ; 14 chuyên khoa II; ít nhất 28 tiến sĩ (kể cả trong nước và nước ngoài).
3. Nhiệm vụ và giải pháp
3.1. Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức
- Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có học vị thạc sỹ, tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu và các cơ quan nghiên cứu khoa học của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.
- Hằng năm mở các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, trang bị kiến thức nhằm chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, chức danh của ngạch công chức, viên chức, cụ thể:
+ Đào tạo ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) trình độ A, B, C cho cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực hợp tác Quốc tế và các lĩnh vực liên quan đến công tác đối ngoại.
+ Tiếp tục đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức.
+ Đào tạo tin học ứng dụng văn phòng cho cán bộ, công chức chuyên môn cấp tỉnh, huyện, xã.
+ Trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức, viên chức theo từng chức danh ngạch, bậc....
- Xây dựng và ban hành chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội thực hiện công tác xã hội hóa về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức.
3.2. Về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ trí thức
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng những trí thức có tài năng, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; từng bước thí điểm và nhân ra diện rộng việc thi tuyển cạnh tranh một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý để lựa chọn, bổ nhiệm những người có năng lực thực sự.
- Thực hiện công khai minh bạch trong các khâu: quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng; đồng thời tổ chức nhận xét, đánh giá, nêu gương người tốt, hạn chế những thiếu sót trong công tác tuyển dụng, sử dụng.
- Hằng năm có kế hoạch bố trí số sinh viên tốt nghiệp đại học là người dân tộc thiểu số về công tác tại các địa phương, đơn vị.
3.3. Về thu hút, đãi ngộ đội ngũ trí thức
- Thực hiện tốt các chính sách thu hút trí thức trẻ, có trình độ sau đại học và năng lực thực tiễn về công tác tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
- Xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể về phụ cấp, điều kiện làm việc, sinh hoạt … đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số.
3.4. Tạo môi trường, cơ chế làm việc, nghiên cứu cho đội ngũ trí thức
- Tạo môi trường và điều kiện làm việc, tạo diễn đàn cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, sở trường, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh, nhằm thu hút đội ngũ trí thức vào làm việc.
- Nghiên cứu, ban hành các quy định về tặng thưởng các tập thể, cá nhân có công trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả trong sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh và đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ nhằm tôn vinh trí thức.
- Củng cố, phát triển, đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên. Xây dựng quy chế phối hợp trong việc tập hợp đội ngũ trí thức; tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội KHKT và Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
4. Kinh phí thực hiện:
Được bố trí bằng nguồn ngân sách tỉnh hàng năm để triển khai thực hiện Đề án theo các chính sách hiện hành.
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án:
1. Trách nhiệm chung:
Các sở ban ngành; UBND các huyện thành phố:
- Chủ động rà soát, xác định nhu cầu, lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức của cơ quan đơn vị mình, trong đó chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số theo từng giai đoạn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo thực hiện.
- Lập kế hoạch tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức theo nhu cầu của đơn vị, địa phương mình để có cơ sở xác định nhu cầu tuyển dụng trên phạm vi toàn tỉnh trong từng giai đoạn.
2. Trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị:
2.1. Sở Nội vụ
- Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cụ thể các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Đề án; đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
- Chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục & Đào tạo, các huyện, thành ủy, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan lập quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, CCVC từ nay đến 2015 và những năm tới theo các mục tiêu của Đề án.
- Nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể về phụ cấp, điều kiện làm việc, sinh hoạt … đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số.
- Hằng năm, trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC đã được xác định trong Đề án, chủ động lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư để tổng hợp trình HĐND, UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện.
2.2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý thuộc phạm vi đề án đã xác định; thường xuyên tổ chức các Hội thảo khoa học nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
- Lãnh đạo, chỉ đạo các trường THPT có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và định hướng tốt nghề nghiệp cho học sinh; đồng thời tham mưu chính sách về phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài trong các trường PTTH của tỉnh nhất là trường Trung học Chuyên và trường Dân tộc nội trú.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC đã được xác định trong từng giai đoạn và dự toán kinh phí thực hiện do Sở Nội vụ lập hằng năm, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính chủ động rà soát, tính toán kinh phí trình HĐND, UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện theo khả năng ngân sách trong thời kỳ ổn định.
2.4. Sở Khoa học và công nghệ
Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh; khuyến khích, thu hút đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; kịp thời động viên, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
2.5. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh
- Thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu phát triển của từng đơn vị.
- Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức theo các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của Đề án. Sử dụng hợp lý nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học
2.6. Các tổ chức xã hội
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình các tổ chức xã hội (các đoàn thể, Liên hiệp hội, các Hội,...) chủ động xây dựng kế hoạch quy tụ và giúp đỡ hội viên trí thức tích cực phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, bảo vệ quyền lợi, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh; phối hợp với các ban, ngành liên quan, tổ chức diễn đàn cho đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
File gốc của Quyết định 33/2010/QĐ-UBND về Đề án Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum từ nay đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đang được cập nhật.
Quyết định 33/2010/QĐ-UBND về Đề án Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum từ nay đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | |
Số hiệu | 33/2010/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | |
Ngày ban hành | 2010-08-23 |
Ngày hiệu lực | 2010-09-02 |
Lĩnh vực | |
Tình trạng | Còn hiệu lực |