ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 328/QĐ-STNMT-CCBVMT | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2020 |
GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 06 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 40/2019/ND-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động, môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
Căn cứ Quyết định số 121/2003/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc chuyển đổi mô hình tổ chức Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 655/QĐ-TNMT-VP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường về phân công công tác trong Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1524/QĐ-TNMT-CCBVMT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” tại quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông-đô thị Thành phố;
Căn cứ Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt dự án đầu tư Phát triển Giao thông xanh Thành phố; Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư Phát triển Giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo ý kiến thẩm định của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và Văn bản số 1885/STNMT-CCBVMT ngày 16/3/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường về thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” tại Quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh;
Xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” tại Quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh đã được chỉnh sửa, bổ sung gửi kèm Văn bản số 2234/BQLDAGT-GTX ngày 14 tháng 4 năm 2020 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông;
Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tại Phiếu trình số 384/TTr-CCBVMT-TĐMT ngày 20 tháng 4 năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” (sau đây gọi là Dự án) của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (sau đây gọi là Chủ dự án) thực hiện tại Quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh với các nội dung chính tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm:
1. Niêm yết công khai quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật.
2. Thực hiện nghiêm túc nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này.
Điều 3. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. GIÁM ĐỐC |
CÁC NỘI DUNG, YÊU CẦU VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN “PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH” TẠI QUẬN 1, 2, 5, 6, 8, BÌNH TÂN VÀ HUYỆN BÌNH CHÁNH
(Kèm theo Quyết định số .../QĐ-STNMT-CCBVMT ngày ... tháng ... năm 2020
của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh)
1.1. Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
- Địa chỉ: 03 Nguyễn Thị Diệu, Phường 6, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
- Người đại diện theo pháp luật: Lương Minh Phúc Chức vụ: Giám đốc.
1.2. Phạm vi: Dự án được thực hiện dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, thuộc địa bàn quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
1.3. Quy mô Dự án:
1.3.1. Hợp phần 1-Phát triển hành lang xe buýt nhanh (BRT) gồm các hạng mục công trình như sau:
a) Xây dựng phần đường giao thông:
- Phần tuyến chính dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài 26 km (bao gồm đoạn quay đầu tại Rạch Chiếc); vận tốc thiết kế 60 km/h, mặt cắt ngang bố trí làn BRT; điểm đầu tuyến tại khu vực An lạc-Quốc lộ 1A (điểm quay đầu tại Rm0+200); điểm cuối tuyến tại ga Rạch Chiếc.
- Phần đường giao thông vào bãi đậu xe tại ga cuối Rạch Chiếc và Bãi hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm:
+ Vị trí khu ga cuối Rạch Chiếc tại khu quảng trường ga của Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc.
+ Đường vào Bãi hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm: một nhánh tuyên duy nhất chạy thẳng từ đường Mai Chí Thọ có chiều dài khoảng 218 m.
- Phần đường giao thông vào bến xe Chợ Lớn và chợ Bến Thành: giữ nguyên tuyến An Lạc-Rạch Chiếc và bổ sung thêm 03 tuyến kết nối gồm tuyến An Lạc-Bến Thành; tuyến Chợ Lớn-Rạch Chiếc; tuyến Bến Thành-Rạch Chiếc.
b) Xây dựng phần cầu bộ hành:
- Thực hiện cải tạo 07 cầu bộ hành hiện hữu (cầu bộ hành số 1, số 3, số 4, số 5, số 6, số 7, số 9, cầu Chà Và).
- Thực hiện xây mới 11 cầu (cầu bộ hành số 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, cầu bộ hành ga MRT1 tại trạm cuối Rạch Chiếc).
c)Hạng mục công trình kiến trúc:
- Phần Trạm dừng: xây dựng 28 trạm dừng trên tuyến chính; trạm dừng đoạn vào Bến Thành-Chợ Lớn.
- Ga đầu cuối Rạch Chiếc: sảnh chờ tối đa 04 xe BRT; nhà ga có diện tích xây dựng khoảng 1.295m2, gồm 01 tầng hầm, 02 tầng cao; tổng diện tích sàn xây dựng 2.818,9 m2.
- Xây dựng Bãi hậu cần kỹ thuật tại Thủ Thiêm cho tuyến BRT số 1 có diện tích 13.351 m2. Các phân khu chức năng tại bãi hậu cần kỹ thuật gồm:
+ Tòa nhà văn phòng: gồm 01 tầng hầm, 05 tầng cao; diện tích xây dựng 2.594 m2, trong đó tầng hầm bố trí khu vực đậu xe, khu vực lưu giữ chất thải rắn; tầng 1 bố trí khu vực văn phòng, bếp, căn tin, phòng nghỉ; tầng 2 bố trí trung tâm điều khiển tuyến BTR1; từ tầng 3 đến tầng 5 bố trí trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng và cơ quan quản lý về các công trình giao thông.
+ Khu bảo dưỡng: bố trí phòng nén khí CNG, phòng điều khiển, phòng thay đồ, phòng nghỉ cho tài xế, văn phòng, phòng rửa linh kiện tự động, phòng xử lý bộ phận chính, vệ sinh linh kiện, phòng xử lý bộ lọc, kho nhớt, phòng điện, phòng xử lý vỏ xe, phòng xử lý hệ thống điều hoà, phòng sơn và hành lang lưu thông.
+ Khu vực rửa xe: diện tích 402,5 m2.
+ Khu vực lưu trữ vỏ xe cũ: diện tích 75,6 m2.
+ Khu nạp khí CNG: được thiết kế để cung cấp khí CNG cho 4 xe cùng nạp một lúc, bề rộng mỗi làn nạp nhiên liệu rộng 5m (chưa kể vị trí trụ bơm và khoảng cách an toàn giữa xe với trụ).
+ Khu vực dành cho lưu thông và bãi đổ xe: diện tích 6.151,6 m2.
- Xây dựng 02 Trạm trung chuyển hành khách Hải Thượng Lãn ông và Hàm Nghi.
- Bãi đậu xe máy cá nhân: toàn tuyến xây dựng 08 bãi đậu xe cá nhân cho hành khách; tổng diện tích đất sử dụng khoảng 4.689 m2.
- Xe buýt BRT chạy khí nén thiên nhiên CNG: sử dụng 39 xe buýt BRT với sức chứa 60-72 hành khách.
- Hệ thống điều khiển ITS: là hệ thống ứng dụng công nghệ cao về điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống xe buýt nhanh gồm hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống vé, hệ thống thông tin hành khách, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, điều khiển giao thông, camera quan sát, trung tâm điều hành BRT.
- Các hạng mục công trình phụ trợ tại Nhà ga Rạch Chiếc và Bãi hậu cần kỹ thuật tại Thủ Thiêm: xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc, đường giao thông nội bộ, cây xanh và các công trình phụ trợ khác.
1.3.2. Hợp phần 2-Tăng cường thể chế:
- Thực hiện các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị thực hiện liên quan trong công tác quản lý dự án, quy hoạch giao thông đô thị và khai thác vận hành giao thông công cộng bao gồm hỗ trợ chiến lược khai thác vận hành hệ thống BRT.
- Thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá bao gồm các nội dung đánh giá sự thành công của hệ thống BRT.
- Thực hiện nghiên cứu khả thi và nghiên cứu thiết kế để tối đa hóa khả năng kết nối lượng hành khách và tiếp tục phát triển hệ thống BRT.
- Thực hiện nghiên cứu xây dựng hệ thống vé và các sản phẩm vé cho hệ thống giao thông công cộng.
2. Các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh từ dự án:
2.1. Các tác động môi trường chính của dự án:
- Giai đoạn chuẩn bị, thi công xây dựng:
+ Tác động do bụi, khí thải phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, hoạt động của phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, bốc dỡ nguyên vật liệu; hoạt động của máy móc, thiết bị thi công; hoạt động thi công công trình.
+ Tác động do nước thải sinh hoạt của công nhân, nước thải xây dựng.
+ Tác động do chất thải rắn: chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại.
+ Tác động do tiếng ồn, độ rung.
+ Tác động do chiếm dụng đất; tác động đến các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, hoạt động giao thông, kinh tế và xã hội.
+ Tác động do sự cố, rủi ro.
- Giai đoạn hoạt động:
+ Tác động do bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung phát sinh trong quá trình hoạt động dự án.
+ Tác động do nước thải sinh hoạt, nước thải rửa xe.
+ Tác động do chất thải rắn gồm chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại.
+ Tác động do tiếng ồn, độ rung.
+ Tác động đến hoạt động giao thông, kinh tế và xã hội.
+ Tác động do sự cố, rủi ro.
2.2. Quy mô, tính chất của nước thải:
- Giai đoạn thi công xây dựng:
+ Nước thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ quá trình hoạt động của công nhân, khoảng 0,9 - 2,7 m3/ngày. Thành phần nước thải gồm chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, Nitơ (N), Phốt pho (P), Coliform, dầu mỡ và các tạp chất khác.
+ Nước thải xây dựng phát sinh từ quá trình rửa nguyên vật liệu xây dựng, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, thiết bị thi công. Thành phần nước thải gồm TSS, dầu mỡ khoáng và các tạp chất khác.
- Giai đoạn vận hành:
+ Nước thải sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn hoạt động chủ yếu phát sinh từ hoạt động của Trạm dừng, Nhà ga Rạch Chiếc, Bãi hậu cần kỹ thuật tại Thủ Thiêm, Bãi đậu xe máy cá nhân, trong đó nước thải từ hoạt động trạm dừng khoảng 0,3 m3/ngày, bãi đậu xe máy cá nhân khoảng 0,3 m3/ngày, Nhà ga Rạch Chiếc khoảng 6 m3/ngày, khu vực hậu cần kỹ thuật khoảng 29,8 m3/ngày. Thành phần nước thải gồm chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, Nitơ (N), Phốt pho (P), Coliform, dầu mỡ và các tạp chất khác.
+ Nước thải phát sinh từ hoạt động rửa xe khu vực hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm khoảng 38,4 m3/ngày. Thành phần nước thải gồm TSS, COD, dầu mỡ khoáng và các tạp chất khác.
2.3. Quy mô, tính chất của bụi, khí thải:
- Giai đoạn chuẩn bị, thi công xây dựng:
+ Bụi, khí thải phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, chất thải rắn; hoạt động của máy móc, thiết bị thi công; hoạt động đào đắp, hoạt động bốc dỡ nguyên vật liệu, hoạt động thi công xây dựng công trình. Thành phần bao gồm bụi, SO2, NOx, CO, VOC.
+ Tiếng ồn, độ rung từ hoạt động của các phương tiện, máy móc và thiết bị thi công.
- Giai đoạn hoạt động: bụi, khí thải, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động của tuyến BRT, hoạt động của 02 máy phát điện dự phòng tại Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm, Nhà ga Rạch Chiếc.
2.4. Quy mô, tính chất của chất thải rắn:
- Giai đoạn chuẩn bị: Khối lượng sinh khối thực vật phát sinh khoảng 24 tấn, sinh khối bùn đất hữu cơ khoảng 36 tấn, chất thải rắn xây dựng từ quá trình tháo dỡ công trình khoảng 2.310 tấn/ngày.
- Giai đoạn thi công: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 30 kg/ngày; khối lượng đất đào khoảng 71.251 m3, khối lượng chất thải rắn xây dựng khoảng 1.253,8 tấn; chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị thi công, phương tiện vận chuyển với khối lượng phát sinh phụ thuộc vào tình trạng kỹ thuật, chu kỳ bảo dưỡng máy móc, thiết bị, phương tiện.
- Giai đoạn hoạt động: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của công nhân viên và hành khách với khối lượng tại Nhà ga Rạch Chiếc khoảng 82 kg/ngày, khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm 118 kg/ngày, trạm dừng khoảng 63 kg/ngày; chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động của Nhà ga Rạch Chiếc và Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm khoảng 1.000 kg/năm.
3. Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án:
Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của Dự án được Chủ dự án đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cụ thể như sau:
3.1. Về thu gom và xử lý nước thải:
a) Giai đoạn chuẩn bị, xây dựng:
- Nước thải xây dựng: Chủ dự án thực hiện xây dựng bể lắng để lắng cặn nước thải từ quá trình vệ sinh phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải.
- Nước thải sinh hoạt: Trang bị 08 nhà vệ sinh di động phục vụ cho quá trình hoạt động của công nhân; định kỳ hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý nước thải và bùn hầm cầu theo đúng quy định hiện hành.
b) Giai đoạn hoạt động:
- Nước thải sinh hoạt:
+ Nước thải từ hoạt động của các trạm dừng và bãi đậu xe máy cá nhân được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.
+ Nước thải phát sinh từ hoạt động của Nhà ga Rạch Chiếc được thu gom và dẫn về hệ thống xử lý nước thải với công suất 12 m3/ngày theo quy trình xử lý như sau: Nước thải sinh hoạt → bể tự hoại → bể điều hòa → bể lắng 1 → bể sinh học thiếu khí → bể MBBR → bể lắng 2 → bể khử trùng → nước thải sau xử lý được thiết kế đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT, cột B, trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước của khu vực (hố ga trên đường Mai Chí Thọ).
+ Nước thải phát sinh từ hoạt động của Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm được thu gom và dẫn về hệ thống xử lý nước thải với công suất 30 m3/ngày theo quy trình xử lý như sau: Nước thải sinh hoạt → bể tự hoại → bể điều hòa → nước thải sau xử lý được thiết kế đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT, cột B, trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước của khu vực (hố ga trên đường Mai Chí Thọ).
- Nước thải phát sinh từ hoạt động rửa xe Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm được thu gom và dẫn về hệ thống xử lý nước thải với công suất 40 m3/ngày theo quy trình xử lý như sau: Nước thải rửa xe →bể điều hòa → bể tuyển nổi → bể keo tụ → bể lắng → bể khử trùng → Nước thải sau xử lý được thiết kế đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước của khu vực (hố ga trên đường Mai Chí Thọ).
3.2. Về xử lý bụi, khí thải:
Chủ dự án sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động do bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động của máy móc thiết bị thi công, phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, chất thải rắn, hoạt động bốc dỡ nguyên vật liệu, hoạt động thi công các hạng mục công trình và hoạt động của Dự án trong giai đoạn vận hành như đã đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, đảm bảo đạt các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường theo QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT, QCVN 19:2009/BTNMT.
3.3. Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải rắn:
Chủ dự án thực hiện bố trí khu vực tập kết chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại riêng biệt. Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, đảm bảo phân loại, lưu giữ và hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại theo đúng quy định.
3.4. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn:
Chủ dự án thực hiện đầy đủ các giải pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành của Dự án như đã đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo đạt các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường theo QCVN 26:2010/BTNMT, QCVN 27:2010/BTNMT.
3.5. Công trình, biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường:
- Chủ dự án sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động, các phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố cháy nổ, sự cố sụt lún, sự cố rò rỉ nguyên nhiên liệu, các sự cố môi trường khác trong suốt giai đoạn chuẩn bị và thi công xây dựng và vận hành của Dự án như đã đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.
- Chủ dự án cam kết hỗ trợ, bồi thường thiệt hại nếu xảy ra các sự cố trong quá trình thi công xây dựng và vận hành của Dự án.
3.6. Các biện pháp bảo vệ môi trường khác:
- Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp để giảm thiểu các tác động tới hoạt động giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội khu vực dự án như đã đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.
4. Danh mục công trình bảo vệ môi trường chính của Dự án:
- Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của Nhà ga Rạch Chiếc với công suất 12 m3/ngày.
- Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm với công suất 30 m3/ngày.
- Hệ thống xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động rửa xe Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm với công suất 40 m3/ngày.
5. Chương trình quản lý và giám sát môi trường của chủ dự án:
Chương trình quản lý và giám sát môi trường trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng và vận hành của Dự án được Chủ dự án đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường như sau:
5.1. Chương trình quản lý môi trường của chủ dự án:
- Chủ dự án xây dựng chương trình quản lý môi trường của Dự án gồm các nội dung như sau: các tác động môi trường; công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; kinh phí thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; thời gian thực hiện và hoàn thành; trách nhiệm tổ chức thực hiện; trách nhiệm giám sát.
- Chủ dự án cam kết thực hiện đầy đủ các chương trình quản lý môi trường đã đề xuất trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.
5.2. Chương trình giám sát môi trường của chủ dự án:
5.2.1. Trong giai đoạn thi công xây dựng
a) Giám sát chất lượng không khí xung quanh:
- Vị trí giám sát: 06 vị trí dọc tuyến (gồm vị trí tại BRT 01 - vòng xoay An Lạc; vị trí gần BRT 03 - An Dương Vương giao Võ Văn Kiệt, vị trí gần BRT 03 - An Dương Vương giao Võ Văn Kiệt; vị trí tại Bệnh viện Nhiệt Đới; vị trí tại Trường Quốc tế AIS Việt Nam - Mai Chí Thọ; vị trí tại Khu vực bãi hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm; vị trí tại ga đầu cuối Rạch Chiếc).
- Thông số giám sát: Bụi TSP, Bụi PM10, tiếng ồn, độ rung.
- Tần suất giám sát: 03 tháng/lần.
- Quy chuẩn so sánh: QCVN 05:2013/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về không khí xung quanh; QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn; QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về độ rung.
b) Giám sát chất lượng nước thải xây dựng:
- Vị trí giám sát: 01 mẫu nước thải trước và sau khi qua bể lắng của khu vực xử lý nước thải xây dựng tại Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm và tại Nhà ga Rạch Chiếc.
- Thông số giám sát: pH, TSS, tổng nitơ, tổng phốt pho, tổng dầu mỡ khoáng.
- Tần suất giám sát: 03 tháng/lần.
- Quy chuẩn so sánh: QCVN 40:2011/BTNMT, cột B - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp.
c) Giám sát chất thải rắn thông thường, chất thải rắn xây dựng và chất thải nguy hại:
+ Vị trí giám sát: tại khu lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn xây dựng và chất thải nguy hại.
+ Thông số giám sát: thành phần, khối lượng.
+ Tần suất giám sát: hàng ngày.
5.2.2. Trong giai đoạn vận hành:
a) Giám sát chất lượng không khí xung quanh:
- Vị trí giám sát: 06 vị trí dọc tuyến (gồm vị trí tại BRT 01 - vòng xoay An Lạc; vị trí gần BRT 03 - An Dương Vương giao Võ Văn Kiệt, vị trí gần BRT 03 - An Dương Vương giao Võ Văn Kiệt; vị trí tại Bệnh viện Nhiệt Đới; vị trí tại Trường Quốc tế AIS Việt Nam - Mai Chí Thọ; vị trí tại Khu vực bãi hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm; vị trí tại ga đầu cuối Rạch Chiếc).
- Thông số giám sát: Tổng bụi lơ lửng, NOx, SO2, CO, tiếng ồn, độ rung.
- Tần suất giám sát: 03 tháng/lần.
- Quy chuẩn so sánh: QCVN 05:2013/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về không khí xung quanh; QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn; QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về độ rung.
b) Giám sát chất lượng nước thải sinh hoạt:
- Vị trí giám sát: 01 mẫu trước xử lý, 01 mẫu sau xử lý và 01 mẫu tại hố ga đấu nối (tại mỗi hệ thống xử lý nước thải của Nhà ga Rạch Chiếc và Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm),
- Thông số giám sát: pH, BOD5, TSS, Sunfua, Amoni, Nitrat, Dầu mỡ động, thực vật, tổng các chất hoạt động bề mặt, Phosphat, tổng Coliform.
- Tần suất: 03 tháng/lần.
- Tiêu chuẩn so sánh: QCVN 14:2008/BTNMT, cột B - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt.
c) Giám sát chất lượng nước thải khu vực rửa xe tại Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm:
- Vị trí giám sát: 01 mẫu trước xử lý, 01 mẫu sau xử lý và 01 mẫu tại hố ga đấu nối.
- Thông số giám sát: pH, BOD5, COD, TSS, tổng Nitơ, tổng Phốt pho, tổng dầu mỡ khoáng, Coliform.
- Tần suất: 03 tháng/lần.
- Tiêu chuẩn so sánh: QCVN 40:2011/BTNMT, cột B - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp.
d) Giám sát chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại:
+ Vị trí giám sát: tại khu lưu giữ chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại.
+ Thông số giám sát: thành phần, khối lượng.
+ Tần suất giám sát: hàng ngày..
6. Các điều kiện có liên quan đến môi trường:
6.1. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý ô nhiễm bụi, tiếng ồn, rung, khí thải, nước thải và chất thải rắn trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng, đảm bảo đạt các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường theo QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT, QCVN 26:2010/BTNMT, QCVN 27:2010/BTNMT, QCVN 14:2008/BTNMT.
6.2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quản lý và tổ chức thi công phù hợp để hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến chất lượng nước sông, kênh, rạch, hệ sinh thái, hoạt động giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các hoạt động kinh tế dân sinh khác của khu vực diễn ra các hoạt động của Dự án.
6.3. Thực hiện các biện pháp thu gom, vận chuyển và xử lý bùn đất phát sinh trong quá trình thi công, đảm bảo theo đúng quy định tại Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 09/9/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý bùn thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
6.4. Xây dựng tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải; xây dựng 03 hệ thống xử lý nước thải (01 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 12 m3/ngày tại khu Nhà ga Rạch Chiếc, 01 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 30 m3/ngày tại Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm và 01 hệ thống xử lý nước thải rửa xe tại Khu hậu cần kỹ thuật Thủ Thiêm), đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh từ Dự án được thu gom, xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTMT, cột B và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2010/BTMT, cột B trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực; xây dựng hố ga đấu nối nước thải sau xử lý đúng quy định, thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát.
6.5. Bố trí khu vực tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải rắn xây dựng và chất thải nguy hại riêng biệt. Thực hiện phân loại, lưu giữ và hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải rắn phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công xây dựng và giai đoạn vận hành theo đúng quy định hiện hành.
6.6. Giảm thiểu và xử lý khí thải, mùi, tiếng ồn, độ rung phát sinh từ hoạt động của máy phát điện dự phòng và các loại máy móc thiết bị khác trong suốt giai đoạn vận hành của Dự án, đảm bảo đạt các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường theo QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT, QCVN 19:2009/BTNMT, QCVN 26:2010/BTNMT, QCVN 27:2010/BTNMT.
6.7. Thực hiện các biện pháp an toàn lao động, các phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố cháy nổ, sự cố sụt lún, sự cố rò rỉ nguyên nhiên liệu và các sự cố môi trường khác.
6.8. Thực hiện chương trình giám sát môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khác như đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; cập nhật, lưu giữ số liệu giám sát để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra khi cần thiết.
6.9. Lắp đặt biển cảnh báo, biển chỉ dẫn tại khu vực thi công trong thời gian triển khai thi công xây dựng của Dự án theo quy định; thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động xấu và phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết khi xảy ra các thiệt hại từ hoạt động thi công của Dự án.
6.10. Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện Dự án và có các biện pháp thông tin tới cộng đồng dân cư xung quanh về các hoạt động chính của Dự án, các tác động xấu đối với môi trường và cộng đồng cũng như các biện pháp giảm thiểu sẽ được thực hiện; Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện (nếu có phát sinh) theo quy định của pháp luật.
6.11. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
6.12. Thực hiện phục hồi cảnh quan môi trường khu vực dự án; thực hiện các phương án trồng cây xanh bồi hoàn đảm bảo theo các quy định hiện hành.
6.13. Thực hiện chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với đội ngũ cán bộ và công nhân tham gia thi công Dự án.
6.14. Tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ nguồn nước, khai thác, xả nước thải vào nguồn nước và các quy phạm kỹ thuật khác có liên quan trong quá trình thực hiện Dự án nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những rủi ro môi trường.
6.15. Bảo đảm và tự chịu trách nhiệm về thông tin quy mô dự án, các phương án đề xuất giảm thiểu tác động môi trường, kinh phí đề xuất để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, chương trình quan trắc và giám sát môi trường như đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
6.16. Trong quá trình thực hiện nếu dự án có những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường.
File gốc của Quyết định 328/QĐ-STNMT-CCBVMT năm 2020 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” tại Quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ban hàn đang được cập nhật.
Quyết định 328/QĐ-STNMT-CCBVMT năm 2020 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” tại Quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ban hàn
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | |
Số hiệu | 328/QĐ-STNMT-CCBVMT |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | |
Ngày ban hành | 2020-04-20 |
Ngày hiệu lực | 2020-04-20 |
Lĩnh vực | |
Tình trạng | Còn hiệu lực |