BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2011/TT-BCT | Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2011 |
QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐIỀU TRA VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN LỰC
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực;
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực như sau:
Thông tư này quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (sau đây gọi chung là người có thẩm quyền xử phạt) theo quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực (sau đây viết là Nghị định số 68/2010/NĐ-CP).
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Cục Điều tiết điện lực.
2. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
3. Tổ chức, cá nhân bị điều tra, xử phạt vi phạm.
4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc điều tra, xử phạt vi phạm.
Điều 3. Trách nhiệm cung cấp thông tin
1. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc điều tra, xử phạt vi phạm có trách nhiệm hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết, liên quan đến vụ việc vi phạm theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt.
2. Trường hợp không cung cấp được thông tin, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
TIẾP NHẬN VÀ THỤ LÝ VỤ VIỆC VI PHẠM
Điều 4. Nguồn thông tin về vụ việc vi phạm
1. Từ trình báo, thông tin bằng văn bản của tổ chức, cá nhân.
2. Do Kiểm tra viên điện lực hoặc những người có thẩm quyền quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 22 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP chuyển đến.
3. Trong khi tiến hành kiểm tra hoạt động điện lực theo quy định.
4. Do các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến.
Điều 5. Tiếp nhận vụ việc vi phạm
1. Khi tiếp nhận thông tin về vụ việc vi phạm từ các nguồn quy định tại Điều 4 Thông tư này, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm vào Sổ tiếp nhận vụ việc vi phạm để quản lý, theo dõi.
2. Đối với trường hợp tiếp nhận vụ việc theo nguồn trình báo mà người trình báo trình bày trực tiếp thì cán bộ tiếp nhận phải hướng dẫn viết trình báo theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này. Nếu người trình báo không biết chữ thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm mời một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ chứng kiến, ghi lại nội dung trình báo, sau đó đọc lại cho người trình báo nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản trình báo.
3. Nội dung trình báo bao gồm:
a) Ngày, tháng, năm trình báo;
b) Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân trình báo;
c) Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm;
d) Mô tả hành vi có dấu hiệu vi phạm;
đ) Thời gian, địa điểm xảy ra hành vi có dấu hiệu vi phạm;
e) Lý do biết hành vi có dấu hiệu vi phạm.
Mẫu trình báo được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Thụ lý vụ việc vi phạm
1. Vụ việc vi phạm được thụ lý khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc thẩm quyền xử phạt;
b) Còn thời hiệu xử phạt, trừ trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt nhưng phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả;
c) Hành vi có dấu hiệu vi phạm;
d) Đối với vụ việc tiếp nhận từ trình báo, thông tin bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản này phải đáp ứng thêm điều kiện: trình báo, thông tin bằng văn bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người trình báo, cung cấp thông tin; có chữ ký của người đại diện, con dấu của tổ chức trình báo, cung cấp thông tin.
2. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận vụ việc vi phạm, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc thụ lý vụ việc vi phạm cho tổ chức, cá nhân trình báo, cung cấp thông tin, trường hợp không thụ lý thì phải nêu rõ lý do.
Điều 7. Trách nhiệm của cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm
1. Thụ lý và lập hồ sơ vụ việc vi phạm.
2. Điều tra vụ việc theo đúng nội dung Quyết định điều tra vụ việc vi phạm.
3. Giữ bí mật về vụ việc vi phạm.
4. Bảo quản tài liệu, chứng cứ đã được cung cấp.
5. Từ chối thực hiện điều tra vụ việc vi phạm trong trường hợp có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc vi phạm hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm.
6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong quá trình thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm.
Điều 8. Chuyển vụ việc vi phạm
1. Đối với những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực không thuộc thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.
2. Đối với những vụ việc vi phạm đã ra Quyết định xử phạt nhưng sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm huỷ Quyết định xử phạt để chuyển vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Hồ sơ vụ việc vi phạm phải được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày huỷ Quyết định xử phạt.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐIỀU TRA VI PHẠM
Điều 9. Ra Quyết định điều tra vụ việc vi phạm
1. Trường hợp xét thấy vụ việc cần tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra Quyết định điều tra vụ việc vi phạm, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc vi phạm.
2. Nội dung của Quyết định điều tra vụ việc vi phạm gồm:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Căn cứ điều tra;
c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân bị điều tra;
d) Người có trách nhiệm điều tra;
đ) Phạm vi điều tra;
e) Thời hạn điều tra.
Mẫu Quyết định điều tra vụ việc vi phạm được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 10. Điều tra vụ việc vi phạm
1. Việc điều tra vụ việc vi phạm được thực hiện bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:
a) Thu thập chứng cứ, tang vật, phương tiện, tài liệu liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm giải trình;
c) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc vi phạm;
d) Lấy ý kiến chuyên gia.
2. Các biện pháp điều tra quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này được thực hiện thông qua việc gửi văn bản lấy ý kiến hoặc trao đổi trực tiếp. Trường hợp trao đổi trực tiếp, cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm có trách nhiệm:
a) Xuất trình giấy giới thiệu;
b) Ghi biên bản làm việc. Biên bản làm việc phải ghi rõ ràng, cụ thể nội dung làm việc, liệt kê các tài liệu, chứng cứ do tổ chức, cá nhân cung cấp (nếu có) và có chữ ký của người được lấy ý kiến. Trong trường hợp biên bản có nhiều tờ, người được lấy ý kiến phải cùng ký vào từng tờ biên bản. Trường hợp người được lấy ý kiến từ chối ký vào biên bản thì cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm phải ghi rõ lý do vào biên bản.
1. Trong quá trình điều tra vụ việc vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt có quyền yêu cầu trưng cầu giám định chứng cứ, tang vật, phương tiện, tài liệu liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm khi thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân bị điều tra.
2. Quyết định trưng cầu giám định gồm những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Họ, tên người yêu cầu giám định;
c) Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức giám định;
d) Đối tượng cần giám định (tóm tắt sự việc có liên quan đến đối tượng cần giám định, nguồn gốc và đặc điểm của đối tượng giám định);
đ) Nội dung yêu cầu và cần có kết luận giám định;
e) Thời hạn yêu cầu có kết luận giám định.
3. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền yêu cầu giám định bổ sung trong trường hợp phát sinh vấn đề mới liên quan đến kết luận giám định trước đó, nội dung kết luận giám định chưa rõ ràng, đầy đủ hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân bị điều tra.
4. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền yêu cầu giám định lại trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề, nghi ngờ về kết quả giám định hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân bị điều tra.
5. Tổ chức, cá nhân đề nghị trưng cầu giám định phải chịu phí giám định.
Điều 12. Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm
1. Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm tối đa là ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày ký Quyết định điều tra.
2. Đối với những vụ việc xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền gia hạn điều tra, thời gian gia hạn không được quá mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn điều tra.
Điều 13. Báo cáo điều tra vụ việc vi phạm
1. Cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm có trách nhiệm trình người có thẩm quyền xử phạt báo cáo điều tra vụ việc và các tài liệu có liên quan trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc điều tra.
2. Nội dung của báo cáo điều tra bao gồm:
a) Ngày, tháng, năm, địa điểm tiến hành điều tra;
b) Căn cứ pháp lý để điều tra;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân bị điều tra;
d) Người thực hiện điều tra;
đ) Các nội dung điều tra:
- Chỉ rõ hành vi vi phạm, nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm;
- Nêu cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm;
- Nêu rõ các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm.
e) Kiến nghị hình thức và mức độ xử phạt vi phạm.
3. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét các nội dung của báo cáo điều tra và các tài liệu có liên quan để ra kết luận điều tra hoặc Quyết định điều tra bổ sung.
1. Trường hợp cần xác minh, làm rõ thêm một số nội dung đã điều tra hoặc có thêm chứng cứ tài liệu mới có thể làm thay đổi nội dung đã điều tra, người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra Quyết định điều tra bổ sung. Thời hạn điều tra bổ sung không được quá mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định điều tra bổ sung.
2. Cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm có trách nhiệm trình người có thẩm quyền xử phạt báo cáo điều tra bổ sung trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn điều tra bổ sung. Nội dung của báo cáo điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
Điều 15. Dự thảo kết luận điều tra vụ việc vi phạm
1. Sau khi người có thẩm quyền xử phạt thông qua báo cáo điều tra, báo cáo điều tra bổ sung (nếu có), cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc vi phạm có trách nhiệm trình dự thảo kết luận điều tra vụ việc vi phạm trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo được thông qua.
2. Nội dung dự thảo kết luận điều tra gồm:
a) Ngày, tháng, năm, địa điểm ra kết luận điều tra;
b) Căn cứ pháp lý để ra kết luận điều tra;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân bị điều tra;
d) Kết luận về các nội dung đã điều tra: hành vi vi phạm, nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm; các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm;
đ) Hình thức xử lý vi phạm.
Điều 16. Kết luận điều tra vụ việc vi phạm
1. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ký ban hành kết luận điều tra vụ việc vi phạm trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc trình dự thảo kết luận điều tra.
2. Kết luận điều tra vụ việc vi phạm được gửi cho tổ chức, cá nhân bị điều tra trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Điều 17. Tạm đình chỉ điều tra vụ việc vi phạm
1. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ việc vi phạm trong các trường hợp sau:
a) Đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả;
b) Người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm bị mất năng lực hành vi dân sự.
2. Quyết định tạm đình chỉ điều tra phải nêu rõ lý do và thời hạn tạm đình chỉ.
3. Trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra ít nhất năm (05) ngày làm việc trước khi hết thời hạn điều tra.
4. Khi căn cứ tạm đình chỉ điều tra không còn hoặc hết thời hạn tạm đình chỉ điều tra, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ra Quyết định huỷ Quyết định tạm đình chỉ điều tra và khôi phục điều tra vụ việc vi phạm nếu còn thời hiệu xử phạt vi phạm.
5. Quyết định tạm đình chỉ điều tra, Quyết định huỷ Quyết định tạm đình chỉ điều tra và khôi phục điều tra vụ việc vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị điều tra trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Điều 18. Đình chỉ điều tra vụ việc vi phạm
1. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ việc vi phạm trong các trường hợp sau:
a) Hết thời hạn điều tra mà không xác định được hành vi vi phạm;
b) Cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm đã chết hoặc tổ chức thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm đã chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm.
2. Quyết định đình chỉ điều tra vụ việc vi phạm phải ghi rõ lý do đình chỉ và được gửi cho tổ chức, cá nhân bị điều tra trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày ký.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM
Điều 19. Đình chỉ hành vi vi phạm và lập Biên bản vi phạm pháp luật
Khi có đủ căn cứ để kết luận có hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải ra Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm nếu hành vi đó vẫn đang được thực hiện và lập Biên bản vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 23 và Phụ lục 1 của Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.
Điều 20. Ra Quyết định xử phạt vi phạm
1. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ra Quyết định xử phạt vi phạm theo quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 24 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.
2. Thời hạn ra Quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.
Điều 21. Chấp hành Quyết định xử phạt
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm phải chấp hành Quyết định xử phạt trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.
2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.
Điều 22. Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm
1. Thủ tục cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá và thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế khác để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2. Thủ tục cưỡng chế ngừng cung cấp điện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện được thực hiện như sau:
a) Nội dung Quyết định cưỡng chế ngừng cung cấp điện bao gồm:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Căn cứ ra quyết định;
- Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định;
- Họ tên, nơi cư trú của cá nhân hoặc tên, trụ sở của tổ chức bị ngừng cung cấp điện;
- Thời gian ngừng cung cấp điện;
- Địa điểm và phạm vi ngừng cung cấp điện;
- Đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện;
- Chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.
b) Quyết định cưỡng chế được gửi cho tổ chức, cá nhân bị ngừng cung cấp điện, đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện chậm nhất là ba (03) ngày làm việc trước khi tiến hành ngừng cung cấp điện;
c) Đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện có trách nhiệm ngừng cung cấp điện cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế theo đúng thời gian ghi trong Quyết định cưỡng chế và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người ra Quyết định cưỡng chế;
d) Trường hợp trước khi tiến hành cưỡng chế ngừng cung cấp điện, tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế tự nguyện thi hành Quyết định xử phạt, người ra Quyết định cưỡng chế có trách nhiệm lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành và ra quyết định dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế, đồng thời thông báo cho đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện để dừng việc thực hiện ngừng cung cấp điện.
đ) Sau khi tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế đã thi hành xong Quyết định xử phạt hoặc hết thời gian cưỡng chế, người ra Quyết định cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu bằng văn bản đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện cung cấp điện trở lại cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế. Đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người ra Quyết định cưỡng chế.
Điều 23. Hồ sơ vụ việc vi phạm
1. Hồ sơ vụ việc vi phạm bao gồm:
a) Trình báo, thông tin bằng văn bản của tổ chức, cá nhân hoặc Quyết định chuyển vụ việc vi phạm;
b) Biên bản kiểm tra, Biên bản vi phạm hoặc Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm (nếu có);
c) Văn bản giải trình của tổ chức, cá nhân bị điều tra (nếu có);
d) Kết luận điều tra;
đ) Các quyết định của người có thẩm quyền xử phạt trong quá trình điều tra, xử phạt vi phạm;
e) Các tài liệu có liên quan (nếu có).
2. Hồ sơ vụ việc vi phạm phải được lập ngay sau khi tiếp nhận vụ việc và hoàn thiện sau khi kết thúc việc điều tra, xử phạt vi phạm; được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 24. Khiếu nại các quyết định trong quá trình điều tra, xử phạt vi phạm
Việc khiếu nại các quyết định trong quá trình điều tra, xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 9 năm 2011.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phản ánh về Bộ Công Thương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2011/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------------
..................., ngày........tháng........năm...............
TRÌNH BÁO
VỀ HÀNH VI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM
Kính gửi:..........................................................................................................
Tên người (hoặc tổ chức) trình báo:...........................................................................
....................................................................................................................................
Địa chỉ của người (hoặc tổ chức) trình báo: ..............................................................
....................................................................................................................................
Nội dung trình báo về việc phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về điện lực:
Tên người (hoặc tổ chức) thực hiện hành vi: ............................................................
...................................................................................................................................
Địa chỉ của người (hoặc tổ chức) thực hiện hành vi ..................................................
....................................................................................................................................
Hành vi có dấu hiệu vi phạm: .....................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Thời gian xảy ra hành vi:.............................................................................................
Địa điểm xảy ra hành vi:.............................................................................................
....................................................................................................................................
...................................................................................................................................
Lý do phát hiện hành vi: ............................................................................................
...................................................................................................................................
Tôi xin cam đoan nội dung trình báo trên đây là đúng sự thật.
| Người trình báo (ký hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ tên) |
MẪU QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU TRA VỤ VIỆC VI PHẠM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2011/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực)
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ- Đơn vị | Hà Nội, ngày........tháng........năm............... |
QUYẾT ĐỊNH
Điều tra vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực
Căn cứ Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực;
Căn cứ Thông tư số ....../2011/TT-BCT ngày tháng năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực;
Theo đề nghị của (trưởng đơn vị)...............................................................................,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều tra vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực đối với:
Ông (bà)/tổ chức: ....................................................................................................(2);
Nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động: ................................................................................;
Địa chỉ: .........................................................................................................................;
Giấy chứng minh nhân dân số/Quyết định thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động điện lực (nếu có) số: ................................................., Cấp ngày............................................. tại ....................................................................
Điều 2. Ông/bà .................................................. (3) chức vụ............................................ có trách nhiệm thực hiện điều tra, xác minh hành vi có dấu hiệu vi phạm do ông (bà)/tổ chức có tên trong Điều 1 thực hiện.
1. Phạm vi điều tra: ..................................................................................................
2. Thời hạn điều tra: .................................................................................................
| LÃNH ĐẠO (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu) |
----------------------------------------------------------------
(1) Cục Điều tiết điện lực hoặc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
(2) Họ tên cá nhân hoặc tên tổ chức bị điều tra.
(3) Họ tên cán bộ thực hiện điều tra, xác minh
File gốc của Thông tư 27/2011/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực do Bộ Công thương ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 27/2011/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực do Bộ Công thương ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Số hiệu | 27/2011/TT-BCT |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Hoàng Quốc Vượng |
Ngày ban hành | 2011-07-19 |
Ngày hiệu lực | 2011-09-03 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |