Nghị định 29/2018/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Điều 18. Trình tự, thủ tục lập và trình phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
...
2. Nội dung chủ yếu của phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm:
a) Thông tin về tài sản: Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản hoặc quyết định tịch thu tài sản (số, ngày, tháng, năm, cơ quan ban hành), chủng loại, số lượng, chất lượng tài sản, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, nước sản xuất...
b) Giá trị tài sản (nếu có).
Riêng đối với tài sản xử lý theo hình thức giao hoặc Điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng thì đơn vị lập phương án xử lý tài sản phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản ghi vào phương án. Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng của đơn vị lập phương án và đại diện: Cơ quan tài chính (nơi có tài sản), cơ quan tiếp nhận (nếu có), cơ quan chuyên môn có liên quan.
c) Hình thức xử lý phù hợp với từng loại tài sản:
- Giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành đối với tài sản quy định tại Khoản 2 Điều 108 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Giao hoặc Điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Việc giao hoặc Điều chuyển tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật và chỉ áp dụng đối với: Nhà, đất. xe ô tô. xe mô tô, xe gắn máy, máy móc, thiết bị và các tài sản khác có tỷ lệ chất lượng còn lại từ 50% trở lên.
- Giao cho doanh nghiệp theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
- Bán (đấu giá, bán chỉ định, niêm yết giá) theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan. Riêng đối với tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng (thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản, hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày, động vật rừng hoang dã đã chết nhưng không thuộc đối tượng phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật...). tài sản là hàng hóa cồng kềnh, có trọng lượng lớn được chuyên chở trên các phương tiện giao thông đường thủy, đường biển mà việc bốc dỡ tốn kém, chi phí lớn. tài sản là vật tư, hàng hóa cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất mà chi có một tổ chức kinh tế có chức năng tái xuất đối với vật tư, hàng hóa đó, thì được bán chỉ định hoặc niêm yết giá.
- Tiêu hủy đối với tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng nhưng không thể xử lý theo hình thức bán. tài sản không còn khả năng sử dụng hoặc tài sản thuộc danh Mục cấm sản xuất, kinh doanh và lưu thông theo quy định của pháp luật gồm: Văn hóa phẩm độc hại, ma túy, hàng giả, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, động vật hoang dã đã chết và các tài sản khác buộc phải tiêu hủy. Trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản báo cáo Bộ Tài chính hoặc báo cáo cơ quan cấp trên (nếu có) để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định xử lý.
- Nộp vào ngân sách nhà nước đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ. nộp vào Kho bạc nhà nước đối với vàng, bạc, đá quý, kim loại quý. Đối với giấy tờ có giá có khả năng chuyển đổi thành tiền thì thực hiện thủ tục chuyển đổi thành tiền mặt nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định, trường hợp không đủ Điều kiện chuyển đổi thành tiền thì thực hiện thủ tục gửi Kho bạc nhà nước để lưu giữ, bảo quản.
- Xử lý khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
d) Cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp xử lý. Trong đó, cơ quan chủ trì xử lý tài sản là đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại Điều 5 Nghị định này.
đ) Thời hạn xử lý.
e) Chi phí xử lý.
g) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản.
h) Các nội dung khác (nếu có).