TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2954/TCHQ-PC | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2004 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Ngày 17/6/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2004/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Để bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị định cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính được thống nhất trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan đã dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định, các mẫu ấn chỉ và Quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Các dự thảo này đã được chỉnh lý sơ bộ trên cơ sở ý kiến đóng góp của một số Cục Hải quan địa phương và một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, Tổng cục.
Để có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn chỉnh lý các văn bản nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tham gia ý kiến vào dự thảo (gửi kèm). Để có cơ sở tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính, ngoài các nội dung cụ thể nêu trong dự thảo, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị lưu ý, tham gia vào một số nội dung chủ yếu sau:
I/ VỀ DỰ THẢO THÔNG TƯ
1. Việc tính toán sai về số học trên tờ khai hải quan có bị xử phạt hay không?
Vấn đề này hiện tại còn có 2 loại ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất - cần phải xử phạt; bởi: theo quy định hiện hành thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm về tính chính xác trong khai báo.
Hơn nữa, tại Khoản 1a Điều 8 Nghị định 100/2004/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi “kê khai không chính xác về số học trên tờ khai thuế” với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đ đến 100.000 đ.
- Loại ý kiến thứ 2 - không xử phạt vì: trong thực tiễn hoạt động hải quan, việc nhầm lẫn trong việc tính toán số học diễn ra tương đối nhiều. Khi khai hải quan, người khai phải kê chi Tiết nhiều mặt hàng với những mã số và số liệu khác nhau. Việc tính toán rất dễ xảy ra nhầm lẫn. Nếu xử phạt thì gây ảnh hưởng đến thời gian và yêu cầu thông quan nhanh hàng hoá, gây bức xúc cho chủ hàng...
2. Những trường hợp khai hải quan sai mã số hàng hoá thì xác định trường hợp nào không xử phạt?
Có ý kiến cho rằng nên hướng dẫn không xử phạt đối với trường hợp: “khai báo đúng hàng hoá, vật phẩm thực xuất khẩu, thực nhập khẩu nhưng áp sai mã số hàng hoá do lần đầu nhập khẩu mặt hàng đó”. Tuy nhiên, việc xác định “áp mã số lần đầu” hiện có khó khăn do chưa quản lý theo dõi được để có cơ sở cho việc quyết định không xử phạt.
Cũng có ý kiến cho rằng nên hướng dẫn không xử phạt đối với tất cả các trường hợp: do dịch sai tên hàng, do mặt hàng phức tạp, phải giám định để xác định thành phần, công dụng, tên gọi v.v... mới áp được mã số hàng hoá.
3. Những trường hợp nhầm lẫn quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định (thuộc diện không bị xử phạt vi phạm hành chính) có cần thiết phân làm 2 trường hợp để xác định theo hướng:
- Đối với trường hợp chưa mở tờ khai thì chấp nhận nhầm lẫn đối với cả trường hợp hàng cấm hoặc xuất nhập khẩu có Điều kiện;
- Đối với trường hợp đã mở tờ khai (nhưng chưa kiểm tra thực tế hàng hoá) thì chỉ chấp nhận nhầm lẫn đối với trường hợp hàng không thuộc diện hàng cấm hoặc xuất nhập khẩu có Điều kiện.
4. Vi phạm khi nhập khẩu quà biếu gửi theo đường bưu phẩm, bưu kiện hay chuyển phát nhanh do cơ quan bưu điện thay mặt chủ hàng làm thủ tục thì có xử phạt hay không? Việc xác định chủ thể vi phạm trong trường hợp này trên thực tế dựa trên những cơ sở nào?
5. Việc giải quyết trong trường hợp hàng hoá nhập khẩu đúng khai hải quan nhưng người nhận hàng từ chối nhận có cần thiết phải được hướng dẫn trong thông tư này hay mặc nhiên được chấp nhận theo các chế định pháp luật khác Điều chỉnh.
6. Hiện tại nhiều hành vi vi phạm các quy định pháp luật hải quan trùng với khái niệm hành vi trốn thuế được đề cập tại Nghị định 100/2004/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, nhưng mức phạt và tính chất của hành vi có khác nhau. Thực tiễn trong quá trình thực hiện việc xử phạt thì cơ sở để xác định khi nào có hành vi khai man, trốn thuế và bị xử phạt theo các luật thuế; khi nào xử phạt theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan?
7. Các vụ việc khó xác định được là vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự thì giải quyết như thế nào?
8. Đối với những vụ vi phạm do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Hải quan địa phương kiểm tra, phát hiện, lập biên bản thì xác định thẩm quyền xử phạt thuộc đơn vị nào? (Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện việc xử phạt hay Cục Hải quan địa phương đó xử phạt?)
9. Vụ việc do Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện thì chuyển cho Cục Hải quan địa phương hay chuyển cho Cục Điều tra chống buôn lậu xử lý? Nếu chuyển cho địa phương, thì trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều địa phương sẽ chuyển cho địa phương nào?
10. Về thẩm quyền xử phạt theo các Luật thuế. Hiện tại các quy định của Pháp luật về vấn đề này còn chưa cụ thể và chưa thống nhất.
Dự thảo Thông tư có nên hướng dẫn: Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố được quyền xử phạt theo quy định của các Luật Thuế không hạn chế bởi số tiền phạt theo mức được quy định thẩm quyền xử phạt nêu trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 138/2004/NĐ-CP (đối với các hành vi khai man, trốn thuế) hay không?
II/ VỀ CÁC MẪU ẤN CHỈ
Hiện có 2 phương án đề xuất về việc in ấn, cấp phát ấn chỉ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:
- Phương án 1: Các mẫu ấn chỉ về xử phạt vi phạm hành chính do Tổng cục in ấn, cấp phát toàn bộ.
- Phương án 2: Tổng cục chỉ ban hành mẫu, trên cơ sở đó các Cục Hải quan địa phương tự in từ máy vi tính để sử dụng. Riêng mẫu “Biên bản vi phạm hành chính” Tổng cục vẫn in và cấp phát.
III/ VỀ DỰ THẢO QUY TRÌNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
- Có nên duy trì “Hội đồng tư vấn xử lý”?
- Các vụ việc vượt thẩm quyền xử phạt của Cục Hải quan tỉnh, thành phố có cần thiết phải báo cáo, xin ý kiến Tổng cục Hải quan trước khi chuyển hồ sơ cho Chủ tịch UBND hay không?
Để đảm bảo việc lấy ý kiến được toàn diện, có chất lượng, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức lấy ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan ở đơn vị mình, sau đó lựa chọn và tổng hợp lại. Ý kiến tham gia đề nghị phát biểu, thảo luận trực tiếp tại Hội nghị triển khai Nghị định quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do Tổng cục Hải quan tổ chức (ở phía Bắc vào ngày 19 - 20/7/2004, phía Nam vào ngày 22 - 23/7/2004) và sau đó chuyển về Tổng cục Hải quan (Vụ Pháp chế) bằng văn bản để tổng hợp, chỉnh lý trình Bộ ký ban hành./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
File gốc của Công văn số 2954/TCHQ-PC ngày 28/06/2004 của Tổng cục Hải quan về việc tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản đang được cập nhật.
Công văn số 2954/TCHQ-PC ngày 28/06/2004 của Tổng cục Hải quan về việc tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 2954/TCHQ-PC |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Ngọc Túc |
Ngày ban hành | 2004-06-28 |
Ngày hiệu lực | 2004-06-28 |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
Tình trạng | Còn hiệu lực |