BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2017/TCT-CS | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2008 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Kon tum.
Trả lời công văn số 2026/CT-TTr ngày 01/10/2007 của Cục Thuế tỉnh Kon tum về vướng mắc trong xử lý vi phạm pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Trường hợp người nộp thuế không nộp tờ khai tự quyết toán thuế TNDN năm 2006 hoặc nộp sau 90 ngày so với thời gian quy định thì xử lý như sau:
* Trước thời hạn Luật quản lý thuế có hiệu lực thì việc xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cụ thể:
- Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định thì bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, kê khai thuế, lập, nộp quyết toán thuế quy định tại Điều 8 Nghị định số 100/2004/NĐ-CP.
- Trường hợp không kê khai thuế thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 100/2004/NĐ-CP.
* Từ thời điểm Luật quản lý thuế có hiệu lực thì xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Luật quản lý thuế, cụ thể:
- Trường hợp không nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế tiến hành ấn định số thuế phải nộp theo quy định của Luật quản lý thuế và xử phạt về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan thuế tiến hành thanh tra thuế tại doanh nghiệp, sau khi có kết luận thanh tra thì cơ quan thuế ra quyết định xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra.
- Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Căn cứ tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP quy định:
“Số tiền thuế trốn theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này là số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế không nộp do thực hiện một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế, bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế.
Các hành vi vi phạm quy định tại Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số thuế miễn, giảm thì chỉ bị xử phạt về hành vi phạm về thủ tục thuế.”. Theo đó:
+ Số thuế trên hồ sơ khai thuế được cơ quan thuế chấp nhận thì bị xử phạt về hành vi chậm nộp tiền thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP.
+ Số thuế trên hồ sơ khai thuế không được cơ quan thuế chấp nhận thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP.
+ Cơ quan thuế kiểm tra thấy hồ sơ khai thuế không phát sinh số thuế phải nộp và việc kê khai của doanh nghiệp phù hợp với thực tế kinh doanh thì áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP để xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế với mức phạt cao nhất quy định tại Điều 9 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Kon Tum được biết, trong quá trình thực hiện nếu còn phát sinh những vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tổng cục Thuế để được hướng dẫn tiếp./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
File gốc của Công văn số 2017/TCT-CS về việc xử lý vướng mắc trong xử lý vi phạm pháp luật về thuế do Tổng cục Thuế ban hành đang được cập nhật.
Công văn số 2017/TCT-CS về việc xử lý vướng mắc trong xử lý vi phạm pháp luật về thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 2017/TCT-CS |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phạm Duy Khương |
Ngày ban hành | 2008-05-26 |
Ngày hiệu lực | 2008-05-26 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Còn hiệu lực |