BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2575/TCT-CS | Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2011 |
Kính gửi: | - Công ty TNHH Nagase Việt Nam; |
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 7.3/2011 ngày 07/03/2011 của Công ty TNHH Nagase Việt Nam, công văn số 03/2011 ngày 31/03/2011 của Công ty TNHH Elematec Việt Nam và công văn số 001/11_07 CNHN ngày 11/07/2011 của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Gia Kim tại Hà Nội (sau đây gọi chung là Công ty) nêu vướng mắc về thuế GTGT đối với trường hợp Công ty mua hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan, sau đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp chế xuất tại kho ngoại quan.
Về vấn đề này, sau khi có ý kiến của Vụ Chính sách Thuế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Tổng cục Hải quan và báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Khoản 4, Điều 23 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan gồm có: "Chuyển quyền sở hữu hàng hoá."
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa ra kho ngoại quan để nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như sau: "Hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được chuyển quyền sở hữu, hàng hoá gửi kho ngoại quan được Cục Hải quan thanh lý, nếu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá nhập khẩu khác theo quy định;"
Tại Khoản 6, Điều 55 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 và Khoản 6, Điều 55 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển quyền sở hữu trong kho ngoại quan như sau:
"a) Việc chuyển quyền sở hữu hàng hoá gửi kho ngoại quan do chủ hàng hoá thực hiện khi có hành vi mua bán hàng hoá theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại.
b) Sau khi đã chuyển quyền sở hữu hàng hoá, chủ hàng hoá (chủ cũ) hoặc chủ kho ngoại quan (nếu được uỷ quyền) nộp cho Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan nhũng chứng từ sau:
b.1) Văn bản thông báo về việc chuyển quyền sở hữu hàng hoá đang gửi kho ngoại quan từ chủ hàng cũ sang chủ hàng mới (thông báo phải có các nội dung chủ yếu: tên, địa chỉ người chuyển quyền sở hữu hàng hoá; tên, địa chỉ người nhận quyền sở hữu hàng hoá tên, lượng hàng hoá chuyển quyền sở hữu; số, ngày, tháng, năm tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan; ngày, tháng, năm chuyển quyền sở hữu) ;
b.2) Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa chủ hàng mới và chủ hàng cũ của lô hàng gửi kho ngoại quan;
b.3) Hợp đồng thuê kho ngoại quan của chủ hàng mới."
Tại Khoản 9 Điều 20 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ kho ngoại quan vào Việt Nam như sau:
"Trị giá tính thuế được xác định theo nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này."
Tại Điều 13 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp trị giá giao dịch như sau:
"Trị giá tính thuế của hàng hoá nhập khẩu trước hết phải được xác định theo trị giá giao dịch.
Trị giá giao dịch là giá mà người mua thực.tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán để mua hàng hoá nhập khẩu, sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán được xác định bằng tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hoá nhập khẩu."
Tại Điểm 20, Mục II Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
"... Hàng hoá, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hoá giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế GTGT trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu."
Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp Công ty mua hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp khác thì thực hiện như sau:
1. Trường hợp Công ty mua hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào nội địa và nộp thuế' GTGT ở khâu nhập khẩu, sau đó mới xuất bán hàng hóa cho doanh nghiệp khác trong thị trường nội địa thì về nguyên tắc người bán và người mua được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng quy định tại Điểm 1, Mục III, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính.
2. Trường hợp Công ty đặt mua hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam để gửi vào kho ngoại quan, sau đó chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan cho người mua tại Việt Nam:
(i) Trường hợp người mua là doanh nghiệp Việt Nam (không phải doanh nghiệp trong khu phi thuế quan) và người mua làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào nội địa thì trường hợp này được xác định là quan hệ mua bán hàng hóa trong khu phi thuế quan (trong kho ngoại quan) và hàng hóa mua bán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
(ii) Trường hợp người mua là doanh nghiệp trong khu phi thuế quan (doanh nghiệp thuộc các khu theo quy định tại Điểm 20 Mục II Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính) và người mua làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa thì trường hợp này là quan hệ mua bán hàng hóa giữa các khu phi thuế quan với nhau (từ kho ngoại quan vào khu phi thuế quan) và hàng hóa mua bán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thủ tục hải quan, nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu, trị giá tính thuế, sử dụng hóa đơn và kê khai khấu trừ thuế ở cả hai trường hợp trên như sau:
- Người mua là doanh nghiệp tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu phi thuế quan) làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào nội địa hoặc vào khu phi thuế quan, nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Trường hợp người mua là doanh nghiệp Việt Nam không phải doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người mua thực hiện nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu và được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.
Trường hợp người mua là doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người mua không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hàng hóa vào khu phi thuế quan.
- Về trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu: Trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu được xác định theo giá thực tế mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho Công ty để mua hàng hóa nhập khẩu.
- Về giá tính thuế GTGT: Trên cơ sở trị giá tính thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu để xác định giá tính thuế GTGT theo quy định.
- Về việc sử dụng hóa đơn: Công ty sử dụng hóa đơn GTGT khi chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua, theo giá không có thuế GTGT. Trên hóa đơn ghi hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi và.gạch bỏ. Công ty không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào phát sinh liên quan đến hoạt động bán hàng.
Tổng cục Thuế hướng dẫn để cục đơn vị biết và đề nghị liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực để được hướng dẫn cụ thể./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 2575/TCT-CS về thuế giá trị gia tăng hàng hóa mua bán trong kho ngoại quan do Tổng cục Thuế ban hành đang được cập nhật.
Công văn 2575/TCT-CS về thuế giá trị gia tăng hàng hóa mua bán trong kho ngoại quan do Tổng cục Thuế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 2575/TCT-CS |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Cao Anh Tuấn |
Ngày ban hành | 2011-07-26 |
Ngày hiệu lực | 2011-07-26 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Còn hiệu lực |