THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ ******** |
Số: 147-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 1958 |
CHỈ THỈ
VỀ CHỦ TRƯƠNG CÔNG TÁC THUẾ NÔNG NGHIỆP NĂM 1958 Ở VÙNG ĐÃ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT.
Công tác thế nông nghiệp năm 1957 nói chung đã kết thúc.
Kết quả không được như dự kiến:
1. Mức thuế bị hụt
2. Thu không kịp thời vụ, bị kéo dài, không đủ số ghi thu.
Nguyên nhân có nhiều: do yêu cầu công tác đặt cao, thời gian thì gấp; dự kiến về diện tích, nhân khẩu nông nghiệp có chỗ chưa sát; công tác ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; phần quan trọng vẫn là do công tác điều chỉnh diện tích, sản lượng ở nhiều nơi làm kém, chưa đạt yêu cầu.
Về mặt lãnh đạo, nói chung, các khu, tỉnh đã chú ý: nhưng, nhiều địa phương còn thiếu kiên quyết đối với những xã hoặc cán bộ không chấp hành chỉ thị, nghị quyết một cách nghiêm chỉnh, đối với những trường hợp cố tình dây dưa thuế v.v…
Trong dịp tổng kết công tác sắp tới, các địa phương cần đánh giá đúng thành tích và khó khăn, nhận rõ khuyết điểm; trên cơ sở đó mà định phương hướng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế nông nghiệp năm 1958.
Để đảm bảo thu thuế gọn, đúng thời vụ, đủ mức, đủ số ghi thu;
Để ổn định cơ sở tính thuế, tạo điều kiện đưa dần dần công tác thuế nông nghiệp vào nền nếp và góp phần ổn định nông thôn;
Để củng cố mối liên hệ giữa Nhà nước và nông dân, nâng cao ý thức đóng góp cho nông dân;
Năm nay, các địa phương cần tiếp tục đặt vấn đề lãnh đạo công tác thuế nông nghiệp thành một vấn đề quan trọng, bắt tay ngay từ bây giờ vào việc làm thuế nông nghiệp theo các chủ trương sau đây:
1) Điều chỉnh diện tích, sản lượng, lập sổ thuế năm 1958:
Việc điều chỉnh diện tích, sản lượng cần làm gọn, với yêu cầu tương đối hợp lý, để kịp làm xong sổ thuế trước gặt mùa.
Cụ thể:
Về diện tích: không đặt vấn đề điều chỉnh lại toàn bộ. Yêu cầu chính là không để sót thửa; còn về diện tích từng thửa thi, nói chung, dựa vào cơ sở đã đạt trong năm 1957. Do đó, cần chú ý nhiều đến những nơi mà năm ngoái làm kém, những nơi có nhiều ruộng đất phục hồi đến hạn chịu thuế, có nhiều công điền, vùng đai trắng cũ, vùng bãi ven sông, vùng có nhiều ruộng đất của đồng bào đi Nam, v.v…
Về sản lượng, ở những nơi năm ngoái đã điều chỉnh được tốt thì soát lại một lần nữa để tính thuế năm 1958; ở những nơi mà năm ngoái chưa điều chỉnh hoặc đã điều chỉnh nhưng chưa tốt thì điều chỉnh lại.
Về việc ổn định sản lượng thì, chờ lập sổ thuế năm 1958 xong sẽ nghiên cứu. Nhưng, về mặt chỉ đạo, cần làm cho các cấp nhận rõ sự cần thiết phải cố gắng điều chỉnh sản lượng trong năm nay cho tốt.
Các địa phương căn cứ hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình mà tập trung lãnh đạo hoặc vào việc soát lại diện tích, hoặc vào việc điều chỉnh sản lượng, để đạt mức thuế và để làm gọn.
Sổ thuế năm 1958, chậm nhất, phải làm xong trước gặt mùa.
2) Việc cấp giấy chứng nhận ruộng đất cũng cần làm gấp. Nhưng, vì diện tích đến nay chưa nắm được chính xác, nên chưa thể căn cứ vào đó mà cấp. Việc cấp giấy chứng nhận sẽ tiến hành sau khi các địa phương đã tu chỉnh lại các bản đồ địa chính cũ, đo đạc lại ở những nơi cần thiết, lập lại sổ địa bạ. Công tác này sẽ bắt đầu từ trong năm nay và Chính phủ sẽ có chỉ thị riêng.
Song song với việc soát lại diện tích, các địa phương có thể phổ biến chủ trương này để nông dân yên tâm và để khuyến khích nông dân tích cực giúp vào việc soát lại diện tích tính thuế năm nay.
3) Thu thuế nông nghiệp vụ hạ:
Vì phải tiếp tục giải quyết vấn đề về diện tích, sản lượng nên vụ hạ năm nay, nói chung, vẫn phải tạm thu.
Song, từng địa phương, nhất là vùng đồng chiêm, nếu có khả năng lãnh đạo và do khu cân nhắc quyết định, có thể cho lập số thuế đầu năm để tránh được tạm thu thì tốt.
Đi đôi với việc chuẩn bị tạm thu, cần kiên quyết thanh toán hết số thuế thu thừa của dân, đồng thời kiên quyết tận thu số thuế thiếu và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố trình dây dưa thuế.
Các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương và địa phương cần có biện pháp nhằm giải quyết vấn đề thuế thiếu một cách tích cực, nhằm thông qua giải quyết vấn đề này, giáo dục nhân dân về nghĩa vụ đóng thuế, đề cao pháp luật của Nhà nước.
1) Để thực hiện các yêu cầu và chủ trương công tác thuế nông nghiệp trên đây, các cấp lãnh đạo ở địa phương cần hết sức coi trọng việc giáo dục nâng cao ý thức về nghĩa vụ đóng góp cho nông dân.
Việc giáo dục này không thể tách rời việc giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho nông dân.
2) Cần củng cố Ban thuế nông nghiệp xã. Chú ý động viên, khuyến khích cán bộ thuế nông nghiệp xã về mặt tinh thần, chiếu cố thích đáng về mặt vật chất và khen thưởng kịp thời. Trong khi chờ đợi Chính phủ có quy định chung về chính sách đối với cán bộ xã, đối với cán bộ chuyên trách thuế nông nghiệp tạm thời hoãn dân công và có phụ cấp trong thời gian làm thuế.
3) Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc xây dựng lại ngành Địa chính, ngay từ bây giờ, các khu và tỉnh cần lập danh sách những cán bộ đã làm công tác địa chính hiện công tác ở các ngành thuộc địa phương mình; Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ lập danh sách những cán bộ thuộc các cơ quan trung ương.
Chỉ thị này là chỉ thị về chủ trương công tác thuế nông nghiệp ở vùng đã cải cách ruộng đất.
Về chủ trương công tác thuế nông nghiệp ở miền núi, Bộ Tài chính sẽ chỉ thị sau.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Chỉ thị 147-TTg về chủ trương công tác thuế nông nghiệp năm 1958 ở vùng đã cải cách ruộng đất do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 147-TTg về chủ trương công tác thuế nông nghiệp năm 1958 ở vùng đã cải cách ruộng đất do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 147-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phạm Văn Đông |
Ngày ban hành | 1958-03-17 |
Ngày hiệu lực | 1958-04-01 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Đã hủy |