BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1560/BTC-TCT | Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 2011 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ Tài chính nhận được công văn của một số đơn vị hỏi về phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh hình thành trong phần giá trị doanh nghiệp do đánh giá lại khi cổ phần hoá. Về vấn đề này, Bộ Tài chính hướng dẫn căn cứ áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như sau:
Tại điểm 2.13 Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định: trường hợp chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định: chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh... được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 3 năm".
Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định: chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động".
Tại khoản 8 Điều 9 Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính quy định các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) thì phần chênh lệch tăng của vốn nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ sách kế toán: không được ghi nhận là TSCĐ vô hình và được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thời gian không quá 10 năm. Thời điểm bắt đầu phân bổ vào chi phí là thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)".
Tại điểm 1 Phần A Mục III Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ quy định xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản: "Phương pháp tài sản là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá giá trị thực tế toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp".
Tại điểm 1, điểm 2 và điểm 6 Phần B Mục III Thông tư số 146/2007/TT-BTC nêu trên quy định xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu: "1. Phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai"; "2. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, tư vấn, thiết kế xây dựng, tin học và chuyển giao công nghệ, có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 5 năm liền kề trước khi cổ phần hoá cao hơn lãi suất của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp"; "6. Chênh lệch tăng của vốn nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ kế toán được hạch toán như một khoản lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, được ghi nhận là tài sản và được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh không quá 10 năm kể từ thời điểm chính thức chuyển đổi sang công ty cổ phần".
Căn cứ các quy định về thuế TNDN hiện hành tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính; chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ hiện hành tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính và quy định về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, theo đó Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
+ Trường hợp Doanh nghiệp bỏ ra các khoản chi phí nếu có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định để có lợi thế kinh doanh thì giá trị lợi thế kinh doanh được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 3 năm. Đối với trường hợp doanh nghiệp tự xác định giá trị lợi thế kinh doanh thì không được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh (theo quy định hiện hành tại TT 130/2008/TT-BTC).
+ Khoản chênh lệch tăng của vốn nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ kế toán do đánh giá lại khi cổ phần hoá thực hiện theo phương pháp dòng tiền chiết khấu áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, tư vấn, thiết kế xây dựng, tin học và chuyển giao công nghệ được hạch toán như một khoản lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp và được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thời gian không quá 10 năm theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính. Thời điểm bắt đầu phân bổ vào chi phí là thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần (có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty Cổ phần).
+ Giá trị lợi thế kinh doanh nằm trong phần giá trị doanh nghiệp do đánh giá lại khi cổ phần hoá nếu doanh nghiệp thực hiện theo phương pháp tài sản (trừ những doanh nghiệp được định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu) theo quy định hiện hành thì giá trị lợi thế kinh doanh chưa được phân bổ dần vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đề nghị Cục Thuế nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật từng thời kỳ tương ứng để hướng dẫn đơn vị thực hiện theo quy định./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 1560/BTC-TCT về phân bổ giá lợi thế kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Công văn 1560/BTC-TCT về phân bổ giá lợi thế kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 1560/BTC-TCT |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành | 2011-01-29 |
Ngày hiệu lực | 2011-01-29 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Còn hiệu lực |