Thông tư 120/2003/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 158/2003/NĐ-CP thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi do Bộ Tài chính ban hành
B. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ
Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất.
...
III. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Thuế giá trị gia tăng cơ sở kinh doanh phải nộp được tính theo một trong hai phương pháp: phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ thì cơ sở phải hạch toán riêng hoạt động kinh doanh này để tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Đối tượng áp dụng và việc xác định thuế phải nộp theo từng phương pháp như sau:
1. Phương pháp khấu trừ thuế:
...
1.2. Xác định thuế giá trị gia tăng phải nộp:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Thuế giá trị gia tăng đầu ra - Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
...
c) Xác định thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ:
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ là thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.
- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng thì chỉ được khấu trừ số thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ được tính vào chi phí của hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối với tài sản cố định mua vào sử dụng riêng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế thì thuế giá trị gia tăng của tài sản cố định được tính vào nguyên giá của tài sản cố định.
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ sử dụng chung cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng cơ sở không hạch toán riêng được thuế đầu vào được khấu trừ, thì thuế đầu vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A sử dụng điện trong tháng là 5.000 KWh, trong đó dùng cho sản xuất xi măng là 4.000 KWh, dùng cho khu tập thể cán bộ, công nhân viên là 1.000 KWh (cơ sở hạch toán riêng được số điện dùng cho cán bộ, công nhân viên) thì cơ sở chỉ được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của điện dùng cho sản xuất xi măng, cụ thể như sau:
Thuế giá trị gia tăng đầu vào của điện được khấu trừ trong tháng là:
4.000 KWh x 700 đ/KWh x 10% = 280.000 đồng
Nếu hàng hoá, dịch vụ mua vào không sử dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thì thuế giá trị gia tăng đầu vào được tính vào chi phí của hoạt động đó.
Ví dụ 2: Trong kỳ tính thuế ở một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đạn súng để cung cấp cho Quốc phòng (mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng) và pháo hoa (mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng) có chi phí mua một số loại nguyên vật liệu, nhiên liệu dùng chung cho sản xuất hai loại sản phẩm này nhưng không hạch toán được riêng dùng cho sản xuất từng loại sản phẩm là bao nhiêu thì thuế đầu vào của các vật tư này được tính khấu trừ như sau:
Tổng giá trị vật tư mua vào là 2.500 triệu đồng (giá không có thuế giá trị gia tăng).
Thuế giá trị gia tăng đầu vào tổng hợp theo hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào là 250 triệu đồng, trong đó loại vật tư sử dụng chung không hạch toán riêng được là 500 triệu đồng (chưa có thuế giá trị gia tăng), thuế giá trị gia tăng là 50 triệu đồng.
Doanh số bán chưa có thuế giá trị gia tăng hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng là 800 triệu đồng.
Doanh số bán của hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng là 3.200 triệu đồng.
Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ của vật tư sử dụng chung được tính khấu trừ như sau:
Xác định tỷ lệ doanh số hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh số hàng bán ra:
800 triệu đồng/4.000 triệu đồng = 20 %
Thuế đầu vào được khấu trừ tương ứng với tỷ lệ (%) này là:
50 triệu đồng x 20 % = 10 triệu đồng
- Đối với cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp xuất khẩu sản phẩm do mình trực tiếp nuôi, trồng, đánh bắt khai thác, thì chỉ được khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng trực tiếp cho giai đoạn khai thác sau giai đoạn xây dựng cơ bản. thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho giai đoạn xây dựng cơ bản cơ sở sản xuất không được tính khấu trừ, phải tính vào nguyên giá. Trường hợp cơ sở vừa bán sản phẩm trong nước vừa xuất khẩu sản phẩm, cơ sở phải phân bổ thuế đầu vào theo quy định trên.
- Hàng hoá mua vào bị tổn thất do thiên tai, hoả hoạn, bị mất, xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường thì thuế giá trị gia tăng đầu vào của số hàng hoá này được tính vào giá trị hàng hoá tổn thất phải bồi thường, không được tính vào số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ khi kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp.
- Thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ được khấu trừ phát sinh trong tháng nào được kê khai khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho. Trường hợp hoá đơn giá trị gia tăng hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào phát sinh trong tháng nhưng chưa kê khai kịp trong tháng thì được kê khai khấu trừ vào các tháng tiếp sau, thời gian tối đa là 03 tháng kể từ thời điểm kê khai của tháng phát sinh.
Văn phòng Tổng công ty không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như: Bệnh viện, Trạm xá, Nhà nghỉ điều dưỡng, Viện, Trường đào tạo... không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng thì không được khấu trừ hay hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.
Trường hợp các đơn vị này có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì phải đăng ký, kê khai nộp thuế giá trị gia tăng riêng cho các hoạt động này.
Ví dụ: Văn phòng Tổng công ty A không trực tiếp sản xuất, kinh doanh, sử dụng kinh phí do các cơ sở trực thuộc đóng góp để hoạt động nhưng Văn phòng Tổng công ty có cho thuê nhà (văn phòng) phần không sử dụng hết thì Văn phòng Tổng công ty phải hạch toán, kê khai nộp thuế riêng cho hoạt động cho thuê văn phòng. Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho hoạt động của Văn phòng Tổng công ty không được khấu trừ hay hoàn thuế. Văn phòng Tổng công ty phải sử dụng kinh phí nộp cấp trên để thanh toán.
*Điểm này được bổ sung bởi Điều 6 Thông tư 84/2004/TT-BTC
6. Bổ sung vào Điểm 1.2.c, Mục III, Phần B về xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đối với cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản có tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh tập trung có sử dụng sản phẩm ở các khâu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản làm nguyên liệu để tiếp tục sản xuất chế biến ra sản phẩm chịu thuế GTGT (bao gồm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chưa qua chế biến xuất khẩu hoặc sản phẩm đã qua chế biến thuộc đối tượng chịu thuế GTGT) như sau:
Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh ở tất cả các khâu: đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến. trường hợp cơ sở có bán hàng hóa là sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Việc kê khai nộp thuế GTGT thực hiện tại Văn phòng trụ sở chính.*