ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7625/KH-UBND | Lâm Đồng, ngày 31 tháng 8 năm 2023 |
Thực hiện Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDDT ngày 19/7/2023 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu
Tăng tỷ lệ bao phủ các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nhóm trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
2. Chỉ tiêu hằng năm
- 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.
- Ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), vắc xin bại liệt (bOPV, IPV) và viêm não Nhật Bản (VNNB) được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh.
- Đảm bảo an toàn tiêm chủng.
II. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI
1. Nguyên tắc
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong quá trình triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.
- Tiêm chủng bù liều vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế.
2. Thời gian: Từ năm 2023
3. Đối tượng
- Đối tượng cần kiểm tra tiền sử tiêm chủng: Tất cả trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1).
- Đối tượng cần tiêm chủng bù liều: Trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) sẽ được tiêm chủng bù các vắc xin này.
4. Loại vắc xin
- Tất cả các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng hoặc có thành phần tương tự trong tiêm chủng dịch vụ.
- Thực hiện tiêm chủng bù liều: vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) dành cho trẻ em trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2023.
- Việc bổ sung các vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng trong các năm tiếp theo sẽ do Bộ Y tế hướng dẫn.
5. Hình thức triển khai
- Kiểm tra tiền sử tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học: Thực hiện hằng năm vào thời điểm trẻ nộp hồ sơ nhập học đầu năm.
- Tiêm chủng bù liều các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin: Thực hiện sau khi rà soát tiền sử tiêm chủng, tổ chức theo đợt riêng hoặc lồng ghép với đợt tiêm chủng thường xuyên. Triển khai tại trường học hoặc Trạm Y tế.
6. Phạm vi triển khai: Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.
a) Phổ biến kế hoạch triển khai: Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai của các huyện, thành phố để các đơn vị liên quan xác minh được các hoạt động cần triển khai và phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục tại địa phương.
b) Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã: Đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đã được tập huấn thực hiện tập huấn cho giảng viên tuyến huyện thuộc ngành Y tế và ngành Giáo dục. Các giảng viên tuyến huyện thực hiện tập huấn cho cán bộ tại các Trạm Y tế, cán bộ y tế trường học.
c) Truyền thông, huy động cộng đồng
- Truyền thông vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ phối hợp rà soát tiền sử tiêm chủng cho trẻ, đồng ý cho trẻ tiêm bù các loại vắc xin còn thiếu theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Truyền thông về tác dụng, hiệu quả của các vắc xin đối với trẻ em và sự cần thiết tiêm bù liều, an toàn tiêm chủng thông qua nhiều hình thức: truyền thông trực tiếp; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam (Facebook, Zalo, Youtube...).
- In ấn, phân bổ tài liệu truyền thông đến học sinh, cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ.
d) Cung ứng vắc xin, vật tư tiêm chủng
- Dự trù, cung ứng vắc xin: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự trù nhu cầu vắc xin, vật tư tiêm chủng, đưa vào kế hoạch hằng năm trình Sở Y tế xem xét phê duyệt.
- Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận vắc xin từ đơn vị cung ứng và bảo quản vắc xin tại kho của tỉnh. Thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố 02 lần/tháng trước khi tổ chức tiêm chủng. Việc bảo quản, sử dụng vắc xin trong Kế hoạch phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
- Dự trù, cung ứng vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng
+ Ước tính số lượng bơm kim tiêm, hộp an toàn áp dụng với các vắc xin đường tiêm để đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng tại địa phương.
+ Xác định nhu cầu vắc xin, vật tư tiêu hao để tiêm chủng bù liều theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
2. Tổ chức kiểm tra tiền sử tiêm chủng
a) Thu thập hồ sơ tiêm chủng: Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổng hợp danh sách trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1). Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cha mẹ, người chăm sóc trẻ gửi hồ sơ tiêm chủng cá nhân (bản phô tô toàn bộ phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân, giấy xác nhận thông tin tiêm chủng, mã số tiêm chủng...), phiếu thu thập thông tin học sinh. Thu thập hồ sơ tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành Y tế và gửi Trạm Y tế. Liên hệ với cha mẹ, thu thập và gửi bổ sung hồ sơ trong trường hợp: (i) trẻ đi tiêm chủng bù liều các vắc xin tại cơ sở dịch vụ sau khi nộp hồ sơ rà soát; (ii) trẻ bị thiếu hồ sơ tiêm chủng và bổ sung giấy xác nhận thông tin tiêm chủng.
b) Tổ chức rà soát, cập nhật tiền sử tiêm chủng
- Các Trạm Y tế tiếp nhận hồ sơ thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ do các cơ sở giáo dục trên địa bàn cung cấp.
- Thực hiện rà soát hồ sơ và cập nhật dữ liệu tiêm chủng của trẻ trên Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
- Thông báo danh sách trẻ cần nộp bổ sung hồ sơ tiêm chủng, danh sách trẻ cần tiêm chủng bù liều các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn đã thực hiện rà soát. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học sẽ phản hồi đến cha mẹ/người chăm sóc về kết quả rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ.
- Đối với trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin: Nhà trường phối hợp truyền thông, vận động cha mẹ/người chăm sóc đưa trẻ đi tiêm chủng bù liều đầy đủ theo quy định. Nếu trẻ tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ thì đề nghị đơn vị tiêm chủng dịch vụ cung cấp minh chứng thông tin để cha mẹ/người chăm sóc trẻ nộp lại nhà trường. Nếu sử dụng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thì cha mẹ/người chăm sóc trẻ đăng ký với cơ sở giáo dục.
- Cơ sở giáo dục sẽ gửi lại Trạm Y tế danh sách các trẻ có phụ huynh chấp thuận tiêm chủng bù liều để Trạm Y tế có cơ sở lập kế hoạch buổi tiêm chủng.
- Thông tin về các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cần rà soát lịch tiêm chủng (chi tiết tại Phụ lục 2).
Tổ chức tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng (gọi tắt là Nghị định số 104/2016/NĐ-CP), Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Thông tư số 34/2018/TT-BYT).
- Tại tất cả các điểm tiêm chủng
+ Có phương án theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng (lưu ý có số điện thoại liên hệ, đơn vị tiếp nhận).
+ Bố trí khu vực và cán bộ y tế đã được đào tạo về công tác tiêm chủng theo quy định để theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
+ Trang bị Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, hộp thuốc cấp cứu phản vệ theo quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ (gọi tắt là Thông tư số 51/2017/TT-BYT).
- Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế bố trí đội thường trực cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi cần.
- Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định số định 1575/QĐ-BYT ngày 27/03/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
- Theo dõi sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, Thông tư số 34/2018/TT-BYT.
- Xử trí phản vệ theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT.
5. Quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo
a) Đối với dữ liệu cá nhân
- Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học lập danh sách trẻ em theo lớp, trường bao gồm thông tin chung, mã định danh công dân, mã số tiêm chủng gửi Trạm Y tế (văn bản và tệp thông tin) trong giai đoạn đầu.
- Sau khi phân hệ Tiêm chủng trường học trên Hệ thống được đưa vào sử dụng, Sở Giáo dục và Đào tạo huy động nhân lực phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong việc cập nhật đầy đủ thông tin.
- Trạm Y tế phối hợp với các trường rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên Hệ thống.
b) Báo cáo tiến độ
- Ngành Giáo dục: Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học báo cáo tình hình thu thập thông tin tiền sử tiêm chủng cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện theo dõi, báo cáo tiến độ theo quy định của ngành.
- Ngành Y tế: Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên tuyến trên theo quy định; đảm bảo kết quả, tiến độ triển khai thực hiện được báo cáo đầy đủ, kịp thời.
c) Báo cáo giám sát phản ứng sau tiêm: Báo cáo sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, Thông tư số 34/2018/TT-BYT.
d) Giám sát hỗ trợ: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều nhằm nâng cao năng lực cán bộ tại các tuyến, phát hiện các khó khăn trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
1. Kinh phí cung ứng vắc xin: Sử dụng vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng cung ứng từ nguồn ngân sách nhà nước trung ương, ngân sách của tỉnh và các nguồn vắc xin được cung ứng từ các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
2. Kinh phí cho các hoạt động triển khai kế hoạch tại địa phương: Kinh phí địa phương hoặc nguồn viện trợ theo quy định.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến, triển khai Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trực thuộc và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm chủng; tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Lập kế hoạch, thực hiện cung ứng, tiếp nhận, phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho triển khai Kế hoạch.
- Định kỳ chia sẻ thông tin với đầu mối của Sở Giáo dục và Đào tạo về các thông tin liên quan và tiến độ thực hiện để tăng cường công tác chỉ đạo liên ngành.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai các hoạt động trong Kế hoạch.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học phối hợp với Trạm Y tế rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 chưa tiêm chủng đầy đủ để tổ chức tiêm chủng; tuyên truyền, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp với Trạm Y tế tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học.
- Phối hợp Sở Y tế dự trù kinh phí, đảm bảo kinh phí triển khai các hoạt động của Kế hoạch này tại trường học.
- Cử cán bộ đầu mối thực hiện triển khai theo biểu mẫu của ngành Y tế, báo cáo tiến độ theo chức năng nhiệm vụ các hoạt động của Kế hoạch này.
3. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước vả khả năng cân đối ngân sách địa phương.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục tăng cường tuyên truyền vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ tham gia rà soát tiền sử tiêm chủng khi trẻ nhập học mầm non, tiểu học để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí, nhân lực tại địa phương cho các hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng, hoạt động tổ chức tiêm chủng bù mũi cho trẻ mầm non, tiểu học.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học công lập và ngoài công lập phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tại địa phương, cung cấp thông tin tiêm chủng của trẻ đầy đủ theo biểu mẫu.
Trên đây là Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đề nghị các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG
(Kèm theo Kế hoạch số 7625/KH-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
TT | Hoạt động | Chủ trì | Phối hợp | Kinh phí | Thời gian | Ghi chú |
1 | Công tác chuẩn bị | |||||
1.1 | Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh | Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh | Sở Giáo dục và Đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ | Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai | Thành phần: Lãnh đạo, nhân viên ngành Y tế, ngành Giáo dục tuyến tỉnh, huyện (Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố) |
1.2 | Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã | |||||
a | Tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện (y tế + giáo dục): 02 lớp/tỉnh/năm | Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo | Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ | Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai | Thành phần: + Lớp dành cho giảng viên ngành Y tế: Cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng, cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của Trung tâm Y tế huyện, thành phố. + Lớp dành cho giảng viên ngành Giáo dục: Cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của khối tiểu học, mầm non tuyến huyện, thành phố |
b | Tập huấn cho tuyến huyện, xã: (02 lớp/ huyện /năm trong đó 01 lớp dành cho nhân viên y tế và 01 lớp dành cho nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo). | Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế | Phòng Giáo dục và Đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương, viện trợ | Ít nhất 4 tuần trước khi triển khai | Thành phần: + Lớp cho nhân viên y tế: Trạm trưởng, chuyên trách tiêm chủng mở rộng hoặc y tế học đường của Trạm y tế, các nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện, thành phố tham gia triển khai nhưng chưa được tập huấn lớp TOT. + Lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học: Hiệu trưởng, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, các nhân viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham gia triển khai nhưng chưa được tập huấn lớp TOT |
1.3 | Truyền thông, huy động cộng đồng | |||||
1.3.1 | Triển khai công tác truyền thông | Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế. | Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo mầm non, tiểu học | Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ | Trước và trong thời gian triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều | Triển khai tại các tuyến: + Tuyến tỉnh/huyện + Tuyến xã/phường + Tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học |
1.4 | Cung ứng, tiếp nhận, phân bổ, bảo quản, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng | |||||
1.4.1 | Dự trù, cung ứng vắc xin | Trung tâm KSBT tỉnh | Sở Y tế | Kinh phí trung ương, địa phương, viện trợ (nếu có) | Thực hiện hàng năm cùng với cung ứng các vắc xin cho công tác tiêm chủng thường xuyên |
|
1.4.2 | Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin | Trung tâm KSBT tỉnh | Trung tâm Y tế, Trạm y tế | Nguồn kinh phí địa phương | Thực hiện hàng năm cùng với cung ứng các vắc xin cho công tác tiêm chủng thường xuyên |
|
1.4.3 | Dự trù, cung ứng vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng | Trung tâm KSBT tỉnh | Sở Y tế, Trung tâm Y tế | Nguồn kinh phí địa phương | Hoàn thành cung ứng vật tư tiêm chủng tối thiểu 1 tháng trước khi triển khai tiêm bù liều |
|
2 | Triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng | |||||
2.1 | Thu thập hồ sơ tiêm chủng | Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (công lập và ngoài công lập) | Cha mẹ/người chăm sóc trẻ, Trạm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo | Nguồn viện trợ (nếu có) và nguồn kinh phí địa phương | Thực hiện hàng năm vào đầu năm học mới, trước khi trẻ nhập học. |
|
2.2 | Rà soát, cập nhật tiền sử tiêm chủng | Trạm Y tế | Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bao gồm công lập và ngoài công lập, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương | Trong vòng 1 - 2 tháng sau khi tiếp nhận hồ sơ tiêm chủng |
|
3 | Tiêm chủng bù liều | Trạm Y tế | Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương | Hoàn thành tiêm bù liều cho trẻ trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn thành thu thập, xác minh thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ trên cơ sở thống nhất giữa Ngành Y tế và Ngành Giáo dục và Đào tạo | Tổ chức buổi tiêm chủng không quá 50 đối tượng/1 điểm tiêm chủng/1 buổi tiêm chủng. Trong trường hợp điểm tiêm chủng chỉ tiêm một số loại vắc xin trong một buổi thì số lượng không quá 100 đối tượng/buổi |
4 | Đảm bảo an toàn tiêm chủng | Trạm Y tế, Trung tâm Y tế | Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương | Trong thời gian tổ chức tiêm chủng bù liều các vắc xin |
|
5 | Quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo | |||||
5.1 | Quản lý dữ liệu cá nhân | Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, Trạm Y tế | Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và đào tạo | Nguồn kinh phí địa phương | Trong và sau khi triển khai hoạt động |
|
5.2 | Báo cáo tiến độ | - Sở Giáo dục và Đào tạo: Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phòng Giáo dục và Đào tạo - Sở Y tế: Trạm y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh | Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Y tế | Nguồn kinh phí địa phương | Hàng tháng | - Ngành Giáo dục: thực hiện theo dõi, báo cáo tiến độ theo quy định ngành - Ngành Y tế: + Trạm y tế xã, phường, thị trấn báo cáo hàng tháng tiến độ triển khai, tình hình sử dụng vắc xin trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố trước ngày 5 tháng tiếp theo + Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổng hợp, gửi báo cáo Trung tâm KSBT tỉnh và gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trước ngày 10 tháng tiếp theo. + Trung tâm KSBT tỉnh báo cáo Sở Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng khu vực, Quốc gia trước ngày 15 tháng tiếp theo để theo dõi, tổng hợp, tăng cường công tác quản lý, báo cáo Bộ Y tế |
5.3 | Giám sát hỗ trợ | - Y tế: Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế - Giáo dục: Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo | Các đơn vị liên quan được giám sát từ tuyến trên cả ngành Y tế và cơ sở giáo dục | Nguồn kinh phí địa phương, tài trợ, viện trợ | Trước và trong thời gian triển khai kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều |
|
6 | Hội thảo sơ kết tuyến tỉnh, huyện | Sở Y tế | Các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur, Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo | Kinh phí viện trợ (nếu có), kinh phí địa phương | Quý IV/2023 |
|
THÔNG TIN Về CÁC VẮC XIN TRONG TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG CẦN RÀ SOÁT LỊCH SỬ TIÊM CHỦNG
(Kèm theo Kế hoạch số 7625/KH-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Loại vắc xin | Đường dùng | Số lần tiêm/uống | Ghi chú |
Vắc xin BCG phòng bệnh lao | Tiêm trong da | 01 |
|
Vắc xin phòng bệnh viêm gan B* | Tiêm bắp | 03 | Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng |
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT)* | Tiêm bắp | 04 | Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng |
Vắc xin phòng bệnh bại liệt* |
|
|
|
- Sinh từ năm 2022 | Tiêm/uống | 05 | Trong đó có ít nhất 02 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV |
- Sinh trước năm 2022 | Tiêm/uống | 04 | Trong đó có ít nhất 01 lần tiêm vắc xin chứa thành phần IPV |
Vắc xin phòng bệnh sởi ** | Tiêm bắp | 02 | Khoảng cách giữa các liều tối thiểu 1 tháng |
Vắc xin phòng bệnh rubella** | Tiêm bắp | 01 |
|
Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản*** | Tiêm dưới da | 03 | Khoảng cách 1 tuần giữa mũi 1 và 2 Khoảng cách 1 năm giữa mũi 1 và 3 |
Một số trường hợp trẻ tiêm sớm hoặc muộn hơn so với lịch tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng nhưng mũi tiêm được coi là đủ điều kiện:
- Trẻ tiêm chậm hơn lịch tiêm các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trường hợp này không cần tiêm lại các mũi trước đó.
- Tuổi của trẻ khi tiêm nhỏ hơn so với lịch tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Trẻ sử dụng vắc xin ngoài tiêm chủng mở rộng có chứa thành phần tương đương:
* Sử dụng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (DPT, DPT-viêm gan B-Hib hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ chứa thành phần tương tự (vắc xin DPT- IPV, DPT-IPV-Hib, DPT-IPV-viêm gan B-Hib)
* * Sử dụng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (DPT, DPT-viêm gan B-Hib hoặc sử dụng vắc xin dịch vụ chứa thành phần sởi, rueblla (vắc xin MR, MMR)
*** Sử dụng vắc xin viêm não Nhật Bản dịch vụ với lịch tiêm 2 liều
File gốc của Kế hoạch 7625/KH-UBND năm 2023 về kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang được cập nhật.
Kế hoạch 7625/KH-UBND năm 2023 về kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Số hiệu | 7625/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Phạm S |
Ngày ban hành | 2023-08-31 |
Ngày hiệu lực | 2023-08-31 |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
Tình trạng |