ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1/KH-UBND | Bắc Giang, ngày 05 tháng 01 năm 2024 |
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN NGƯỜI NĂM 2024
Năm 2023, mặc dù ghi nhận sự giảm mạnh ca mắc và tử vong do COVID-19, nhưng tình hình dịch bệnh trên Thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Bệnh cúm gia cầm ghi nhận ở nhiều quốc gia, trong đó đã xuất hiện ở 2 nước láng giềng là Campuchia và Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc đã phát hiện nhiều chủng cúm gia cầm khác như Cúm A/H5N6, A/H3N8, A/H7N4 trên người. Nhiều quốc gia ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh: Cúm mùa, Đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết Dengue, viêm phổi cộng đồng do Mycoplasma pneumonia, Sởi, Tả...
Tại Việt Nam, số ca mắc COVID-19 chỉ tăng cao vào tháng 4, 5 năm 2023 sau đó giảm mạnh, từ ngày 20/10/2023 bệnh COVID-19 được điều chỉnh từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B; dịch sốt xuất huyết bùng phát với hơn 166.000 trường hợp mắc và 42 trường hợp tử vong; ghi nhận quay lại dịch Bạch hầu ở một số tỉnh phía bắc (Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên); các dịch bệnh khác như Dại, Tay chân miệng, Sởi ... có xu hướng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dịch COVID-19 giảm mạnh, bệnh sốt xuất huyết Dengue tăng cao gấp 3 lần so với năm 2022, các bệnh khác như: Tay chân miệng, viêm não vi rút, sởi, quai bị... tăng hơn so với năm 2022.
Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên, đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người năm 2024, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Duy trì hiệu quả hoạt động giám sát từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để lây lan diện rộng.
- Theo dõi sát diễn biến mới của dịch bệnh, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, có biện pháp ứng phó kịp thời, linh động, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Chính phủ.
- Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong, biến chứng.
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
- Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị, nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Tăng cường phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
- Nâng cao năng lực dự báo, đáp ứng dịch bệnh cho nhân viên y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở.
3. Một số chỉ tiêu chủ yếu
- 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát lớn trong cộng đồng, mất kiểm soát; giảm số người mắc bệnh dịch và tử vong.
- Tỷ lệ phát hiện ca nghi sởi/rubella <30/100.000 dân.
- Tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng <100/100.000 dân.
- Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết < 100/100.000 dân.
- Bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H5N6): 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.
- Các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR): Tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong chương trình TCMR đạt trên 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn. Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.
- 100% cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị...
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với địa phương.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo phối hợp có hiệu quả giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường (khi cần).
- Các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024 cụ thể, phù hợp với từng ngành, địa phương, đơn vị.
- Huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý và người dân trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, dịch bệnh từ động vật lây truyền sang người, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trước mọi diễn biến của dịch bệnh.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền
- Tăng cường công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, bao gồm truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, phổ biến kiến thức, truyền thông trực tiếp,... đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội, không gây hoang mang lo lắng và để người dân phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Duy trì hoạt động thường xuyên các số điện thoại đường dây nóng của Ngành Y tế để kịp thời tiếp nhận, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
3. Công tác giám sát, quản lý, điều trị
- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên Thế giới và trong nước. Tăng cường công tác khai báo bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực dự báo, tăng cường hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, ngăn chặn, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của dịch bệnh không để dịch lan rộng, xâm nhập vào tỉnh, đặc biệt là các dịch bệnh mới nôi, dịch bệnh nguy hiểm. Tổ chức giám sát dịch tễ thường quy và giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tại cộng đồng, đặc biệt chú ý giám sát tại các ổ dịch cũ và tại địa bàn có nguy cơ cao.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên phòng, chống dịch trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, ổ dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để; huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch.
- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực dự báo, giám sát, quản lý, điều trị cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch các tuyến. Đảm bảo tốt công tác phân tuyến điều trị, giảm quá tải cho bệnh viện tuyển cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong, biến chứng.
- Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, doanh nghiệp và cộng đồng. Triển khai đầy đủ, nghiêm túc các quy định về hướng dẫn quản lý chất thải, xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm.
- Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để áp dụng các biện pháp phòng bệnh dịch lây nhiễm từ động vật sang người, dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm.
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, oxy, vật tư, hóa chất,... phục vụ công tác phòng, chống dịch, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị tại các tuyến; sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch xảy ra. Huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tham gia công tác quản lý, thu dung, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm trong trường hợp cần thiết.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, điều trị, thống kê số liệu dịch bệnh, khám, chữa bệnh, tiêm chủng. Thực hiện nghiêm các quy định về chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế và các báo cáo khác theo quy định.
4. Công tác tham mưu, phối hợp
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường các hoạt động của phòng, chống dịch tại địa phương; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phòng, chống dịch lây truyền từ động vật sang người; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất nhu cầu kinh phí phòng, chống dịch theo quy định; đáp ứng sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
5. Công tác kiểm tra, giám sát
- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, TTYT về công tác giám sát, phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh.
- Phối hợp với ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán động vật, gia súc, gia cầm; thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trong năm, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống dịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và trên Thế giới. Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế để kịp thời chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo linh hoạt, chủ động, kịp thời, giúp kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác truyền thông, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm đảm bảo hiệu quả, kịp thời.
- Đảm bảo đủ nhân lực, thuốc, oxy, vật tư, hóa chất và các điều kiện cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc dịch bệnh, khống chế, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu và điều trị người bệnh; phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra và thống kê báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng dự toán kinh phí chi tiết công tác phòng, chống dịch năm 2024 trình Sở Tài chính thẩm định theo quy định để triển khai thực hiện.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm, thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, tăng cường việc tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo tại các huyện nguy cơ cao về bệnh dại.
- Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm để Nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong chăn nuôi.
- Tổ chức và duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật, không để gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, chú trọng các dịch bệnh có khả năng lây sang người.
- Thông tin kịp thời diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho ngành Y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
- Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở kinh doanh; khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường không để thực phẩm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
- Tăng cường kiểm tra, quản lý xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa trên thị trường hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang
- Phối hợp với Sở Y tế tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường tuyên truyền vào các giờ cao điểm, các chương trình được người dân quan tâm, đặc biệt phổ biến các cách làm hay, các gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch; truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để mỗi cá nhân, tổ chức tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, thường xuyên đảm bảo thông thoáng lớp học, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết, chủ động phòng các bệnh có nguy cơ lan nhanh trong trường học như: COVID-19, cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng và các dịch bệnh khác.
- Kiểm soát việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo lứa tuổi khi trẻ nhập học; phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức tiêm chủng vắc xin cho học sinh.
- Thực hiện tốt công tác y tế trường học (quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh), công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho học sinh, phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động tiêm chủng và phòng, chống dịch tại cộng đồng.
- Cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp học sinh mắc bệnh dịch trong trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
- Chỉ đạo Cảnh sát môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường.
- Phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng và các trường hợp không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo bộ phận Quân Y xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch. Làm đầu mối, tham gia vào các hoạt động kết hợp quân dân y trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ứng phó với từng tình huống dịch trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh quân y khai báo, báo cáo thông tin các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
- Có phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến khi được UBND tỉnh huy động, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trong các cơ sở thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm trong trường hợp cần thiết.
Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch theo quy định. Chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Huy động toàn bộ các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương năm 2024 và chỉ đạo triển khai thực hiện.
- Bố trí kinh phí đảm bảo đầy đủ, kịp thời và đúng quy định cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch của tuyến xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ phát hiện sớm dịch bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng.
- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý súc vật nuôi nhất là chó, mèo; chỉ đạo triển khai tốt việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm; vắc xin phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng trên đàn gia súc.
- Chỉ đạo tuyên truyền để Nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
- Thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
12. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh
Phối hợp với Ngành Y tế, các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp tổ chức tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các thành viên, hội viên của tổ chức trực thuộc tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền phổ biến kiến thức, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.
Trên đây là Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
File gốc của Kế hoạch 1/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người năm 2024 do tỉnh Bắc Giang ban hành đang được cập nhật.
Kế hoạch 1/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người năm 2024 do tỉnh Bắc Giang ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Giang |
Số hiệu | 1/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Mai Sơn |
Ngày ban hành | 2024-01-05 |
Ngày hiệu lực | 2024-01-05 |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
Tình trạng |