BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV | Hà Nội , ngày 24 tháng 3 năm 2003 |
Thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002.
Để phù hợp với hoạt động đặc thù chuyên ngành Văn hoá thông tin, Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Văn hoá - Thông tin - Bộ Nội vụ hướng dẫn thêm một số nội dung về chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trong lĩnh vực văn hoá thông tin công lập như sau:
Đối tượng áp dụng Thông tư này là các đơn vị sự nghiệp văn hoá thông tin công lập hoạt động có thu được ngân sách Nhà nước cấp một phần kinh phí hoạt động thường xuyên hoặc tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi chung là cơ sở Văn hoá thông tin có thu - viết tắt là CSVHTTCT), bao gồm:
- Các đơn vị nghệ thuật: Các nhà hát theo chuyên ngành (chèo, tuồng, cải lương, ca - múa - nhạc, kịch, múa rối, xiếc...), đoàn nghệ thuật tổng hợp các cấp (bao gồm cả Dàn nhạc giao hưởng).
- Các Bảo tàng, đơn vị quản lý di tích và các đơn vị quản lý danh lam thắng cảnh.
- Các cơ quan báo, tạp chí.
- Viện Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh, Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh, Trung tâm chiếu phim Quốc gia.
- Thư viện công cộng.
- Trung tâm Thông tin - triển lãm, Nhà triển lãm, Nhà văn hoá thông tin.
- Các đơn vị sự nghiệp có thu khác: Ban quản lý Nhà hát lớn, nhà sáng tác, Trung tâm hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế.
- Các đơn vị sự nghiệp văn hoá thông tin đặc thù khác ở Trung ương và địa phương thuộc các lĩnh vực (nếu có): Điện ảnh, phát hành sách, thông tin tuyên truyền...
Các đơn vị sự nghiệp nêu trên thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP khi có đủ các điều kiện sau:
- Có quyết định thành lập đơn vị bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
- Có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng;
- Có tài khoản tại Kho bạc hoặc Ngân hàng;
- Có tổ chức bộ máy tài chính, kế toán;
- Có nguồn thu hợp pháp.
Các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở văn hoá thông tin thực hiện Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ.
Những đơn vị dự toán trực thuộc các CSVHTTCT như các Trung tâm đào tạo, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, các Viện nghiên cứu là đối tượng thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ, được áp dụng Thông tư này và các Thông tư hướng dẫn phù hợp với các lĩnh vực hoạt động (giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học...).
Đối với các CSVHTTCT có nhiều đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ổn định cho đơn vị dự toán cấp 1 hoặc cấp 2 để giao quyền tự chủ cho các đơn vị dự toán trực thuộc.
Đối với các cơ sở văn hoá thông tin không có nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này. Kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ sở văn hoá thông tin không có thu do ngân sách Nhà nước cấp (ở cả trung ương và địa phương) và được quản lý theo cơ chế quản lý tài chính hiện hành.
II- NGUỒN THU SỰ NGHIỆP CỦA CÁC CƠ SỞ
văn hoá thông tin công lập:
Các cơ sở Văn hoá thông tin công lập có những nguồn thu sự nghiệp như sau:
1- Các loại phí, lệ phí hiện hành theo quy định:
1.1- Phí thư viện, phí sử dụng tài liệu lưu trữ trong thư viện.
1.2- Phí thẩm định phim và kịch bản phim, lệ phí đăng ký bản quyền tác giả, lệ phí cấp giấy phép hoạt động quảng cáo, lệ phí giám định nội dung và cấp giấy phép xuất, nhập khẩu văn hoá phẩm, phí phát hành tem nhãn các chương trình nghệ thuật (băng từ, băng video, đĩa CD, VCD, DVD)...
2- Các khoản thu gắn với hoạt động của đơn vị:
2.1- Thu từ bán vé các buổi biểu diễn; vé xem phim; vé tham quan triển lãm, tham quan bảo tàng, di tích...
2.2- Thu từ các hợp đồng biểu diễn của đơn vị với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Thu do cán bộ, diễn viên trong đơn vị tổ chức hoạt động dịch vụ, hoạt động biểu diễn với bên ngoài nộp về đơn vị theo cơ chế khoán.
2.3- Thu từ các hoạt động cung ứng dịch vụ gắn với hoạt động sự nghiệp của đơn vị: Khai thác cơ sở vật chất (rạp, nhà xưởng, hội trường, trang thiết bị); cung ứng dịch vụ in tráng, lồng tiếng, phục hồi phim, dịch vụ khai thác tư liệu phim; khai thác tư liệu bảo tàng, thư viện...
2.4- Các khoản thu hoạt động đăng, phát quảng cáo trên báo, tạp chí, xuất bản, từ phát hành báo chí, tạp chí và hoạt động thông tin cổ động...
2.5- Các khoản thu hợp pháp khác được để lại sử dụng theo quy định của Nhà nước.
Mức thu đối với các khoản thu trên do Thủ trưởng đơn vị thoả thuận trong hợp đồng với bên yêu cầu dịch vụ, theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý và có tích luỹ.
3- Thu từ đơn vị trực thuộc để hỗ trợ hoạt động chung: Các đơn vị dự toán trực thuộc có thể trích một phần từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để hỗ trợ đơn vị dự toán cấp trên thực hiện các hoạt động chung, tỷ lệ trích do Thủ trưởng đơn vị cấp dưới quyết định.
4- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật như lãi tiền gửi Ngân hàng từ các khoản thu sản xuất, cung ứng dịch vụ...
Ngoài các khoản thu sự nghiệp nêu trên, các CSVHTTCT được phép huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ theo quy định hiện hành.
III- NỘI DUNG CHI HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN:
Các CSVHTTCT được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên theo những nội dung sau:
1- Chi cho cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng: Chi tiền lương; tiền công; tiền thưởng; phụ cấp lương; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo chế độ hiện hành.
2- Chi quản lý hành chính: Chi tiền điện, nước, xăng dầu, vệ sinh môi trường, mua vật tư văn phòng, dịch vụ công cộng, công tác phí, hội nghị phí, thông tin liên lạc, tuyên truyền, cước phí điện thoại, fax...
3- Chi nghiệp vụ chuyên môn trực tiếp cho hoạt động của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
4- Chi nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ cấp cơ sở của đơn vị.
5- Chi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho những người lao động trong đơn vị (không kể chi đào tạo lại theo chỉ tiêu của Nhà nước).
6- Chi phí thuê mướn: Thuê phương tiện vận chuyển, thuê nhà, đất, thiết bị các loại; thuê chuyên gia trong và ngoài nước, thuê lao động, thuê đào cán bộ, thuê mướn khác.
7- Chi phí trực tiếp cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ của đơn vị, bao gồm: tiền công; nguyên nhiên vật liệu; khấu hao TSCĐ; hoa hồng; nộp thuế (nếu có) theo quy định của pháp luật.
8- Các chi phí thường xuyên liên quan đến công tác thu phí và lệ phí theo quy định hiện hành.
9- Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên: Chi mua sắm dụng cụ thay thế, sửa chữa thường xuyên TSCĐ phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng.
10- Chi hợp tác quốc tế: Đoàn ra, đoàn vào.
11- Chi khác: Chi trả gốc và lãi vốn vay các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (nếu có); sử dụng nguồn thu sự nghiệp đóng góp từ thiện xã hội, chi trật tự an ninh...
Các khoản chi không thường xuyên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính.
1- Về sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp:
1.1- Đối với CSVHTTCT tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ổn định trong 3 năm cho đơn vị trực thuộc như sau:
a) Giao dự toán thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, bao gồm:
- Tổng số thu phí, lệ phí.
- Số phí, lệ phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với từng loại phí, lệ phí.
- Số phí, lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước.
Đối với những loại phí, lệ phí được để lại và nộp ngân sách nhà nước theo tỷ lệ % thì hàng năm cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của đơn vị.
Cơ quan chủ quản không giao số thu sản xuất, cung ứng dịch vụ cho các CSVHTTCT, đơn vị xây dựng kế hoạch thu để điều hành trong cả năm. Riêng những đơn vị sự nghiệp chỉ có nguồn thu sản xuất, cung ứng dịch vụ, không có nguồn thu phí, lệ phí thì cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu sản xuất cung ứng dịch vụ để làm căn cứ điều hành thu, chi.
b) Giao dự toán chi:
- Giao số tổng hợp chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chi không thường xuyên từ ngân sách nhà nước: Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành; Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí đặt hàng theo chế độ của Nhà nước; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đối ứng các dự án nước ngoài; vốn viện trợ, vốn vay; vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định và các khoản chi không thường xuyên khác thì Bộ chủ quản (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do Trung ương quản lý), Cơ quan chủ quản địa phương (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do địa phương quản lý) giao dự toán cho đơn vị sự nghiệp theo quy định hiện hành .
c) Trường hợp đơn vị thực hiện vượt thu phí và lệ phí đã được giao ổn định thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số thu vượt (phần để lại) nhằm bổ sung quỹ tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị theo quy định.
Trường hợp đơn vị thực hiện hụt thu so với dự toán được giao thu phí và lệ phí (phần để lại) thì đơn vị phải điều chỉnh giảm chi tương ứng.
Đối với những đơn vị sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao thu về sản xuất, cung ứng dịch vụ, khi thu vượt thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số vượt thu để tăng thu nhập, tăng cường cơ sở vật chất và khi giảm thu đơn vị phải giảm chi tương ứng.
1.2- Đối với CSVHTTCT tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên: Được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu từ nguồn thu, dự toán chi ổn định trong 3 năm như sau:
1.2.1- Giao dự toán thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, bao gồm:
- Tổng số thu phí, lệ phí.
- Số phí, lệ phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Số phí, lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước.
Đối với những loại phí, lệ phí được để lại và nộp ngân sách nhà nước theo tỷ lệ % thì hàng năm cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của đơn vị.
Cơ quan chủ quản không giao số thu sản xuất, cung ứng dịch vụ. Đơn vị xây dựng kế hoạch thu để điều hành trong cả năm. Riêng những đơn vị sự nghiệp chỉ có nguồn thu sản xuất, cung ứng dịch vụ, không có nguồn thu phí, lệ phí thì cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu sản xuất cung ứng dịch vụ để làm căn cứ điều hành thu, chi.
1.2.2- Giao dự toán chi:
a) Chi hoạt động thường xuyên:
- Giao số tổng hợp chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Giao số tổng hợp chi hoạt động thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho năm đầu của thời kỳ ổn định, hàng năm được tăng thêm theo tỷ lệ do cấp có thẩm quyền quyết định.
b) Chi không thường xuyên từ ngân sách nhà nước: Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành; Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí nhà nước giao theo chế độ đặt hàng; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đối ứng các dự án nước ngoài; vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định: Bộ chủ quản (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do Trung ương quản lý), Cơ quan chủ quản địa phương (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do địa phương quản lý) giao dự toán cho đơn vị sự nghiệp theo quy định hiện hành.
1.2.3- Trường hợp đơn vị tiết kiệm chi kinh phí thường xuyên hoặc tăng thu phần phí và lệ phí được để lại so với dự toán được giao thì đơn vị được sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí tiết kiệm và số tăng thu bổ sung quỹ tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị. Trường hợp hụt thu so với dự toán được giao thì đơn vị phải điều chỉnh giảm chi tương ứng.
Đối với những đơn vị sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao thu về sản xuất, cung ứng dịch vụ, khi thu vượt thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số vượt thu để tăng thu nhập, tăng cường cơ sở vật chất và khi giảm thu đơn vị phải giảm chi tương ứng.
Sau thời gian ổn định kinh phí 3 năm, các đơn vị sự nghiệp có thu báo cáo tổng kết trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giao ổn định kinh phí cho thời gian tiếp theo.
2- Biên chế làm căn cứ xây dựng dự toán chi quỹ tiền lương là số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao đến ngày 31/12 năm trước liền kề.
Trong quá trình hoạt động, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp có thu được quyết định kế hoạch sử dụng lao động như sau:
2.1- Sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức (kể cả những người đã ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế) được giao để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đơn vị. Những người trong diện giảm biên chế được hưởng chính sách chế độ theo quy định hiện hành;
2.2- Đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, căn cứ vào nhu cầu công việc và khả năng tài chính của đơn vị, Thủ trưởng được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; những người được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn phải có đủ tiêu chuẩn, cơ cấu chức danh nghiệp vụ, chuyên môn theo quy định của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và được xếp theo bảng lương hành chính sự nghiệp quy định tại Nghị định số 25/NĐ-CP ngày23/5/1993 của Chính phủ và được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
2.3- Đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, căn cứ vào nhu cầu công việc và khả năng tài chính của đơn vị, Thủ trưởng được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động nhưng phải phù hợp với định mức biên chế do cơ quan có thẩm quyền ban hành; những người được ký hợp đồng không xác định thời hạn phải có đủ tiêu chuẩn, cơ cấu chức danh nghiệp vụ, chuyên môn theo quy định của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và được xếp theo bảng lương hành chính sự nghiệp quy định tại Nghị định số 25/NĐ-CP ngày23/5/1993 của Chính phủ và được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
2.4- Thủ trưởng các CSVHTTCT được chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người do đơn vị ký hợp đồng lao động. Trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
2.5- Thực hiện chế độ dân chủ, công khai theo quy định của pháp luật.
3- Quỹ tiền lương và thu nhập: Quỹ tiền lương và thu nhập của CSVHTTCT được sử dụng từ hai nguồn:
3.1- Nguồn NSNN cấp để chi quỹ tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp theo lương của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và lao động hợp đồng (đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/NĐ-CP ngày 23/05/1993 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lương và phụ cấp lương.
3.2- Căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính (nguồn thu sự nghiệp và tiết kiệm chi phí thường xuyên) và tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quỹ tiền lương và thu nhập của CSVHTTCT được xác định theo quy định tại Điểm 1 Mục IV Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Đơn vị xây dựng quy chế chi trả tiền lương, tiền công và thảo luận công khai, thống nhất trong Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị.
Căn cứ vào quy chế chi trả tiền lương, tiền công của đơn vị và quỹ tiền lương được xác định, Thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo hiệu quả công việc hàng tháng của từng người.
3.3- Cuối năm các CSVHTTCT chi không hết tiền lương được đưa vào quỹ dự phòng thu nhập và chuyển sang năm sau tiếp tục chi.
4- Xây dựng chế độ chi tiêu nội bộ:
- Trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị (bao gồm nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu sự nghiệp), Thủ trưởng đơn vị CSVHTT CT xây dựng tiêu chuẩn định mức và chế độ chi tiêu nội bộ về chi quản lý và nghiệp vụ cao hoặc thấp hơn mức chi do Nhà nước quy định, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị.
- Trong chế độ chi tiêu nội bộ, CSVHTTCT cần ưu tiên chi nghiệp vụ để đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động chuyên môn văn hoá thông tin của đơn vị;
- Các tiêu chuẩn, chế độ và định mức chi tiêu nêu trên được thảo luận công khai trong đơn vị, chế độ chi tiêu nội bộ là căn cứ để Thủ trưởng đơn vị điều hành việc sử dụng, quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, là cơ sở pháp lý để Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi.
5- Cấp phát kinh phí từ ngân sách nhà nước:
Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước giao, cơ quan tài chính cấp kinh phí thường xuyên (đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí) qua Kho bạc Nhà nước vào Mục 134 "Chi khác" theo từng loại khoản tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước.
Trường hợp đã thực hiện cấp phát theo các mục của Mục lục ngân sách nhà nước, Thủ trưởng đơn vị đã được giao quyền chủ động được quyền điều chỉnh các mục chi trong tổng số kinh phí chi thường xuyên đã cấp.
Đối với các khoản kinh phí chi không thường xuyên, cơ quan tài chính thực hiện việc cấp phát theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
6- Về trích và sử dụng khấu hao tài sản cố định: Các CSVHTTCT hoạt động dịch vụ theo yêu cầu và các hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ, lao vụ phải thực hiện trích khấu hao tài sản cố định dựa theo quy định tại Quyết định số 166/199/QĐ-BTC ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành quy chế quản lý sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước.
Trường hợp đặc biệt Thủ trưởng đơn vị có thể quyết định việc áp dụng tỷ lệ khấu hao cao hơn quy định nhằm thu hồi vốn kịp thời nhưng phải phù hợp với thời gian, khả năng kỹ thuật của tài sản và khả năng chi trả của người hưởng dịch vụ.
Toàn bộ số tiền khấu hao TSCĐ được hạch toán vào chi phí dịch vụ trong các hợp đồng giữa CSVHTTCT với các bên yêu cầu sản xuất dịch vụ.
7- Các CSVHTTCT có nhu cầu thanh lý tài sản: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Số tiền thu do thanh lý tài sản sau khi trừ chi phí thanh lý (cân, đong, đo, đếm, vận chuyển, xác định các thông số kỹ thuật, tiền công làm thêm giờ (nếu có)...), CSVHTTCT được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Trường hợp thanh lý tài sản hình thành từ nguồn vốn vay, nếu chưa trả hết vốn vay, đơn vị sử dụng số tiền thu được do thanh lý (sau khi trừ chi phí thanh lý) để trả vốn vay, trường hợp trả hết vốn vay thì được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
8- Cuối năm, kinh phí chi thường xuyên từ NSNN cấp và thu sự nghiệp của CSVHTTCT nếu chi không hết được chuyển sang năm sau tiếp tục chi và quyết toán vào niên độ kế toán năm sau. Trên cơ sở đối chiếu giữa Kho Bạc Nhà nước và đơn vị đến cuối ngày 31/12, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển số kinh phí chưa chi hết sang năm sau cho CSVHTTCT theo Thông tư số 81/2002/TT-BTC ngày 16/9/2002 của Bộ Tài chính, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan tài chính đồng cấp biết để quản lý.
9- Các đơn vị CSVHTTCT thực hiện hạch toán kế toán theo Thông tư số 121/2002/TT-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán đơn vị sự nghiệp có thu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2003.
Các nội dung khác về quản lý tài chính thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính.
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện cơ chế quản lý tài chính riêng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các CSVHTTCT phản ánh về Liên Bộ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nguyễn Công Nghiệp (Đã ký) | Trần Chiến Thắng (Đã ký) | Nguyễn Trọng Điều (Đã ký) |
Từ khóa: Thông tư liên tịch 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV, Thông tư liên tịch số 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV, Thông tư liên tịch 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thông tin, Thông tư liên tịch số 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thông tin, Thông tư liên tịch 20 2003 TTLT BTC BVHTT BNV của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thông tin, 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV
File gốc của Thông tư liên tịch 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực văn hoá – thông tin do Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá- Thông tin và Bộ Nội vụ ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực văn hoá – thông tin do Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá- Thông tin và Bộ Nội vụ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thông tin |
Số hiệu | 20/2003/TTLT-BTC-BVHTT-BNV |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Nguyễn Công Nghiệp, Nguyễn Trọng Điều, Trần Chiến Thắng |
Ngày ban hành | 2003-03-24 |
Ngày hiệu lực | 2003-01-01 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Hết hiệu lực |