QUY HOẠCH THỦY LỢI- YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG, THÀNH PHẦN, KHỐI LƯỢNG
Water resources planning - Technical requiment of content, composition and volume
Lời nói đầu
TCVN 8302 : 2018 thay thế cho TCVN 8302 : 2009.
TCVN 8302 : 2018 do Viện Quy hoạch Thủy lợi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
QUY HOẠCH THỦY LỢI - YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG, THÀNH PHẦN, KHỐI LƯỢNG
Water resources planning - Technical requiment of content, composition and volume
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc lập mới hoặc rà soát, điều chỉnh bổ sung về các lĩnh vực quy hoạch thủy lợi.
2 Thuật ngữ và giải thích
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ sau:
Quy hoạch thủy lợi tổng hợp (Integrated water resources planning)
Nghiên cứu xây dựng quy hoạch thủy lợi tổng hợp có tính tổng quát cho một lưu vực sông, liên lưu vực sông hoặc liên lãnh thổ. Mục tiêu của quy hoạch thủy lợi tổng hợp là đưa ra các giải pháp khung cơ bản, thích hợp để quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước cũng như phòng, chống thiên tai do nước gây ra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng quy hoạch.
Quy hoạch thủy lợi tổng hợp là bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu quy hoạch thủy lợi. Quy hoạch thủy lợi tổng hợp được lập cho những vùng có yêu cầu phải nhanh chóng đưa ra được khung cơ bản về chiến lược xây dựng thủy lợi hoặc phương án tổng quan về công trình trọng điểm để làm cơ sở lên kế hoạch lập quy hoạch thủy lợi hoặc lập quy hoạch chi tiết thủy lợi.
2.2
Quy hoạch thủy lợi (Water resources planning)
Quy hoạch thủy lợi đưa ra các phương án và giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước cũng như phòng, chống thiên tai do nước gây ra làm cơ sở để đầu tư, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
2.3
Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông (River basin water resources planning)
Nghiên cứu quy hoạch thủy lợi nhằm đưa ra các giải pháp cơ bản, thích hợp để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước cũng như phòng, chống thiên tai do nước gây ra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho lưu vực sông quy hoạch. Trong một lưu vực sông các chế độ khí tượng, thủy văn nguồn nước có quan hệ mật thiết với nhau. Các giải pháp kỹ thuật tác động đến nguồn nước trong lưu vực đều có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác trên toàn lưu vực. Vì vậy, quy hoạch thủy lợi lưu vực sông là quy hoạch cơ bản và đóng vai trò chủ đạo. Các quy hoạch thủy lợi vùng hoặc quy hoạch thủy lợi chuyên ngành phải dựa vào và phù hợp với quy hoạch thủy lợi lưu vực sông.
2.4
Quy hoạch chi tiết thủy lợi (Detailed water resources planning)
Nghiên cứu kỹ nhằm đưa ra đầy đủ và chi tiết các giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước cũng như phòng, chống thiên tai do nguồn nước gây ra đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một tiểu lưu vực sông hoặc một vùng nhỏ (theo đơn vị hành chính hoặc hệ thống thủy lợi).
Quy hoạch chi tiết thường lập sau khi có quy hoạch thủy lợi lưu vực, quy hoạch thủy lợi vùng hoặc quy hoạch thủy lợi tổng hợp. Đối với những vùng có chủ trương đầu tư tập trung để phát triển nhanh nền kinh tế - xã hội thì vẫn có thể lập quy hoạch chi tiết thủy lợi trước khi có quy hoạch lưu vực hoặc quy hoạch thủy lợi tổng hợp.
2.5
Vùng quy hoạch thủy lợi (Area of water resources planning)
Vùng được nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước, các giải pháp phòng, chống thiên tai do nguồn nước gây ra, đáp ứng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Vùng quy hoạch thủy lợi có thể bao gồm một hay nhiều lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi không phân biệt điều kiện địa hình, đặc điểm khí tượng, thủy văn địa giới hành chính.
2.6
Quản lý quy hoạch thủy lợi (Management of water resource plans)
Toàn bộ hoạt động liên quan đến lập quy hoạch thủy lợi bao gồm: lựa chọn dự án; tuyển chọn tư vấn; thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán; kiểm tra, giám sát quá trình lập dự án; thẩm định, phê duyệt dự án; công bố quy hoạch; tổ chức triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch thủy lợi.
3 Yêu cầu chung
3.1 Yêu cầu về tài liệu cơ bản lập quy hoạch thủy lợi
Theo nội dung quy định tại phụ lục A.
3.2 Nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi
- Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược thủy lợi; quy hoạch tài nguyên nước.
- Gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng và các quy hoạch liên quan.
- Bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông; phát triển bền vững.
- Phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm hài hòa giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai. Chú trọng cấp nước cho hải đảo, vùng ven biển, khu vực biên giới, miền núi và vùng ven hồ chứa thủy điện.
- Bảo đảm cân đối nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, đơn vị hành chính; chuyển nước từ nơi thừa đến nơi thiếu; trữ nước mùa mưa cho mùa khô năm nhiều nước cho năm ít nước.
- Bảo đảm việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình lập quy hoạch thủy lợi.
3.3 Đồ án quy hoạch thủy lợi
3.3.1 Yêu cầu chung đối với đồ án quy hoạch thủy lợi
- Phát triển tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng được nhu cầu về nước để thực hiện được các mục tiêu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội; phù hợp với định hướng, chiến lược hoặc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và các ngành có liên quan trong vùng nghiên cứu.
- Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước và môi trường sinh thái.
- Các giải pháp đề xuất phù hợp yêu cầu thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Có hiệu quả đầu tư cao.
3.3.2 Nội dung chính của đồ án quy hoạch thủy lợi
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước; điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn lực; đánh giá hiện trạng thủy lợi, kết quả thực hiện quy hoạch thủy lợi kỳ trước.
- Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển, nguồn nước trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, phát triển các lưu vực sông; dự báo tiến bộ khoa học và công nghệ, nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi.
- Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với thủy lợi; cơ hội và thách thức đối với phát triển thủy lợi.
- Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi.
- Phân tích, tính toán và xây dựng phương án thủy lợi theo các kịch bản phát triển trên phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, đơn vị hành chính. Bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hòa, phân phối nguồn nước, giảm thiểu rủi ro hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước.
- Đề xuất giải pháp, danh mục công trình, dự án, thứ tự ưu tiên; đề xuất, kiến nghị rà soát để phục vụ điều chỉnh các quy hoạch có liên quan đến thủy lợi bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
- Định hướng nhu cầu sử dụng đất phục vụ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi; nhu cầu sử dụng đất để phục vụ vật liệu nạo vét kênh, mương.
- Đánh giá môi trường chiến lược.
- Phân kỳ đầu tư; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Nội dung quy định về triển khai lập quy hoạch thủy lợi tham khảo phụ lục B.
3.4 Sản phẩm quy hoạch
3.4.1 Các báo cáo
a) Báo cáo tóm tắt.
b) Báo cáo tổng hợp.
c) Các báo cáo tính toán chuyên đề:
- Báo cáo hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội;
- Báo cáo hiện trạng thủy lợi;
- Báo cáo khí tượng, thủy văn;
- Báo cáo thủy công, kinh tế;
- Báo cáo tính toán thủy lực (nếu có phần tính toán thủy lực);
- Báo cáo tính toán quy hoạch cấp nước; tiêu, thoát nước; phòng, chống lũ.
d) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
3.4.2 Bản đồ quy hoạch
3.4.2.1 Các bản đồ trong hồ sơ quy hoạch
- Bản đồ hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội.
- Bản đồ hiện trạng phát triển thủy lợi.
- Bản đồ quy hoạch thủy lợi.
3.4.2.2 Các bản đồ cần lập ở 2 dạng
- Trên bản đồ kỹ thuật số hoặc bản đồ nền: tỷ lệ bản đồ 1:25.000 - 1:250.000.
- Bản đồ Atlat được xây dựng trên bản đồ số, đóng kèm báo cáo hoặc đóng thành tập phụ lục bản đồ, khổ A3 hoặc A2.
3.4.3 Các tài liệu khác
- Hồ sơ khảo sát kỹ thuật (nếu có).
- Các phụ lục số liệu tính toán, hình ảnh, phiếu điều tra.
- Các văn bản liên quan về đồ án quy hoạch, văn bản góp ý cho báo cáo quy hoạch của các địa phương, Bộ, ngành liên quan.
3.4.4 Hình thức giao nộp và lưu trữ hồ sơ quy hoạch
Trong các hồ sơ phải ghi rõ thời điểm khảo sát và lập hồ sơ những người chịu trách nhiệm chính, chữ ký, dấu của cơ quan lập hồ sơ cùng mục lục tài liệu.
Toàn bộ hồ sơ mỗi giai đoạn khảo sát, thiết kế đồ án đều phải được nộp cả hai dạng hồ sơ bằng giấy và hồ sơ tin học (các thuyết minh và bản vẽ lưu ở dạng file ảnh hoặc file pdf).
4 Quy hoạch thủy lợi tổng hợp
4.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
4.1.1 Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực tự nhiên
4.1.1.1 Đánh giá yếu tố vị trí địa lý, địa giới hành chính, giới hạn, diện tích tự nhiên vùng nghiên cứu quy hoạch.
4.1.1.2 Đánh giá đặc điểm địa hình chung toàn vùng và của từng tiểu vùng / phân vùng, bao gồm độ cao, độ dốc, hướng dốc và diện tích phân bố từng dạng địa hình.
4.1.1.3 Đánh giá quỹ đất và tiềm năng khai thác sử dụng đất
- Quỹ đất toàn vùng, tiểu vùng và quỹ đất phân bố theo các đơn vị hành chính.
- Tiềm năng khai thác sử dụng đất cho các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Đặc điểm thổ nhưỡng các loại đất chính, khả năng thích nghi, sử dụng của từng loại đất.
4.1.1.4 Nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm về khí hậu
- Mạng lưới trạm khí tượng - khí hậu có trong vùng quy hoạch và vùng lân cận liên quan, tình hình quan trắc và chất lượng tài liệu quan trắc.
- Phân vùng và các đặc trưng khí hậu ở từng vùng gồm giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất năm, tháng của: Nắng, gió, độ ẩm, bốc hơi và mưa. Đối với tính toán thiết kế quy hoạch tưới cho nông nghiệp cần có bản đồ đẳng trị mưa năm ứng với tần suất tính toán thiết kế tưới.
4.1.1.5 Nghiên cứu xác định các đặc trưng hình thái mạng lưới sông, suối, ngòi
Các đặc trưng gồm: Mật độ, nguồn, cửa sông, chiều dài, diện tích lưu vực của dòng chính và các nhánh chính, diễn biến lòng dẫn.
4.1.1.6 Điều tra mạng lưới trạm và tình hình quan trắc thủy văn dòng chảy, liệt năm và các đặc trưng quan trắc, chất lượng tài liệu quan trắc
4.1.1.7 Tính toán xác định các đặc trưng thủy văn - dòng chảy mặt
- Các thông số dòng chảy năm bình quân và theo tần suất tại các tuyến đặc trưng, sự biến đổi trong thời kỳ đo đạc, hệ số biến đổi Cv, hệ số thiên lệch Cs, sự biến đổi dòng chảy, cân bằng dòng chảy (cân bằng thủy văn). Khi tính toán thiết kế cấp nước cần có bản đồ đẳng trị mô số dòng chảy ứng với tần suất tính toán thiết kế cấp nước.
- Phân phối dòng chảy năm điển hình theo mùa và tháng trong năm theo tần suất thiết kế.
- Đặc trưng dòng chảy mùa lũ: Lưu lượng, mực nước lũ lớn nhất, nhỏ nhất hàng năm và năm lũ lịch sử theo tài liệu thực đo và theo tính toán tần suất.
- Đặc trưng dòng chảy mùa kiệt: Lưu lượng, mực nước cao nhất, thấp nhất thực đo và theo tần suất tính toán.
- Đặc trưng dòng chảy bùn cát.
- Nghiên cứu xem xét đánh giá sự biến đổi lòng dẫn do ảnh hưởng của công trình thượng nguồn đến chất lượng tài liệu thủy văn. Cần xây dựng mô hình thủy văn, thủy lực để tính toán khôi phục lại chuỗi số liệu này theo diễn biến tự nhiên.
- Đặc trưng chế độ thủy văn vùng triều: Chế độ triều, biên độ triều, độ sâu ảnh hưởng triều vào cửa sông...
- Các đặc trưng về mặn: Độ mặn và mức độ xâm nhập mặn...
- Các tác động do biến đổi khí hậu nước biển dâng đến việc xây dựng kịch bản cho tương lai, xu thế biến đổi nhiệt độ, mưa.
- Đặc trưng chất lượng nước: Một số chỉ tiêu về chất lượng nước tại một số vị trí điển hình, các chất ô nhiễm, các vùng và mức độ ô nhiễm.
4.1.1.8 Đánh giá các đặc trưng về địa chất thủy văn
Xác định sơ bộ theo tài liệu hiện có và điều tra thực địa (khi có điều kiện) về đặc điểm địa chất thủy văn, trữ lượng nước dưới đất, khả năng khai thác.
4.1.1.9 Tổng hợp nguồn nước, phân bố nguồn nước theo thời gian (từng tháng) và theo không gian (vùng, tiểu vùng) ứng với các tần suất tính toán
4.1.1.10 Nghiên cứu đánh giá đặc điểm địa chất, thảm phủ thực vật
4.1.2 Điều tra, tổng hợp, đánh giá nguồn lực xã hội
4.1.2.1 Tổ chức quản lý hành chính
Điều tra thu thập tài liệu các đơn vị hành chính, tổ chức quản lý, những thuận lợi và khó khăn trong quản lý hành chính.
4.1.2.2 Dân cư và lao động
Điều tra thu thập tài liệu về tổng số dân và lao động, phân loại theo nông thôn, thành thị; tốc độ tăng hàng năm ... phân bố theo đơn vị hành chính và theo vùng thủy lợi.
4.2 Điều tra, nghiên cứu đánh giá quá trình phát triển
4.2.1 Điều tra, đánh giá chung về quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Điều tra, phân tích quá trình phát triển nền kinh tế chung trong vòng từ 5 năm đến 10 năm gần nhất gồm cơ cấu phát triển sản xuất trên lưu vực, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng, tỉ trọng GRDP của các ngành kinh tế chính, GRDP bình quân đầu người, các định hướng quy hoạch phát triển chung về kinh tế - xã hội, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết.
4.2.2 Điều tra, đánh giá quá trình phát triển của các ngành kinh tế chính có liên quan mật thiết tới nguồn nước
4.2.2.1 Nông nghiệp
- Quỹ đất đang được khai thác cho nông nghiệp và cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp.
- Hiện trạng sản xuất nông nghiệp: Các loại cây trồng chính, thời vụ, năng suất, sản lượng, bình quân lương thực đầu người.
- Hiện trạng chăn nuôi: Hình thức chăn nuôi, số loại và tổng đàn gia súc, gia cầm, các cơ sở thức ăn, đồng cỏ.
- Định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp, những thuận lợi, khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp liên quan đến thủy lợi.
4.2.2.2 Lâm nghiệp
- Quỹ đất lâm nghiệp, diện tích các loại rừng, độ che phủ.
- Diễn biến rừng, tình hình khai thác, khôi phục và phát triển rừng.
- Những vấn đề tồn tại cần giải quyết để bảo vệ phát triển rừng và định hướng quy hoạch phát triển lâm nghiệp.
4.2.2.3 Thủy sản
- Hiện trạng và kết quả phát triển thủy sản bao gồm cả nuôi trồng, đánh bắt và chế biến.
- Tình hình nuôi trồng thủy sản: Các cơ sở, các loại thủy sản, phương thức nuôi thả, quy trình dùng nước, năng suất, sản lượng.
- Những thuận lợi, khó khăn trong nuôi trồng thủy sản và định hướng quy hoạch phát triển thủy sản.
4.2.2.4 Công nghiệp
- Giới thiệu khái quát vị trí, quy mô, công suất, sản lượng của các ngành công nghiệp, đặc biệt những ngành có nhu cầu dùng nước lớn như khai khoáng, luyện kim, nhiệt điện có mặt trong vùng quy hoạch.
- Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp.
4.2.2.5 Năng lượng
- Các hệ thống điện năng: Các nguồn điện, mức độ điện khí hóa.
- Hiện trạng khai thác thủy năng: Số trạm thủy điện, các thông số kỹ thuật của trạm thủy điện, sản lượng điện và tỷ trọng của thủy điện trong toàn hệ thống điện năng.
- Những tồn tại cần giải quyết cho phát triển thủy điện và định hướng quy hoạch phát triển năng lượng.
- Những mâu thuẫn giữa phát triển thủy điện và phát triển thủy lợi cần giải quyết.
4.2.2.6 Giao thông
- Các mạng lưới giao thông, khả năng vận tải của các tuyến giao thông nói chung và giao thông thủy nói riêng.
- Những mâu thuẫn giữa phát triển giao thông và phát triển thủy lợi cần giải quyết.
- Định hướng quy hoạch phát triển giao thông.
4.2.2.7 Xây dựng và đô thị
Điều tra, đánh giá chủ yếu về hiện trạng và định hướng phát triển các khu dân cư đô thị, bao gồm quy mô diện tích, dân số.
4.2.2.8 Dịch vụ và thương mại du lịch
Điều tra, đánh giá chủ yếu về hiện trạng và định hướng phát triển các khu dịch vụ - thương mại, du lịch.
4.2.3 Điều tra, khảo sát đánh giá quá trình xây dựng thủy lợi
a) Các chương trình, các dự án xây dựng phát triển thủy lợi và các dự án khác có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước đã được nghiên cứu, công nghệ ứng dụng, nhận xét về các chương trình, dự án đó.
b) Quá trình và kết quả đầu tư phát triển thủy lợi, bao gồm:
- Vốn đầu tư từng năm hoặc thời kỳ;
- Các giải pháp thủy lợi hiện có (công trình và phi công trình);
- Hiện trạng công trình, nhiệm vụ thiết kế và khả năng thực tế có thể đáp ứng được của các công trình và hệ thống công trình thủy lợi. Phân tích nguyên nhân làm giảm năng lực thiết kế của các công trình.
c) Phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được, các tồn tại, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng quản lý khai thác và phát triển thủy lợi. Xác định trọng tâm và định hướng giải quyết.
4.2.4 Điều tra hiện trạng thiên tai
- Các loại thiên tai có liên quan đã xảy ra như hạn hán, xâm nhập mặn, úng, lũ, lụt, sạt lở... Đánh giá về phạm vi và mức độ ảnh hưởng cũng như mức độ tổn thất do các thiên tai đó gây ra đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Điều tra một số năm thiên tai điển hình (năm xuất hiện lũ lớn bất thường, ngập úng lũ ống lũ quét hạn nặng, xâm nhập mặn dâng cao....).
4.2.5 Điều tra về tổ chức quản lý nước và công trình thủy lợi
- Bộ máy tổ chức, năng lực quản lý.
- Cơ chế chính sách trong phát triển và quản lý thủy lợi.
4.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
4.3.1 Phân tích xu thế phát triển
4.3.1.1 Các nguồn lực bên ngoài
Phân tích đánh giá tác động phát triển các nguồn lực ở các lưu vực hay các vùng lân cận cũng như tác động của chuyển đổi vĩ mô ở tầm quốc gia, quốc tế có ảnh hưởng tới sự phát triển của vùng nghiên cứu.
4.3.1.2 Các nguồn lực nội tại
- Phát triển nguồn nhân lực: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu cơ bản và định hướng phát triển trung hạn, dài hạn của các mặt như quy định tại Điều 4.1.
- Phát triển kinh tế: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu chung, định hướng phát triển trung hạn và dài hạn của các ngành kinh tế - xã hội như đã quy định tại Điều 4.2.
4.3.2 Phân tích, dự báo cơ hội và thách thức
Nghiên cứu, phân tích những cơ hội có tác động tích cực đến sự phát triển của lưu vực cần nắm bắt và chỉ ra những nguy cơ có thể tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực trong đó có nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng để có giải pháp hạn chế.
4.3.3 Xây dựng kịch bản
Xây dựng kịch bản (chọn kịch bản tính toán), cho từng giai đoạn định hướng, tầm nhìn với những giả thiết khác nhau có thể xảy ra trong tương lai.
4.4 Xây dựng phương án tổng quan phát triển thủy lợi
4.4.1 Xác định mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng thủy lợi
a) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển xây dựng thủy lợi trung hạn và dài hạn.
b) Xác định khung xây dựng thủy lợi chuyên ngành.
c) Xác định tiêu chuẩn thiết kế bao gồm:
- Tiêu chuẩn thiết kế cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản...;
- Tiêu chuẩn thiết kế tiêu, thoát nước;
- Tiêu chuẩn thiết kế phòng, chống lũ;
- Tiêu chuẩn thiết kế đê điều.
4.4.2 Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Dự báo mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới các lĩnh vực (cấp nước, tiêu nước, chống lũ...).
4.4.3 Xây dựng khung cấp nước
4.4.3.1 Phân vùng cấp nước
- Đặc điểm địa hình (cao độ và hướng dốc của địa hình, mức độ phức tạp và chia cắt bởi sông ngòi và công trình xây dựng...), sông ngòi và đặc điểm thủy văn, loại công trình thủy lợi cấp nước hoặc tiêu nước, đặc điểm sản xuất nông nghiệp và các loại đối tượng sử dụng nước... có mặt trong vùng nghiên cứu quy hoạch và yêu cầu của quy hoạch.
- Đặc thù hệ thống, hoặc các đầu mối cấp nước chính.
- Đặc điểm nguồn nước đến cấp cho khu dùng nước.
- Tình hình quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.
4.4.3.2 Xác định nhu cầu cấp nước
4.4.3.2.1 Xác định nhu cầu cấp nước hiện tại, tương lai và xét tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên cơ sở xác định
a) Dân sinh, số dân đô thị, quy mô đô thị, nông thôn cần được cấp nước sinh hoạt.
b) Công nghiệp: Số cơ sở, quy mô các cơ sở công nghiệp cần cấp nước.
c) Dịch vụ du lịch: Loại hình, số lượng khách, phòng khách các loại.
d) Nông nghiệp: Diện tích canh tác cần tưới; số đàn gia súc, gia cầm.
e) Thủy sản: Diện tích nuôi thả thủy sản cần cấp nước, hình thức nuôi thả (nuôi theo phương thức quảng canh, thâm canh, thâm canh cải tiến hay công nghiệp).
g) Giao thông thủy, dòng chảy tối thiểu ở hạ du.
f) Thủy điện: Điều tiết phát điện trên cơ sở nhu cầu phụ tải điện và cấp nước phục vụ các ngành.
4.4.3.2.2 Chọn chỉ tiêu để tính toán thiết kế cấp nước
a) Các chỉ tiêu thiết kế cấp nước tưới cho nông nghiệp, bao gồm mức bảo đảm cấp nước, mô hình mưa tưới, hệ số tưới, mức tưới thiết kế cho từng loại cây trồng ở từng vùng.
b) Chỉ tiêu cấp nước đơn vị, mức bảo đảm, yêu cầu nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, thủy sản và các đối tượng sử dụng nước khác có trong vùng quy hoạch.
c) Chỉ tiêu cấp nước cho chăn nuôi.
d) Chỉ tiêu cấp nước cho sinh hoạt: Đô thị, nông thôn.
4.4.3.2.3 Tính toán xác định nhu cầu cấp nước hiện tại và tương lai
a) Nhu cầu nước cho sinh hoạt của dân cư và cho từng ngành kinh tế theo vùng, tiểu vùng, và theo năm, tháng.
b) Yêu cầu dòng chảy tối thiểu cũng như các hoạt động bình thường của dân sinh và các ngành kinh tế ở phía hạ lưu.
4.4.3.3 Tính toán cân bằng nước
Khi tính toán cân bằng nước cần xác định những vị trí đặc trưng và điển hình là những tuyến dự kiến xây dựng công trình điều tiết, các ranh giới hành chính, ranh giới lưu vực sông cho toàn vùng quy hoạch và từng vùng thủy lợi. Nội dung chủ yếu trong tính toán cân bằng nước bao gồm:
a) Tính toán cân bằng nước sơ bộ cho giai đoạn hiện tại theo nguồn nước tự nhiên, xác định mức thừa, thiếu của các nguồn nước tự nhiên;
b) Tính toán cân bằng nước cho giai đoạn:
- Phát triển tương lai theo nguồn nước hiện có (với các công trình điều tiết hiện có và đang xây dựng) để xác định yêu cầu phát triển nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển các ngành trong tương lai; Tính toán nguồn nước phục vụ cho các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển kinh tế xã hội nâng cao giá trị bền vững, các biện pháp công trình điều tiết, bổ sung dự kiến đề đánh giá khả năng phát triển nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển các ngành trong tương lai;
- Nếu đã đưa hết các công trình điều tiết dự kiến có thể xây dựng vào tính toán cân bằng mà vẫn thiếu nước, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh nhu cầu nước của các hộ dùng nước (đối với nông nghiệp, thủy sản có thể khuyến cáo thay đổi cơ cấu thời vụ gieo trồng, cơ cấu cây trồng, loại thủy sản nuôi thả...) hoặc yêu cầu có giải pháp bổ sung nguồn nước từ các lưu vực lân cận, hoặc kiến nghị không bố trí hộ dùng nước nào đó trong lưu vực.
4.4.3.4 Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khung cơ bản cấp nước
4.4.3.4.1 Đề xuất giải pháp kỹ thuật cấp nước ở từng vùng
Các đề xuất phải nêu rõ nguồn nước, phạm vi, nhiệm vụ, quy mô từng hệ thống công trình chính, gồm cả nâng cấp, cải tạo các hệ thống hiện có và các hệ thống làm mới.
4.4.3.4.2 Xác định chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của các công trình hoặc hệ thống công trình có quy mô lớn và được ưu tiên đầu tư theo tính toán sơ bộ và các công trình khác theo chỉ tiêu mở rộng
4.4.3.5 Đánh giá hiệu quả cấp nước và ước tính vốn đầu tư
Dự tính kết quả cấp nước ở toàn lưu vực và từng vùng, bao gồm diện tích, năng suất, sản lượng tăng lên do có biện pháp công trình cấp nước cho nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), thủy sản được cấp nước và mức bảo đảm cấp nước; số dân được cấp nước, mức cấp nước; các khu công nghiệp và lượng nước được cấp; tác dụng cải thiện giao thông thủy, tạo điều kiện phát triển an dưỡng, du lịch. Hiệu quả định tính mang lại gồm: Môi trường sinh thái, điều kiện sống thay đổi, sản xuất, an ninh, chính trị, xã hội.
4.4.4 Xây dựng khung quy hoạch tiêu, thoát nước
4.4.4.1 Đánh giá tình trạng mưa úng xảy ra hàng năm, bao gồm phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất do úng ngập gây ra; nguyên nhân úng và yêu cầu tiêu úng cho vùng quy hoạch
4.4.4.2 Phân vùng tiêu thoát nước. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội ở từng vùng - vùng tiêu tự chảy - vùng tiêu động lực - vùng tiêu kết hợp tự chảy và bơm
4.4.4.3 Điều tra đánh giá hiện trạng các công trình tiêu và hệ thống công trình tiêu thoát hiện có, bao gồm biện pháp tiêu (tự chảy, động lực), diện tích lưu vực tiêu, mức bảo đảm, hệ số tiêu, năng lực tiêu thoát thiết kế và thực tế của từng công trình (trạm bơm, cống, kênh tiêu)
4.4.4.4 Phân tích lựa chọn tiêu chuẩn chống úng và mức chống úng cho từng vùng
4.4.4.5 Nghiên cứu, tính toán và đề xuất các giải pháp khung về tiêu, thoát nước
a) Biện pháp tiêu: Biện pháp tiêu đề xuất có thể là tiêu tự chảy hoặc tiêu động lực nhưng phải làm rõ mức đảm bảo tiêu, mô hình mưa tiêu thiết kế, hệ số tiêu thoát, mực nước tiêu thiết kế.
b) Đề xuất các công trình tiêu và hệ thống công trình tiêu (công trình cải tạo nâng cấp, công trình xây dựng mới). Các công trình đề xuất phải chỉ rõ phạm vi lưu vực tiêu, nhiệm vụ, quy mô công trình đầu mối tiêu, tổng lưu lượng tiêu, đường tiêu và hướng tiêu.
c) Chuyển đổi các vùng thường xuyên ngập úng sang nuôi trồng thủy sản.
4.4.4.6 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp tiêu
4.4.4.7 Dự tính hiệu quả đạt được của các giải pháp tiêu đề xuất: giảm mức úng ngập về diện tích cho các đối tượng có nhu cầu tiêu nước trong vùng quy hoạch, giảm độ sâu ngập và thời gian ngập
4.4.5 Xây dựng khung quy hoạch phòng, chống lũ
4.4.5.1 Phân tích, đánh giá tình trạng mưa bão, lũ, lụt xảy ra bao gồm phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về tài sản và tính mạng do lũ, lụt gây ra. Yêu cầu phòng, chống lũ, lụt
4.4.5.2 Mục tiêu nhiệm vụ phòng, chống lũ
4.4.5.3 Phân vùng chống lũ. Phân tích các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ở từng vùng
4.4.5.4 Đánh giá hiện trạng các công trình và hệ thống công trình phòng, chống lũ hiện có như tiêu chuẩn, mức đảm bảo chống lũ thiết kế, khả năng chống lũ thực tế, những tồn tại cần giải quyết
4.4.5.5 Phân tích lựa chọn tiêu chuẩn chống lũ chung của lưu vực; yêu cầu về mức đảm bảo chống lũ cho từng vùng và toàn lưu vực; chọn mô hình lũ thiết kế
4.4.5.6 Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khung phòng, chống lũ
a) Giải pháp công trình:
Tùy thuộc và điều kiện cụ thể của vùng quy hoạch có thể áp dụng một hay một vài giải pháp sau:
- Không gian thoát lũ của các tuyến sông có đê;
- Hồ chứa: Dung tích hồ chứa, dung tích phòng, chống lũ hạ du, tác dụng cắt lũ cho hạ du, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản khác của công trình.
- Vùng chậm lũ: Giới hạn vùng chậm lũ, dung tích vùng chậm lũ, tác dụng cắt lũ.
- Đường phân lũ: Bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ; lưu lượng phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính.
- Đê điều: Bố trí tuyến đê, cao độ và mặt cắt thiết kế đê, các chỉ tiêu chống lũ của đê. Xây dựng hoặc cải tạo kè, cống dưới đê.
- Chỉnh trị sông: Các đoạn sông cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị.
- Bố trí kè bảo vệ dân cư, hạ tầng các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở của các vùng bị lũ sông, lũ quét uy hiếp.
- Công trình phụ trợ cứu hộ, cứu nạn.
b) Giải pháp phi công trình:
- Đề xuất định hướng bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không có tính khả thi hoặc không đủ đáp ứng.
- Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, loại rừng và mức độ che phủ cần đảm bảo.
- Công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ, lụt: Bộ máy điều hành, mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị cần thiết cho bộ máy điều hành và công tác dự báo, mô hình dự báo lũ.
- Chính sách cảnh báo, di dân, hỗ trợ dân vùng lũ.
4.4.5.7 Tính toán thủy lực lũ
Theo các phương án bố trí công trình để chọn phương án quy hoạch phòng, chống lũ hiệu quả.
4.4.5.8 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ
4.4.5.9 Đánh giá sơ bộ tác dụng của tổ hợp các giải pháp phòng, chống lũ
- Định lượng: Khả năng cắt giảm mực nước, lưu lượng lũ cho hạ du tại những vị trí đặc trưng đối với mô hình lũ thiết kế; số dân cư, các cơ sở hạ tầng và sản xuất được bảo vệ.
- Định tính: Cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện điều kiện sống và phát triển các ngành kinh tế.
4.4.6 Xây dựng khung quy hoạch phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
4.4.6.1 Phân tích, đánh giá tình trạng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác
4.4.6.2 Mục tiêu nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
4.4.6.3 Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai quan trắc; thu thập cập nhật, theo dõi, giám sát, tổng hợp, xử lý thông tin từ hệ thống quan trắc; xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai. Đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai
4.4.6.4 Đánh giá hiện trạng các công trình và hệ thống công trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai hiện có như trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở; khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai... những tồn tại cần giải quyết
4.4.6.5 Xác định cấp độ rủi ro thiên tai
Căn cứ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai của Chính phủ để: Phân các cấp độ rủi ro thiên tai làm cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai. Với tiêu chí phân cấp độ rủi ro thiên tai bao gồm:
a) Cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai;
b) Phạm vi ảnh hưởng;
c) Khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường.
4.4.6.6 Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
4.4.6.6.1 Giải pháp công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai
a) Giải pháp cấp nước: Thực hiện theo Điều 4.4.3.4 nhưng chú trọng giải pháp cấp nước giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn.
b) Giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ, lụt, sạt lở:
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của vùng quy hoạch có thể áp dụng một hay một vài trong số các giải pháp đề xuất sau:
- Hồ chứa: Các loại dung tích hồ chứa, dung tích phòng, chống lũ hạ du, tác dụng cắt lũ cho hạ du, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản khác của công trình.
- Vùng chậm lũ: Giới hạn vùng chậm lũ, dung tích vùng chậm lũ, tác dụng cắt lũ.
- Đường phân lũ: Bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ. Lưu lượng phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính.
- Đê điều: Bố trí tuyến đê, mặt cắt thiết kế đê, cứng hóa mặt đê, mái đê và các chỉ tiêu chống lũ của đê. Xây dựng hoặc cải tạo kè, cống dưới đê.
- Chỉnh trị sông: Các đoạn sông cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị.
- Tường kè: Bố trí ở những vùng dễ bị sạt lở để bảo vệ các khu dân cư, hạ tầng cơ sở ở vùng dễ xảy ra lũ, lũ quét, sóng biển.
4.4.6.6.2 Giải pháp phi công trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
a) Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn.
b) Vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp nước, ưu tiên cấp nước sinh hoạt; sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước.
c) Ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm.
d) Tổ chức quan trắc độ mặn, điều hành đóng mở cống lấy nước và ngăn mặn phù hợp với tình huống cụ thể.
e) Trồng và bảo vệ rừng.
f) Tăng cường công tác cảnh báo bằng truyền thông, tập huấn cho dân vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ như sau: Khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.
4.4.5.7 Ước tính vốn đầu tư thực hiện
4.4.6.8 Giải pháp thực hiện
Tăng cường quản lý việc đầu tư xây dựng, tu bổ, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, bao gồm công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai; tăng cường phối hợp các cấp ban ngành, tuyên truyền cảnh báo...
4.4.7 Xây dựng khung quy hoạch đê điều
4.4.7.1 Phân tích, đánh giá tình trạng mưa bão, lũ, lụt xảy ra hàng năm bao gồm phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về tài sản và tính mạng do lũ lụt gây ra. Yêu cầu bảo vệ của hệ thống đê
4.4.7.2 Phân vùng bảo vệ
Phân tích các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ở từng vùng.
4.4.7.3 Phân tích, đánh giá tình trạng hệ thống đê sông, đê biển
Bao gồm: hiện trạng đê, đê bao, đê bối, công trình trên đê, cao trình, mặt cắt ngang, hành lang bảo vệ đê, kè, cống, cửa khẩu, điểm canh đê, công tác quản lý, trang thiết bị, vật tư....Phân tích tình hình mưa, bão, lũ, lụt và mức độ bảo vệ của hệ thống đê.
4.4.7.4 Mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch đê điều
Đảm bảo an toàn phòng, chống lũ thiết kế của từng tuyến sông, xác định vị trí, quy mô, nhiệm vụ, thông số kỹ thuật đê chính, giải pháp thực hiện đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vùng nghiên cứu.
4.4.7.5 Phân tích lựa chọn tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch đê điều
Dựa trên tiêu chuẩn phòng, chống lũ; lũ thiết kế tuyến đê sông được phê duyệt từ quy hoạch phòng, chống lũ của lưu vực. Yêu cầu về mức đảm bảo chống lũ, không gian thoát lũ cho từng vùng và toàn lưu vực. Chọn tiêu chuẩn thiết kế đê, phân cấp đê.
4.4.7.6 Nghiên cứu khung quy hoạch đê điều
a) Xác định nhiệm vụ của tuyến đê:
Xác định vị trí các tuyến đê, mặt cắt thiết kế đê, cao trình, nhiệm vụ bảo vệ...
b) Phân cấp đê: Căn cứ vào các thông tư, số liệu về kinh tế - xã hội, diện tích vùng bảo vệ, vùng ngập lụt, khu dân cư, mức độ quan trọng của vùng bảo vệ để tiến hành phân cấp đê theo từng chỉ tiêu.
c) Xác định các thông số kỹ thuật của tuyến đê: Mực nước thiết kế đê được quy định dựa vào mực nước thiết kế phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê tương ứng đã được quy định trong quy hoạch phòng, chống lũ, Cao trình đỉnh đê được tính từ mực nước thiết kế đê và độ cao gia tăng an toàn của đê, bề rộng đê theo tiêu chuẩn đê, mái đê phía đồng, đê đi qua khu dân cư.
d) Xác định vị trí tuyến đê: Việc xác định hay điều chỉnh tuyến đê cần phải phù hợp với các quy hoạch có liên quan như các quy hoạch chung của vùng nghiên cứu như quy hoạch đô thị; thủy lợi; đất đai; phòng, chống lũ; quy hoạch giao thông không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, tránh tối đa việc giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến các di tích lịch sử.
e) Các giải pháp công trình củng cố nâng cấp, xây dựng các tuyến đê chính:
- Hoàn chỉnh mặt cắt đê để đảm bảo đủ chiều cao chống lũ và kích thước mặt cắt ngang bằng việc đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng mặt đê, đắp cơ thượng, hạ lưu, cứng hóa mặt đê cho các tuyến đê;
- Khi các tuyến đê có kết hợp giao thông cần mở rộng mặt cắt đê và tuân thủ quy định về lưu thông trên đê như phương tiện, tải trọng.... Các tuyến đê cửa sông, cửa biển, kết hợp giao thông cảng cần đảm bảo các yếu tố an toàn, thuận lợi, không gây cản trở việc tiêu thoát lũ;
- Đối với các tuyến đê đã có cần xem xét nâng cấp, xử lý mối, mạch đùn, mạch sủi, cống dưới đê, cửa khẩu, kè bảo vệ đê;
- Xây dựng đường hành lang chân đê ở những khu vực có dân cư hiện hữu và khu vực dân cư quy hoạch để chống lấn chiếm và bảo vệ hành lang đê điều tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ đê trong tình huống khẩn cấp và kết hợp giao thông.
f) Các giải pháp công trình củng cố, nâng cấp, xây dựng các tuyến đê bao, đê bối: Cần xác định vị trí, nhiệm vụ của các loại đê này để phân cấp đê bối cấp III, IV hay V. Xác định các thông số kỹ thuật của đê bối dựa trên mực nước báo động cấp II trên các sông, bề rộng mặt đê bối cần xem xét có kết hợp giao thông để xác định, vị trí các tuyến đê bối, công trình trên đê bối.
g) Giải pháp cho vùng bối bãi, vùng phân lũ, chậm lũ: Cần xem xét cụ thể quy định cho các khu vực bối bãi nằm trong không gian thoát lũ, nằm ngoài không gian thoát lũ.
h) Giải pháp phi công trình: hiện đại hóa công nghệ thông tin cảnh báo, tăng cường công tác quản lý nâng cao, nhận thức, xây dựng cơ chế chính sách. Tăng cường công tác quan trắc, đo đạc. Đánh giá môi trường chiến lược để từ đó xây dựng được các biện pháp giảm thiểu tác động về môi trường của các công trình đề xuất trong quy hoạch.
4.4.7.7 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp nâng cấp, xây dựng đê điều
4.4.7.8 Giải pháp thực hiện
Tổ chức quản lý phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, quản lý đê điều, hộ đê. Xây dựng các giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về quản lý, giải pháp về cơ chế chính sách, vốn đầu tư. Xây dựng trình tự thực hiện quy hoạch theo mức độ cấp thiết, ưu tiên.
4.4.8 Xây dựng khung quy hoạch quản lý hệ thống công trình thủy lợi
4.4.8.1 Phân vùng cấp nước, tiêu nước
Căn cứ vào đặc điểm địa hình (cao độ và hướng dốc của địa hình, mức độ phức tạp và chia cắt bởi sông ngòi và công trình xây dựng), sông ngòi và đặc điểm thủy văn, loại công trình thủy lợi cấp nước hoặc tiêu nước, đặc điểm sản xuất nông nghiệp và các loại đối tượng sử dụng nước có mặt trong hệ thống quy hoạch và yêu cầu của quy hoạch để thực hiện phân vùng.
- Căn cứ đặc thù hệ thống, hoặc các đầu mối cấp nước, tiêu nước chính của hệ thống.
- Căn cứ vào đặc điểm nguồn nước đến cấp cho hệ thống.
- Căn cứ vào tình hình quản lý khai thác công trình thủy lợi trên hệ thống.
4.4.8.2 Xác định nhu cầu cấp nước
4.4.8.2.1 Xác định nhu cầu cấp nước hiện tại, tương lai và xét tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Dân sinh, số dân đô thị, quy mô đô thị, nông thôn cần được cấp nước sinh hoạt; công nghiệp; dịch vụ du lịch; nông nghiệp: diện tích canh tác cần tưới; số đàn gia súc, gia cầm; thủy sản; giao thông thủy, dòng chảy tối thiểu ở hạ du.
4.4.8.2.2 Chọn chỉ tiêu tính toán thiết kế cấp nước
Các chỉ tiêu thiết kế cấp nước tưới cho nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thủy sản, chăn nuôi, cấp nước cho sinh hoạt đô thị, nông thôn. Tính toán xác định nhu cầu cấp nước tại thời điểm hiện tại và tương lai.
4.4.8.2.3 Nhu cầu dùng nước cho các ngành
4.4.8.3 Tính toán cân bằng nước
Khi tính toán cân bằng nước cần xác định những vị trí đặc trưng và điển hình là những tuyến dự kiến xây dựng công trình điều tiết, các ranh giới hành chính, ranh giới lưu vực sông cho toàn hệ thống quy hoạch và từng vùng thủy lợi. Nội dung chủ yếu trong tính toán cân bằng nước bao gồm:
a) Tính toán cân bằng nước sơ bộ cho giai đoạn hiện tại theo nguồn nước tự nhiên, xác định mức thừa, thiếu của các nguồn nước tự nhiên;
b) Tính toán cân bằng nước cho giai đoạn:
- Phát triển tương lai theo nguồn nước hiện có (với các công trình điều tiết hiện có và đang xây dựng) để xác định yêu cầu phát triển nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển các ngành trong tương lai;
- Phát triển tương lai có tính đến các biện pháp công trình điều tiết, bổ sung dự kiến để đánh giá khả năng phát triển nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển các ngành trong tương lai;
- Nếu đã đưa hết các công trình điều tiết dự kiến có thể xây dựng vào tính toán cân bằng mà vẫn thiếu nước, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh nhu cầu nước của các hộ dùng nước (đối với nông nghiệp, thủy sản có thể khuyến cáo thay đổi cơ cấu thời vụ gieo trồng, cơ cấu cây trồng, loại thủy sản nuôi thả...) hoặc yêu cầu có giải pháp bổ sung nguồn nước từ các lưu vực lân cận, hoặc kiến nghị không bố trí hộ dùng nước nào đó trong lưu vực.
4.4.8.4 Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cơ bản cấp nước cho hệ thống
4.4.8.4.1 Đề xuất giải pháp kỹ thuật cấp nước ở từng vùng
Các đề xuất phải nêu rõ nguồn nước, phạm vi, nhiệm vụ, quy mô từng hệ thống công trình chính, gồm cả nâng cấp, cải tạo các hệ thống hiện có và các hệ thống làm mới.
4.4.8.4.2 Đề xuất hướng giải quyết khi thiếu nguồn nước hoặc không thể xây dựng được công trình cấp nước
- Chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu sản xuất nông nghiệp hoặc bố trí dân cư, công nghiệp, thủy sản... cho thích hợp.
- Chuyển nước từ lưu vực lân cận bổ sung cho những vùng thiếu.
4.4.8.4.3 Đề xuất giải pháp xây dựng quy trình vận hành cho cả hệ thống, hoặc theo nhóm công trình trong hệ thống để cải thiện khả năng điều tiết bổ trợ
4.4.8.4.4 Xác định một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của các công trình hoặc hệ thống công trình có quy mô lớn và vừa được ưu tiên đầu tư
4.4.8.5 Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cơ bản tiêu nước cho hệ thống
- Các trường hợp nghiên cứu đề xuất các giải pháp:
+ Mưa lớn vượt tần suất thiết kế vào giai đoạn lúa mới cấy, giai đoạn lúa đẻ nhánh và giai đoạn cuối vụ thu hoạch;
+ Lũ lớn trên lưu vực, mực nước ngoài sông trên các mức báo động. Tổ hợp của các trường hợp bất lợi trên;
- Các kịch bản lũ trên lưu vực, mực nước ngoài sông trên kênh tiêu và hiện trạng sông trục với trường hợp bất lợi.
4.4.8.6 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp nâng cấp, xây dựng công trình trong hệ thống
4.4.8.7 Giải pháp thực hiện
Tổ chức xây dựng các giải pháp thực hiện quy hoạch: giải pháp về quản lý, giải pháp về cơ chế chính sách, vốn đầu tư. Xây dựng trình tự thực hiện quy hoạch theo mức độ cấp thiết, ưu tiên.
4.5 Sản phẩm quy hoạch thủy lợi tổng hợp
Thực hiện theo Điều 3.5 trong trường hợp yêu cầu lập định hướng quy hoạch chỉ có một số chuyên ngành hoặc rà soát, điều chỉnh quy hoạch thì có thể giảm một số báo cáo chuyên đề, bản đồ tương ứng với chuyên ngành không có yêu cầu tính toán trong quy hoạch.
5 Quy hoạch thủy lợi chuyên đề
5.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
- Phân tích yếu tố tự nhiên và xã hội.
- Đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội.
- Dự báo quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng thủy lợi.
- Xây dựng, phân tích các kịch bản.
- Xác định các giải pháp, phương án chọn.
- Đánh giá môi trường chiến lược.
- Phân kỳ đầu tư và tổ chức thực hiện.
5.1.1 Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực tự nhiên
5.1.1.1 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá các yếu tố địa lý tự nhiên
- Vị trí địa lý, phạm vi hành chính, giới hạn, diện tích tự nhiên của lưu vực.
- Đặc điểm địa hình chung toàn lưu vực và của từng vùng về độ cao, độ dốc, hướng dốc và diện tích phân bố từng dạng địa hình.
- Đặc điểm địa hình địa mạo, cấu tạo địa chất chung và phân vùng địa chất lưu vực. Điều kiện địa chất công trình và vật liệu xây dựng ở vùng tuyến công trình dự kiến xây dựng đợt đầu.
- Quỹ đất và tiềm năng khai thác sử dụng đất, bao gồm quỹ đất của từng khu vực và toàn lưu vực quy hoạch; tiềm năng khai thác sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Đặc điểm chung về đất đai thổ nhưỡng trên lưu vực, các loại đất và phân bổ các loại đất chính có trong lưu vực. Đặc điểm các loại đất chính, khả năng thích nghi, sử dụng của từng loại đất.
- Tài nguyên khoáng sản: Căn cứ vào các tài liệu đã công bố, giới thiệu khái quát các loại khoáng sản có tiềm năng lớn về trữ lượng, giá trị kinh tế và vị trí phân bố.
5.1.1.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá các yếu tố chính liên quan đến nguồn nước trên lưu vực
a) Khí hậu:
- Mạng lưới trạm khí tượng, thời gian quan trắc và chất lượng tài liệu quan trắc;
- Phân vùng và các đặc trưng khí hậu ở từng vùng, gồm giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất năm, tháng của nắng, gió, độ ẩm, bốc hơi và mưa; bản đồ đẳng trị lượng mưa ứng với tần suất tính toán thiết kế tưới, cần xác định mô hình mưa tưới, mưa tiêu thiết kế tại các vùng công trình theo tần suất thiết kế.
b) Đặc trưng hình thái mạng lưới sông:
- Mật độ, nguồn, cửa sông, chiều dài, độ rộng, độ dốc, độ uốn khúc, diện tích lưu vực của dòng chính và các nhánh chính;
- Mạng lưới trạm quan trắc và tình hình tài liệu quan trắc thủy văn dòng chảy, các đặc trưng và liệt năm quan trắc, chất lượng tài liệu quan trắc;
- Diễn biến dòng chảy trên sông qua một số năm gần đây, khi các công trình thượng nguồn được xây dựng. Lòng dẫn thay đổi do dòng chảy bùn cát biến đổi.
c) Các đặc trưng về thủy văn - dòng chảy mặt:
- Các đặc trưng này được xác định theo tài liệu hiện có. Khi cần thiết có thể đo đạc bổ sung tài liệu về lưu lượng và mực nước kiệt, độ mặn và phạm vi nhiễm mặn, lưu lượng và mực nước một số con lũ, chất lượng nước;
- Các thông số dòng chảy năm bình quân và theo tần suất tại các tuyến đặc trưng, sự biến đổi trong thời kỳ đo đạc, hệ số biến đổi Cv, hệ số thiên lệch Cs, sự biến đổi dòng chảy, cân bằng dòng chảy. Lập bản đồ đẳng trị một số dòng chảy ứng với tần suất tính toán thiết kế cấp nước;
- Phân phối dòng chảy năm thiết kế theo mùa và tháng trong năm;
- Đặc trưng dòng chảy mùa lũ như lưu lượng, mực nước lũ lớn nhất, nhỏ nhất hàng năm và năm lũ lịch sử theo tài liệu thực đo và theo tính toán tần suất; đường quá trình lũ tính toán tại các tuyến đặc trưng;
- Đặc trưng dòng chảy mùa kiệt gồm lưu lượng, mực nước cao nhất, thấp nhất thực đo và theo tần suất tính toán;
- Đặc trưng dòng chảy bùn cát;
- Đặc trưng chế độ thủy văn vùng triều gồm chế độ triều, biên độ triều, độ sâu ảnh hưởng triều vào trong nội đồng;
- Các đặc trưng về mặn: độ mặn, mức độ xâm nhập mặn. Sự liên quan giữa độ mặn, chiều sâu xâm nhập mặn với lưu lượng ở thượng nguồn.
- Đặc trưng chất lượng nước, các nguồn gây ô nhiễm, các vùng và mức độ ô nhiễm;
- Các đặc trưng thủy văn công trình gồm mực nước, lưu lượng thiết kế và kiểm tra tại các tuyến công trình, các biên và nút tính toán thủy lực.
d) Các đặc trưng về địa chất thủy văn:
Tài liệu này được xác định sơ bộ theo tài liệu hiện có và điều tra thực địa, bao gồm các đặc trưng chính về địa chất thủy văn, chất lượng, trữ lượng nước dưới đất, khả năng khai thác, sử dụng.
e) Tổng hợp nguồn nước, phân bố nguồn nước theo thời gian (theo tháng) và theo không gian ứng với các tần suất tính toán thiết kế.
5.1.2 Điều tra, đánh giá nguồn lực xã hội
5.1.2.1 Điều tra, đánh giá về tổ chức quản lý hành chính bao gồm phân chia các đơn vị hành chính, tổ chức quản lý, những thuận lợi và khó khăn trong quản lý hành chính; một số khái quát về tình hình chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng trên lưu vực
5.1.2.2 Điều tra đánh giá về dân cư và lao động
a) Tổng số dân cư và lao động, dân tộc, giới, lao động, nông thôn, thành thị; tốc độ tăng dân số hàng năm.... Phân bố dân cư theo đơn vị hành chính và theo vùng thủy lợi.
b) Trình độ dân trí, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp.
c) Các đặc điểm văn hóa xã hội: Chất lượng đời sống văn hóa xã hội của nhân dân.
5.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá quá trình phát triển
5.2.1 Quá trình phát triển kinh tế - xã hội
5.2.1.1 Điều tra, phân tích quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong vòng từ 5 năm đến 10 năm gần nhất của nền kinh tế chung và của các ngành kinh tế chính có liên quan tới nguồn nước như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, năng lượng, xây dựng - đô thị, giao thông, du lịch - dịch vụ
5.2.1.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá nền kinh tế chung
- Cơ cấu phát triển sản xuất trên lưu vực.
- Kết quả sản xuất: Giá trị tổng sản phẩm GRDP của cả vùng quy hoạch, tỉ trọng GRDP của các ngành kinh tế chính trong lưu vực, GRDP bình quân đầu người.
- Định hướng chung về phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực.
5.2.1.3 Điều tra đánh giá quá trình phát triển các ngành kinh tế chính
a) Nông nghiệp:
- Quỹ đất đang được khai thác cho nông nghiệp, phân bổ các loại đất nông nghiệp, đất canh tác;
- Tình hình canh tác nông nghiệp: loại cây trồng, cơ cấu diện tích cây trồng, thời vụ, năng suất, sản lượng, bình quân lương thực đầu người.
- Tình hình chăn nuôi: Hình thức chăn nuôi, số loại đàn gia súc, gia cầm.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp;
- Những thuận lợi, khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp;
- Định hướng phát triển nông nghiệp.
b) Lâm nghiệp:
- Quỹ đất lâm nghiệp, phân loại loại rừng, diện tích các loại rừng, chất lượng rừng, độ che phủ, trữ lượng lâm sản;
- Diễn biến về diện tích và chủng loại rừng, tình hình khai thác, khôi phục và phát triển rừng;
- Những vấn đề tồn tại cần giải quyết để bảo vệ, phát triển và các định hướng phát triển rừng.
c) Thủy sản:
- Hiện trạng và kết quả phát triển ngành thủy sản, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt;
- Tình hình nuôi trồng thủy sản, bao gồm các cơ sở, các loại thủy sản, phương thức nuôi thả, quy trình dùng nước, năng suất, sản lượng;
- Những thuận lợi, khó khăn trong việc nuôi trồng thủy sản;
- Một số định hướng quy hoạch phát triển thủy sản.
d) Công nghiệp:
- Các ngành công nghiệp có trong vùng quy hoạch, đặc biệt quan tâm tới những ngành có nhu cầu dùng nước lớn như khai khoáng, luyện kim, nhiệt điện;
- Các cơ sở công nghiệp chính: vị trí, quy mô, công suất, sản lượng. Nếu có tài liệu có thể nêu rõ hơn về quy trình công nghệ sản xuất và quy trình sử dụng nước, thải nước, chất lượng nước thải, số dân cư công nghiệp, cao trình mặt bằng khu công nghiệp.
- Tình hình sản xuất công nghiệp, cấp, thải nước, những thuận lợi và khó khăn, vấn đề ô nhiễm do chất thải công nghiệp;
- Khái quát quy hoạch phát triển công nghiệp trên lưu vực.
e) Năng lượng:
- Các hệ thống điện năng: các nguồn, mạng lưới điện, mức độ điện khí hóa, bình quân lượng điện tiêu thụ trên đầu người.
- Hiện trạng khai thác thủy năng: số công trình thủy điện, một số thông số kỹ thuật chính của công trình thủy điện, điện năng, tỷ trọng của điện trong toàn hệ thống điện năng. Hiện trạng khai thác, vận hành của các nhà máy thủy điện, khả năng phát huy công suất.
- Những tồn tại cần giải quyết cho phát triển thủy điện và định hướng quy hoạch thủy điện.
g) Giao thông:
- Các mạng lưới giao thông, hiện trạng và khả năng vận tải của các tuyến giao thông nói chung và giao thông thủy nói riêng;
- Những mâu thuẫn giữa phát triển giao thông và phát triển thủy lợi cần giải quyết;
- Khái quát một số định hướng quy hoạch phát triển giao thông trong lưu vực.
h) Khai khoáng:
Khái quát về loại, vị trí, trữ lượng các mỏ, tình hình khai thác, quy trình khai thác, quy trình sử dụng nước và thải nước ở các mỏ, nguồn tiếp nhận chất thải và nước thải (nếu có).
i) Xây dựng và đô thị:
- Hiện trạng phát triển các khu đô thị, bao gồm quy mô diện tích, dân số;
- Diễn biến và phát triển các khu dân cư, thành thị;
- Tình hình cấp, thải nước ở các khu tập trung dân cư đô thị, chất lượng cấp nước, thải nước;
- Khái quát quy hoạch phát triển đô thị trên lưu vực.
5.2.1.4 Đánh giá chung về hiện trạng phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, những thuận lợi và khó khăn, những kết quả nổi bật và những tồn tại
5.2.2 Điều tra đánh giá quá trình xây dựng phát triển thủy lợi
- Đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi đã có, đánh giá nguyên nhân tổn thất, và hiệu ích: Hiện trạng các công trình thủy lợi; hiện trạng cấp nước, hệ thống kênh mương, cống, kè; hiện trạng công trình tiêu, công trình phòng, chống lũ, kênh tiêu, vùng chậm lũ, ngập lũ.
5.2.2.1 Điều tra, đánh giá quá trình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi và hiệu quả đầu tư
- Các chương trình, các dự án phát triển thủy lợi đã được nghiên cứu, công nghệ ứng dụng, nhận xét về các chương trình, dự án đó.
- Quá trình đầu tư và kết quả đầu tư bao gồm vốn đầu tư từng năm hoặc từng thời kỳ; các giải pháp thủy lợi hiện có (công trình và phi công trình), năng lực thiết kế và năng lực thực tế của công trình.
- Hiệu quả phục vụ dân sinh và xã hội như số dân được cấp nước sinh hoạt, sản lượng lương thực, thủy sản, công nghiệp tăng do có công trình thủy lợi cấp thoát nước, phòng, chống lũ.
- Hiện trạng các công trình và hệ thống công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; công trình tiêu thoát nước; phát điện; phòng, chống lũ.... Phân tích nguyên nhân làm giảm năng lực thiết kế của các công trình và hệ thống công trình thủy lợi.
5.2.2.2 Điều tra các loại thiên tai như hạn, úng, lũ, lụt, chua, mặn...đã xảy ra
Đánh giá về phạm vi và mức độ ảnh hưởng cũng như mức độ tổn thất do các thiên tai đó gây ra đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
5.2.2.3 Điều tra hiện trạng tổ chức quản lý nước và công trình thủy lợi
Nội dung điều tra đánh giá bao gồm đánh giá về bộ máy tổ chức, năng lực quản lý, cơ chế chính sách trong xây dựng và quản lý công trình thủy lợi.
5.2.2.4 Phân tích, đánh giá những thành công và hạn chế, các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng thủy lợi, những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý khai thác thủy lợi để đưa ra những giải pháp thích hợp phát triển thủy lợi
5.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
5.3.1 Phân tích xu thế phát triển
5.3.1.1 Phân tích đánh giá các nguồn lực bên ngoài, bao gồm tác động phát triển nguồn lực ở các lưu vực và vùng lân cận, của chuyển đổi vĩ mô ở tầm quốc gia, quốc tế có ảnh hưởng tới sự phát triển của vùng nghiên cứu quy hoạch
5.3.1.2 Phân tích các nguồn lực nội tại, xu thế phát triển, mức độ, chỉ tiêu phát triển
a) Phát triển nguồn nhân lực: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu cơ bản và chỉ tiêu phát triển trong 10 năm hoặc 20 năm tiếp theo của các lĩnh vực tại Điều 5.1.2.
b) Phát triển kinh tế: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các ngành kinh tế. Nội dung phân tích, đánh giá quy định tại Điều 5.2.1.
5.3.2 Phân tích, dự báo cơ hội và thách thức
5.3.2.1 Nghiên cứu, phân tích những cơ hội có tác động tích cực đến sự phát triển của vùng nghiên cứu cần nắm bắt các chủ trương đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội; môi trường phát triển của các vùng lân cận; sự hợp tác phát triển của các ngành, địa phương lân cận với các ngành, địa phương trong lưu vực; cơ hội hợp tác và đầu tư của các nước và tổ chức quốc tế vào các địa phương trong vùng.
5.3.2.2 Cần chỉ ra những nguy cơ có thể tác động xấu đến sự phát triển của vùng để có giải pháp hạn chế như tác động của sự biến đổi của khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, hạn chế về năng lực quản lý tài nguyên môi trường nước, sức ép của sự gia tăng dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống, tranh chấp quyền lợi về nước giữa các địa phương, tình trạng khai thác sử dụng nước bất hợp lý của các nước ở thượng du đối với sông quốc tế.
5.4 Xây dựng kịch bản phát triển
5.4.1 Cần phân tích, tổng hợp, đưa ra ít nhất 3 kịch bản cơ sở sau đây để nghiên cứu
a) Kịch bản diễn biến bình thường theo xu hướng hiện trạng.
b) Kịch bản nước bền vững (cả về nguồn nước và sử dụng nước).
c) Kịch bản khủng hoảng nước.
5.4.2 Những yếu tố chi phối chính của các kịch bản cần lượng hóa được để làm cơ sở xác định nhu cầu cấp thoát nước và quy hoạch phát triển thủy lợi và được tổ hợp theo các nhóm yếu tố sau
a) Các yếu tố kinh tế và dân số; mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng... những tác động do biến động về thị trường, phát triển đô thị, công nghiệp, thực trạng công tác đầu tư xây dựng thủy lợi.
b) Các thông số về khí hậu và thủy văn trong đó có yếu tố biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng.
c) Các yếu tố công nghệ, quản lý và cơ sở hạ tầng.
d) Các yếu tố về cơ chế, chính sách.
5.5 Thiết kế quy hoạch thủy lợi chuyên đề
5.5.1 Xác định mục tiêu - nhiệm vụ xây dựng thủy lợi
5.5.1.1 Xác định mục tiêu xây dựng thủy lợi
Cần xác định rõ mục tiêu ít nhất cho 5-10 năm tới và định hướng phát triển 20, 30 năm sau.
5.5.1.2 Xác định nhiệm vụ quy hoạch
Xác định rõ những quy hoạch chuyên ngành cần lập cũng như các chỉ tiêu cần đạt được như số dân sẽ được cấp nước sạch, diện tích cần đảm bảo cấp nước và thoát nước, phòng, chống lũ.
5.5.1.3 Xác định tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch
- Tiêu chuẩn thiết kế cấp nước: sinh hoạt, công nghiệp, tưới, thủy sản, giao thông, thủy điện ....
- Tiêu chuẩn thiết kế tiêu, thoát nước.
- Tiêu chuẩn thiết kế phòng, chống lũ.
- Tiêu chuẩn thiết kế đê điều và các loại hình thiên tai do nước.
5.5.2 Xây dựng phương án quy hoạch cấp nước
5.5.2.1 Phân vùng cấp nước
Thực hiện theo quy định tại Điều 4.4.3.1.
5.5.2.2 Tính toán xác định nhu cầu nước hiện tại và tương lai theo các kịch bản
5.5.2.2.1 Tính toán nhu cầu nước sinh hoạt, du lịch và công nghiệp
- Tổng hợp số liệu định hướng và chỉ tiêu phát triển, mở rộng các khu đô thị, các khu dân cư, các khu du lịch tập trung và các khu công nghiệp.
- Xác định chỉ tiêu cấp nước đơn vị cho từng loại đối tượng sử dụng nước.
- Tính toán nhu cầu cấp nước toàn vùng và từng tiểu vùng.
5.5.2.2.2 Tính toán nhu cầu nước cho tưới
- Tổng hợp số liệu về chỉ tiêu phát triển các loại cây trồng, vật nuôi như cơ cấu thời vụ, diện tích và năng suất các loại cây trồng, số loại và số lượng đàn gia súc ở từng khu vực và toàn lưu vực tại các thời điểm quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Xác định các chỉ tiêu tưới thiết kế như mô hình mưa tưới, hệ số tưới, mức tưới và thời gian tưới.
- Tính nhu cầu nước tưới cho từng loại cây trồng ở từng khu vực và toàn vùng.
5.5.2.2.3 Tính toán nhu cầu nước cho chăn nuôi
- Phân tích, tổng hợp các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi.
- Chọn chỉ tiêu cấp nước cho các loại gia súc, gia cầm.
- Xác định nhu cầu nước chăn nuôi ở từng vùng, tiểu vùng theo các kịch bản.
5.5.2.2.4 Tính toán nhu cầu nước cấp cho nuôi trồng thủy sản
- Tổng hợp các chỉ tiêu phát triển về quy mô các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thâm canh, bán thâm canh.
- Xác định quy trình cấp nước ngọt và nhu cầu cấp nước ngọt.
- Diện tích nuôi trồng cần cấp nước.
5.5.2.2.5 Xác định yêu cầu dòng chảy cho giao thông thủy, duy trì môi trường và các hoạt động bình thường của dân sinh và các ngành kinh tế ở hạ lưu
5.5.2.2.6 Tổng hợp nhu cầu nước cho dân sinh và các ngành kinh tế theo tiểu vùng, toàn vùng theo thời gian
5.5.2.3 Tính toán cân bằng nước
Tính toán cân bằng nước cần thực hiện cho toàn vùng quy hoạch và từng tiểu vùng theo các kịch bản để xác định mức bảo đảm nhu cầu nước trong chuỗi năm tính toán. Các bước thực hiện như sau:
a) Cân bằng sơ bộ theo tổng lượng và theo từng tháng trong năm cho giai đoạn hiện tại với nguồn nước hiện có, xác định mức thừa, thiếu của các nguồn nước tự nhiên;
b) Tính toán cân bằng nước, xác định mức bảo đảm nhu cầu nước trong năm tính toán cho các trường hợp:
- Phát triển tương lai theo nguồn nước hiện có (với các công trình điều tiết hiện có và đang xây dựng);
- Phát triển tương lai có tính đến các biện pháp công trình điều tiết, bổ sung dự kiến, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nếu đã đưa hết các công trình dự kiến có thể xây dựng trong tương lai vào tính toán cân bằng mà vẫn thiếu nước, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh nhu cầu nước của các hộ dùng nước (đối với nông nghiệp và thủy sản có thể khuyến cáo thay đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng, loại thủy sản nuôi thả...) hoặc đề xuất giải pháp bổ sung nguồn nước từ các lưu vực lân cận, kiến nghị không bố trí hộ dùng nước nào đó trong vùng, kiến nghị các giải pháp áp dụng tưới tiết kiệm nước.
5.5.2.4 Nghiên cứu đề xuất các phương án giải pháp cấp nước
5.5.2.4.1 Yêu cầu chung
Trên cơ sở điều tra, tổng hợp nhu cầu nước của các ngành ở từng tiểu vùng và trên toàn vùng, nghiên cứu đề xuất các phương án, các giải pháp công trình, quy mô công trình cấp nước chuyên ngành hoặc đa mục tiêu. Dùng mô hình toán thủy lực dòng chảy kiệt theo các phương án cấp nước khác nhau để chọn quy mô của công trình và hệ thống công trình phù hợp. Các giải pháp đề xuất đều phải có ước tính vốn đầu tư thực hiện và đánh giá sơ bộ hiệu ích kinh tế và xã hội do các giải pháp này nếu được thực hiện sẽ mang lại.
5.5.2.4.2 Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và công nghiệp
Cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp cấp nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ theo các kịch bản khác nhau, cần làm rõ hơn về khả năng nguồn nước và quy mô của các hệ thống công trình cấp nước.
5.5.2.4.3 Quy hoạch cấp nước cho nông nghiệp
- Cần làm rõ và giải quyết các vấn đề sau:
+ Diện tích canh tác hiện tại và tương lai trên toàn vùng và từng khu vực cần cấp nước tưới;
+ Năng lực thiết kế và khả năng tưới thực tế của các công trình và hệ thống tưới hiện có, phạm vi và mức độ đảm bảo tưới;
+ Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật cấp nước tưới cho ở từng khu vực và cả lưu vực theo các kịch bản. Các giải pháp đề xuất có thể là cải tạo, nâng cấp các công trình và hệ thống tưới hiện có hoặc xây dựng mới. Nội dung mỗi giải pháp đề xuất phải làm rõ được nguồn nước, vị trí công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, quy mô và nhiệm vụ của từng công trình và hệ thống công trình tưới, dự toán đầu tư;
- Trường hợp không đủ nguồn nước hoặc không thể xây dựng thêm công trình cấp nước, có thể nghiên cứu vận dụng đề xuất giải pháp sau:
+ Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hoặc bố trí dân cư, công nghiệp, thủy sản... cho thích hợp;
+ Xây dựng công trình chuyển nước từ lưu vực lân cận để bổ sung cho những vùng thiếu nước;
+ Các giải pháp về tưới tiết kiệm nước, hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi.
- Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình và hệ thống công trình tưới, quy mô của công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, nhu cầu điện năng.
5.5.2.4.4 Kết hợp cấp nước cho các ngành khác
Khi lập quy hoạch lưu vực cần giải quyết nhu cầu nước của nhiều ngành khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp như thủy sản; giao thông thủy; an dưỡng, du lịch, giải trí; duy trì môi trường sinh thái hạ du.
5.5.2.4.5 Quy hoạch cấp nước nuôi trồng thủy sản
- Xác định các chỉ tiêu phát triển thủy sản: quy mô các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, loại thủy sản, phương thức nuôi trồng, quy trình và yêu cầu cấp nước ngọt.
- Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cấp nước cho nuôi trồng thủy sản: xây dựng, cải tạo các ao nuôi, lòng hồ, xử lý nguồn nước, nhu cầu nước cấp cho các vùng nuôi thả thủy sản nước lợ tập trung.
- Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình phục vụ cấp nước riêng cho nuôi trồng thủy sản.
5.5.2.4.6 Cải thiện giao thông thủy
Chủ yếu xem xét đánh giá khả năng kết hợp cải thiện giao thông thủy khi phát triển thủy lợi theo quy hoạch, trong đó tập trung đánh giá những vấn đề sau:
- Hiện trạng luồng lạch và giao thông thủy trong lưu vực, vai trò giao thông thủy trong mạng lưới giao thông của vùng quy hoạch và quốc gia;
- Khả năng cải thiện giao thông thủy khi có các công trình thủy lợi như tuyến, chiều dài tuyến, loại phương tiện có thể giao thông ở từng tuyến;
- Các biện pháp công trình cần đầu tư thêm để bảo đảm giao thông thủy ở các tuyến nghiên cứu, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình.
5.5.2.4.7 Phát triển thủy lợi kết hợp nhu cầu du lịch, dịch vụ
- Xác định những công trình thủy lợi có thể kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ.
- Đánh giá và dự báo điều kiện tự nhiên ở những vùng dự án phát triển thủy lợi có thuận lợi cho việc bố trí các khu du lịch, dịch vụ: địa hình, khí hậu thủy văn, trạng thái vệ sinh nguồn nước, thảm phủ thực vật, cảnh quan sinh thái.
5.5.2.4.8 Cấp nước duy trì môi trường sinh thái hạ du và bảo vệ nguồn nước
- Nghiên cứu hiện trạng và dự báo nguy cơ cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm.
- Nghiên cứu đề xuất biện pháp bảo vệ nguồn nước. Có thể áp dụng các biện pháp sau:
a) Chống cạn kiệt:
Dự tính yêu cầu dòng chảy tối thiểu duy trì môi trường sinh thái và sản xuất ở hạ du; đề xuất biện pháp công trình hoặc phi công trình ở thượng lưu điều tiết bổ sung nguồn nước cho vùng tránh nguy cơ bị cạn kiệt.
b) Phòng, chống ô nhiễm nguồn nước:
Xác định các vị trí cần bố trí hệ thống kiểm soát chất lượng nước trong vùng.
c) Sơ bộ xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các giải pháp phòng, chống cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
5.5.3 Xây dựng phương án quy hoạch tiêu, thoát nước
5.5.3.1 Quy hoạch tiêu thoát nước có thể nghiên cứu giải quyết đồng thời với quy hoạch phòng, chống lũ. Khi đó các quy định dưới đây được lồng ghép với nội dung của quy hoạch phòng, chống lũ quy định tại Điều 5.5.4
5.5.3.2 Lập quy hoạch tiêu thoát nước
a) Phân tích đặc điểm mưa gây úng và dòng chảy lũ trên các trục tiêu.
b) Phân tích đánh giá hiện trạng úng ngập, hiện trạng và năng lực hoạt động của các hệ thống tiêu thoát nước hiện có.
c) Phân vùng tiêu.
d) Các chỉ tiêu phát triển dân sinh và sản xuất ở các khu vực và toàn vùng trong mùa mưa úng.
e) Tính toán xác định các chỉ tiêu kỹ thuật tiêu nước: mô hình mưa tiêu thiết kế, phạm vi cần tiêu, hệ số tiêu, lưu lượng tiêu và tổng lượng nước yêu cầu tiêu ở từng vùng và toàn lưu vực.
f) Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tiêu thoát nước: tự chảy / động lực: đường tiêu, hệ thống công trình tiêu, mức đảm bảo tiêu theo mô hình mưa tiêu thiết kế, mực nước tiêu thiết kế.
g) Dùng mô hình thủy lực mạng lưới sông tính toán tiêu theo các phương án để chọn quy mô các hệ thống và công trình tiêu thoát.
h) Tổng hợp chỉ tiêu kỹ thuật của các công trình và hệ thống công trình tiêu bao gồm phạm vi lưu vực tiêu, đường tiêu và hướng tiêu, nhiệm vụ công trình, quy mô công trình đầu mối tiêu:
- Với trạm bơm tiêu: cần xác định tổng lưu lượng tiêu, số máy bơm, loại máy bơm, cột nước bơm.
- Với cống tiêu: cần xác định tổng lưu lượng tiêu, số cửa cống, kích thước cống, diện tích thoát nước của cống.
5.5.3.3 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp tiêu thoát nước
Được ước tính theo chỉ tiêu mở rộng, riêng những công trình đợt đầu cần tính toán thiết kế sơ bộ.
5.5.3.4 Sơ bộ đánh giá hiệu quả tiêu, của các giải pháp tiêu thoát nước
Mức độ giảm úng ngập về diện tích cho các đối tượng có nhu cầu tiêu nước trong vùng quy hoạch, giảm độ sâu ngập và thời gian ngập, tăng diện tích canh tác và sản lượng nông nghiệp, cải thiện môi trường nước.
5.5.4 Xây dựng phương án quy hoạch phòng, chống lũ
5.5.4.1 Đánh giá thực trạng mưa bão, lũ, lụt xảy ra hàng năm
Phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về người và tài sản do từng loại thiên tai gây ra. Phân tích nguyên nhân. Các yêu cầu về phòng, chống lũ, lụt và giảm nhẹ thiên tai.
5.5.4.2 Phân vùng bảo vệ
Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội ở các vùng cần bảo vệ.
5.5.4.3 Điều tra, khảo sát đánh giá mức đảm bảo chống lũ, bão, chất lượng công trình và khả năng chống lũ, bão thực tế của các hệ thống công trình phòng, chống lũ, bão hiện có; xác định những tồn tại cần giải quyết
5.5.4.4 Phân tích, lựa chọn tiêu chuẩn phòng, chống lũ, bão chung của vùng, yêu cầu mức chống lũ cho từng tiểu vùng, xác định mô hình lũ thiết kế
5.5.4.5 Phân tích, đề xuất phương án và các giải pháp phòng, chống lũ, tính thủy lực lũ mạng lưới sông theo các phương án để chọn phương án và quy mô các giải pháp phòng, chống lũ thích hợp
Tùy điều kiện cụ thể của từng vùng quy hoạch và đặc điểm loại hình lũ, có thể áp dụng một hoặc kết hợp nhiều giải pháp. Mỗi giải pháp đề xuất cần nghiên cứu, tính toán sơ bộ để chọn được các giải pháp hợp lý.
a) Giải pháp công trình:
- Hồ chứa: Xác định mực nước và dung tích hồ chứa, dung tích phòng, chống lũ hạ du, chế độ cắt lũ tác dụng cắt lũ cho hạ du, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản khác của công trình.
- Vùng chậm lũ: giới hạn vùng chậm lũ, dung tích vùng chậm lũ, chế độ chậm lũ, tác dụng cắt lũ một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của vùng chậm lũ và công trình trong vùng chậm lũ.
- Đường phân lũ: Bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ. Lưu lượng phân lũ, chế độ phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính, một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của công trình trên đường phân lũ.
- Đê điều: Bố trí tuyến đê (đối với khu vực chưa có đê), không gian thoát lũ. Chọn chỉ tiêu thiết kế phòng, chống lũ, bão gồm tần suất, mực nước thiết kế đê sông, mực nước biển và cấp gió bão đối với tuyến đê biển. Mặt cắt thiết kế đê, bố trí các công trình dưới đê và công trình bảo vệ đê. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chính của hệ thống đê điều.
- Chỉnh trị sông: Các đoạn sông, bờ cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình chỉnh trị, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị.
- Tường kè: Bố trí ở những vùng dễ bị sạt lở để bảo vệ các khu dân cư, hạ tầng cơ sở ở vùng dễ xảy ra lũ quét.
b) Giải pháp phi công trình:
- Đề xuất định hướng nghiên cứu bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không có tính khả thi hoặc không đủ đáp ứng;
- Nghiên cứu đề xuất bố trí lại các khu dân cư, cơ sở hạ tầng ở những nơi có nguy cơ xảy ra ngập lụt hoặc xảy ra lũ quét và sạt lở đất;
- Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, loại rừng và mức độ che phủ cần đảm bảo.
- Công tác chỉ đạo phòng, chống lụt, bão: bộ máy điều hành, mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị cần thiết cho bộ máy điều hành và công tác dự báo, mô hình dự báo lũ.
5.5.4.6 Dự kiến phương án đưa các công trình phòng, chống lũ vào vận hành (thứ tự, thời điểm tham gia chống lũ) chống lũ hàng năm, chống lũ lớn tương đương lũ thiết kế và các biện pháp dự phòng khi lũ lớn hơn thiết kế xảy ra
5.5.4.7 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ, bão và giảm nhẹ thiên tai theo chỉ tiêu mở rộng
5.5.4.8 Nghiên cứu dự tính tác dụng của tổ hợp các giải pháp phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai do lũ, bão theo các kịch bản
- Tác dụng cắt giảm mực nước và lưu lượng đỉnh lũ của các hồ chứa, công trình phân lũ, chậm lũ... tại những vị trí đặc trưng đối với mô hình lũ thiết kế.
- Số dân cư, các cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất và kinh tế - xã hội khác được bảo vệ, mức độ cải tạo môi trường sinh thái.
5.5.4.9 Xây dựng quy trình kiểm soát lũ
Xây dựng quy trình vận hành công trình hồ chứa và liên hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du, kiểm soát lũ.
5.5.5 Xây dựng phương án quy hoạch phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
5.5.5.1 Phân tích, đánh giá tình trạng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác
5.5.5.2 Mục tiêu nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
5.5.5.3 Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai
Quan trắc, thu thập, cập nhật, theo dõi, giám sát, tổng hợp, xử lý thông tin từ hệ thống quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai. Đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, bản đồ ngập lụt.
5.5.5.4 Đánh giá hiện trạng các công trình và hệ thống công trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai hiện có như trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai; những tồn tại cần giải quyết.
5.5.5.5 Xác định cấp độ rủi ro thiên tai
Căn cứ quy định về cấp độ rủi ro thiên tai để: phân các cấp độ rủi ro thiên tai làm cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai của vùng quy hoạch, bao gồm:
a) Cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai;
b) Phạm vi ảnh hưởng;
c) Khả năng gây thiệt hại.
5.5.5.6 Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai
5.5.5.6.1 Giải pháp công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai;
a) Giải pháp cấp nước: Thực hiện theo Điều 5.5.2.4 nhưng chú trọng giải pháp cấp nước giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn.
b) Giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ, lụt, sạt lở: Thực hiện theo Điều 5.5.3 và Điều 5.5.4.5.
5.5.5.6.2 Giải pháp phi công trình phòng, chống giảm nhẹ thiên tai
a) Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn.
b) Vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp nước, ưu tiên cấp nước sinh hoạt; sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước.
c) Ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm.
d) Tổ chức quan trắc độ mặn, điều hành đóng mở cống lấy nước và ngăn mặn phù hợp với tình huống cụ thể.
e) Tăng cường công tác cảnh báo bằng truyền thông, tập huấn cho dân vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ như sau: Khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.
5.5.5.7 Ước tính vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư
5.5.5.8 Giải pháp thực hiện
Tăng cường quản lý việc đầu tư xây dựng, tu bổ, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; tăng cường phối hợp các cấp ban ngành, tuyên truyền cảnh báo.
5.5.6 Xây dựng phương án quy hoạch đê điều
5.5.6.1 Phân tích, đánh giá tình trạng mưa bão, lũ lụt xảy ra hàng năm bao gồm phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về tài sản và tính mạng do lũ lụt gây ra. Yêu cầu bảo vệ của hệ thống đê
5.5.6.2 Mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch đê điều
Đảm bảo an toàn phòng, chống lũ thiết kế của từng tuyến sông, xác định vị trí, quy mô, nhiệm vụ, thông số kỹ thuật đê chính, giải pháp thực hiện đảm bảo phát triển kinh tế xã hội vùng nghiên cứu.
5.5.6.3 Phân vùng bảo vệ
Phân tích các điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ở từng vùng.
5.5.6.4 Phân tích, đánh giá tình trạng hệ thống đê sông, biển bao gồm hiện trạng đê chính, đê bao, đê bối, công trình trên đê, cao trình, mặt cắt ngang, hành lang chân đê, kè, cống, cửa khẩu, điểm canh đê, công tác quản lý, trang thiết bị. Phân tích tình hình mưa bão, lũ, lụt và mức độ bảo vệ của hệ thống đê
5.5.6.5 Phân tích lựa chọn tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch đê điều
Dựa vào tiêu chuẩn phòng, chống lũ; lũ thiết kế tuyến đê sông được phê duyệt từ quy hoạch phòng, chống lũ của lưu vực. Yêu cầu về mức đảm bảo chống lũ, không gian thoát lũ cho từng vùng và toàn lưu vực. Chọn tiêu chuẩn thiết kế đê, phân cấp đê.
5.5.6.6 Nghiên cứu quy hoạch đê điều
a) Xác định nhiệm vụ của tuyến đê;
Xác định vị trí các tuyến đê, mặt cắt thiết kế đê, cao trình, nhiệm vụ bảo vệ.
b) Phân cấp đê:
Căn cứ vào các thông tư, số liệu về kinh tế xã hội, diện tích vùng bảo vệ, vùng ngập lụt. khu dân cư, mức độ quan trọng của vùng bảo về để tiến hành phân cấp đê theo từng chỉ tiêu.
c) Xác định các thông số kỹ thuật của tuyến đê:
Mực nước thiết kế đê được quy định dựa vào mực nước thiết kế phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê tương ứng đã được quy định trong quy hoạch phòng, chống lũ; cao trình đỉnh đê được tính từ mực nước thiết kế đê và độ cao gia thăng an toàn của đê; bề rộng đê, mái đê phía sông, phía đồng theo tiêu chuẩn thiết kế đê; đê đi qua khu dân cư.
d) Xác định vị trí tuyến đê:
Việc xác định hay điều chỉnh tuyến đê cần phải phù hợp với các quy hoạch có liên quan của vùng nghiên cứu như quy hoạch đô thị; thủy lợi; đất đai; phòng, chống lũ; quy hoạch giao thông và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, tránh tối đa việc giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến các di tích lịch sử...
e) Các giải pháp công trình: củng cố nâng cấp, xây dựng các tuyến đê chính hoàn chỉnh mặt cắt đê theo mặt cắt thiết kế. Khi các tuyến đê có kết hợp giao thông cần mở rộng mặt cắt đê và tuân thủ quy định về lưu thông trên đê như lại phương tiện, tải trọng. Các tuyến đê cửa sông, có giao thông thủy cần đảm bảo các yếu tố an toàn, thuận lợi, không gây cản trở việc tiêu thoát lũ. Đối với các tuyến đê đã có cần xem xét nâng cấp, xử lý mối, mạch đùn, mạch xủi, cống dưới đê, cửa khẩu, kè bảo vệ. Xây dựng đường hành lang chân đê ở những khu vực có dân cư để chống lấn chiếm và bảo vệ hành lang đê, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hộ đê.
f) Các giải pháp công trình củng cố nâng cấp, xây dựng các tuyến đê bao, đê bối; cần xác định vị trí, nhiệm vụ của các loại đê này để phân cấp đê bối. Xác định các thông số kỹ thuật của đê bối dựa vào mực nước báo động trên các sông, bề rộng mặt đê bối cần xem xét có kết hợp giao thông để xác định, vị trí các tuyến đê bối, công trình trên đê bối.
g) Giải pháp cho vùng bối bãi: Cần xem xét cụ thể quy định cho các khu vực bối bãi nằm trong không gian thoát lũ, nằm ngoài không gian thoát lũ.
h) Giải pháp phi công trình: hiện đại hóa công nghệ thông tin cảnh báo, tăng cường công tác quản lý nâng cao, nhận thức, xây dựng cơ chế chính sách, cần đánh giá môi trường chiến lược để từ đó xây dựng được các biện pháp giảm thiểu tác động về môi trường của các công trình đề xuất trong quy hoạch.
5.5.6.7 Ước tính vốn, phân kỳ đầu tư thực hiện các giải pháp nâng cấp, xây dựng đê điều
5.5.6.8 Giải pháp thực hiện
Tổ chức quản lý phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, quản lý đê điều, hộ đê.... Xây dựng các giải pháp thực hiện quy hoạch: giải pháp về quản lý, giải pháp về cơ chế chính sách, vốn đầu tư. Xây dựng trình tự thực hiện quy hoạch theo mức độ cấp thiết, ưu tiên.
5.5.7 Xây dựng phương án quy hoạch quản lý hệ thống công trình thủy lợi
Thực hiện theo nội dung của Điều 5.5.2, Điều 5.5.3 và bổ sung một số nội dung theo đặc thù của loại hình quy hoạch này như sau:
a) Phân vùng cấp, tiêu nước: Thực hiện theo nội dung của Điều 4.4.8.1, bổ sung căn cứ vào tình hình quản lý khai thác công trình thủy lợi trên hệ thống.
b) Tính toán cân bằng nước: Thực hiện theo nội dung của Điều 4.4.8.3, bổ sung tính toán cân bằng nước theo quy trình vận hành của hệ thống.
c) Xây dựng quy trình vận hành cho cả hệ thống hoặc theo nhóm công trình trong hệ thống để cải thiện khả năng điều tiết bổ trợ.
d) Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cơ bản tiêu nước cho hệ thống: Thực hiện theo nội dung Điều 4.4.8.5 và bổ sung nội dung:
- Đề xuất các giải pháp cơ bản tiêu nước cho hệ thống công trình hoặc hệ thống công trình có quy mô lớn và vừa được ưu tiên đầu tư chính, gồm cả nâng cấp, cải tạo các hệ thống hiện có và các hệ thống; xây dựng tổ hợp của các trường hợp bất lợi trong tính toán các phương án.
- Các kịch bản tính toán:
+ Theo hiện trạng tiêu và hiện trạng sông, trục tiêu với trường hợp bất lợi mưa và lũ lớn đồng thời trong vùng;
+ Theo nhu cầu tiêu định hướng tương lai và có cải tạo nạo vét sông trục và kênh chính, bổ sung một số công trình đầu mối đảm bảo tiêu úng toàn bộ và giải pháp tiêu úng một phần.
5.5.8 Rà soát điều chỉnh quy hoạch thủy lợi
Thành công và hạn chế, tồn tại cần sửa đổi thay thế về cấp nước, tiêu úng, phòng, chống lũ, quản lý khai thác. Rà soát cụ thể lại các phương án đã lập cần điều chỉnh bổ sung hoặc thay thế làm cơ sở xác định mục tiêu nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch.
Nội dung theo Điều 4.4.
5.5.9 Tổng hợp các công trình lợi dụng tổng hợp trên dòng chính
5.5.9.1 Tổng hợp nhu cầu bổ sung nước cho các ngành ở các khu vực còn thiếu nước
5.5.9.2 Tổng hợp trữ lượng nguồn nước, trữ năng thủy điện, khả năng khai thác và sử dụng nước ở các dòng chính
5.5.9.3 Bố trí các công trình sử dụng tổng hợp, xác định số ngành tham gia, mức độ khai thác, chế độ điều tiết, phân phối cho các ngành và duy trì dòng chảy hạ du. Trong trường hợp cần thiết có thể xét đến những công trình nằm trong các vùng thuộc lưu vực lân cận nhưng có khả năng cấp bổ sung nguồn nước
5.5.9.4 Xác định quy mô hợp lý của các công trình đầu mối sử dụng tổng hợp, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của các công trình
5.5.9.5 Sơ bộ dự kiến quy trình vận hành của các công trình đảm bảo lợi ích tổng hợp
5.5.9.6 Ước tính vốn đầu tư và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cho các ngành hưởng lợi
5.5.9.7 Sơ bộ đánh giá hiệu ích các công trình lợi dụng tổng hợp theo các kịch bản
5.5.10 Đánh giá môi trường chiến lược
Trong trường hợp cần thiết cần phải có số liệu giám sát, đánh giá về chất lượng nước cho vùng quy hoạch và có đủ số liệu tính toán chất lượng nước phục vụ cho các dự án cấp nước, tiêu nước bảo vệ môi trường... thì tiến hành thiết lập mô hình diễn toán theo dõi, đánh giá chất lượng nước nhằm điều hành các hệ thống lấy nước được đảm bảo chất lượng cấp nước và bảo vệ môi trường (là điều kiện cấp thiết làm căn cứ cho việc xây dựng điều hành hoạt động lấy nước đảm bảo chất lượng phục vụ các ngành kinh tế).
5.6 Đề xuất các giải pháp thực hiện
5.6.1 Tổ chức quản lý quy hoạch thủy lợi lưu vực
5.6.1.1 Nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức bộ máy quản lý nguồn nước và các hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực theo quy hoạch
5.6.1.2 Nghiên cứu đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực
- Đề xuất hướng giải quyết di dân tái định cư và đền bù do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình thủy lợi.
- Đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực thích hợp để khai thác nguồn lực tự nhiên được phát triển nhờ phát triển tài nguyên nước, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
5.6.2 Đề xuất trình tự thực hiện quy hoạch thủy lợi và các công trình ưu tiên
5.6.2.1 Đề xuất trình tự thực hiện quy hoạch
Nội dung phân giai đoạn thực hiện quy hoạch gồm danh mục công trình, quy mô công trình, vốn đầu tư và hiệu ích tương ứng với từng giai đoạn thực hiện.
5.6.2.2 Các công trình ưu tiên
Cần luận chứng đề xuất các công trình ưu tiên xây dựng trước, thời kỳ xây dựng, vốn đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế của công trình: hệ số nội hoàn (IRR), giá trị thu nhập ròng (NPV), tỷ lệ lợi nhuận/chi phí (B/C) tương ứng với tỷ lệ chiết khấu (i %) được chọn.
5.6.2.3 Dự kiến phân vốn đầu tư cho các ngành hưởng lợi và nguồn huy động vốn
5.7 Sản phẩm quy hoạch thủy lợi chuyên đề
Thực hiện theo Điều 3.4 và bổ sung thêm các quy định sau:
- Trong trường hợp yêu cầu lập quy hoạch chỉ có một số chuyên ngành thì có thể giảm một số Báo cáo chuyên đề tương ứng với chuyên ngành không có yêu cầu quy hoạch.
5.7.1 Các loại báo cáo
Thực hiện theo Điều 3.4.1 và bổ sung thêm:
- Các báo cáo tính toán chuyên đề, gồm:
+ Báo cáo tính toán quy hoạch cấp nước;
+ Báo cáo tính toán quy hoạch tiêu, thoát nước;
+ Báo cáo tính toán quy hoạch phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai. Trong trường hợp ảnh hưởng của úng ngập, lũ và thiên tai đối với vùng quy hoạch không nghiêm trọng thì có thể ghép chung với cáo tính toán quy hoạch tiêu, thoát nước thành báo cáo chuyên đề tiêu, thoát nước và phòng, chống lũ.
- Báo cáo địa chất công trình.
5.7.2 Bản đồ quy hoạch
- Bản đồ thích nghi: bản đồ được lập trong trường hợp phải điều chỉnh định hướng sản xuất nông nghiệp và một số đối tượng dùng nước khác khi nguồn nước khó khăn.
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Bản đồ phương hướng sử dụng đất.
- Bản đồ hiện trạng hạn và công trình cấp nước.
- Bản đồ hiện trạng úng, lụt và công trình tiêu, chống lũ.
- Bản đồ quy hoạch cấp nước.
- Bản đồ quy hoạch tiêu, thoát nước.
- Bản đồ quy hoạch phòng, chống lũ. Trường hợp úng và lũ không nghiêm trọng, việc giải quyết tiêu thoát nước và chống lũ đồng thời thì có thể trình bày chung trên một bản đồ quy hoạch tiêu thoát nước và phòng, chống lũ.
Với quy hoạch chuyên ngành: chỉ lập những bản đồ tương ứng phục vụ cho chuyên ngành tương ứng.
Tùy thuộc khả năng nguồn bản đồ có thể có và quy mô diện tích của vùng quy hoạch mà lựa chọn tỷ lệ bản đồ 1:50.000, 1:100.000 hay 1:250.000.
6 Quy hoạch chi tiết thủy lợi
6.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
Thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 5.1.
6.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá quá trình phát triển
Thực hiện theo quy định tại Điều 5.2 và bổ sung một số nội dung sau:
- Quá trình phát triển kinh tế - xã hội thực hiện theo nội dung Điều 5.2.1 và bổ sung thêm như sau:
+ Điều tra, nghiên cứu, đánh giá những cơ hội đã và đang được khai thác, tận dụng;
+ Những giải pháp cơ bản đã được áp dụng để phát triển kinh tế - xã hội;
+ Những thách thức (có liên quan đến thủy lợi) đối với sản xuất cần vượt qua;
+ Đánh giá chung về hiện trạng phát triển của các ngành kinh tế - xã hội trong đó nêu bật được những thuận lợi và khó khăn, những kết quả nổi bật và những tồn tại, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết.
6.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
Thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 5.3.
6.4 Xây dựng kịch bản phát triển
Thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 5.4
6.5 Thiết kế quy hoạch chi tiết thủy lợi
Thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 5.5 và bổ sung thêm một số nội dung như sau:
a) Xác định tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch: thực hiện theo nội dung Điều 5.5.1.3 và bổ sung các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cần xác định gồm:
- Tiêu chuẩn thiết kế cấp nước:
+ Cấp nước cho nông nghiệp;
+ Cấp nước cho dân sinh;
+ Cấp nước cho công nghiệp và các đối tượng có nhu cầu cấp nước khác.
- Tiêu chuẩn thiết kế tiêu thoát nước:
+ Tiêu nước cho nông nghiệp;
+ Tiêu nước cho các khu vực dân cư, đô thị, khu công nghiệp và các đối tượng khác có yêu cầu tiêu thoát nước.
- Tiêu chuẩn thiết kế phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai do bão, lũ:
+ Vùng nông thôn;
+ Đô thị;
+ Vùng ven biển.
b) Quy hoạch cấp nước cho nông nghiệp: thực hiện theo nội dung Điều 5.5.2.4.3 và bổ sung, nghiên cứu giải quyết thêm những nội dung sau đây:
- Với những công trình lợi dụng tổng hợp phải tính đủ các yêu cầu về nước cho các ngành mà công trình có nhiệm vụ phải cấp;
- Phải tiến hành kiểm tra xác định nguồn nước và công trình cấp nước đã được xác định trong quy hoạch lưu vực hoặc quy hoạch vùng để làm căn cứ cho quy hoạch chi tiết, theo yêu cầu của quy hoạch chi tiết mà tiến hành tính toán cân bằng nước;
- Tiến hành điều tra, đánh giá các công trình cấp nước đã đề xuất trong quy hoạch lưu vực hoặc quy hoạch vùng để tính toán cân bằng nước theo quy hoạch chi tiết, xác định quy mô công trình cấp nước;
- Tính toán thiết kế lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản của các công trình và hệ thống công trình tưới, quy mô của công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, nhu cầu điện năng tiêu thụ:
+ Hệ thống kênh trục dẫn nước: cần phải tính thủy lực ứng với các năm thiết kế và kiểm tra với một số năm thiếu nước thực tế đã xảy ra để xác định các thông số cơ bản của hệ thống kênh trục về diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác như dân sinh, công nghiệp, thủy sản du lịch..., lưu lượng thiết kế, chiều rộng kênh, cao trình đỉnh; mái dốc kênh, chiều dài đoạn kênh, quá trình mực nước ở một số vị trí cần thiết.
+ Trạm bơm: cần xác định diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác, lưu lượng thiết kế, số máy bơm và loại máy bơm, cột nước thiết kế, chiều dài kênh chính, công suất và điện năng tiêu thụ.
+ Hồ chứa: cần xác định sơ bộ một số thông số kỹ thuật chính của công trình đầu mối và hồ chứa như các loại mực nước và dung tích hồ tương ứng với các mực nước, chiều cao đập, diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác, lưu lượng thiết kế cống lấy nước, lưu lượng xả lũ, kích thước mặt cắt và chiều dài kênh chính, diện tích ngập ứng với các mực nước hồ, số gia đình và các cơ sở hạ tầng phải đền bù và di chuyển.
+ Đập dâng: cần xác định sơ bộ một số thông số kỹ thuật chính như cao trình tràn, chiều dài đập, mực nước cao nhất, diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác, lưu lượng cần lấy, diện tích ngập ứng với mực nước cao nhất, số gia đình và các cơ sở hạ tầng phải đền bù và di chuyển.
+ Công trình thủy điện hoặc kết hợp phát điện: cần xác định sơ bộ một số thông số cơ bản của công trình đầu mối và hồ chứa nước như các mực nước và dung tích hồ tương ứng, cao trình và chiều cao đập, công suất lắp máy, công suất đảm bảo, hình thức nhà máy thủy điện, số tổ máy, lưu lượng thủy điện, lưu lượng xả tràn, diện tích ngập lụt ứng với các mực nước, số gia đình và các cơ sở hạ tầng phải đền bù và di chuyển.
+ Các công trình thủy lợi nhỏ khác: cần xác định diện tích tưới và một vài thông số cơ bản về quy mô công trình.
- Trường hợp không đủ nguồn nước hoặc không thể xây dựng thêm công trình cấp nước, có thể nghiên cứu vận dụng đề xuất giải pháp sau:
+ Đối với những công trình hiện có: tùy theo từng điều kiện cụ thể có thể nghiên cứu giải pháp cải tạo nâng cao thêm chiều cao đập để tăng dung tích chứa nước, giảm lượng nước tổn thất trên hệ thống cấp nước bằng biện pháp kiên cố hóa hệ thống kênh mương, hay điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, trồng cây trồng cạn sử dụng ít nước nhưng có hiệu quả kinh tế cao. Đối với những khu công nghiệp khuyến khích sử dụng những công nghệ tiết kiệm nước.
+ Nghiên cứu đề xuất hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác theo hướng giảm bớt nhu cầu tiêu thụ nước của toàn khu vực tại những thời điểm nguồn nước cạn kiệt hoặc bố trí dân cư, công nghiệp, thủy sản... cho thích hợp;
+ Nghiên cứu khả năng xây dựng công trình chuyển nước từ lưu vực lân cận để bổ sung cho những vùng thiếu nước.
- Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình và hệ thống công trình tưới, quy mô của công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, nhu cầu điện năng tiêu thụ.
- Quy hoạch cấp nước nuôi trồng thủy sản: thực hiện thêm các nội dung chính sau:
+ Xác định các chỉ tiêu phát triển thủy sản: quy mô các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, loại thủy sản sẽ được nuôi trồng;
+ Xác định mùa vụ nuôi, phương thức nuôi trồng, yêu cầu độ mặn của loại thủy sản nuôi trồng theo thời gian, độ mặn nước biển tương ứng với thời gian đó, quy trình và yêu cầu cấp nước ngọt;
+ Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cấp nước cho phát triển thủy sản. Đối với các hồ chứa nước cho phép nuôi thủy sản phải có biện pháp cải tạo lòng hồ, xử lý nguồn nước, công trình cho cá đi qua, đầu mối công trình và nguồn nước;
+ Các phương án cấp nước cấp cho các vùng nuôi thả thủy sản nước lợ tập trung;
+ Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình phục vụ cấp nước riêng cho nuôi thả thủy sản.
c) Xây dựng phương án quy hoạch tiêu, thoát nước: thực hiện theo nội dung Điều 5.5.3 và bổ sung thêm các yêu cầu sau:
- Do lượng mưa trong một trận mưa trên lưu vực tiêu không đồng đều nên khi tính lượng mưa thiết kế tiêu thoát trên lưu vực thường tính lượng mưa tiêu trung bình trên lưu vực. Để tiêu thoát nước thải cần phải xác định lượng nước thải theo tiêu chuẩn nước thải là lượng nước tính trung bình trong ngày cho mỗi hộ sử dụng nước trong hệ thống thoát nước hay lượng nước thải tính cho một đơn vị sản phẩm. Tiêu chuẩn thoát nước cho khu dân cư thường được lấy bằng tiêu chuẩn cấp nước. Những đô thị lớn có thể lấy tiêu chuẩn thoát nước lớn hơn đô thị nhỏ.
- Nghiên cứu, tính toán thiết kế, lựa chọn giải pháp tiêu: tiêu tự chảy hay động lực, đường tiêu, hệ thống công trình tiêu, mức đảm bảo tiêu theo mô hình mưa tiêu thiết kế. Tùy điều kiện tự nhiên của từng vùng, có thể lựa chọn, áp dụng những giải pháp kỹ thuật phù hợp sau:
+ Hạ thấp mực nước ở cửa tiêu bằng cách nạo vét mở rộng sông hoặc kênh ngoài cửa tiêu. Xây dựng các công trình điều tiết (hồ chứa hoặc cống) trên hệ thống sông trục bên ngoài để giảm bớt lưu lượng trên sông tại cửa tiêu;
+ Giảm bớt diện tích tiêu vào vùng quy hoạch bằng cách xây dựng kênh cách ly hoặc xây dựng công trình tiêu (trạm bơm hoặc cống) đưa một phần diện tích ra ngoài vùng quy hoạch;
+ Nạo vét mở rộng mạng lưới công trình tiêu nước trong vùng quy hoạch;
+ Mở rộng công trình tiêu (mở rộng cống tiêu hoặc bổ sung thêm công suất trạm bơm tiêu);
+ Xây dựng hồ điều hòa làm nhiệm vụ trữ nước khi mưa lớn và xả nước khi mưa nhỏ.
d) Xây dựng phương án quy hoạch phòng, chống lũ: thực hiện theo nội dung Điều 5.5.4 và bổ sung thêm các yêu cầu sau:
- Quy hoạch phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai do lụt, bão cho các đô thị và khu dân cư ven biển cần phải đặc biệt chú ý phòng, chống triều dâng do gió bão, sóng biển... Đối với các khu dân cư ở vùng có khả năng động đất, quy hoạch xây dựng công trình phòng, chống lũ, lụt và giảm nhẹ thiên tai cần phải đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của động đất đối với những công trình này;
- Tính toán, thiết kế chọn các giải pháp công trình phòng, chống lũ. Mỗi giải pháp hay một loại công trình đề xuất như giới thiệu sau đây cần nghiên cứu, tính toán sơ bộ để có thể đưa ra được các giải pháp, mức bảo đảm phòng, chống lũ, bão theo tần suất thiết kế, nhiệm vụ và quy mô hợp lý;
+ Hồ chứa: cần phải nghiên cứu lợi dụng tổng hợp, phát huy hiệu ích nhiều mặt của hồ chứa, cần tính toán xác định sơ bộ diện tích lưu vực, các loại mực nước và dung tích hồ chứa, diện tích ngập, số gia đình và cơ sở hạ tầng phải đền bù hoặc phải di chuyển, lưu lượng xả, chế độ cắt lũ, tác dụng cắt lũ cho hạ du, vốn đầu tư và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác của công trình.
+ Vùng chậm lũ: yêu cầu lựa chọn các vùng đất thấp trũng ở thượng lưu nơi cần bảo vệ (thành phố hoặc khu công nghiệp..) sao cho tổn thất do ngập là ít nhất, số lượng dân cư phải di chuyển ít, dung tích chậm lũ lớn, đường đê bao ngắn. Đối với từng vùng chậm lũ cần tính toán xác định giới hạn vùng chậm lũ, diện tích, mực nước và dung tích vùng chậm lũ, công trình tạo vùng chậm lũ (đê, cống, tràn...) chế độ chậm lũ, tác dụng cắt lũ, số dân, diện tích đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có trong vùng chậm lũ, vốn đầu tư và một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác.
+ Công trình phân lũ: có thể là kênh hở, kênh ngầm qua núi hay kênh cách ly lũ... Khi chọn tuyến kênh thoát lũ cần kết hợp với yêu cầu quy hoạch tổng thể dân cư và đô thị, cố gắng chọn nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, địa thế thấp, điều kiện địa chất ổn định, tuyến kênh thẳng, giảm nhiều đoạn cong tránh giao cắt với đường bộ và đường sắt. Khi tính toán bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ cần xác định sơ bộ lưu lượng phân lũ, chế độ phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính và một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản của công trình. Sau đây là một số loại công trình phân lũ có thể áp dụng trong giai đoạn quy hoạch:
• Kênh cách ly nước lũ từ nơi khác chảy vào vùng chống lũ: xác định sơ bộ chiều dài kênh, diện tích lưu vực hứng nước từ bên ngoài, lưu lượng lớn nhất, chiều rộng và cao trình đáy kênh, độ dốc mái một số đoạn đại diện của kênh, vốn đầu tư.
• Kênh thoát lũ: xác định sơ bộ chiều dài kênh, lưu lượng thiết kế, mặt cắt thiết kế cho một số đoạn đại diện của kênh, vốn đầu tư.
• Cống thoát lũ: xác định sơ bộ lưu lượng thiết kế, mực nước thượng và hạ lưu cống, khẩu diện và cao trình đáy cống, vốn đầu tư.
+ Đê điều: Bố trí tuyến đê (đối với khu vực chưa có đê), không gian thoát lũ. Chọn chỉ tiêu chống lũ, bão gồm tần suất, mực nước thiết kế đối với đê sông, mực nước biển và cấp gió bão đối với đê biển. Mặt cắt thiết kế đê, các công trình dưới đê và công trình bảo vệ đê. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chính của hệ thống đê điều và vốn đầu tư.
+ Chỉnh trị sông: Cần nghiên cứu toàn diện quan hệ độ dốc thượng, hạ lưu; tránh tác động gây nhiễu dòng chảy thượng và hạ lưu sông, xác định các đoạn sông, bờ cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các công trình chỉnh trị, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị.
+ Tôn cao nền: Những nơi mặt đất chênh với mực nước lũ không lớn, phạm vi đắp thêm nhỏ, đủ vật liệu có thể nghiên cứu tôn nền của vùng bảo vệ hay đắp nền nhà cho khu dân cư ở những vùng ngập sâu đảm bảo cao hơn mực nước lũ thiết kế. Cần nghiên cứu xác định các chỉ tiêu về diện tích san nền, mực nước thiết kế san nền, cao độ nền thiết kế, chiều cao tôn nền, số hộ và số dân được sử dụng đất nền được tôn cao.
+ Tường kè: Bố trí ở những vùng dễ bị sạt lở để bảo vệ các khu dân cư, hạ tầng cơ sở ở vùng dễ xảy ra lũ quét.
+ Công trình bảo trì, gia cố ổn định: nhằm tăng lượng thẩm thấu nước mưa, tăng cường tính ổn định đất mặt trong lưu vực, giảm sự rửa trôi đất, tiêu giảm đỉnh lũ và tốc độ tập trung dòng chảy. Đề xuất nghiên cứu cải tiến phương pháp nông nghiệp canh tác trên đất dốc và trên lưu vực, trồng cây cỏ, xây kè, hồ chứa...để hạn chế dòng chảy, tăng thấm, tránh tích đọng.
- Tính toán, thiết kế chọn các giải pháp phi công trình phòng, chống lũ. Các giải pháp phi công trình là quy hoạch và quản lý vùng ngập lụt, sử dụng hợp lý đất đai nơi ngập lụt, sản xuất thích nghi, xây dựng hệ thống cảnh báo, kế hoạch phòng, chống lụt, tổ chức sơ tán dân cư trước khi bị ngập lụt, chống lụt cứu người, đồng thời thông qua bảo hiểm, cứu tế để giảm bớt thiệt hại, ổn định cuộc sống dân cư vùng ngập lụt. Có thể nghiên cứu vận dụng các giải pháp sau:
+ Nghiên cứu bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không khả thi. Các lưu vực sông ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long có lũ chính vụ lớn, chỉ nên gieo trồng hai vụ Đông - Xuân và Hè - Thu, không làm vụ mùa, nhưng phải nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp bảo vệ dân sinh và các hệ thống hạ tầng cơ sở như xây nhà hai tầng hay nhà trên cọc, xây dựng đường cứu nạn...;
+ Đề xuất yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, độ che phủ cần đảm bảo.
+ Đề xuất giải pháp quản lý, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ gồm: mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị, mô hình dự báo lũ.
- Phân tích kinh tế quy hoạch phòng, chống lũ:
+ Tổng hợp vốn đầu tư cho công trình phòng, chống lũ bao gồm chi phí đầu tư cho công trình chính và phụ; san đắp, chiếm đất và di dân; xử lý những bất lợi đối với công trình, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái;
+ Phân tích, tính toán giá trị giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế khi xây dựng công trình; tổn thất do ngừng sản xuất công nghiệp, thương nghiệp và gián đoạn giao thông; chi phí khôi phục công trình do lũ phá hoại; khôi phục giao thông và sản xuất công, nông nghiệp. Những tổn thất này tính cho năm xảy ra lũ, còn những tổn thất phải gánh chịu cho những năm tiếp theo hoặc lâu hơn thì phải căn cứ vào tình hình thiên tai của các năm để suy xét thêm.
6.6 Đề xuất các giải pháp thực hiện
Thực hiện như nội dung quy định tại Điều 5.6 và bổ sung thêm các nội dung sau:
a) Nghiên cứu đề xuất tổ chức bộ máy tổ chức quản lý và trang thiết bị, công nghệ cần thiết cho quản lý nguồn nước và phát triển thủy lợi trong vùng theo quy hoạch;
b) Nghiên cứu đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực, bao gồm:
- Đề xuất hướng giải quyết di dân tái định cư và đền bù do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình thủy lợi. Cần xác định mức độ tổn thất do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình, gồm đất đai, hoa màu các công trình hạ tầng, công trình văn hóa, phúc lợi công cộng ... cần đền bù hoặc di dời;
- Đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực thích hợp để khai thác nguồn lực tự nhiên được phát triển nhờ phát triển tài nguyên nước, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
c) Đề xuất trình tự thực hiện quy hoạch và các công trình ưu tiên: thực hiện theo nội dung Điều 5.6.2 và bổ sung thêm các yêu nội dung sau:
- Danh mục các công trình ngắn hạn, trung hạn;
- Danh mục các công trình ưu tiên, thiết kế công trình mẫu.
6.7 Sản phẩm quy hoạch chi tiết thủy lợi
Thực hiện như nội dung quy định tại Điều 5.7 và bổ sung thêm các nội dung sau: (trong trường hợp yêu cầu lồng ghép cho một số chuyên ngành thì có thể giảm một số báo cáo, bản đồ chuyên đề tương ứng)
- Báo cáo thuyết minh thiết kế sơ bộ các công trình đợt đầu;
- Bản vẽ thiết kế các công trình đợt đầu;
- Bản đồ quy hoạch chi tiết cấp nước;
- Bản đồ quy hoạch chi tiết tiêu thoát nước;
- Bản đồ quy hoạch chi tiết phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai.
YÊU CẦU TÀI LIỆU CƠ BẢN ĐỂ LẬP QUY HOẠCH THỦY LỢI
A.1 Tài liệu địa hình
A.1.1 Mức độ yêu cầu tài liệu về bản đồ địa hình, bình đồ và các mặt cắt địa hình tùy thuộc vào mục đích, đối tượng nghiên cứu và loại quy hoạch được nêu dưới đây. Tất cả tài liệu địa hình đều phải được kiểm tra xử lý theo một hệ cao độ, tọa độ quốc gia
Để lập quy hoạch cần có bản đồ nền và bản đồ kỹ thuật số. Tùy thuộc khả năng nguồn bản đồ có thể có và diện tích lưu vực, tỷ lệ bản đồ nền cho phép là 1/50 000 hoặc 1/100 000 hoặc 1/250 000. Tỷ lệ của bản đồ số quy định là 1/50 000, và có thể chi tiết hơn theo từng vùng.
Để nghiên cứu ngập lụt vùng hồ yêu cầu bình đồ tỷ lệ 1/25 000 đối với vùng hồ chứa lớn, tỷ lệ 1/10 000 đối với các hồ chứa nhỏ, tỷ lệ 1/10 000 đến 1/25 000 đối với vùng hưởng lợi. Trường hợp cần tính toán xác định các vùng ngập lụt lớn và phức tạp cần có bình đồ lòng dẫn tỷ lệ không nhỏ hơn 1/10 000.
A.1.2 Tài liệu địa hình để nghiên cứu bố trí công trình đầu mối
Tài liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Để nghiên cứu bố trí và thiết kế công trình đầu mối cần đo 3 mặt cắt ngang sông tỷ lệ 1/2 000 đối với thung lũng sông rộng hơn 1 000 m và tỷ lệ 1/500 đối với thung lũng sông hẹp dưới 1 000 m.
b) Đối với vùng đầu mối công trình đợt đầu và những công trình quan trọng cần nghiên cứu kỹ hơn nên phải đo bình đồ tỷ lệ từ 1/10 000 đến 1/5 000 với diện tích khảo sát khoảng 2,0 km2 đối với công trình loại lớn và từ 0,5 km2 đến 2,0 km2 đối với công trình loại vừa.
c) Vùng hưởng lợi của các công trình đợt đầu và công trình quan trọng phải bố trí các hệ thống kênh mương chính. Nếu không có bình đồ của cả vùng quy hoạch thì phải đo bình đồ trên phạm vi dọc tuyến kênh chính tỷ lệ từ 1/25 000 đến 1/10 000. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể cho phép chỉ đo mặt cắt dọc và mặt cắt ngang tuyến kênh chính tỷ lệ từ 1/5 000 đến 1/10 000.
A.1.3 Để tính toán thủy lực, thủy năng, chỉnh trị sông cần đo các mặt cắt dọc ngang sông
Tỷ lệ và khoảng cách đo vẽ các mặt cắt sông quy định như sau:
a) Sông lớn: tỷ lệ vẽ mặt cắt dọc từ 1/100 000 đến 1/50 000, mặt cắt ngang từ 1/1 000 đến 1/500.
b) Sông, suối nhỏ: tỷ lệ vẽ mặt cắt dọc từ 1/50 000 đến 1/10 000, mặt cắt ngang từ 1/500 đến 1/200.
c) Vị trí và khoảng cách các mặt cắt tùy thuộc vào đặc điểm dòng chảy và yêu cầu tính toán thủy lực có thể lấy trung bình từ 1,0 km đến 5,0 km đo một mặt cắt. Sông dải đo thưa hơn sông ngắn.
d) Khi tính toán mô hình thủy lực 2 chiều (2D) đối với các vùng ngập lũ cần bình đồ cao độ số (DEM) tùy theo mức độ ngập và mức độ quan trọng vùng bảo vệ mà khoảng cách giữ các điểm cao độ từ 30mx30m đến 10mx10m.
Khi nghiên cứu chỉnh trị sông cần có bình đồ lòng dẫn tỷ lệ 1/5 000 và ảnh viễn thám.
A.2 Tài liệu địa chất
Cho phép sử dụng các loại bản đồ địa chất đã xuất bản hoặc đang lập để nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu các đặc điểm địa chất của thung lũng sông và xác định các đoạn sông có khả năng bố trí công trình đầu mối sau đó tiếp tục nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn điều kiện địa chất công trình và vật liệu xây dựng vùng đầu mối công trình.
Đối với vùng hồ chứa khi cần nghiên cứu dự báo khả năng thấm mất nước của công trình và khả năng sạt lở bờ hồ khi tích nước, có thể dựa vào tài liệu địa chất chung đã có hoặc tiến hành trắc hội địa chất theo bản đồ tỷ lệ từ 1/200 000 đến 1/100 000.
Đối với vùng công trình đầu mối chủ yếu như hồ chứa nước, đập dâng, cống, trạm bơm... và tuyến kênh chính, khi cần nghiên cứu đánh giá sơ bộ khả năng đảm bảo ổn định, chống thấm của nền và vai công trình, đánh giá khả năng khai thác và sử dụng vật liệu tự nhiên để xây dựng công trình có thể dựa vào tài liệu địa chất đã có, trắc hội địa chất kết hợp thăm dò địa vật lý và đào hố thăm dò đề lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200 000 đến 1/100 000 và mặt cắt địa chất các tuyến công trình. Công tác khoan địa chất chỉ tiến hành ở những công trình chủ yếu quan trọng.
A.3 Tài liệu đất đai - thổ nhưỡng
Khi nghiên cứu đề xuất biện pháp thủy lợi cải tạo đất hoặc điều chỉnh phương hướng sản xuất nông nghiệp trong trường hợp nguồn nước khó khăn cần có bản đồ đất tỷ lệ từ 1/25 000 đến 1/50 000 và thu thập các số liệu về sự phân bố đất đai - thổ nhưỡng, thảm thực vật rừng. Các tài liệu cần có gồm:
- Bản đồ thích nghi đất đai;
- Bản đồ và tài liệu về hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất nông - lâm nghiệp và thủy sản, các số liệu về diện tích và tính chất của một số loại đất chính.
A.4 Tài liệu khí tượng - thủy văn
A.4.1 Các tài liệu về khí tượng - thủy văn sử dụng trong tính toán phải được chỉnh lý thống nhất về cao độ với tài liệu địa hình, được cập nhật số liệu quan trắc từ khi thành lập đến năm gần nhất của các trạm trong vùng và những trạm cần thiết ở vùng phụ cận.
A.4.2 Tài liệu về khí tượng cần có
- Mạng lưới trạm khí tượng, khí hậu.
- Tài liệu thực đo các yếu tố mưa, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi, gió, số giờ nắng,...
- Tài liệu nghiên cứu phân vùng khí hậu và các đặc trưng của nó.
A.4.3 Tài liệu thủy văn nước mặt cần có
- Mạng lưới trạm đo thủy văn có trong hoặc gần vùng nghiên cứu.
- Tài liệu thực đo về mực nước, lưu lượng, hàm lượng phù sa, độ mặn, chua, phèn, thủy triều, chất lượng nước. Trong trường hợp thiếu, không đủ tài liệu thủy văn cho tính toán chuyên ngành, cần điều tra lũ, đo đạc bổ sung mực nước và lưu lượng kiệt, lũ, triều, mặn, phù sa, chất lượng nước, nước mặt, nước ngầm.
- Các kết quả nghiên cứu về các đặc trưng dòng chảy mặt và ngầm.
Trong trường hợp thiếu, không đủ tài liệu thủy văn cho tính toán chuyên ngành, cần điều tra lũ, kiệt, đo đạc bổ sung mực nước và lưu lượng kiệt, lũ, triều, mặn, phù sa, nước mặt, nước ngầm. Thời gian đo đạc bổ sung cho mỗi vị trí cần thiết như sau:
- Đo lưu lượng dòng chảy kiệt phục vụ đánh giá nguồn nước: từ 5 ngày đến 7 ngày.
- Đo lưu lượng, mực nước, độ mặn phục vụ tính toán thủy lực mùa kiệt, mùa lũ: từ 10 ngày đến 15 ngày.
A.4.4 Cần điều tra, thu thập tài liệu khảo sát đánh giá tài nguyên nước dưới đất
Bao gồm: phân bố, tổng lượng và chất lượng, khả năng khai thác nước ngầm ở trong vùng quy hoạch. Khi nghiên cứu lập quy hoạch cấp nước mà thiếu hoặc không có tài liệu nói trên về nước dưới đất cần tiến hành điều tra khảo sát bổ sung về nước ngầm.
A.5 Tài liệu về dân sinh - kinh tế - xã hội
A.5.1 Tài liệu về hiện trạng dân sinh - kinh tế - xã hội được thống kê ít nhất trong 05 năm liên tục tính đến năm lập quy hoạch, các chỉ tiêu phát triển trong kế hoạch 05 năm trước mắt và phương hướng kế hoạch phát triển dài hạn cho 15 năm đến 20 năm sau
Tài liệu về hiện trạng dân sinh - kinh tế lấy theo số liệu công bố. Đối với các lưu vực sông lớn hoặc vùng lớn tương đương với đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì đơn vị được thống kê là huyện. Đối với các lưu vực sông không lớn hoặc các vùng nhỏ tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện hoặc liên huyện thì đơn vị được thống kê là xã. Trường hợp không có số liệu của cơ quan thống kê, cho phép sử dụng số liệu của các cơ quan khác. Các tài liệu về kế hoạch phát triển dân sinh và các ngành kinh tế do cơ quan chức năng cung cấp trên cơ sở tổng hợp.
Căn cứ vào các tài liệu hiện có để xây dựng các chỉ tiêu cấp nước, tiêu nước phù hợp và được các ngành chấp nhận thông qua hội đồng thẩm định.
A.5.2 Tài liệu về dân số, phân loại dân số theo các đơn vị hành chính, đặc điểm phân bố phát triển dân cư, trình độ dân trí, tỷ lệ tăng trưởng dân số, phân bố dân cư và dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, thu nhập, văn hóa, giáo dục, vệ sinh, y tế cộng đồng, các bệnh sinh ra do nước của từng tiểu vùng và toàn vùng quy hoạch
Cần xem xét mối liên quan về dân sinh - xã hội của tiểu vùng với tiểu vùng khác và cả vùng cũng như quan hệ với từng quốc gia và liên quốc gia.
A.5.3 Tài liệu về tình trạng đô thị hóa, tình hình quản lý và các dịch vụ đô thị, nông thôn miền núi
A.5.4 Tài liệu về kinh tế bao gồm các số liệu về hiện trạng và chỉ tiêu phát triển của tất cả các ngành kinh tế có liên quan đến nguồn nước như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch
A.6 Tài liệu hiện trạng phát triển thủy lợi
- Các công trình thủy lợi, thủy điện hiện có gồm số lượng công trình, quy mô và nhiệm vụ, năng lực thiết kế, năng lực thực tế, tình trạng công trình, hiệu quả phục vụ.
- Tình hình thiên tai đã xảy ra trong 05 năm gần với thời điểm nghiên cứu quy hoạch như hạn hán, úng, lũ, lụt, lũ quét, động đất cũng như ảnh hưởng của thiên tai đến dân sinh - kinh tế.
- Tài liệu về hiện trạng môi trường, sinh thái và chất lượng nước.
- Các nghiên cứu có liên quan đến thủy lợi đã được các cơ quan và các nhà khoa học nghiên cứu.
A.7 Các tài liệu khác
- Các chủ trương, chính sách và các Luật có liên quan đến sử dụng và khai thác tài nguyên.
- Các tài liệu, văn bản, chính sách, các hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Các tài liệu liên quan đến chi phí, giá của các hàng hóa có liên quan đến tính toán kinh phí đầu tư và hiệu ích kinh tế, chỉ tiêu kinh tế.
- Các số liệu và thông tin về công cụ nghiên cứu liên quan phục vụ tính toán mô hình toán.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH LẬP QUY HOẠCH THỦY LỢI
B.1 Lập nhiệm vụ quy hoạch
- Đánh giá tổng quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng thủy lợi, khai thác, sử dụng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai.
- Xác định sơ bộ các nguồn cung cấp nước, nhu cầu sử dụng nước, các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch thủy lợi, phòng, chống thiên tai.
- Xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi và nội dung quy hoạch; giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ lập quy hoạch.
- Sản phẩm lập nhiệm vụ quy hoạch bao gồm:
+ Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch thủy lợi;
+ Bản đồ sơ họa nhiệm vụ quy hoạch thủy lợi;
+ Đề cương và dự toán chi phí quy hoạch.
B.2 Nghiên cứu tổng hợp ban đầu
- Công tác nội nghiệp cần được nghiên cứu đánh giá cụ thể hơn về công việc cần thực hiện dự án trước khi nghiên cứu ngoại nghiệp, khảo sát tổng hợp gồm:
+ Nghiên cứu các mục tiêu, phạm vi, nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch;
+ Nghiên cứu, điều tra tài liệu dân sinh - kinh tế, tài liệu quy hoạch đã có, hoặc liên quan để đánh giá nguồn tài liệu cơ bản hiện có và tài liệu cần thu thập;
+ Đánh giá sơ bộ dự án dự án nghiên cứu về quy hoạch thủy lợi và đầu tư xây dựng thủy lợi đã có để đề ra phương hướng lập quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
- Nghiên cứu ngoại nghiệp: khảo sát tổng hợp về hiện trạng các vùng, các công trình và yêu cầu phát triển thủy lợi.
- Hoàn chỉnh đề cương kỹ thuật; thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ hoặc nội dung quy hoạch cho phù hợp thực tế.
- Lập báo cáo khởi đầu.
B.3 Khảo sát kỹ thuật, phân tích đánh giá tiềm năng
- Thu thập tài liệu cơ bản về dân sinh - kinh tế.
- Điều tra, khảo sát bổ sung các tài liệu cơ bản về địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, thủy văn nguồn nước, chất lượng nước.
- Đánh giá tiềm năng phát triển, gồm tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nước, thảm phủ thực vật, khoáng sản.
- Phân tích đánh giá hiện trạng và kế hoạch hoặc phương hướng phát triển các ngành.
- Xây dựng kịch bản.
- Nghiên cứu thực địa, khảo sát các vị trí dự kiến bố trí công trình theo các kịch bản.
- Hội thảo đánh giá tiềm năng, phân tích ngành và kịch bản phát triển.
- Tham vấn ý kiến cộng đồng về những dự án ưu tiên dự kiến.
- Lập các báo cáo chuyên đề về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội.
B.4 Nghiên cứu, tính toán, thiết kế quy hoạch
- Phân vùng quy hoạch, xác định mục tiêu nhiệm vụ của mỗi vùng.
- Nghiên cứu tính toán xác định các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản như hệ số cấp nước (hệ số tưới cho nông nghiệp, yêu cầu cấp nước cho các đối tượng sử dụng và tiêu thụ nước khác), hệ số tiêu (tiêu cho nông nghiệp và cho các ngành khác trong vùng quy hoạch), nhu cầu nước để duy trì dòng chảy tối thiểu.... Bổ sung việc xây dựng các mô hình toán chuyên ngành để đánh giá hiện trạng và phương án cấp nước, tiêu nước, phòng, chống lũ, các chỉ tiêu tính toán kinh tế.
- Tính toán khí tượng - thủy văn, đánh giá nguồn nước, khả năng diễn biến nguồn nước.
- Cân bằng nước, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu nước theo các kịch bản, xây dựng mô hình cân bằng nước hiện tại, tính toán mô hình cân bằng nước nội đồng, phân tích tồn tại.
- Nghiên cứu, xây dựng các phương án quy hoạch.
- Xác định các giải pháp thủy lợi công trình, phi công trình.
- Nghiên cứu, tính toán chuyên đề, thiết kế quy hoạch chuyên ngành, xác định quy mô, nhiệm vụ các hệ thống công trình, ước tính khối lượng và vốn đầu tư cho các giải pháp.
- Tổng hợp, lập các báo cáo chuyên đề.
B.5 Tổng hợp quy hoạch
- Tổng hợp các quy hoạch chuyên ngành, các công trình lợi dụng tổng hợp.
- Điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành khi cần thiết.
- Đánh giá môi trường chiến lược.
- Phân tích, lựa chọn trình tự thực hiện quy hoạch, các dự án ưu tiên.
- Tổng hợp vốn đầu tư, hiệu ích quy hoạch và phân bổ vốn đầu tư.
- Tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan về nội dung của đồ án thiết kế quy hoạch.
- Lập báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt và hồ sơ đồ án thiết kế quy hoạch.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- TCVN 8303:2009 Quy trình sơ họa diễn biến lòng sông.
- TCVN 8304:2009 Công tác thủy văn trong hệ thống thủy lợi.
- TCVN 8213:2009 Tính toán và đánh giá hiệu quả kinh tế dự án thủy lợi phục vụ tưới, tiêu.
- TCVN 8367:2010 Hệ thống công trình thủy lợi - Mạng lưới lấy mẫu chất lượng nước.
- TCVN 8412:2010 Công trình thủy lợi - Hướng dẫn lập quy trình vận hành.
- TCVN 8477:2010 Công trình thủy lợi - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát địa chất trong các giai đoạn lập dự án và thiết kế.
- TCVN 8478:2010 Công trình thủy lợi - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát địa hình trong các giai đoạn lập dự án và thiết kế.
- TCVN 8481:2010 Công trình đê điều - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát địa hình.
- TCVN 8643:2011 Công trình thủy lợi - Cấp hạn hán đối với nguồn nước tưới và cây trồng được tưới.
- TCVN 9155:2012 Công trình thủy lợi - Yêu cầu kỹ thuật khoan máy trong công tác khảo sát địa chất.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Thuật ngữ và giải thích
3 Yêu cầu chung
3.1 Yêu cầu về tài liệu cơ bản lập quy hoạch thủy lợi
3.2 Nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi
3.3 Đồ án quy hoạch thủy lợi
3.4 Sản phẩm quy hoạch
4 Quy hoạch thủy lợi tổng hợp
4.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
4.2 Điều tra, nghiên cứu đánh giá quá trình phát triển
4.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
4.4 Xây dựng phương án tổng quan phát triển thủy lợi
4.5 Sản phẩm quy hoạch thủy lợi tổng hợp
5 Quy hoạch thủy lợi chuyên đề
5.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
5.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá quá trình phát triển
5.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
5.4 Xây dựng kịch bản phát triển
5.5 Thiết kế quy hoạch thủy lợi chuyên đề
5.6 Đề xuất các giải pháp thực hiện
5.7 Sản phẩm quy hoạch thủy lợi chuyên đề
6 Quy hoạch chi tiết thủy lợi
6.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
6.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá quá trình phát triển
6.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
6.4 Xây dựng kịch bản phát triển
6.5 Thiết kế quy hoạch chi tiết thủy lợi
6.6 Đề xuất các giải pháp thực hiện
6.7 Sản phẩm quy hoạch chi tiết thủy lợi
PHỤ LỤC A
A.1. Tài liệu địa hình
A.2. Tài liệu địa chất
A.3. Tài liệu đất đai - thổ nhưỡng
A.4. Tài liệu khí tượng - thủy văn
A.5. Tài liệu về dân sinh - kinh tế - xã hội
A.6. Tài liệu hiện trạng phát triển thủy lợi
A. 7. Các tài liệu khác
PHỤ LỤC B
B.1. Lập nhiệm vụ quy hoạch
B.2. Nghiên cứu tổng hợp ban đầu
B.3. Khảo sát kỹ thuật, phân tích đánh giá tiềm năng
B.4. Nghiên cứu, tính toán, thiết kế quy hoạch
B.5. Tổng hợp quy hoạch
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
File gốc của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8302:2018 về Quy hoạch thủy lợi – Yêu cầu về nội dung, thành phần, khối lượng đang được cập nhật.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8302:2018 về Quy hoạch thủy lợi – Yêu cầu về nội dung, thành phần, khối lượng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Đã xác định |
Số hiệu | TCVN8302:2018 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2018-01-01 |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |