Sugarcane seed - Technical requirements
Lời nói đầu
TCVN 12369: 2018 do Viện Nghiên cứu Mía đường biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
MÍA GIỐNG - YÊU CẦU KỸ THUẬT
Sugarcane seed - Technical requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với hom mía giống và cây mía giống thuộc loài mía (Saccharum, spp) được nhân giống bằng phương pháp vô tính.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Hom mía giống
Một đoạn thân của cây mía được sử dụng để làm giống, hom mía tiêu chuẩn có từ 1 đến 3 mắt mầm sống.
2.2
Giống gốc
Giống do tác giả chọn tạo hoặc nhập nội, được cấp có thẩm quyền công nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
2.3
Giống cấp 1
Giống được nhân từ giống gốc và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
2.4
Giống cấp 2
Giống được nhân từ giống cấp 1 và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
2.5
Giống cấp 3
Giống được nhân từ giống cấp 2 và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
2.6
Vụ mía tơ
Mía mọc lên sau trồng và đẻ nhánh phát triển thành cây mía tơ. Vụ mía tơ được tính từ khi trồng đến khi thu hoạch lần thứ nhất.
2.7
Vụ mía gốc
Mía được tái sinh sau khi thu hoạch vụ mía trước. Cây mía phát triển từ chồi gốc và đẻ nhánh tạo thành quần thể vụ mía gốc.
2.8
Vụ mía gốc 1
Được tính từ khi kết thúc thu hoạch vụ mía tơ đến khi thu hoạch cây mía được tái sinh từ gốc của cây mía tơ.
2.9
Vườn ươm
Nơi tập trung chăm sóc, bồi dưỡng cây con được nhân từ nuôi cấy mô hoặc nhân từ hom 1 mắt mầm nhằm đáp ứng về nhu cầu giống mía cho sản xuất.
3 Yêu cầu kỹ thuật
3.1 Yêu cầu trong việc chọn địa điểm làm ruộng mía giống
Vụ trước không trồng mía.
Không có tàn dư của cây mía.
Bằng phẳng, thông thoáng không bị bóng cây che.
Thuận tiện nguồn nước tưới để có thể tưới tiêu khi cần.
Không được bố trí ruộng mía giống ở nơi có nguồn nước tưới ở cuối dòng chảy của những khu vực mía nguyên liệu, đặc biệt là những khu vực đã và đang cỏ nhiều nguồn sâu, bệnh hại mía.
Cách ly: Cách tối thiểu 5 m đối với các khu ruộng mía khác để tránh lẫn cơ học với các giống khác.
3.2 Tiêu chuẩn cây mía trong ruộng được sử dụng để nhân và làm giống
Mía trong ruộng để nhân và làm giống phải đáp ứng yêu cầu của Điều 3.1 và các quy định trong Bảng 1
Bảng 1 - Tiêu chuẩn cây mía trong ruộng được sử dụng để nhân và làm giống
Chỉ tiêu | Yêu cầu | |||
Giống gốc | Giống cấp 1 | Giống cấp 2 | Giống cấp 3 | |
1. Độ thuần của giống, % | 100 | 99 | 97 | 95 |
2. Tuổi mía | 6 đến 10 tháng | 6 đến 10 tháng | 6 đến 10 tháng | 6 đến 10 tháng |
3. Vụ mía | Tơ hoặc gốc 1 | Tơ hoặc gốc 1 | Tơ hoặc gốc 1 | Tơ hoặc gốc 1 |
4. Trạng thái thân | Không được đổ nghiêng quá 30° so với mặt đất, không có chồi nách | |||
5. Đường kính thân | >80% đường kính trung bình đặc trưng của giống | |||
6. Độ dài lóng | Tối đa không vượt quá 20% độ dài lóng trung bình của giống | |||
7. Mắt mầm, % tổng số mắt | Số mắt mầm phát triển không bình thường trên cây mía không vượt quá 5% tổng số mắt mầm của cây. Số mắt mầm đã mọc lên, phát triển vượt quá 1 cm so với bề mặt của lóng mía không được vượt quá 5% tổng số mắt mầm của cây. | |||
8. Bệnh than (Ustilago scitaminea Sydow), % cây bị hại | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh |
9. Bệnh thối đỏ (Glomerella tucumanensis Muller), % cây bị hại | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh |
10. Bệnh chồi cỏ/trắng lá (Phytoplasma,) % cây bị hại | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh | Không nhiễm bệnh |
11. Sâu đục thân (Sâu đục thân 5 vạch đầu nâu: Chilo infuscatellus Snellen; Sâu đục thân mình trắng: Scirpophaga nivella Fabr; Sâu đục thân 4 vạch: Chilo sacchariphagus Bojer; Sâu đục thân mình tím: Phragmataecia castaneae Hũbner; Sâu đục thân mình hồng: Sesamia sp), % cây bị hại, không vượt quá | 1,0 | 2,0 | 3,0 | 3,0 |
12. Rệp sáp đỏ (Saccharicoccus sacchari Cock), % cây bị hại không vượt quá | 1,0 | 3,0 | 5,0 | 5,0 |
13. Rệp bông trắng (Ceratovacuna lanigera), % cây bị hại không vượt quá, chưa xuất hiện muội đen | 1,0 | 3,0 | 5,0 | 5,0 |
3.3 Tiêu chuẩn hom mía giống 1 đến 3 mắt mầm
Hom mía giống có từ 1 đến 3 mắt mầm phải lấy từ cây mía đáp ứng yêu cầu của Điều 3.2 và các quy định trong Bảng 2
Bảng 2 - Tiêu chuẩn hom mía giống 1 đến 3 mắt mầm
Chỉ tiêu | Yêu cầu |
1. Màu sắc hom giống | Phải mang màu sắc đặc trưng của giống |
2. Mắt mầm | Mầm đã đầy đủ các bộ phận đặc trưng, có sắc tố đặc trưng chưa bị hóa gỗ (màu nâu xám và dày lên) |
3. Rễ khí sinh | Tỷ lệ rễ khí sinh dưới 10% số điểm rễ trên đai rễ |
4. Sâu, bệnh hại | Đã được xử lý sạch sâu, bệnh. |
3.4 Tiêu chuẩn cây mía giống trồng từ hom 1 mắt mầm xuất vườn
Tiêu chuẩn cây mía giống trồng từ hom 1 mắt mầm xuất vườn được quy định trong Bảng 3
Bảng 3 - Tiêu chuẩn cây mía giống trồng từ hom 1 mắt mầm xuất vườn
Chỉ tiêu | Yêu cầu |
1. Hình thái chung | Cây con khỏe mạnh, không sâu bệnh |
2. Tuổi mía | Tuổi mía từ 30 đến 45 ngày sau khi giâm hom vào bầu trong vườn ươm |
3. Chiều cao cây | Từ 30 cm trở lên |
4. Số lá trên cây | Từ 4 đến 6 lá thật |
3.5 Tiêu chuẩn cây mía giống nuôi cấy mô
3.5.1 Yêu cầu vật liệu đưa vào nuôi cấy mô
Cây mầm khỏe, không sâu, bệnh hại, 3-4 tháng tuổi.
Ngọn của cây mía không sâu, bệnh hại.
Mắt mầm bánh tẻ, có đầy đủ sắc tố đặc trưng của giống.
3.5.2 Tiêu chuẩn cây mía giống nuôi cấy mô xuất vườn
Tiêu chuẩn cây mía giống nuôi cấy mô xuất vườn phải đáp ứng yêu cầu trong Điều 3.5.1 và Bảng 4
Bảng 4 - Tiêu chuẩn cây mía giống nuôi cấy mô xuất vườn
Chỉ tiêu | Yêu cầu |
1. Hình thái chung | Cây con khỏe mạnh, không sâu bệnh |
2. Tuổi mía | Từ 45 đến 50 ngày sau khi cấy cây con vào bầu trong vườn ươm |
3. Chiều cao cây | Từ 25 cm trở lên |
Số lá trên cây | Có từ 4 đến 6 lá thật |
4 Phương pháp kiểm tra
4.1 Kiểm tra cây mía trong ruộng được sử dụng để nhân và làm giống
Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu cây mía trong ruộng được sử dụng để nhân và làm giống được thể hiện trong Bảng 5
Bảng 5 - Phương pháp kiểm tra cây mía trong ruộng được sử dụng để nhân và làm giống
Chỉ tiêu | Phương pháp kiểm tra |
1. Độ thuần của giống | Quan sát toàn ruộng. Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của ruộng mía, mỗi điểm theo dõi liên tục ít nhất 100 cây để xác định tỷ lệ lẫn giống (nếu có) |
2. Tuổi mía | Kiểm tra nhật ký/hồ sơ ghi chép của cơ sở sản xuất mía giống liên quan đến thời gian trồng và thu hoạch của ruộng mía |
3. Vụ mía | Kiểm tra nhật ký/hồ sơ ghi chép của cơ sở sản xuất mía giống liên quan đến số lần thu hoạch của ruộng mía |
4. Trạng thái thân | Quan sát toàn ruộng. Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của ruộng mía, mỗi điểm theo dõi liên tục ít nhất 100 cây |
5. Đường kính thân | - Sử dụng thước kẹp có độ chính xác 0,1 mm, đo lóng giữa của cây - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của ruộng mía, mỗi điểm theo dõi liên tục 20 cây |
6. Độ dài lóng | - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của ruộng mía, mỗi điểm theo dõi liên tục 20 cây - Đo chiều cao của cây (cm) sau khi chặt và đếm số lóng trên cây - Độ dài lóng = chiều cao cây/số lóng của cây |
7. Mắt mầm | - Quan sát bằng mắt thường - Đánh giá tại thời điểm chặt giống, chọn 4 điểm ngẫu nhiên trên ruộng mía, mỗi điểm chặt 25 cây để đánh giá |
8. Sâu, bệnh và rệp hại | - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của ruộng mía, mỗi điểm theo dõi liên tục 100 cây: + Quan sát cây từ gốc đến lá để đánh giá các bệnh: than, chồi cỏ/ trắng lá và các loại rệp hại + Chặt cây, bóc bẹ lá để quan sát kiểm tra sâu đục thân, bệnh thối đỏ - Tỷ lệ cây bị hại (%) = số cây bị hại/tổng số cây theo dõi x100% |
4.2 Kiểm tra hom mía giống 1 đến 3 mắt mầm
Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu hom mía giống 1 đến 3 mắt mầm được thể hiện trong Bảng 6
Bảng 6 - Phương pháp kiểm tra hom mía giống 1 đến 3 mắt mầm
Tên chỉ tiêu | Phương pháp kiểm tra |
1. Màu sắc hom giống | Quan sát bằng mắt thường |
2. Mắt mầm | Quan sát bằng mắt thường |
3. Rễ khí sinh | - Quan sát tất cả các đai rễ của hom, đếm tổng số điểm rễ trên đai rễ và số rễ khí sinh mọc trên đai rễ của hom. - Tỷ lệ rễ khí sinh (%) = số rễ khí sinh/tổng số điểm rễ x100% |
4. Sâu, bệnh hại | Kiểm tra nhật ký/hồ sơ của cơ sở sản xuất hom giống liên quan đến việc xử lý sâu, bệnh hại sau khi ra hom giống. |
4.3 Phương pháp kiểm tra cây mía giống được trồng từ hom 1 mắt mầm khi xuất vườn
Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu cây mía giống trồng từ hom 1 mắt mầm khi xuất vườn được thể hiện trong Bảng 7
Bảng 7 - Phương pháp kiểm tra cây mía giống trồng từ hom 1 mắt mầm xuất vườn
Tên chỉ tiêu | Phương pháp kiểm tra |
1. Hình thái chung | Quan sát bằng mắt thường |
2. Tuổi mía | Căn cứ vào ghi chép ngày cấy hom vào bầu giống |
3. Chiều cao cây | - Đo từ mặt bầu đến cổ lá trên cùng - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của lô mía giống, mỗi điểm theo dõi liên tục 20 cây |
4. Số lá trên cây | - Đếm số lá thực tế trên cây - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của lô mía giống, mỗi điểm theo dõi liên tục 20 cây |
4.4. Phương pháp kiểm tra cây mía giống từ nuôi cấy mô khi xuất vườn
Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu cây mía giống nuôi cấy mô xuất vườn được thể hiện trong Bảng 8
Bảng 8 - Phương pháp kiểm tra cây mía giống từ nuôi cấy mô khi xuất vườn
Tên chỉ tiêu | Phương pháp kiểm tra |
1. Hình thái chung | Quan sát bằng mắt thường |
2. Tuổi mía | Căn cứ vào ghi chép ngày cấy cây con vào bầu trong vườn ươm |
3. Chiều cao cây | - Đo từ mặt bầu đến cổ lá trên cùng - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của lô mía giống, mỗi điểm theo dõi liên tục 20 cây |
4. Số lá trên cây | - Đếm số lá thực tế trên cây - Xác định tại 5 điểm trên 2 đường chéo góc của lô mía giống, mỗi điểm theo dõi liên tục 20 cây |
[1] QCVN 01-131:2013/BNNPTNT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống mía
[2] Instituto Nacional de Investigaciones de la Caña de Azúcar (INICA), 2002. “Variedades”, Normas y procedimientos del programa de mejoramiento genético de la caña de azúcar en Cuba. Cuba & Caña Boletin, No.1, pp.141-241.
[3] Ramon M. Cu, Federico C. Barredo, 2002. Seed cane production for the Philippine sugar industry: A Manual for Establishing and Maintaining a Seed Cane Nursery. Philippine Sugar Research Institute (PHILSURIN), Bacolod City, PHILIPPINES 6100, 93 pp.
[4] The Central Seed Certification Board Department of Agriculture & Co-operation, 2013. “Chapter VIII: Seed certification standards for sugar crops” & “Chapter XX: Sugarcane-tissue culture standards”, Indian Minimum Seed Certification Standards, Ministry of Agriculture, Government of India, New Delhi, pp. 186-188 & pp. 556-559.
File gốc của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12369:2018 về Mía giống – Yêu cầu kỹ thuật đang được cập nhật.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12369:2018 về Mía giống – Yêu cầu kỹ thuật
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Đã xác định |
Số hiệu | TCVN12369:2018 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2018-01-01 |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |