ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 275/KH-UBND | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2022 |
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;
Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;
Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045;
Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Căn cứ Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 331/TTr-SNN ngày 06/10/2022.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội với nội dung sau:
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với điều kiện thực tiễn tại thành phố Hà Nội.
- Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
2. Yêu cầu
- Thực hiện đầy đủ kịp thời những nội dung được quy định trong chiến lược, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính khả thi. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và sự phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong việc triển khai chiến lược.
- Các cấp, các ngành chủ động, tích cực vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị cấp huyện, xã căn cứ vào điều kiện thực tiễn để đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu để phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, chuyên môn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
- Việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, mô hình phát triển chăn nuôi phải mang tính thực chất, hiệu quả, trọng tâm, sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; phát huy nội lực của các cơ sở chăn nuôi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
1. Mục tiêu chung
- Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
- Đẩy mạnh việc xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chăn nuôi liên kết, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi gắn liền với hoạt động giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, an toàn sinh học gắn với du lịch sinh thái, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng lộ trình dừng, chấm dứt chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.
- Thúc đẩy hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh trên cả nước. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi đặc biệt là các sản phẩm đặc thù vùng miền có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
- Xây dựng lộ trình dịch chuyển chăn nuôi gia súc lớn sang các địa phương lân cận; tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Thành phố và các tỉnh trên cả nước.
- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Luật Chăn nuôi và chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững và hội nhập quốc tế.
- Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2022-2030
- Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn Thành phố, tốc độ, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trung bình từ 4,5-5,5%/năm; thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tăng tối thiểu 4-5 %/năm.
- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 440 - 480 nghìn tấn/ năm, trong đó sản lượng thịt lợn hơi 280 - 320 nghìn tấn, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng khoảng 12 - 15 nghìn tấn, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 145 - 155 nghìn tấn; sản lượng trứng đạt từ 2,2-2,5 tỷ quả/năm, sản lượng sữa tươi đạt 40-42 nghìn tấn.
- Phấn đấu đến năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND Thành phố về việc ban hành khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách di dời hỗ trợ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội; giảm dưới 40% tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư, dịch chuyển chăn nuôi gia súc lớn phát triển theo hướng trang trại xa khu dân cư đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong trang trại; tiếp tục xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Hà Nội là trung tâm sản xuất con giống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.
- Phấn đấu đến năm 2030 hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi bằng các dây truyền công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y; khuyến khích xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và gắn với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến. Xây dựng được ít nhất 12 vùng cấp huyện đạt tiêu chuẩn vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 80% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
- Tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được đưa vào sơ chế, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng thịt đạt từ 50% vào năm 2030.
b) Tầm nhìn đến năm 2045:
- Phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu có 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết.
- Về cơ bản các vùng chăn nuôi tập trung hoạt động chăn nuôi với phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Ứng dụng rộng rãi công nghệ số hóa trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi.
- Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Hà Nội thuộc nhóm đầu của cả nước.
- Kiểm soát hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; xóa bỏ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đưa hoạt động giết mổ vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, quy mô nhỏ.
- Quản lý giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, xử lý kịp thời đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt là các bệnh có khả năng lây nhiễm sang con người.
- Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.
- 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.
a) Tổ chức triển khai thi hành Luật Chăn nuôi:
- Tập huấn, tuyên truyền Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi.
- Xây dựng quy định mật độ chăn nuôi; quy định khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
- Quản lý, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn, định kỳ kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ; quản lý, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.
- Thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi; tổng hợp số liệu biến động đàn vật nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi và Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/9/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi, để nắm bắt, quản lý, định hướng hoạt động chăn nuôi.
b) Chính sách đất đai:
- Có chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chợ đầu mối.
- Chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi.
c) Chính sách tài chính và tín dụng:
- Rà soát các chính sách hiện hành, nghiên cứu, đề xuất chính sách ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo hướng: Hằng năm, giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất; Áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi khép kín, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Thủ đô.
- Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị trường... theo nguyên tắc: ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, người chăn nuôi tham gia đóng góp và huy động các nguồn hợp pháp khác.
d) Chính sách thương mại:
- Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gắn với các chuỗi liên kết. Các địa phương, trung tâm mua bán, siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm đấu giá và các chương trình bình ổn, xúc tiến thương mại ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, gắn với chuỗi liên kết, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ đầu mối, trung tâm đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, đấu giá giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi.
e) Thông tin, tuyên truyền:
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố; quán triệt sâu sắc cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên trực tiếp làm việc, tiếp xúc với người chăn nuôi để tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi hiểu, đồng thuận tổ chức thực hiện.
- Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.
- Đa dạng hóa các chương trình truyền thông nhằm từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi.
2. Phát triển chăn nuôi, thủy sản phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp
Các huyện, thị xã thực hiện phát triển chăn nuôi, thủy sản phù hợp với các quy hoạch liên quan; Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/02/2013; quy định Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố theo Quyết định 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND Thành phố, theo đó:
a) Định hướng sản xuất chăn nuôi theo tiểu vùng:
- Vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai): định hướng phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, gà thả vườn, các loại con nuôi đặc sản.
- Vùng đồng bằng: đối với vùng có địa hình cao Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn; đối với vùng thấp trũng Ứng Hòa, Phú Xuyên, một phần huyện Mỹ Đức tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản.
- Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đà, sông Tích...): Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội, các loại vật nuôi chủ yếu bò thịt, bò sữa, lợn, gà.
b) Định hướng sản xuất chăn nuôi theo đối tượng vật nuôi:
- Chăn nuôi lợn: Hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung xa khu dân cư, phân bố trọng điểm ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.
- Chăn nuôi gia cầm: Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi gà tập trung, phân bố trọng điểm ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai; chăn nuôi thủy cầm phân bố ở các huyện trọng điểm Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thị xã Sơn Tây.
- Chăn nuôi trâu bò: Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi bò thịt tập trung phân bố tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức; chăn nuôi bò sữa phát triển tại các xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm là: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Tòng Bạt, Minh Châu, Ba Trại (huyện Ba Vì), Phương Đình (Đan Phượng), Xuân Phú (Phúc Thọ).
3. Đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi
a) Chăn nuôi bò:
- Giữ ổn định đàn bò sữa đến năm 2030 khoảng 15 nghìn con bò sữa, sản lượng sữa trung bình đạt 5.500 - 6.000kg/con/chu kỳ. Định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì; Quy mô chăn nuôi bình quân 10 con/hộ; chăn nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ.
- Giữ ổn định đàn bò thịt ở 135 -145 nghìn con, trong đó đàn bò cái nền 80 - 100 nghìn con; tăng tỷ lệ đàn bò Zebu hóa là 100%, trong đó 50% là bò hướng thịt cao sản chất lượng cao. Định hướng phát triển các trang trại bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các vùng có điều kiện thuận lợi bãi ven sông tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ,....
- Nâng cao chất lượng giống, đối với bò sữa: Tỷ lệ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) phát triển theo hướng tiệm cận với chất lượng giống thuần chủng (Đàn bò sữa có tỷ lệ máu lai 7/8 trở lên chiếm trên 90%); đối với bò thịt tập trung chủ yếu giống bò thịt chất lượng cao như: BBB, Wagyu, Angus, Senepol, Inra 95..., đối với đàn bò sữa 100% được thụ tinh nhân tạo. Tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 90% vào năm 2030.
- Định hướng đến năm 2030 cải tạo đàn bò lên một tầm cao mới đáp ứng với nhu cầu mới như đưa tinh giống bò đực Senepol giống bò có nhiều ưu điểm vượt trội hơn giống bò Zebu như chất lượng thịt ngon, tỷ lệ thịt xẻ cao dáng vóc thon gọn khỏe mạnh, chống chịu bệnh tật tốt phù hợp với sinh thái Việt Nam để cải tạo đàn bò từ Zebu hóa sang Senepol hóa sử dụng bò cái làm bò cái nên lai tạo với bò BBB, Wagyu, Angus; đạt trên 60% đàn bò cái sinh sản được phối tinh Senepol. Tiếp tục phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo, đặc biệt ở nhũng nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo.
b) Chăn nuôi lợn:
- Giữ ổn định tổng đàn lợn khoảng 1,8 triệu con, trong đó đàn nái 180 - 200 nghìn con, đàn lợn hữu cơ đạt 13,6 nghìn con.
- Định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện, thị xã: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất...
- Sử dụng các giống lợn năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ nạc đạt từ 55-59%. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, chú trọng phát triển đàn nái ngoại và nái thuần chiếm trên 90% vào năm 2030. Phát triển 5% đàn lợn nái các giống lợn bản địa.
- Nhập ngoại giống lợn đực để phục vụ cho các cơ sở sản xuất tinh lợn; lợn nái ông bà có năng suất chất lượng cao để phục vụ cho các cơ sở sản xuất giống.
- Định hướng tập trung cải tạo đàn lợn giống trên địa bàn nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống cung cấp con giống chất lượng cao cho các tỉnh lân cận nuôi thương phẩm để cung cấp thực phẩm cho Thành phố phấn đấu năm 2030 đàn nái đạt 180 - 200 nghìn con chiếm 10% tổng đàn (trong đó 50% lợn nái được phối Landrace gen +).
- Mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo và tiêu chuẩn hóa các cơ sở, chất lượng lợn đực giống; đực giống sử dụng trong các trạm sản xuất tinh nhân tạo nhất thiết phải được kiểm tra năng suất trước khi khai thác tinh thương phẩm. Hằng năm, các địa phương tổ chức đánh giá, bình tuyển chất lượng đối với đàn đực giống hoạt động dịch vụ thụ tinh trực tiếp trên địa bàn nhằm loại thải những đực giống kém chất lượng, không có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng.
c) Chăn nuôi gia cầm:
- Tổng đàn gia cầm giữ ổn định 38 - 40 triệu con/năm, tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi thâm canh tập trung, tăng số lứa gia cầm xuất chuồng. Trong cơ cấu phát triển đàn gia cầm, đàn gà chiếm tỷ lệ 80%, tập trung phát triển gà đẻ trứng thương phẩm, gà bản địa (gà mía, gà thả vườn, thả đồi).
- Tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; lưu giữ và phát triển các giống gà Mía, gà Ri, giống vịt Cỏ Vân Đình.
- Định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi quy mô lớn và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện, thị xã Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất,... Tổng đàn tại các khu vực này chiếm trên 60% tổng đàn toàn Thành phố vào năm 2030. Chăn nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ, sinh học.
4. Xây dựng chuỗi sản xuất chăn nuôi, thủy sản gắn tiêu thụ sản phẩm
Phấn đấu vào năm 2030 có 70% số sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo chuỗi liên kết. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi bằng các dây truyền công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Hình thức thứ nhất: Mô hình chuỗi khép kín do một chủ thể là Doanh nghiệp tổ chức tất cả các hoạt động từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Hình thức thứ 2: Mô hình chuỗi liên kết do nhiều chủ thể (Chi hội/HTX/Hội, doanh nghiệp) cùng hợp tác xây dựng chuỗi, trong đó một chủ thể chịu trách nhiệm là đầu mối chuỗi, điều tiết các hoạt động xây dựng chuỗi và phát triển thương hiệu sản phẩm của chuỗi.
5. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường
- Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các loại vắc xin, thuốc, chế phẩm thú y phục vụ công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh nguy hiểm khác.
- Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường nhất là ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất; kiểm soát và phòng, chống kháng thuốc.
- Phát triển công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường.
- Thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm chăn nuôi tái sử dụng cho mục đích khác; gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản... theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
6. Nâng cao chất lượng thức ăn, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi
- Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ, phù hợp với chăn nuôi nông hộ... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để chăn nuôi và vỗ béo các loại gia súc ăn cỏ.
- Tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tăng cường các biện pháp quản lý đối với giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
- Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi thú y cơ sở. Chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.
- Chuẩn hóa các chương trình đào tạo và tăng cường các nguồn lực, phương thức đào tạo theo hướng xã hội hóa phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
- Chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu một số lĩnh vực quan trọng như giống, dinh dưỡng, thú y... Đẩy mạnh hình thức đào tạo đội ngũ bác sĩ thú y, kĩ sư chăn nuôi thực hành và đào tạo nghề cho người chăn nuôi.
8. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y
- Kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách quản lý ngành chăn nuôi, thú y tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và quy định của pháp luật.
- Hoạt động chăn nuôi, thú y là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, cơ sở có hoạt động chăn nuôi, thú y phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về môi trường, an toàn sinh học và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
- Thay đổi phương thức tiếp cận về sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để người sản xuất, kinh doanh tự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường.
- Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất.
1. Thúc đẩy nhanh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch
- Triển khai có hiệu quả các quy hoạch liên quan đến phát triển chăn nuôi; Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/02/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030; Quyết định 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND Thành phố về việc ban hành Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội.
- Căn cứ vào đặc điểm sinh thái của vùng, thế mạnh trong phát triển chăn nuôi để xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực với định hướng ưu tiên sản xuất con giống có năng suất chất lượng cao, gìn giữ vào bảo tồn các giống địa phương có giá trị.
- Từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND Thành phố.
- Tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng, thực hiện lộ trình dịch chuyển dần chăn nuôi gia súc lớn sang các địa phương lân cận.
2. Nâng cao chất lượng con giống
- Đối với đàn bò: Tiếp tục tăng tỷ lệ đàn bò Zebu hóa, trong đó tập trung chủ yếu giống bò thịt chất lượng cao, như BBB, Wagyu, Charolais, Inra 95...; cải tạo đàn bò cái nền bằng tinh bò Brahman, Senepol; tiếp tục sử dụng tinh phân ly giới tính đực BBB để nâng cao năng suất; đảm bảo tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho đàn bò đạt khoảng 90%.
- Đối với đàn lợn: Tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, chú trọng phát triển đàn nái ngoại và nái thuần. Khuyến khích sử dụng nguồn giống tại địa phương hoặc con giống của các cơ sở cung ứng có uy tín, chất lượng để chăn nuôi đảm bảo sản lượng.
Tập trung sản xuất giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tăng số lượng tinh lợn của các cơ sở sản xuất tinh lên 400 - 500 nghìn liều/năm; tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn lợn toàn Thành phố và giảm số lợn đực giống trong dân.
- Đối với gia cầm: Tiếp tục hỗ trợ lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giống gà Mía Sơn Tây; Hỗ trợ lưu giữ, phát triển giống vịt cỏ Vân Đình và các giống vịt đẻ trứng, vịt Bơ thương phẩm chăn nuôi công nghệ cao.
- Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT; đối với các trại chăn nuôi lợn, gia cầm áp dụng quy trình thực hành tốt theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng kín, xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi; Sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như: chuồng trại có hệ thống cảnh báo và điều tiết nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với đặc tính của từng loại gia súc, dọn phân tự động và xử lý chất thải, quản lý đàn bằng phần mềm công nghệ thông tin trong chăn nuôi.
- Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các sản phẩm sinh học trong chăn nuôi tạo hàng rào bảo vệ vật nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Giải pháp về phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ
- Tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm; các văn bản tăng cường, đôn đốc, kiểm tra; giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra VSTY, ATTP trên địa bàn Thành phố; xây dựng kế hoạch tiêm phòng, vệ sinh, khử trùng tiêu độc, lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, giám sát lưu hành vi rút; triển khai, hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt là hoàn thành việc triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh Dại động vật trên địa bàn các quận nội thành.
- Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Dại động vật..., đồng thời thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá tỷ lệ bảo hộ đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường.
- Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh.
- Phối hợp các đơn vị, ban ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định, chế độ chính sách; kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP, duy trì hoạt động các Chốt kiểm dịch liên ngành, Trạm kiểm dịch đúng theo quy định.
- Hình thành, đưa vào hoạt động 08 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp, 08 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
5. Giải pháp tăng cường năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y
- Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030, đảm bảo cho hệ thống thú y các cấp hoạt động thông suốt, có hiệu quả và chủ động tham mưu chính quyền cơ sở tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm không để lây lan.
- Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ ngành chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là hệ thống thú y cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thú y.
6. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã có cho các đối tượng liên quan theo quy định như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội và các cơ chế, chính sách mới ban hành của Trung ương và Thành phố liên quan.
- Rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi, nhằm thúc đẩy phát triển ổn định, bền vững phù hợp với từng giai đoạn.
V. NGUỒN KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành; ưu tiên đầu tư cho phòng chống dịch bệnh, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản lý ngành và đào tạo nguồn nhân lực.
- Nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác.
- Nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA.
- Nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- Các đơn vị được giao kinh phí thực hiện Kế hoạch có trách nhiệm sử dụng kinh phí đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp và phù hợp (về đối tượng; phạm vi; nội dung, mức hỗ trợ; trình tự, thủ tục triển khai thực hiện;...) với các cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương và Thành phố. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên cho phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y; kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa, quý, hiếm. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Thời gian thực hiện: Kế hoạch được thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan Thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực quản lý.
- Phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan thông tin, tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách, kế hoạch, định hướng phát triển sản xuất chăn nuôi của nhà nước đến các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi và cán bộ trực tiếp quản lý hoạt động chăn nuôi tại các địa phương để nắm vững và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm.
- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả triển khai Chiến lược trên địa bàn báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Chăn nuôi) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân Thành phố và tham mưu, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với thực tiễn.
- Chủ động cung cấp thông tin về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện cho các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các cơ quan báo chí để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả.
- Nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng lộ trình dịch chuyển dần chăn nuôi gia súc lớn sang các tỉnh lân cận.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
- Căn cứ nội dung Kế hoạch, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với điều kiện thực tiễn tại từng địa phương. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển giống chủ lực, phù hợp quy hoạch, phù hợp vùng sinh thái; bố trí nguồn kinh phí theo thẩm quyền; tạo điều kiện về đất đai hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, sơ chế, chế biến sản phẩm.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tại cơ sở; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu) theo quy định.
3. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của đơn vị, căn cứ khả năng cân đối ngân sách hàng năm, tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho Ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Tham gia, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan tới tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thụ hưởng chính sách theo quy định.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức đào tạo nghề cho nông dân nông thôn phù hợp với yêu cầu sản xuất, của từng vùng theo quy định.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo quản lý, xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về đất đai để đầu tư sản xuất, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường bền vững.
8. Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại, thiết lập mạng lưới phân phối và tìm kiếm thị trường, nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất.
9. Sở Y tế: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện chiến lược an ninh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn theo quy định.
10. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan trong công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền nội dung, hoạt động triển khai các mô hình, điển hình, cách làm mới hiệu quả trong quá trình triển khai Kế hoạch trên địa bàn Thành phố.
11. Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội: Tích cực thông tin, tuyên truyền các nội dung và các mô hình, điển hình, cách làm mới hiệu quả cao trong quá trình triển khai Kế hoạch trên địa bàn Thành phố.
12. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức đoàn thể: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; về công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội và phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân trong việc triển khai Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung Kế hoạch nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM ĐÃ ĐƯỢC UBND THÀNH PHỐ PHÊ DUYỆT
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội)
TT | Kế hoạch, Chương trình thực hiện | Mục tiêu đạt được | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp |
1 | Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 22/1/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Chương trình Khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025. | Trình diễn, phát triển các mô hình điểm về chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản có hiệu quả cao | 2020-2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã |
2 | Quyết định số 4958/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. | Nâng cao trình độ cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất giống thủy sản và nâng cao năng suất nuôi thương phẩm thủy sản. | 2021-2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã |
3 | Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. | Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp 2,5 - 3%/năm, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. | 2022 - 2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã |
4 | Kế hoạch số 211/KH-UBND, ngày 19/9/2019 của UBND thành phố Hà Nội về kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025. | Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố. | 2019 - 2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
|
5 | Kế hoạch số 180/KH-UBND, ngày 10/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội về kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025. | Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố. | 2020-2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã |
6 | Kế hoạch số 30/KH-UBND, ngày 27/01/2021 của UBND thành phố Hà Nội về kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. | Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn Thành phố. | 2021-2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã |
7 | Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND thành phố về kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội. | Đảm bảo cho hệ thống thú y các cấp hoạt động thông suốt, có hiệu quả và chủ động tham mưu chính quyền tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm không để lây lan. | 2021-2030 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã |
File gốc của Kế hoạch 275/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang được cập nhật.
Kế hoạch 275/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Số hiệu | 275/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Nguyễn Mạnh Quyền |
Ngày ban hành | 2022-10-25 |
Ngày hiệu lực | 2022-10-25 |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng |