CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2009/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2009 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (sau đây gọi là Nghị định số 106/2005/NĐ-CP) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Khi xây dựng, cải tạo đoạn đường dây dẫn điện trên không vượt qua khu dân cư, nơi công cộng thường xuyên tập trung đông người, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng phải tăng cường các biện pháp an toàn về điện và xây dựng như sau:
a) Cột phải là cột thép hoặc bê tông cốt thép; hệ số an toàn của cột, xà, móng cột không nhỏ hơn 1,2;
b) Dây dẫn điện không được phép có mối nối trong khoảng cột, trừ dây dẫn điện có tiết diện từ 240mm2 trở lên cho phép có một mối nối cho một dây. Hệ số an toàn của dây dẫn điện không nhỏ hơn 2,5;
c) Cách điện phải bố trí kép cùng chủng loại và đặc tính kỹ thuật. Dây dẫn điện, dây chống sét nếu mắc trên cách điện kiểu treo phải sử dụng khóa đỡ kiểu cố định. Hệ số an toàn của cách điện và các phụ kiện phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hiện hành;
d) Khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất không nhỏ hơn quy định trong bảng sau:
Điện áp | Đến 35 kV | 110 kV | 220 kV |
Khoảng cách | 14 m | 15 m | 18 m |
2. Sửa đổi Điều 3, Điều 4, Điều 5 như sau:
“Bãi bỏ các quy định đối với cấp điện áp 66 kV.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“1. Thay cụm từ “có điện áp từ 66 kV" tại điểm b khoản 1 bằng cụm từ “có điện áp từ 110 kV”.
2. Thay cụm từ “trạng thái tĩnh” tại khoản 1 bằng cụm từ “trạng thái võng cực đại”.
3. Bổ sung điểm d khoản 1
Đối với đường dây dẫn điện trong không vượt qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, vườn trồng cây thì khoảng cách theo phương thẳng đứng từ chiều cao trung bình của cây đã phát triển tối đa đến dây dẫn điện thấp nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP.
4. Thay cấp điện áp “66 - 220 kV" tại khoản 2 bằng cấp điện áp “110 và 220 kV”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Nhà ở, công trình trong hoặc ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (sau đây gọi tắt là hành lang an toàn lưới điện)
1. Trong hành lang an toàn lưới điện điện áp đến 220 kV
Nhà ở, công trình không phải di dời khỏi hành lang an toàn lưới điện áp đến 220 kV nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy;
b) Các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình phải được nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất.
c) Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp;
d) Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định trong bảng sau:
Điện áp | Đến 35 kV | 110 kV | 220 kV |
Khoảng cách | 3,0 m | 4,0 m | 6,0 m |
đ) Cường độ điện trường ≤ 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một mét và ≤ 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một mét.
Bộ Công Thương quy định chi tiết về nối đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Ngoài hành lang an toàn lưới điện điện áp 500 kV.
Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân ngoài hành lang an toàn lưới điện, giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500 kV được xem xét bồi thường, hỗ trợ và di dời khi có một trong các điều kiện sau:
a) Cường độ điện trường lớn hơn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
b) Khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây dẫn điện ≤ 60 mét.
3. Trường hợp nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có khoảng cách như quy định tại điểm b khoản 2, nhưng cường độ điện trường đảm bảo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này và chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nguyện vọng ở lại thì được phép ở lại và được bồi thường, hỗ trợ đối với toàn bộ diện tích đất ở, diện tích nhà ở và công trình phụ phục vụ sinh hoạt như đối với đất ở, nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt trong hành lang an toàn lưới điện quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 1 Nghị định này”.
“Điều 6a. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang an toàn lưới điện
1. Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời khỏi hành lang an toàn lưới điện điện áp đến 220 kV như quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một lần như sau:
a) Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang an toàn lưới điện, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang an toàn lưới điện;
b) Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không lớn hơn 70% giá trị phần nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt tính trên diện tích nằm trong hành lang an toàn lưới điện, theo đơn giá xây dựng mới của nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
c) Trường hợp nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
2. Nhà ở, công trình được xây dựng trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
a) Nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 sửa đổi được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này (gọi là khoản 1 Điều 6 sửa đổi) thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó;
b) Trường hợp chỉ bị phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn tồn tại, sử dụng được và đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 sửa đổi thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm chi trả, bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ;
c) Trường hợp không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 sửa đổi, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.”
“Điều 6b. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang an toàn lưới điện
Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một lần như sau:
1. Đất ở được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là loại đất ở được quy định tại các văn bản pháp luật về đất đai.
2. Diện tích đất ở được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất ở thực tế trong hành lang an toàn lưới điện. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi đất ở, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang.
3. Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang an toàn lưới điện chiến dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường, hỗ trợ. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang.
4. Trường hợp đất ở không đủ điều kiện như quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
5. Mức bồi thường, hỗ trợ quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Kinh phí chi trả từ nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư công trình lưới điện cao cáp.”
“Điều 6c. Chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở
Khi chủ sử dụng đất phải di chuyển nhà ở ra ngoài hành lang an toàn lưới điện và có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác bên ngoài hành lang thành đất ở mà phù hợp với quy hoạch thì cơ quan quản lý đất đai tại địa phương làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Chủ sử dụng đất phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.”
“Điều 6d. Hỗ trợ chi phí di chuyển
Ngoài việc được bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình được quy định tại khoản 5 Điều 1 và đất được quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định này, nếu chủ sở hữu nhà ở tự tìm được đất ở mới và có nguyện vọng di chuyển khỏi hành lang an toàn lưới điện, thì tự thực hiện việc di chuyển và được hỗ trợ chi phí di chuyển theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.”
“Điều 6đ. Bồi thường đối với cây trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện
1. Cây có trước khi thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp và trong hành lang an toàn lưới điện, nếu phải chặt bỏ và cấm trồng mới theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP thì được bồi thường theo quy định hiện hành.
2. Cây có trước khi thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp và trong hành lang thuộc loại không phải chặt bỏ và cấm trồng như quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP hoặc cây ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP thì đơn vị quản lý vận hành có quyền kiểm tra, chặt, tỉa cây để đảm bảo an toàn cho đường dây dẫn điện trên không và thực hiện bồi thường theo quy định.
3. Mức bồi thường đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện một lần đối với một cây và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, phù hợp với thực tế của địa phương.”
Điều 2. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2009.
2. Các dự án đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp đã được thi công trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.
3. Đối với các dự án, công trình đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện điều chỉnh giá trị bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
File gốc của Nghị định 81/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 106/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đang được cập nhật.
Nghị định 81/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 106/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Số hiệu | 81/2009/NĐ-CP |
Loại văn bản | Nghị định |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành | 2009-10-12 |
Ngày hiệu lực | 2009-12-01 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Hết hiệu lực |