BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1541/TCCB | Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1993 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 1541/TCCB NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 1993
Kính gửi | Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương |
Ngày 6/9/1993 Liên bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ đã ban hành Thông tư số 1450/LB-TT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông tư đã quy định tên gọi thống nhất của cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và môi trường ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh) là Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Thực hiện Điều 27 Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992 quy định Bộ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm sau đây:
I. VỀ NHIỆM VỤ:
Các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần bám sát những nhiệm vụ ghi trong Thông tư Liên bộ 1450/LB-TT. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc triển khai, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn bổ sung như sau:
1. Về nghiên cứu khoa học:
1.1. Xây dựng, tổng hợp trình UBND tỉnh, kiểm tra và tổ chức đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
1.2. Hướng dẫn cho các cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học của đơn vị.
1.3. Xây dựng trình UBND tỉnh các dự án sản xuất thử - thử nghiệm cần hoàn thiện hoặc thích nghi với thực tế, chuẩn bị cho bước ứng dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống của tỉnh.
2. Về phát triển công nghệ:
2.1. Xây dựng, tổng hợp trình UBND tỉnh kế hoạch phát triển công nghệ của tỉnh. Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch đó sau khi được duyệt.
2.2. Theo hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tổ chức đánh giá trình độ công nghệ của các cơ sở kinh tế thuộc địa phương.
2.3. Tổ chức việc giám định công nghệ đối với các dự án đầu tư của địa phương theo quy định phân cấp của Pháp lệnh chuyển giao công nghệ, Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về vấn đề này.
Tham gia đánh giá, xét duyệt quy hoạch: phát triển của địa phương, luận chứng kinh tế - kỹ thuật của những công trình quan trọng của địa phương.
2.4. Quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ (vào địa phương cũng như từ địa phương đi) của các cơ sở của địa phương theo các quy định hiện hành.
3. Về Bảo vệ Môi trường:
3.1. Trên cơ sở kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển lâu bền, xây dựng trình UBND tỉnh kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện sau khi được duyệt.
3.2. Theo phân cấp của Chính phủ và của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tổ chức thẩm định về mặt bảo vệ môi trường, đánh giá tác động đến môi trường của các dự án đầu tư, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3.3. Theo dõi diễn biến, tình trạng môi trường , kiểm soát ô nhiễm môi trường, kiểm soát chất thải tại địa phương nhằm kiến nghị các biện pháp cần thiết đảm bảo môi trường trong lành.
3.4. Hướng dẫn các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường; tổ chức và hướng dẫn các hoạt động quần chúng về bảo vệ môi trường, phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường tại địa phương.
4. Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng:
4.1. Xây dựng, trình UBND tỉnh phương hướng, chủ trương, kế hoạch hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hoá.
4.2. Phổ biến áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, hướng dẫn các cơ sở xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, ban hành các tiêu chuẩn vùng.
4.3. Giữ chuẩn đo lường cao nhất của địa phương; công nhận tính hợp pháp của các chuẩn đo lường trong các cơ sở của địa phương; tiến hành kiểm định nhà nước các thiết bị, dụng cụ đo lường theo phân cấp.
4.4. Quản lý công tác đăng ký chất lượng sản phẩm và hàng hoá của các cơ sở, đặc biệt là những sản phẩm và hàng hoá thuộc danh mục bắt buộc đăng ký chất lượng.
4.5. Hướng dẫn về tổ chức và nghiệp vụ cho các tổ chức và cán bộ Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng trong các cơ sở của tỉnh.
5. Về Sở hữu công nghiệp:
5.1. Theo dõi tình hình thi hành các văn bản pháp quy về sở hữu công nghiệp; phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp trong tỉnh.
5.2. Hướng dẫn nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho các cơ sở trong tỉnh.
5.3. Tuyên truyền các chính sách về sáng kiến và sở hữu công nghiệp; phối hợp với các tổ chức quần chúng đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sở hữu công nghiệp trong tỉnh.
5.4. Tư vấn về sở hữu công nghiệp cho các sơ sở trong tỉnh.
6. Về quản lý các nguồn lực khoa học, công nghệ và môi trường:
6.1. Kiến nghị các chính sách, biện pháp sử dụng hợp lý, các quy hoạch đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ của tỉnh; tổ chức huy động lực lượng cán bộ khoa học - công nghệ của tỉnh, cũng như của Trung ương và các tỉnh khác vào hoạt động của hội đồng khoa học, các tổ chuyên đề, vào việc xây dựng các luận cứ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và môi trường của tỉnh.
6.2. Xây dựng trình UBND tỉnh quy hoạch hệ thống cơ quan nghiên cứu - triển khai của tỉnh.
6.3. Tổ chức và hướng dẫn các ngành, các cơ sở tiến hành công tác thông tin khoa học, công nghệ và môi trường; trực tiếp thực hiện một số hoạt động thông tin khoa học, công nghệ và môi trường phục vụ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - công nghệ.
6.4. Xây dựng, trình UBND tỉnh dự toán ngân sách dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường; các biện pháp thu hút tài trợ của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và cá nhân cho hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường.
6.5. Xây dựng, trình UBND tỉnh kế hoạch hợp tác về khoa học, công nghệ, môi trường với các tổ chức ở Trung ương, của các tỉnh khác và với nước ngoài.
II. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ:
Khi tiến hành thiết kế phương án tổ chức bộ máy của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ngoài khối lượng công việc thực tế của Sở, cần lưu ý đến các yếu tố vị trí địa lý, tiềm lực khoa học - công nghệ - môi trường, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, dân số, dân trí .v.v.. và đảm bảo nguyên tắc gọn nhẹ, hiệu quả, đổi mới.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giới thiệu mô hình bộ máy của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường để các tỉnh tham khảo, vận dụng cho sát thực tiễn địa phương. Việc xem xét sắp xếp các đơn vị hiện có và sự cần thiết thành lập các đơn vị mới thuộc Sở cần căn cứ vào yêu cầu công việc thực sự ở địa phương, cũng như thực tế hoạt động vừa qua của Sở.
1. Mô hình cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng
- Phòng tổng hợp (gồm tổng hợp chung, tổ chức, hành chính, tài chính, kế toán, cấp đăng ký hoạt động khoa học - công nghệ );
- Phòng Quản lý khoa học - công nghệ;
- Phòng Quản lý Môi trường;
- Phòng Sở hữu Công nghiệp;
- Phòng Thông tin - Tư liệu;
- Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng;
2. Mô hình cho các tỉnh đồng bằng, trung du
- Phòng Tổng hợp (gồm tổng hợp chung, tổ chức, hành chính, tài chính, kế toán, cấp đăng ký hoạt động khoa học - công nghệ);
- Phòng Quản lý khoa học - công nghệ;
- Phòng Thông tin tư liệu - Sở hữu công nghiệp;
- Phòng Quản lý Môi trường;
- Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng.
3. Mô hình cho các tỉnh miền núi
- Phòng Tổng hợp (tổng hợp chung, tổ chức, hành chính, tài chính, kế toán, cấp đăng ký hoạt động khoa học - công nghệ);
- Phòng Quản lý khoa học, công nghệ, môi trường;
- Phòng Thông tin - Tư liệu - Sở hữu công nghiệp;
- Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng.
Trường hợp những sở có các doanh nghiệp Nhà nước thì các doanh nghiệp nhà nước được quản lý theo Nghị định 388/HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, biên chế tối thiểu của Sở Khoa học, Công nghệ và môi trường nên bố trí không dưới 35 người.
Ở cấp huyện nên bố trí 2 đến 3 người chuyên theo dõi về hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường đặt tại phòng kế hoạch của huyện.
Căn cứ vào Thông tư Liên bộ số 1450/LB-TT và công văn này, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh cần nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức bộ máy của Sở trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và gửi báo cáo về Liên Bộ.
| Lê Quý An (Đã ký) |
File gốc của Công văn về tổ chức, bộ máy và chức năng nhiệm vụ của các Sở Khoa học công nghệ và môi trường đang được cập nhật.
Công văn về tổ chức, bộ máy và chức năng nhiệm vụ của các Sở Khoa học công nghệ và môi trường
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
Số hiệu | 1541/TCCB |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Lê Quý An |
Ngày ban hành | 1993-09-17 |
Ngày hiệu lực | 1993-09-17 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |