BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 10105/BGDĐT-ĐH&SĐH | Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2007 |
Kính gửi: | - Các Đại học, Học viện |
Căn cứ Chỉ thị số 53/2007/CT-BGD ĐT ngày 07 tháng 09 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2007 – 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Đại học, Học viện, các trường Đại học (ĐH) và trường Cao đẳng (CĐ) thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
I. CÁC ĐỊNH HƯỚNG LỚN ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT
Việt Nam đang triển khai các chương trình và kế hoạch cụ thể để đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm đáp ứng những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ. Đó là các chương trình, đề án sau:
1. Phát triển các chương trình đào tạo tại các trường đại học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, hình thành các trường đại học có trình độ quốc tế.
2. Thực hiện chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 và chương trình bồi dưỡng lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng đến năm 2010.
3. Hoàn chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc.
4. Chương trình 10 năm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo và sử dụng tiếng Anh ở Việt
5. Gắn kết đào tạo với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực, thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu xã hội.
6. Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá.
7. Đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
8. Khắc phục những bất cập trong đào tạo cho đồng bào vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
9. Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục ĐH, tăng cường thực hiện phương thức tín dụng cho sinh viên.
II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2007 - 2008
1. Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”; các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc tập trung triển khai cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Phân công các đồng chí lãnh đạo Bộ phụ trách các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn 6 vùng (Tây Nam Bộ + Thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Trung Bộ + Hà Nội; Tây Bắc; Đông Bắc; Nam Trung Bộ + Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), trực tiếp chỉ đạo các trường tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
- Trong tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tháng 10/2007 mỗi đồng chí lãnh đạo Bộ phụ trách các trường ĐH, CĐ của từng vùng làm việc trực tiếp với 2 – 3 trường ĐH, CĐ để kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới 2007 – 2008 và triển khai cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
- Cuối tháng 10/2007 tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ nhất khối các trường ĐH, CĐ để kiểm Điểm tình hình triển khai cuộc vận động. Hàng quý, sẽ tổ chức giao ban với các trường ĐH, CĐ của từng vùng để kiểm Điểm, đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện cuộc vận động.
- Tháng 11/2007 tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo không chính quy.
- Tháng 01/2008 tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ hai khối các trường ĐH, CĐ để kiểm Điểm, đánh giá và rút kinh nghiệm 6 tháng thực hiện cuộc vận động.
- Tháng 08/2008 tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học, tổng kết năm học 2007 – 2008, phương hướng nhiệm vụ năm học 2008 – 2009; đồng thời kiểm Điểm, đánh giá và rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Về phía các trường đại học, cao đẳng:
- Ban chấp hành Đảng bộ các trường ra Nghị quyết về việc triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Ban giám hiệu các trường kiện toàn và củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động; xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ sát với thực tiễn, phù hợp với Điều kiện cụ thể của từng trường.
- Năm học 2007 - 2008 là năm học đầu tiên của giai đoạn 3 năm đột phá vào việc “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Các trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học trong tất cả các cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên về nội dung của cuộc vận động. Đặc biệt cần làm rõ ngành học nào, khoa nào, hệ đào tạo nào, bậc đào tạo nào đang tồn tại tình trạng đào tạo không đạt chuẩn đào tạo, người ra trường không đáp ứng các yêu cầu cơ bản của nghề nghiệp ở bậc tương ứng, có hay không tình trạng buông trôi chất lượng đầu ra, nhưng duy trì số sinh viên cao để đảm bảo thu nhập. Từ đó đề xuất một hệ thống các giải pháp để sớm chấm dứt tuyển sinh quá mức khả năng đảm bảo chất lượng tốt nghiệp và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo trong 3 năm tới và sau đó.
- Các trường tổ chức đăng ký, cam kết thi đua giữa các tổ bộ môn, các khoa, phòng, ban, các tổ chức đoàn thể, các lớp sinh viên trong trường thực hiện nội dung của cuộc vận động, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi giảng viên là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo; làm rõ nhiệm vụ của nhà giáo và các hành vi nhà giáo không được làm theo quy định tại Điều 72 và Điều 75 của Luật Giáo dục 2005.
- Các trường xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng theo các nhiệm vụ, Mục tiêu đã đặt ra, xem xét đến cả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rèn luyện tư cách, phẩm chất nhà giáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chấp hành pháp luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo, thường xuyên tự học, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
Hàng tháng các trường phải có báo cáo về tình hình triển khai cuộc vận động gửi Ban chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh và đổi mới chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá
a. Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới tuyển sinh
- Năm 2008 tiếp tục thực hiện Đề án cải tiến tuyển sinh theo giải pháp 3 chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 01/2002. Tổ chức rút kinh nghiệm việc ra đề thi trắc nghiệm, việc hướng dẫn thi trắc nghiệm để triển khai tiếp thi trắc nghiệm môn Toán. Chuẩn bị kỹ về nội dung, phương pháp giảng dạy và hướng dẫn kiểm tra, đánh giá để tiến tới thi trắc nghiệm môn Lịch sử và Địa lý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009.
- Tháng 05/2008 Bộ GD&ĐT ban hành khung chính sách về xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khi tổ chức một kỳ thi và các trường sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các trường đại học và cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển vào từng trường và thông báo công khai, rộng rãi để học sinh, nhân dân biết vào tháng 12/2008.
- Tháng 12/2007 các trường căn cứ vào các tiêu chí do Bộ GD&ĐT công bố để xác định chỉ tiêu tuyển mới năm 2008 và báo cáo cơ quan chủ quản vào tháng 01/2008.
- Tháng 12/2007 Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh hệ Vừa làm vừa học theo hướng đổi mới để nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào. Ngay trong năm học này, các trường tổ chức thi tuyển sinh Vừa làm vừa học vào 2 đợt và áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm.
- Đối với tuyển sinh đào tạo tiến sĩ sẽ thực hiện việc xét tuyển trên cơ sở đánh giá năng lực nghiên cứu, năng lực giải quyết đề tài của mỗi thí sinh và khả năng ngoại ngữ (được minh chứng bằng các chứng chỉ theo thông lệ quốc tế).
b. Triển khai đổi mới tổ chức đào tạo
Về chương trình khung và chương trình đào tạo:
- Tháng 12/2007 Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành việc biên tập, thẩm định và ban hành 132 chương trình khung đã được các Hội đồng tư vấn Khối ngành xây dựng từ các năm trước.
- Trong năm học 2007 – 2008 các Hội đồng tư vấn khối ngành hoàn thành xây dựng mới 100 chương trình khung để ban hành vào năm học 2008 - 2009.
- Các trường căn cứ chương trình khung đã ban hành và tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước để xây dựng lại các chương trình đào tạo đã được xây dựng từ trước năm 2000; bổ sung, cập nhật những môn học mới, cần thiết vào chương trình đào tạo đã được xây dựng từ năm 2000 đến nay.
Về giáo trình, tài liệu giảng dạy:
- Tiếp tục xây dựng thư viện giáo trình điện tử để chia sẻ tài nguyên dùng chung, đảm bảo cuối năm 2008 sẽ có ít nhất 1000 giáo trình trên thư viện điện tử.
- Các trường cần có kế hoạch đầu tư kinh phí cho việc xây dựng hệ thống giáo trình (biên soạn, biên dịch, mua bản quyền hoặc sử dụng giáo trình điện tử,…) để đảm bảo 100% các môn học chính có giáo trình.
Về đào tạo theo hệ thống tín chỉ:
- Tháng 11/2007 Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ và hướng dẫn các trường chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
- Các trường cần xây dựng kế hoạch, lộ trình và tuyên bố thời Điểm chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ, phương pháp quản lý, tài liệu học tập và thí nghiệm vào cuối năm 2007. Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra việc đảm bảo các Điều kiện tiên quyết để triển khai đào tạo theo tín chỉ ở các trường. Trong năm học tới có ít nhất 50 trường chuyển sang tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Về thực hiện thí Điểm đào tạo chương trình tiên tiến (CTTT):
- Năm học 2007 - 2008, chín trường đã được giao nhiệm vụ đào tạo thí Điểm 10 chương trình tiên tiến cần tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt việc đào tạo khóa thứ nhất và tuyển sinh khóa hai. Đảm bảo Mục tiêu của việc thực hiện CTTT.
- Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định và lựa chọn tiếp 10 CTTT mới để giao nhiệm vụ cho các trường triển khai tuyển sinh và đào tạo trong năm học 2008 – 2009.
Về tổ chức và quản lý đào tạo hệ không chính quy:
- Đầu năm học mới, các trường cần tập trung rà soát lại công tác tổ chức và quản lý đào tạo hệ không chính quy nói chung, đặc biệt là các lớp liên kết, hợp đồng đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa; tổ chức đào tạo ĐH, CĐ hệ vừa làm vừa học theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BGDĐT ngày 28/06/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tháng 10/2007 các trường tổ chức tổng kết, đánh giá công tác đào tạo không chính quy và báo cáo với Bộ GD&ĐT về quy mô, chất lượng, hiệu quả, mặt được, hạn chế yếu kém, để tìm ra khâu yếu làm giảm chất lượng đào tạo và các giải pháp để khắc phục, nâng cao chất lượng.
Nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ:
- Tháng 12/2007 Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ và quy chế đào tạo tiến sĩ.
- Các cơ sở đào tạo sau đại học tổ chức nghiên cứu quy chế và vận dụng vào Điều kiện cụ thể của từng cơ sở để triển khai công tác tuyển sinh và đào tạo từ năm học này.
- Chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện để triển khai tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo hệ thống tín chỉ.
- NCS phải công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. Gắn các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với đề tài luận án của NCS.
3. Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Hoàn thành việc xây dựng và thực hiện quy hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường ĐH, CĐ; xây dựng và thực hiện chế độ làm việc đối với giảng viên ĐH, CĐ; xây dựng và thực hiện quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giảng viên ĐH, CĐ.
- Tháng 11/2007 trình Chính phủ phê duyệt Đề án huy động các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
- Năm học 2007 - 2008 sẽ tuyển chọn để gửi đào tạo 1.500 tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ, trong đó đào tạo ở nước ngoài là 500 và đào tạo ở trong nước là 1000.
- Năm 2007 tổ chức 2 khoá đầu tiên bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý trường đại học cho 70 lãnh đạo các trường ĐH, CĐ và cán bộ quản lý. Trong năm học 2007 - 2008 tổ chức 12 khoá cho 450 lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ quản lý.
Về phía các trường:
- Mỗi trường ĐH, CĐ cần xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ từng năm và lộ trình đến năm 2010 - 2015 – 2020 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40 CT/TW ngày 15/06/2004 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Năm 2008, cùng với việc tăng quy mô đào tạo các trường phải có chính sách thu hút để tuyển đủ giảng viên, đảm bảo tiêu chí về số sinh viên/giảng viên quy đổi theo quy định.
- Có giải pháp cụ thể và đồng bộ cho việc thực hiện kế hoạch hàng năm để việc cử giảng viên đi đào tạo không làm ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch chung trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và đảm bảo quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của giảng viên.
4. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học
- Tháng 11/2007 Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm định chất lượng và thành lập các tổ chức kiểm định giáo dục đại học độc lập, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
- Tháng 12/2007 hoàn thành công tác kiểm định thí Điểm 30 trường ĐH giai đoạn I đã triển khai từ năm 2005, 2006 và tiếp tục triển khai công tác kiểm định chất lượng 20 trường ĐH trong năm học 2007 - 2008.
- Trong năm học 2007 – 2008 các trường ĐH, CĐ kiện toàn bộ máy và thành lập các tổ chức khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Mỗi trường ĐH, CĐ lập kế hoạch triển khai tự đánh giá. Tiến tới xây dựng cơ chế tự đảm bảo chất lượng và tiến hành tự đánh giá theo định kỳ.
5. Công tác quy hoạch, tài chính và xây dựng cơ sở vật chất
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tháng 10/2007 tổ chức Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học.Tháng 12/2007 trình Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học, Đề án học phí, học bổng và tín dụng sinh viên; xây dựng quy định phân cấp về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.
- Xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ phù hợp, mềm dẻo để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, chất lượng cao với chi phí thấp. Xây dựng các trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.
- Quý 4 năm 2007, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của các doanh nghiệp.
- Triển khai Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006-2020, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với UBND các Tỉnh để tổ chức hội nghị về quy hoạch tại các vùng, thông báo quy hoạch và các tiêu chí thành lập trường, bàn các giải pháp để xây dựng các trường mạnh cho từng Vùng. Quý IV/2007, Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về việc dành quỹ đất cho việc xây dựng các trường đại học, cao đẳng. Tháng 10/2007 tổ chức Hội thảo về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ.
Về phía các trường:
- Trong năm học này, các trường cần tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Khuyến khích các trường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành nghề nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo.
- Trong kế hoạch phát triển trường hàng năm, các trường cần xây dựng kế hoạch chi tiết về nguồn lực tài chính, đa dạng hoá nguồn tài chính, khai thác triệt để các nguồn lực từ hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, từ các dịch vụ và tư vấn, từ hợp tác quốc tế và đầu tư nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị.
- Các trường có lộ trình và tuyên bố lộ trình đảm bảo đủ phòng học và tự học cho sinh viên (xóa bỏ tình trạng đi thuê lớp học và hạn chế dần việc học vào buổi tối), đủ chỗ ngồi làm việc cho giảng viên và cán bộ nghiên cứu. Phấn đấu để năm học 2007 - 2008 có chỗ ngồi làm việc tại trường cho các giáo sư và phó giáo sư.
6. Công tác nghiên cứu khoa học
- Năm học 2007 - 2008 ban hành và áp dụng các tiêu chí giao kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ căn cứ vào số lượng các giảng viên, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư và số lượng nghiên cứu sinh của các đơn vị cho các cơ sở đào tạo, nhằm tăng cường phân cấp quản lý cho các trường, Bộ chỉ giữ chức năng định hướng, tổ chức chỉ đạo và kiểm tra, giám sát.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích tất cả các nhà giáo, các nhà khoa học đầu ngành tham gia chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH), hướng dẫn sinh viên NCKH. Ban hành Quy định về nhiệm vụ NCKH của giảng viên các trường ĐH, CĐ.
- Bộ GD&ĐT cùng với các trường xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN của các trường ĐH, CĐ; triển khai chợ công nghệ trên mạng làm nơi giao dịch đặt hàng nghiên cứu và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng cuốn sách về phương pháp nghiên cứu khoa học để xuất bản vào cuối năm 2007.
- Các trường cần có quy định cụ thể về nhiệm vụ NCKH của giảng viên, phát huy thế mạnh của từng trường, từng khoa, bộ môn, từng nhóm giảng viên trong việc thực hiện các đề tài NCKH. Phấn đấu để có nguồn thu cho trường từ công tác NCKH.
7. Công tác hợp tác quốc tế
- Xây dựng quy định mới nhằm tăng tính chủ động cho các cơ sở trong hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo.Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và sớm các Điều kiện cần thiết để tổ chức thành công kỳ thi Vật lý quốc tế tại Hà Nội vào tháng 07/2008.
- Năm học 2007 - 2008 từng trường cần xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế lâu dài, xác định các đối tác chiến lược có trình độ khoa học và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, có tiềm lực về tài chính để hỗ trợ phát triển nhà trường. Mỗi trường cần chủ động về kinh phí, tìm nguồn tài trợ, tạo Điều kiện để giảng viên, cán bộ quản lý tham gia trao đổi về nội dung, chương trình, giáo trình và kinh nghiệm quản lý với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2007 - 2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, thủ trưởng các cơ sở đào tạo sau đại học chịu trách nhiệm cụ thể hoá các nhiệm vụ trên đây, xây dựng kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện. Trước ngày 30/09/2007 các trường gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch triển khai cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện các nhiệm vụ đề ra; kịp thời tiếp nhận các báo cáo, phản ánh tình hình và đề xuất các biện pháp chỉ đạo để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn số 10105/BGDĐT-ĐH&SĐH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2007 – 2008 về giáo dục đại học do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành. đang được cập nhật.
Công văn số 10105/BGDĐT-ĐH&SĐH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2007 – 2008 về giáo dục đại học do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Số hiệu | 10105/BGDĐT-ĐH&SĐH |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Bành Tiến Long |
Ngày ban hành | 2007-09-21 |
Ngày hiệu lực | 2007-09-21 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |