Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Điều 6. Quy trình xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng
1. Cơ sở đào tạo gửi 03 bộ hồ sơ đến sở giáo dục và đào tạo, nơi trường đặt trụ sở đề nghị kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thư viện của cơ sở đào tạo. Đồng thời, gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VIII) hoặc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định chương trình đào tạo.
2. Kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo của ngành đăng ký đào tạo
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: 01 đại diện Ban giám đốc sở (Trưởng đoàn), 01 đại diện lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ và 1 chuyên viên (làm nhiệm vụ thư ký).
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối chiếu các nội dung kê khai trong hồ sơ với các điều kiện thực tế như: bảng lương của trường, sổ bảo hiểm của giảng viên, văn bằng, chứng chỉ của giảng viên, trang thiết bị, thư viện và lập biên bản kiểm tra (Phụ lục VI).
b) Căn cứ vào biên bản kiểm tra, giám đốc sở giáo dục và đào tạo xác nhận thực trạng vào các bảng biểu báo cáo về năng lực của cơ sở đào tạo (Phụ lục III) trong hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.
3. Cơ sơ đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo
a) Cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đã thành lập được trên 5 năm và có ít nhất 1 khóa sinh viên chính quy đã tốt nghiệp.
- Có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học đúng ngành với ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học.
b) Cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo trình độ cao đẳng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đã thành lập được trên 5 năm và có ít nhất 1 khóa sinh viên chính quy đã tốt nghiệp.
- Có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 2 giảng viên có bằng tiến sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh khoa học là giáo sư hoặc phó giáo sư đúng ngành với ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng.
4. Các cơ sở đào tạo không được phép tự thẩm định chương trình đào tạo khi:
a) Không bảo đảm đủ các điều kiện ở khoản 2 Điều này.
b) Khi đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng những ngành chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV.
c) Đã có vi phạm trong quá trình tự thẩm định chương trình đào tạo.
Các cơ sở này gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín để thẩm định chương trình đào tạo.
5. Cơ sở đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng cho cơ sở đào tạo khác khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Cơ sở đào tạo được chỉ định thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học:
- Có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học đúng ngành với ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học.
- Đang triển khai đào tạo trình độ đại học ngành cần thẩm định và có ít nhất 5 khóa sinh viên hệ chính quy của ngành cần thẩm định đã tốt nghiệp. Trong trường hợp ngành chưa có trong danh mục giáo dục đào tạo cấp IV thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín đã đào tạo các ngành trong cùng khối ngành để thẩm định chương trình đào tạo.
b) Cơ sở đào tạo được chỉ định thẩm định chương trình đào tạo trình độ cao đẳng:
- Có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 2 giảng viên có bằng tiến sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh khoa học là giáo sư hoặc phó giáo sư đúng ngành với ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng.
- Đang triển khai đào tạo trình độ cao đẳng ngành cần thẩm định và có ít nhất 5 khóa sinh viên của ngành cần thẩm định đã tốt nghiệp. Trong trường hợp ngành chưa có trong danh mục giáo dục đào tạo cấp IV thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín đã đào tạo các ngành trong cùng khối ngành để thẩm định chương trình đào tạo.
6. Quy trình thẩm định chương trình đào tạo
Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự tổ chức thẩm định chương trình đào tạo hoặc chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín để thẩm định chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo tiến hành thực hiện các công việc sau:
a) Nếu cơ sở đào tạo được phép tự tổ chức thẩm định chương trình đào tạo, thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng thẩm định để thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở mình.
b) Nếu các cơ sở đào tạo không được phép tự tổ chức thẩm định, sau khi nhận được ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở đào tạo gửi 5 bộ chương trình đào tạo đến cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định để thẩm định chương trình đào tạo. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ gửi công văn chỉ định cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo khác và nhận được chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đề nghị thẩm định, thủ trưởng cơ sở đào tạo được chỉ định làm nhiệm vụ thẩm định ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng thẩm định để thẩm định chương trình đào tạo.
c) Hội đồng thẩm định
- Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học gồm 5 thành viên, có chức danh khoa học là giáo sư hoặc phó giáo sư, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ thuộc ngành đăng ký mở ngành đào tạo. Hội đồng thẩm định gồm chủ tịch, hai phản biện, thư ký và ủy viên.
- Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo trình độ cao đẳng gồm 5 thành viên, các thành viên phải có bằng thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 2 thành viên có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học là giáo sư hoặc phó giáo sư đúng ngành với ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Hội đồng thẩm định gồm chủ tịch, hai phản biện, thư ký và ủy viên, trong đó chủ tịch Hội đồng là người có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học là giáo sư hoặc phó giáo sư.
d) Nội dung và cách thức tiến hành phiên họp của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo được quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.
Sau khi nghe đại diện của cơ sở đào tạo có ngành cần thẩm định trình bày báo cáo, các thành viên hội đồng đặt câu hỏi, cơ sở đào tạo giải trình, các thành viên hội đồng thảo luận và bỏ phiếu kín. Hội đồng thẩm định lập biên bản thẩm định.
Thủ trưởng cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ thẩm định xác nhận vào biên bản của Hội đồng thẩm định (Phụ lục VII) và vào chương trình đào tạo (Phụ lục IV) trong hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng của cơ sở đào tạo.
7. Kinh phí để sở giáo dục và đào tạo thực hiện kiểm tra và kinh phí tổ chức thẩm định của Hội đồng thẩm định do cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo chi trả theo quy định hiện hành.
8. Sau khi thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều này, cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng gửi Hồ sơ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
a) Việc xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng được thực hiện vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 hàng năm.
b) Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện và đạt yêu cầu theo quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày mùng 1 các tháng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng.
c) Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện theo quy định, nhưng vẫn còn một số nội dung cần phải hoàn thiện, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày mùng 1 các tháng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản cho cơ sở đào tạo kết quả thẩm định và những nội dung cần hoàn thiện. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đã hoàn thiện của cơ sở đào tạo, nếu cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng.
d) Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày mùng 1 các tháng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản kết quả thẩm định, tình trạng hồ sơ và đề nghị cơ sở đào tạo tiếp tục chuẩn bị các điều kiện.
9. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, thẩm định lại tại cơ sở đào tạo.