BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1835/BKH/KTĐN | Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2003 |
Kính gửi:
| - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, |
Căn cứ theo Điều 9 trong Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (sau đây được gọi tắt là Quy chế viện trợ PCPNN) ban hành kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 04/2001/TT-BKH ngày 05/6/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo số 1343 BKH/KTĐN ngày 12/3/2003 trình Thủ tướng Chính phủ tình hình thức hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg trong năm 2002 đối với các chương trình, dự án viện trợ PCPNN.
Sau khi Chỉ thị số 11/2002/CT-TTg ngày 17/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng viện trợ PCPNN được ban hành đã có một số tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg như được nêu trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2002 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rõ rệt nhất là việc cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định, tuy nhiên trong những tháng cuối năm 2002 lại có xu hướng sao nhãng. Do vậy, những tồn tại trong năm 2002 không những vẫn bị lặp lại mà còn có xu hưóng xấu đi, cụ thể:
- Nhìn chung, quy định về việc gửi báo cáo định kỳ theo Điều 20 của Quy chế viện trợ PCPNN chưa được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, tới ngày 12/3/2003 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được báo cáo của 28/61 tỉnh và thành phố (khoảng 46%), thấp hơn so với 6 tháng đầu 2002 là 64%. Tuy không phải tất cả các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đều có chương trình, dự án viện trợ PCPNN, song chỉ có 06 Bộ, ngành và 05 tổ chức tiếp nhận viện trợ gửi báo cáo, đây là con số quá thấp so với thực tế.
- Nội dung và chất lượng của phần nhiều báo cáo vẫn không đồng bộ, thiếu thông tin, chưa đảm bảo như yêu cầu tại các Phụ lục 2 và 3 của Thông tư số 04/2001/TT-BKH ngày 05/6/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg, cụ thể:
+ Một số địa phương vẫn đưa số liệu của nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vào trong báo caó về nguồn viện trợ PCPNN, đồng thời tổng hợp cả các dự án thuộc các cơ quan Trung ương là Cơ quan chủ quan, dẫn đến trùng lặp về số liệu.
+ Về tổng trị giá cam kết: một số địa phương không nêu rõ tổng trị giá của từng chương trình, dự án mà chỉ ghi ngân sách của năm 2002, do đó thiếu thông tin về cấp phê duyệt của các dự án cũng như đánh giá không đầy đủ về tổng trị giá cam kết chung. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo chưa thể hiện đầy đủ cấp phê duyệt các chương trình, dự án nên không có cơ sở để đánh giá mức độ chấp hành các quy định của Chính phủ.
+ Trong báo cáo, phần lớn chưa nêu được những vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, dự án và kiến nghị các biện pháp xử lý.
- Hầu hết các Cơ quan chủ quản đều không cung cấp đầy đủ hồ sơ đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình sau khi có quyết định phê duyệt (kèm theo văn kiện dự án có đóng dấu giáp lai). Sau khi có văn bản nhắc nhở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (số 6328BKH/KTĐN ngày 03/10/2002), số lượng chương trình, dự án không đủ hồ sơ vẫn chiếm tới hơn 58%, trong khi đó trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2002 tỷ lệ này chỉ khoảng 38%, cá biệt còn có cả cơ quan làm công tác quản lý viện trợ PCPNN.
- Đã có một số địa phương phê duyệt dự án vượt mức thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình, đặc biệt đối với các dự án khi vướng mắc trong việc nhập phương tiện đi lại như ô tô, xe máy các Cơ quan chủ quản mới tiến hành các thủ tục trình duyệt.
- Để tránh phải tiến hành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn một số trường hợp chia thành các dự án có trị giá thấp hơn mức thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
- Có sự chênh lệch lớn về số liệu: số lượng các chương trình, dự án đã được phê duyệt tổng hợp qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bằng khoảng 23% (165/709 dự án) so với số liệu báo cáo từ các Cơ quan chủ quản. Nguyên nhân chủ yếu là việc tổng hợp số liệu không đúng, trong một số báo cáo đã tính thành nhiều dự án với trị giá nhỏ có cùng nội dung, của cùng một nhà tài trợ, thực chất chỉ là một dự án được thực hiện trên một số địa bàn trong cùng một tỉnh (ví dụ như trong báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thành phố Đà Nẵng....). Số liệu về tổng trị giá giải ngân của các chương trình, dự án viện trợ PCPNN giữa các Cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý còn cách biệt, chỉ bằng 45% (38,55/85 triệu USD) so với báo cáo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (công văn số 046/CV-UB ngày 28/01/2003).
Các số liệu nêu trên cho thấy trách nhiệm của nhiều cơ quan Trung ương, tổ chức đoàn thể và địa phương trong công tác quản lý đối với nguồn viện trợ PCPNN này vẫn còn rất yếu. Xét về mặt tài chính thì hơn 55% trị giá viện trợ còn chưa quản lý được. Quan trọng hơn là các cơ quan quản lý viện trợ PCPNN không có thông tin và tài liệu liên quan tới nội dung của khoảng 77% các chương trình, dự án.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Điểm 1 trong công văn số 1298/VPCP-QHQT ngày 21/3/2003 của Văn phòng Chính phủ, để khắc phục những tồn tại nêu trên trong công tác quản lý viện trợ PCPNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan Trung ương của các đoàn thể nghiêm chỉnh chấp hành quy chế viện trợ PCPNN kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào những nội dung chủ yếu như sau:
1. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đúng như quy định tại Khoản 7 Điều 16 và Điều 20 trong Quy chế kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg nên trên.
2. Cung cấp đầy đủ hồ sơ đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Cơ quan chủ quản như quy định tại Khoản 5 Điều 16 trong Quy chế kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg và tại Chương II, Điểm 2.2, Mục k trong Thông tư số 04/2001/TT-BKH nêu trên.
3. Chấp hành nghiêm túc các quy định đối với việc tiếp nhận những hàng hoá đã qua sử dụng được nêu tại Khoản 2 Điều 18 trong Quy chế kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam theo dõi việc thực hiện ba điểm nêu trên trong năm 2003 và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể các trường hợp không chấp hành đúng quy định để có các biện pháp xử lý kiên quyết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Quý cơ quan.
| Võ Hồng Phúc (Đã ký) |
File gốc của Công văn 1835/BKH/KTĐN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp hành Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ đang được cập nhật.
Công văn 1835/BKH/KTĐN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp hành Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Số hiệu | 1835/BKH/KTĐN |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Võ Hồng Phúc |
Ngày ban hành | 2003-04-01 |
Ngày hiệu lực | 2003-04-01 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |