Thông tư 04/2007/TT-BTM hướng dẫn Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư về xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ thương mại ban hành
II. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Xuất khẩu
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền trực tiếp xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
- Đối với hàng hoá thuộc diện xuất khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại, hàng hoá xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, thủ tục xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006.
2. Nhập khẩu
a) Hàng hóa nhập khẩu
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, phụ tùng, linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết và các hàng hoá khác để triển khai hoạt động đầu tư phù hợp với mục tiêu của dự án đầu tư quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
- Đối với hàng hoá thuộc diện nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại, hàng hoá nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, thủ tục nhập khẩu thực hiện theo qui định tại Nghị đinh số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006.
b) Điều kiện nhập khẩu
- Hàng hoá để tạo tài sản cố định và hàng hóa nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với mục tiêu hoạt động, quy mô của dự án đầu tư.
- Hàng hoá nhập khẩu làm mẫu phục vụ cho mục đích giảng dạy hoặc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các phòng trưng bày, gian hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy mô đào tạo hoặc quy mô của phòng trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
3. Một số hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khác
a) Tạm nhập, tái xuất
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tạm nhập các hàng hoá sau để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam:
+ Máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu để thực hiện hợp đồng gia công hoặc để phục vụ hoạt động sản xuất theo hình thức thuê, mượn.
+ Hàng hoá để trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, các phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc để nghiên cứu sản xuất, làm mẫu cho giảng dạy, đào tạo, huấn luyện.
+ Sản phẩm đã xuất khẩu để bảo hành, sửa chữa hoặc thay thế sau đó tái xuất khẩu.
- Đối với hàng tạm nhập khẩu thuộc diện có giấy phép của Bộ Thương mại, hoặc thuộc diện quản lý chuyên ngành, thủ tục nhập khẩu thực hiện theo qui định tại Nghị đinh số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006.
- Hàng tạm nhập khẩu nếu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 và phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật.
- Thời hạn tạm nhập, tái xuất được thực hiện theo thoả thuận của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với bên đối tác và phải đăng ký tại cơ quan hải quan.
b) Tạm xuất, tái nhập
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tạm xuất, tái nhập các hàng hoá sau để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam:
+ Máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, khuôn mẫu, nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ngoài, để thực hiện hợp đồng gia công, hoặc để bảo hành, sửa chữa, thay thế.
+ Hàng hóa để trưng bày tại hội chợ, triển lãm.
- Hàng tạm xuất khẩu thuộc diện có giấy phép của Bộ Thương mại, hoặc thuộc diện quản lý chuyên ngành, thủ tục xuất khẩu thực hiện theo qui định tại Nghị đinh số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006.
- Hàng tạm xuất khẩu nếu tiêu thụ tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật.
- Thời hạn tạm xuất, tái nhập thực hiện theo thoả thuận của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với đối tác nước ngoài và phải đăng ký thời hạn tại cơ quan hải quan.
c) Xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện xuất khẩu tại chỗ hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam theo các điều kiện sau:
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu tại chỗ phải ký hợp đồng xuất khẩu, trong đó quy định rõ việc giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định của người mua hàng là thương nhân nước ngoài.
+ Thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác có nhu cầu nhập khẩu tại chỗ phải ký hợp đồng nhập khẩu với chính thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua hàng của doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ, trong đó quy định rõ việc giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định của người bán hàng là thương nhân nước ngoài.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện nhập khẩu tại chỗ máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu cho sản xuất theo các điều kiện sau:
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu tại chỗ phải ký hợp đồng nhập khẩu với chính thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua hàng của thương nhân Việt Nam, trong đó quy định rõ việc nhận hàng tại Việt Nam theo chỉ định của người bán hàng là thương nhân nước ngoài.
+ Thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu tại chỗ phải ký hợp đồng xuất khẩu, trong đó quy định rõ việc giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định của người mua hàng là thương nhân nước ngoài.
d) Nhập khẩu hàng hoá để tiếp thị, khuyến mại
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cùng chủng loại với sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất để tiếp thị, giới thiệu sản phẩm phục vụ cho hoạt động đầu tư và để khuyến mại cho việc tiêu thụ sản phẩm thì đăng ký kế hoạch nhập khẩu tại Bộ Thương mại.
4. Thanh lý hàng nhập khẩu
a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thanh lý hàng hoá nhập khẩu bao gồm: máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, nguyên liệu, vật tư và các hàng hoá nhập khẩu khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo các hình thức: xuất khẩu, nhượng bán tại thị trường Việt Nam, cho, biếu, tặng, tiêu hủy.
b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện thanh lý bao gồm:
- Vật tư, thiết bị dôi dư sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản hình thành doanh nghiệp.
- Máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, nguyên vật liệu và các hàng hoá khác khi doanh nghiệp vẫn đang hoạt động.
- Tài sản của doanh nghiệp sau khi giải thể, chấm dứt hoạt động.
c) Điều kiện thanh lý hàng nhập khẩu:
Hàng nhập khẩu chỉ được thanh lý khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển:
+ Hết thời gian khấu hao.
+ Bị hư hỏng.
+ Để thu hẹp quy mô sản xuất hoặc thay đổi mục tiêu hoạt động.
+ Để thay thế máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển mới.
- Đối với nguyên vật liệu và các hàng hoá khác:
+ Dư thừa, tồn kho.
+ Không đảm bảo chất lượng.
+ Không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Gia công
a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận gia công, gia công lại sản phẩm phù hợp với mục tiêu quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể:
- Được nhận gia công cho thương nhân nước ngoài, nhận gia công và gia công lại cho thương nhân trong nước.
- Được thuê gia công trong nước, đặt gia công ở nước ngoài một hoặc nhiều công đoạn sản xuất mà máy móc, thiết bị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đáp ứng được về số lượng hoặc chất lượng.
b) Hàng hoá gia công phải không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được ký hợp đồng gia công sau khi được Bộ Thương mại cấp giấy phép.
c) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện hoạt động gia công sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản hình thành doanh nghiệp và bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
6. Mua, bán hàng hoá giữa doanh nghiệp chế xuất với thị trường nội địa
a) Việc mua bán hàng hoá giữa doanh nghiệp chế xuất với thị trường nội địa được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. Hàng hoá do doanh nghiệp chế xuất mua hoặc bán với thị trường nội địa phải không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006. Hàng hoá thuộc diện quản lý theo giấy phép hoặc quản lý chuyên ngành phải được Bộ Thương mại hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận bằng văn bản mới được mua hoặc bán vào thị trường nội địa.
b) Quan hệ mua, bán hàng hoá giữa doanh nghiệp chế xuất và thị trường nội địa là quan hệ xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan, không phải làm thủ tục phê duyệt kế hoạch nhập khẩu tại các Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế, Khu thương mại.
c) Việc nhượng bán phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.
d) Việc mua văn phòng phẩm, hàng hoá từ thị trường nội địa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất không phải làm thủ tục hải quan mà chỉ cần đăng ký với các Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế, Khu thương mại.
7. Tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam
a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp bán buôn, bán lẻ hoặc thông qua đại lý để tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp không bị giới hạn về địa bàn tiêu thụ và sự kiểm soát của Nhà nước về giá bán hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá thì phải áp dụng theo khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Trường hợp hàng hoá thuộc diện phân phối theo quy định riêng của Nhà nước thì thực hiện theo các quy định đó.
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong đó có quy định được làm đại lý bán sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho doanh nghiệp khác thì tiếp tục được làm đại lý tiêu thụ sản phẩm. Đối với các trường hợp khác, Bộ Thương mại xem xét từng trường hợp cụ thể.