TUYÊN NGÔN THẾ GIỚI
VỀ ĐA DẠNG VĂN HÓA, 2001
(Được thông qua tại phiên họp toàn thể, kỳ họp 31 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc ngày 2/11/2001).
Toàn thể hội nghị,
Cam kết thực hiện đầy đủ các quyền con người và quyền tự do cơ bản trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và các công cụ pháp lý quốc tế được thừa nhận khác như hai Công ước quốc tế năm 1966 liên quan tới các quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa;
Nhớ lại lời tựa của Hiến chương UNESCO khẳng định rằng “truyền bá văn hóa rộng rãi và giáo dục nhân văn vì công lý, tự do và hòa bình là những yếu tố không thể thay thế tạo nên phẩm giá con người và là nghĩa vụ thiêng liêng mà tất cả các quốc gia đều phải thực hiện trên tinh thần tương thân tương ái”;
Xét thêm Điều 1 của Hiến chương xác định một trong những nhiệm vụ của UNESCO là đề xuất “những thỏa thuận quốc tế có thể cần thiết trong việc thúc đẩy dòng chảy tự do của tư tưởng bằng hình ảnh và ngôn từ”;
Chiếu đến những điều khoản liên quan tới đa dạng văn hóa và thực thi quyền văn hóa trong những công cụ quốc tế do UNESCO ban hành;
Tái khẳng định rằng văn hóa cần được coi là một tập hợp các đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm của một xã hội hoặc một nhóm người, và rằng bên cạnh nghệ thuật và văn chương, nó còn bao hàm cả lối sống, cách sống trong cộng đồng, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng;
Chú ý rằng văn hóa là vấn đề trung tâm của mọi tranh cãi hiện tại về bản sắc, độ kết dính xã hội và sự phát triển của nền kinh tế tri thức;
Khẳng định rằng tôn trọng đa dạng văn hóa, bao dung, đối thoại và hợp tác trong bầu không khí tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau là những đảm bảo tốt nhất cho hòa bình và an ninh quốc tế;
Hướng tới tình đoàn kết lớn hơn trên cơ sở công nhận đa dạng văn hóa, ý thức được tính thống nhất của nhân loại, và sự phát triển của giao lưu văn hóa;
Xét thấy tiến trình toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin liên lạc mới, dù mang đến thách thức cho đa dạng văn hóa, nhưng cũng tạo ra điều kiện để nối lại đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh;
Ý thức về nhiệm vụ đặc biệt của UNESCO, trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, là đảm bảo gìn giữ và phát huy tính đa dạng có lợi (fruitful diversity) của văn hóa;
Tuyên bố những quy tắc dưới đây và cùng lúc ban hành Bản tuyên ngôn này:
BẢN SẮC, ĐA DẠNG VÀ ĐA NGUYÊN.
Điều 1. Đa dạng văn hóa: tài sản chung của nhân loại
Văn hóa tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau theo thời gian và không gian. Sự đa dạng này tồn tại ở những nét riêng và điểm chung trong bản sắc của các nhóm người, các xã hội hình thành nên cộng đồng nhân loại. Là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới, và sáng tạo, đa dạng văn hóa cũng cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên. Với ý nghĩa này, đa dạng văn hóa chính là tài sản chung của nhân loại và nó cần được công nhận, khẳng định vì quyền lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Điều 2. Từ đa dạng văn hóa tới đa nguyên văn hóa
Trong các xã hội ngày càng khác biệt hiện nay, đảm bảo sự tương tác hòa hợp giữa các nhóm người, tộc người với bản sắc văn hóa đa nguyên, đa dạng, luôn vận động biến đổi không ngừng, cùng với việc duy trì thiện chí sống chung là vô cùng cần thiết. Các chính sách hướng tới sự hòa nhập và tham gia của mọi công dân là những đảm bảo cho tính kết dính của xã hội, sức sống của xã hội dân sự và hòa bình. Với cách định nghĩa như vậy, đa nguyên văn hóa đưa ra một định nghĩa mang tính chính sách đối với thực tiễn đa dạng văn hóa. Vẫn trong khuôn khổ dân chủ, đa nguyên văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa và phát triển năng lực sáng tạo giúp duy trì đời sống cộng đồng.
Điều 3. Đa dạng văn hóa là một nhân tố phát triển
Đa dạng văn hóa mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho tất cả mọi người; nó là một trong những căn nguyên của phát triển, được hiểu không chỉ dưới góc độ tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà còn được hiểu như một phương tiện đạt được sự tồn tại mãn nguyện hơn về trí tuệ, tình cảm, đạo đức cũng như tinh thần.
ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ NHÂN QUYỀN
Điều 4. Quyền con người là những đảm bảo cho đa dạng văn hóa
Bảo vệ đa dạng văn hóa là một nhu cầu đạo đức không thể tách rời với sự tôn trọng phẩm giá con người. Nó bao hàm sự tận tâm thực hiện các quyền con người và quyền tự do cơ bản, cụ thể là quyền của con người trong các nhóm dân tộc thiểu số và các tộc người bản địa. Không ai được phép dùng đa dạng văn hóa để xâm phạm hay hạn chế nhân quyền do pháp luật quốc tế bảo đảm.
Điều 5. Các quyền văn hóa với tư cách là môi trường thúc đẩy đa dạng văn hóa
Các quyền văn hóa là một phần của nhân quyền, mang tính phổ quát, không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau. Việc thăng hoa đa dạng sáng tạo đòi hỏi thực thi triệt để các quyền văn hóa được định nghĩa trong Điều 27 của Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người và Điều 13 và 15 của Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Do đó, mọi người đều có quyền thể hiện bản thân, sáng tạo và ban bố công việc của mình bằng thứ ngôn ngữ họ lựa chọn, cụ thể là tiếng mẹ đẻ của họ; mọi người đều có quyền hưởng nền giáo dục - đào tạo có chất lượng mà hoàn toàn tôn trọng bản sắc văn hóa của họ; và đều có quyền tham gia vào đời sống văn hóa họ thích, cũng như thực hiện các thói quen văn hóa của riêng họ, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.
Điều 6. Hướng tới sự tiếp cận đa dạng văn hóa cho tất cả mọi người
Trong khi đảm bảo tự do cho dòng chảy tư tưởng bằng hình ảnh và ngôn từ thì cũng cần quan tâm để mọi nền văn hóa đều có thể thể hiện mình và làm cho người khác biết đến. Tự do biểu đạt, đa nguyên phương tiện, đa ngữ, tiếp cận bình đẳng đối với nghệ thuật, kiến thức khoa học và công nghệ, bao gồm cả dạng số, và khả năng cho phép các nền văn hóa tiếp cận với các phương tiện biểu đạt và truyền bá tư tưởng là những bảo đảm cho đa dạng văn hóa.
ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ SÁNG TẠO VĂN HÓA
Điều 7. Đa dạng văn hóa là nguồn cho sáng tạo
Sáng tạo nảy mầm từ truyền thống văn hóa, nhưng chỉ thăng hoa khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Vì lý do này mà di sản dù ở dạng nào cũng cần được bảo tồn, tăng cường và chuyển giao cho các thế hệ tương lai như là bản ghi kinh nghiệm và khát vọng của nhân loại, để đẩy mạnh tính sáng tạo ở mọi hình thức đa dạng của nó và để khơi dậy cảm hứng đối thoại đích thực giữa các nền văn hóa.
Điều 8. Hàng hóa và dịch vụ văn hóa: những sản phẩm đặc thù
Trong bối cảnh thay đổi kinh tế và công nghệ, mở ra những triển vọng to lớn cho việc sáng tạo và đổi mới, thì cần quan tâm đến tính đa dạng của việc cung cấp các tác phẩm sáng tạo, đến việc công nhận thích đáng quyền của tác giả và nghệ sĩ, đến tính đặc thù của hàng hóa và dịch vụ văn hóa với vai trò là véc-tơ của bản sắc, giá trị và ý nghĩa, và vì lẽ đó mà không thể bị đối xử như là với hàng hóa tiêu dùng thông thường khác.
Điều 9. Các chính sách văn hóa như chất xúc tác của sáng tạo
Cùng lúc với việc đảm bảo sự lưu truyền tự do các ý tưởng và tác phẩm thì các chính sách văn hóa phải tạo điều kiện có lợi cho việc sản xuất và truyền bá các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng qua các ngành công nghiệp văn hóa có đủ phương tiện để đòi quyền lợi của chúng ở quy mô địa phương lẫn toàn cầu. Vì thế mỗi quốc gia, cùng với việc cân nhắc hợp lý các nghĩa vụ quốc tế, cần phải xác định các chính sách văn hóa của mình và thực thi chúng thông qua những công cụ phù hợp, dù bằng hỗ trợ thực hiện hay sử dụng các quy định hợp lý.
ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ TÌNH ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ
Điều 10. Tăng cường năng lực sáng tạo và lưu truyền trên toàn thế giới
Trong bối cảnh mất cân bằng của dòng chảy và giao lưu sản phẩm, dịch vụ văn hóa ở quy mô toàn cầu, cần thiết phải tăng cường tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế để tạo điều kiện cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước trong thời kỳ quá độ, thiết lập các ngành công nghiệp văn hóa mà có thể đứng vững và cạnh tranh trong khuôn khổ quốc gia và quốc tế.
Điều 11. Xây dựng liên kết giữa nhà nước với tư nhân và xã hội dân sự
Chỉ riêng các nguồn lực từ thị trường thì không thể đảm bảo gìn giữ và thúc đẩy đa dạng văn hóa – chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Do đó cần tái khẳng định tính ưu việt của chính sách công, trong mối liên giao với thành phần tư nhân và xã hội dân sự.
Điều 12. Vai trò của UNESCO
UNESCO, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm:
1. Thúc đẩy việc đưa những quy tắc đề ra trong bản Tuyên ngôn này vào những chiến lược phát triển của các cơ quan liên chính phủ;
2. Đóng vai trò là nơi tra cứu cũng như là một diễn đàn nơi các Quốc gia, các tổ chức quốc tế của chính phủ và phi chính phủ, xã hội dân sự và thành phần tư nhân có thể tụ họp cùng nhau thảo luận các khái niệm, mục tiêu và chính sách có lợi cho đa dạng văn hóa;
3. Theo đuổi những hoạt động thiết lập quy chuẩn, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực trong các lĩnh vực liên quan tới bản Tuyên ngôn này trong phạm vi thẩm quyền;
4. Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động, mà những điểm mấu chốt của kế hoạch này được ghi kèm trong Tuyên ngôn này.
a. Cụ thể là, trong số những công cụ này có Thỏa ước Florence năm 1950 và Nghị định thư Nairobi năm 1976 của nó; Công ước quốc tế về bản quyền năm 1952; Tuyên bố về nguyên tắc hợp tác văn hóa quốc tế năm 1966; Công ước về biện pháp cấm và ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa (1970); Công ước bảo vệ Di sản văn hóa và di sản tự nhiên thế giới năm 1972; Tuyên bố của UNESCO về Chủng tộc và thành kiến chủng tộc năm 1978; Bản khuyến nghị về Địa vị của Nghệ sĩ năm 1980; Bản khuyến nghị về Bảo vệ văn hóa truyền thống và văn hóa đại chúng năm 1989.
b. Định nghĩa này phù hợp với những kết luận của Hội nghị toàn cầu về Chính sách văn hóa (tại MONDIACULT, thành phố Mê-hi-cô, năm 1982), của Ủy ban toàn cầu về văn hóa và phát triển (Sự đa dạng Sáng tạo của chúng ta, năm 1995), và của Hội nghị liên chính phủ về chính sách Văn hóa cho phát triển (Stockholm, 1998).
File gốc của Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa, 2001 đang được cập nhật.
Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa, 2001
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Đã xác định |
Số hiệu | Khongso |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2001-11-02 |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |