CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/1999/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1999 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ngày 20 tháng 8 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
NGHỊ ĐỊNH:
1. Nghị định này quy định về trình tự và thủ tục liên quan đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam.
2. Các quy định của Nghị định này được áp dụng đối với:
a) Điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Nhà nước;
b) Điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Chính phủ;
c) Điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
d) Điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Bộ, ngành.
Điều 2. Đề xuất chủ trương đàm phán và ký điều ước quốc tế
1. Các cơ quan hữu quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, nhu cầu hợp tác quốc tế, chủ động đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trương đàm phán và ký điều ước quốc tế (dưới đây gọi tắt là cơ quan đề xuất ký).
2. Cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế của phía Việt Nam.
Trong trường hợp điều ước quốc tế do Bên nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đề nghị hoặc dự thảo thì cơ quan đề xuất ký nghiên cứu dự thảo đó để tiến hành xây dựng dự thảo của phía Việt Nam.
3. Trong quá trình đề xuất đàm phán và ký điều ước quốc tế, tuỳ theo tính chất và nội dung của vấn đề, cơ quan đề xuất ký lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành hữu quan ít nhất 15 ngày trước khi trình Chính phủ. Đối với những điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội hoặc ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì thời hạn nói trên ít nhất là 30 ngày.
4. Văn bản xin ý kiến bao gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 4 Điều 5 Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (dưới đây gọi là Pháp lệnh). Đối với các điều ước quốc tế nhiều Bên, văn bản xin ý kiến bao gồm các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 12 của Pháp lệnh.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến, cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đề xuất ký về ý kiến của mình đối với dự thảo điều ước quốc tế.
5. Cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến của các cơ quan hữu quan, hoàn thiện dự thảo điều ước quốc tế trình Chính phủ. Sau khi nghiên cứu ý kiến của các cơ quan hữu quan, nếu thấy dự thảo điều ước quốc tế cần được thẩm định, cơ quan đề xuất ký phải gửi dự thảo điều ước quốc tế đó cho Bộ Tư pháp để thẩm định.
Điều 3. Thẩm định dự thảo điều ước quốc tế
1. Trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, cơ quan đề xuất ký gửi dự thảo kèm theo các thông tin và tài liệu có liên quan đến Bộ Tư pháp để thẩm định. Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, cơ quan đề xuất ký phải thuyết trình trực tiếp về dự thảo điều ước quốc tế.
2. Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp để lấy ý kiến thẩm định gồm:
a) Công văn yêu cầu thẩm định, trong đó nêu rõ phương án xử lý các điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
b) Tờ trình Chính phủ về việc đàm phán và ký điều ước quốc tế với nội dung quy định tại khoản 4 Điều 5 Pháp lệnh;
c) Dự thảo điều ước quốc tế đã hoàn thiện được cơ quan đề xuất ký trình Chính phủ xem xét và bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan hữu quan;
d) Dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước (nếu điều ước quốc tế ký với danh nghĩa Nhà nước).
3. Số lượng hồ sơ gửi thẩm định là 5 bộ.
Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định dự thảo điều ước quốc tế
1. Khi nhận được hồ sơ yêu cầu thẩm định điều ước quốc tế của cơ quan đề xuất ký, Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định, bảo đảm chất lượng và thời hạn thẩm định. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế.
2. Đối với các dự thảo điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp đề xuất ký có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, thì thành phần của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập phải có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu thẩm định điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định và gửi kết quả thẩm định bằng văn bản đến cơ quan đề xuất ký, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.
Đối với điều ước quốc tế cần thẩm định mà cơ quan đề xuất ký là Bộ Tư pháp, thì trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tư pháp phải gửi kèm theo ý kiến của Hội đồng thẩm định cùng với dự thảo điều ước quốc tế.
Điều 5. Nội dung thẩm định dự thảo điều ước quốc tế
Bộ Tư pháp thẩm định tính hợp hiến, sự phù hợp và tính thống nhất của dự thảo điều ước quốc tế với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và trình bày rõ ý kiến về kiến nghị của cơ quan đề xuất ký đối với phương án xử lý điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Điều 6. Thủ tục trình việc đàm phán và ký điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất ký trình hồ sơ đề xuất đàm phán và ký điều ước quốc tế lên Chính phủ. Hồ sơ đề xuất đàm phán và ký điều ước quốc tế gồm:
a) Tờ trình với các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 5 Pháp lệnh, trong đó cần trình bày rõ ý kiến khác nhau (nếu có) giữa cơ quan đề xuất ký và các cơ quan hữu quan, đồng thời đề xuất phương án xử lý. Đối với điều ước quốc tế liên quan đến nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cần phải tuân thủ những quy định trong các Nghị định tương ứng của Chính phủ;
b) Dự thảo điều ước quốc tế đã hoàn thiện (nếu cần, kèm theo cả các phương án khác nhau để xử lý) được cơ quan đề xuất ký trình Chính phủ xem xét và bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan hữu quan;
c) Dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước (nếu điều ước quốc tế ký với danh nghĩa Nhà nước).
2. Trong trường hợp dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, sau khi xem xét ý kiến của Bộ Tư pháp, Chính phủ sẽ quyết định việc trình dự thảo điều ước quốc tế đó để ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Điều 7. Uỷ quyền đàm phán và ký điều ước quốc tế
1. Việc tiến hành đàm phán và ký điều ước quốc tế phải được sự uỷ quyền của Chủ tịch nước (đối với điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Nhà nước), của Chính phủ (đối với điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Chính phủ) hoặc Thủ trưởng Bộ, ngành (đối với những điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Bộ, ngành).
2. Người được ủy quyền ký điều ước quốc tế với danh nghĩa Nhà nước hoặc Chính phủ phải là lãnh đạo Bộ, ngành. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định cấp bậc của người được uỷ quyền ký trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao. Người ký điều ước quốc tế với danh nghĩa Bộ, ngành do Thủ trưởng Bộ, ngành ủy quyền.
Trường hợp điều ước quốc tế được ký ở nước ngoài mà Việt Nam không có điều kiện cử người đi ký thì sau khi thoả thuận với Bộ Ngoại giao, cơ quan đề xuất ký kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc phái đoàn đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế ký.
3. Căn cứ vào quyết định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đàm phán và ký điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao làm thủ tục cấp giấy ủy quyền của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ; làm thủ tục ủy quyền của Chính phủ.
Trong trường hợp quyết định ủy quyền chưa quy định rõ, trừ những trường hợp đột xuất, năm (05) ngày trước khi đàm phán và ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao về họ tên, chức vụ người được uỷ quyền đàm phán, ký và tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế.
4. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký xác nhận ủy quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ khi đàm phán, ký điều ước quốc tế với danh nghĩa Nhà nước và Chính phủ. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được ủy nhiệm ký thay.
Trong trường hợp giấy uỷ quyền nhất thiết phải do Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ ký, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chuẩn bị giấy ủy quyền để Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ký.
5. Giấy ủy quyền ký các điều ước quốc tế với danh nghĩa Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ, ngành do Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng các Bộ, ngành cấp.
Khi có yêu cầu, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan đề xuất ký về thủ tục cấp giấy ủy quyền của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành, khi đàm phán và ký điều ước quốc tế với danh nghĩa Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ, ngành.
1. Dự thảo điều ước quốc tế hai Bên đã được các Bên nhất trí cần được ký tắt trước khi ký chính thức, trừ khi các Bên có thoả thuận khác.
2. Trước khi ký tắt hoặc ký chính thức, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm rà soát kỹ và đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài. Các văn bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài phải thống nhất về nội dung và hình thức.
3. Tất cả các điều ước quốc tế ký với danh nghĩa Nhà nước và Chính phủ đều phải gắn xi và đóng dấu nổi của Bộ Ngoại giao khi ký ở trong nước; đóng dấu nổi của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam khi ký ở nước ngoài, trừ trường hợp thủ tục ký của nước sở tại hoặc tổ chức quốc tế có quy định khác.
Cơ quan đề xuất ký liên hệ với Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài làm thủ tục gắn xi, đóng dấu.
4. Cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm tổ chức lễ ký. Lễ ký được tổ chức trang trọng, trên bàn ký cắm quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ của Bên nước ngoài hoặc cờ của tổ chức quốc tế hữu quan.
5. Trường hợp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng không tổ chức được việc đàm phán và ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất ký phải báo cáo kịp thời với Chính phủ và thông báo cho Bộ Ngoại giao biết.
6. Trong vòng 07 ngày sau khi điều ước quốc tế song phương được ký, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm nộp bản gốc điều ước quốc tế cho Bộ Ngoại giao.
Trường hợp người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế ký điều ước quốc tế thì người ký có trách nhiệm báo cáo và gửi bản gốc điều ước quốc tế đã ký về Bộ Ngoại giao trong thời hạn sớm nhất. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đề xuất ký về kết quả của việc ký.
Đối với trường hợp ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều Bên, trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được văn bản chính thức của điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm nộp văn bản này cho Bộ Ngoại giao.
Điều 9. Thủ tục trình phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Việc phê chuẩn điều ước quốc tế được tiến hành theo quy định tại Điều 9 và 10 Pháp lệnh.
2. Trường hợp điều ước quốc tế phải được phê chuẩn, trong thời hạn 15 ngày kể từ khi ký, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Ngoại giao trước khi trình Chính phủ. Văn bản trình Chính phủ gồm tờ trình Chính phủ (kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao) và dự thảo tờ trình của Chính phủ kiến nghị Chủ tịch nước phê chuẩn.
3. Thời hạn trình văn bản phê chuẩn:
a) 15 ngày kể từ khi điều ước quốc tế được ký;
b) 15 ngày kể từ khi đoàn ký kết về nước, đối với những trường hợp Việt Nam cử đại diện đi ký ở nước ngoài;
c) 15 ngày kể từ khi cơ quan đề xuất ký nhận được bản sao điều ước quốc tế đã được người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc trưởng đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế ký.
4. Trường hợp Chủ tịch nước quyết định trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước chuẩn bị Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội.
Điều 10. Thủ tục trình phê duyệt điều ước quốc tế
1. Việc phê duyệt điều ước quốc tế được tiến hành theo quy định tại Điều 9 và 11 Pháp lệnh.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế cần phải được phê duyệt hoặc có quy định về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Ngoại giao trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
3. Thời hạn trình văn bản xin phê duyệt:
a) 15 ngày kể từ khi điều ước quốc tế được ký;
b) 15 ngày kể từ khi đoàn ký kết về nước, đối với những trường hợp Việt Nam cử đại diện đi ký ở nước ngoài;
c) 15 ngày kể từ khi cơ quan đề xuất ký nhận được bản sao điều ước quốc tế trong trường hợp điều ước quốc tế đó được người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc trưởng đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế ký.
Điều 11. Thủ tục trình gia nhập điều ước quốc tế nhiều Bên
1. Việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều Bên căn cứ theo các quy định của Điều 5 và Điều 12 Pháp lệnh.
2. Đối với những điều ước quốc tế nhiều Bên mà việc gia nhập do Chính phủ quyết định, cơ quan đề xuất việc gia nhập làm tờ trình báo cáo Chính phủ quyết định. Đối với những điều ước quốc tế nhiều Bên mà việc gia nhập do Chủ tịch nước quyết định theo quy định của Điều 12 Pháp lệnh, cơ quan đề xuất có trách nhiệm dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định.
3. Hồ sơ trình Chính phủ đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều Bên gồm:
a) Tờ trình đề xuất việc gia nhập với những nội dung quy định tại Điều 5 và 12 Pháp lệnh, đặc biệt cần nêu rõ nghĩa vụ tài chính;
b) Văn bản chính thức điều ước quốc tế và bản dịch tiếng Việt kèm theo;
c) Các thông tin liên quan đến điều ước quốc tế nhiều Bên: Danh sách các Bên ký kết điều ước quốc tế, các văn kiện bổ sung, sửa đổi (nếu có); các bảo lưu, tuyên bố của các Bên ký kết khác, các quy định về thủ tục pháp lý cần thiết;
d) Ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành hữu quan;
e) Dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước (đối với những điều ước quốc tế nhiều Bên mà việc gia nhập thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước).
Điều 12. Thủ tục đối ngoại về phê chuẩn, phê duyệt và gia nhập điều ước quốc tế
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập của Chủ tịch nước hoặc Quốc hội, quyết định phê duyệt hoặc gia nhập của Chính phủ, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm gửi toàn bộ các văn bản liên quan đến điều ước quốc tế đến Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao thông báo cho Bên ký kết kia hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều Bên về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập của phía Việt Nam.
Khi Bên ký kết kia hoàn thành các thủ tục phê chuẩn điều ước quốc tế song phương đã ký với Việt Nam, Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục trao đổi thư phê chuẩn với phía nước ngoài.
2. Cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Ngoại giao những thông tin cần thiết để các thủ tục đối ngoại về phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập được thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Điều 13. Sao lục điều ước quốc tế
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế có hiệu lực, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm sao lục điều ước quốc tế gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ để báo cáo, đồng thời gửi các cơ quan hữu quan để thi hành.
Điều 14. Công bố điều ước quốc tế
1. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế đã có hiệu lực, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đăng trên Công báo, trừ khi có thỏa thuận khác giữa các Bên ký kết hoặc có quyết định khác của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.
2. Hàng năm, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổ chức việc biên soạn và ấn hành Niên giám các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Điều 15. Thực hiện điều ước quốc tế
1. Sau khi điều ước quốc tế có hiệu lực, cơ quan đề xuất ký kết căn cứ vào nội dung của điều ước, chức năng, nhiệm vụ của mình, trình Chính phủ kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó.
Trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, thì cơ quan đề xuất ký kết, cơ quan Nhà nước hữu quan có trách nhiệm tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trừ khi có quy định khác, hàng năm cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế báo cáo Chính phủ về việc thực hiện điều ước quốc tế, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao biết để phối hợp, theo dõi việc thực hiện điều ước quốc tế của các Bên ký kết khác, kịp thời kiến nghị những biện pháp bảo vệ quyền lợi của Việt Nam khi các Bên ký kết khác có vi phạm.
3. Trường hợp các điều ước quốc tế nhiều Bên quy định nghĩa vụ báo cáo việc thực hiện của Việt Nam, cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế đó chịu trách nhiệm chuẩn bị báo cáo của Việt Nam.
Uỷ quyền tham dự hội nghị quốc tế liên quan đến việc thực hiện điều ước quốc tế nhiều Bên thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định.
Điều 16. Thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế
1. Trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế, nếu các cơ quan hữu quan thấy cần sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế thì nêu vấn đề với cơ quan đề xuất ký kết. Cơ quan đề xuất ký kết có trách nhiệm trao đổi với các cơ quan hữu quan, nếu thấy việc đề xuất sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế là hợp lý thì báo cáo xin chủ trương của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quyết định việc ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó. Sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho chủ trương sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất ký phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục sửa đổi, bổ sung theo quy định, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.
2. Trong thời hạn 90 ngày trước khi điều ước quốc tế hết hiệu lực, cơ quan đề xuất ký kết kiến nghị và lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan về việc gia hạn, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế và báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quyết định việc ký kết điều ước quốc tế đó quyết định, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.
3. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh.
Điều 17. Giải thích điều ước quốc tế
1. Trong trường hợp các Bên ký kết hiểu và giải thích khác nhau về nội dung của điều ước quốc tế, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu về giải thích, Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị cơ quan đề xuất ký kết chuẩn bị nội dung về giải thích điều ước quốc tế để trình Chính phủ.
2. Trong trường hợp các cơ quan hữu quan trong nước hiểu và giải thích khác nhau về nội dung của điều ước quốc tế, thì trực tiếp gửi các yêu cầu về giải thích điều ước quốc tế cho cơ quan đề xuất ký hoặc Bộ Ngoại giao.
Trong trường hợp văn bản yêu cầu giải thích điều ước quốc tế chỉ gửi cho Bộ Ngoại giao thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu về giải thích điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị cơ quan đề xuất ký chuẩn bị nội dung giải thích điều ước quốc tế để trình Chính phủ.
3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị do Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan hữu quan trong nước có yêu cầu về giải thích điều ước quốc tế gửi đến, cơ quan đề xuất ký có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo nội dung giải thích và lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao trước khi trình Chính phủ. Chính phủ ra quyết định giải thích các điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Nhà nước hoặc Chính phủ. Đối với những điều ước quốc tế được Quốc hội phê chuẩn hoặc những điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, Chính phủ trình để ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
4. Đối với trường hợp nói tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản giải thích của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Ngoại giao thông báo việc giải thích này cho Bên ký kết kia.
5. Đối với trường hợp nói tại khoản 2 Điều này, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản giải thích của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan đề xuất ký kết có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao và cơ quan có yêu cầu giải thích.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 182/HĐBT ngày 28 tháng 5 năm 1992 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
File gốc của Nghị định 161/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế đang được cập nhật.
Nghị định 161/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Số hiệu | 161/1999/NĐ-CP |
Loại văn bản | Nghị định |
Người ký | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành | 1999-10-18 |
Ngày hiệu lực | 1999-11-02 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |