TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/KHXX | Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2007 |
CÔNG VĂN
HƯỚNG DẪN VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI NGƯỜI MẮC NỢ; VIỆC HOÀN TRẢ LẠI TÀI SẢN CHO NHÀ NƯỚC THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 36 LUẬT PHÁ SẢN
1. Về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người mắc nợ
Khi Tòa án giải quyết việc phá sản, nếu chủ nơ, người mắc nợ có khiếu nại, Viện kiểm sát có kháng nghị về danh sách chủ nợ, về danh sách người mắc nợ, về quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, mà Tòa án đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về phá sản, thì Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp có người mắc nợ trong danh sách người mắc nợ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản không phải ra quyết định thi hành án mà ra thông báo bằng văn bản cho những người mắc nợ đó. Thông báo này được hiểu như một quyết định thi hành án. Trong thông báo cần nêu rõ họ tên và địa chỉ những người mắc nợ, số tiền nợ phải trả và thời hạn trả nợ. Hết thời hạn được ấn định trong thông báo mà người mắc nợ không thực hiện nghĩa vụ trả tiền, thì căn cứ vào Điều 10, Điều 11 của Luật phá sản và Điểm i Khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản (sau đây viết tắt là Nghị định số 67), Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Về việc hoàn trả lại tài sản cho Nhà nước theo quy định tại Điều 36 của Luật phá sản
Để xác định được khi nào doanh nghiệp phải hoàn trả lại giá trị tài sản đã được áp dụng biện pháp đặc biệt cho Nhà nước theo quy định tại Điều 36 của Luật phá sản, cần chú ý như sau:
a. Tòa án giải quyết việc phá sản phải xem xét xem doanh nghiệp đó có thuộc một trong các doanh nghiệp đặc biệt được quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Luật phá sản hay không.
- Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Luật phá sản, thì doanh nghiệp đó không được áp dụng biện pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh, do đó không thuộc trường hợp phải hoàn trả lại tài sản cho Nhà nước theo quy định tại Điều 36 của Luật phá sản.
- Nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Luật phá sản, thì Tòa án giải quyết việc phá sản cần phải xem xét xem việc doanh nghiệp được Nhà nước áp dụng các biện pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh vào thời Điểm nào.
b. Việc xác định “thời điểm” mà doanh nghiệp được Nhà nước áp dụng các biện pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh phải căn cứ vào quy định tại Điều 6 của Nghị định số 67. Khi có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng quy định tại Điều 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt, Tòa án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 67.
Sau khi nhận được thông báo của Tòa án, các cơ quan nhà nước có liên quan phải căn cứ vào báo cáo bằng văn bản về việc mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp đặc biệt để quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp cần thiết để phục hồi khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 67.
Việc áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi hoạt động kinh doanh chỉ được áp dụng sau khi đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và có thông báo của Tòa án giải quyết việc phá sản cho các cơ quan nhà nước liên quan. Như vậy, Tòa án chỉ áp dụng việc hoàn trả tài sản cho Nhà nước theo quy định tại Điều 36 của Luật phá sản khi tuân thủ các Điều kiện về doanh nghiệp đặc biệt và thời Điểm áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi hoạt động kinh doanh nêu trên. Nếu không, thì việc cấp hỗ trợ của cơ quan nhà nước chỉ được coi như một Khoản nợ của doanh nghiệp và được xem xét phân chia theo quy định tại Điều 37 của Luật phá sản.
Ví dụ: Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cấp hỗ trợ cho Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Bình Thuận vào thời Điểm doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chưa có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì không được coi là trường hợp “đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh” và không được hoàn trả theo quy định tại Điều 36 của Luật phá sản.
File gốc của Công văn số 122/KHXX về hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người mắc nợ; việc hoàn trả lại tài sản cho nhà nước theo quy định tại điều 36 Luật phá sản do Tòa án nhân dân Tối cao ban hành đang được cập nhật.
Công văn số 122/KHXX về hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người mắc nợ; việc hoàn trả lại tài sản cho nhà nước theo quy định tại điều 36 Luật phá sản do Tòa án nhân dân Tối cao ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Số hiệu | 122/KHXX |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2007-09-04 |
Ngày hiệu lực | 2007-09-04 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |