TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 887/TCT/NV2 | Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 2002 |
Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy định của các văn bản pháp luật thuế và chế độ thu nộp ngân sách Nhà nước, các đối tượng nộp thuế có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán thuế nộp cơ quan quản lý thuế theo chế độ.
Việc kiểm tra quyết toán thuế năm 2001, Tổng cục thuế lưu ý một số điểm sau:
I- YÊU CẦU CỦA VIỆC KIỂM TRA BÁO CÁO QUYẾT TOÁN THUẾ:
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra báo cáo quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế theo trình tự đã được hướng dẫn tại công văn số 687 TCT/NV2, ngày 6 tháng 03 năm 2001 của Tổng cục thuế.
Cần lưu ý: Khi kiểm tra "bước hai" đối với các đối tượng phải căn cứ vào dấu hiệu vi phạm chế độ kê khai thuế hoặc ẩn lậu thuế.... để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra. Kế hoạch được lập trên cơ sở mức độ vi phạm của đối tượng nộp thuế và khả năng kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế , không nhất thiết phải kiểm tra, thanh tra tất cả các đối tượng nộp thuế.
II- NỘI DUNG CỦA VIỆC KIỂM TRA QUYẾT TOÁN THUẾ.
Việc quyết toán thuế giá trị gia tăng căn cứ quy định tại Thông tư 122/2000/TT/BTC ngày 29-12-2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29-12-2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng, cần lưu ý một số điểm:
1.1- Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng:
- Hàng hoá dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%.
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu , kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào ở khâu không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA: về nguyên tắc việc hoàn thuế giá trị gia tăng đã trả đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA chỉ xem xét hoàn trả cho các chủ dự án sử dụng nguồn vốn ODA, các nhà thầu phụ trong nước thực hiện việc kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra và thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ theo đúng quy định. Nhà thầu chính hoặc chủ dự án có trách nhiệm thanh toán số thuế giá trị gia tăng cho nhà thầu phụ và được hoàn lại theo chế độ. Riêng các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của ngành điện thực hiện theo công văn số 6242 TC/TCT ngày 05/7/2001 của Bộ Tài chính.
Xác định số thuế giá trị gia tăng được giảm đối với trường hợp đã tạm giảm số thuế giá trị gia tăng do bị lỗ khi thay đổi tỷ lệ khấu trừ, thực hiện như hướng dẫn tại công văn số 4543 TC/TCT ngày 18/5/2001 của Bộ Tài chính.
1.2- Giảm thuế giá trị gia tăng:
Đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong những năm đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng mà bị lỗ do số thuế giá trị gia tăng phải nộp lớn hơn số thuế tính theo mức thuế doanh thu trước đây thì được xét giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp.
Số thuế giá trị gia tăng được xét giảm theo hướng dẫn tại điểm 2, Mục II, Phần H Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29-12-2000 của Bộ Tài chính.
- Đối với doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại khâu nhập khẩu mà chưa nộp thì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi tính số thuế giá trị gia tăng phải nộp trong năm, nhưng khi xác định số thuế giá trị gia tăng phải nộp để xét giảm theo Điều 28 Luật thuế giá trị gia tăng thì tính thuế giá trị gia tăng đầu vào bao gồm cả số thuế giá trị gia tăng chưa nộp ở khâu nhập khẩu.
Ví dụ: Cơ sở kinh doanh thương mại A năm 2001:
- Thuế giá trị gia tăng đầu ra phát sinh: 4,5 tỷ đồng
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ: 2,3 tỷ đồng
(Trong đó thuế giá trị gia tăng phát sinh khâu nhập khẩu 2 tỷ đồng chưa nộp 0,7 tỷ đồng chỉ được khấu trừ 1,3 tỷ đồng, số thuế giá trị gia tăng mua vào trong nước được khấu trừ 1 tỷ đồng).
- Thuế giá trị gia tăng phải nộp trong năm: 2,2 tỷ đồng
- Kết quả kinh doanh năm 2001 lỗ: 0,9 tỷ đồng.
- Số thuế phải nộp tính theo thuế doanh thu: 1 tỷ đồng.
- Việc xác định số thuế giá trị gia tăng phải nộp cao hơn thuế doanh thu để xét giảm thuế giá trị gia tăng được xác định như sau:
Số thuế giá trị gia tăng
phải nộp được xét giảm = (4,5 tỷ - 2,3 tỷ - 0,7 tỷ) - 1 tỷ = 0,5 tỷ.
1.3- Hoàn thuế giá trị gia tăng:
Đối với những doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng phải nộp thấp hơn năm trước, luôn luôn âm (-) và thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục hoàn thuế thì cần kiểm tra hàng hoá mua vào, bán ra, việc thanh toán tiền hàng. Đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc cần kiểm tra hồ sơ về xuất khẩu, nếu có nghi ngờ thì cần có văn bản gửi Tổng cục thuế để hỗ trợ phối hợp với cơ quan thuế Trung Quốc xác minh lượng hàng thực xuất khẩu .
Việc xác định đối tượng hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế, thuế suất thuế và thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 168/1998/TT-BTC ngày 21-12-1998 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Cần lưu ý:
Đối với trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng thông qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc (Trung tâm phân phối...) của cơ sở sản xuất thì giá bán làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc của cơ sở sản xuất bán ra; cơ sở sản xuất bán hàng qua các đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do đại lý bán ra chưa trừ hoa hồng.
Mặt hàng rượu thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng nước cốt rượu nhập khẩu chưa thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cần lưu ý kiểm tra và thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp khi pha chế đóng chai rượu để bán.
3- Thu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:
Thu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước: Việc trích, nộp tiền thu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước năm 2001 được thực hiện theo Nghị quyết 05/2001/NQ-CP ngày 24-5-2001 của Chính phủ và thông báo số 6254/VPCP/KTTH ngày 21-12-2001 của Văn phòng Chính phủ về việc "chế độ thu sử dụng vốn đối với doanh nghiệp Nhà nước". Việc tính nộp tiền thu sử dụng vốn được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
4- Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Về quyết toán thuế thu nhập năm 2001 được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20-2-2002 của Bộ Tài chính. Ngoài ra cần lưu ý thêm một số điểm sau:
4.1- Kiểm tra chi phí hợp lý:
a) Chi phí khấu hao tài sản cố định: đối với chi phí khấu hao cần lưu ý khi kiểm tra quyết toán thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh về việc mở sổ sách theo dõi tài sản cố định như: hoá đơn mua tài sản, thẻ tài sản, nguyên giá làm cơ sở tính khấu hao, số tiền trích khấu hao...
- Đối với tài sản cố định là nhà cửa vừa dùng cho kinh doanh vừa dùng cho cá nhân:
+ Nếu nhà đó thuộc sở hữu của doanh nghiệp thì phần diện tích không dùng cho kinh doanh phải tính tương đương giá trị tiền thuê và hạch toán giảm trừ chi phí khấu hao của doanh nghiệp.
+ Nếu nhà thuộc sở hữu của cá nhân thì phần diện tích dùng cho kinh doanh được xác định tương đương với tiền thuê. Giá trị tiền thuê nhà được xác định theo mặt bằng giá cho thuê nhà do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
- Đối với tài sản cố định khác như ô tô, xe máy, điện thoại... nếu phát hiện việc sử dụng cho cá nhân thì phải loại trừ khỏi chi phí theo mức độ dùng cho cá nhân.
b) Đối với giá trị vật tư hàng hoá mua vào được lập bảng kê theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng thì doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí theo đúng giá mua ghi trên bảng kê. Trường hợp tổng hợp trên bảng kê số lượng mua của các cá nhân có giá trị lớn và có nghi vấn thì cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thông báo cho cơ quan thuế nơi có tên và địa chỉ cá nhân đã kê khai bán hàng để phối hợp quản lý thu thuế hoặc đưa vào diện quản lý và bán hoá đơn.
Trường hợp doanh nghiệp lợi dụng bảng kê để khai khống về số lượng và giá trị hàng hoá mua thì không được hạch toán vào chi phí, mà phải xử phạt về hành vi khai man trốn thuế.
Hạch toán chi phí đối với vật tư mua ngoài gồm: giá ghi trên hoá đơn của người bán hàng (không có thuế giá trị gia tăng) cộng chi phí thu mua như: chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phí bảo hiểm, phí hao hụt, tiền thuê kho bãi, phí chọn lọc, tái chế. Nếu là hàng nhập khẩu, giá trị vật tư, hàng hoá khi nhập khẩu được hạch toán vào chi phí theo giá thực thanh toán phù hợp với đồng ngoại thương được cộng thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc các khoản phụ thu (nếu có).
- Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai giá để tính thuế nhập khẩu theo giá hợp đồng ngoại thương cao hơn giá thực thanh toán thì tính theo giá thực thanh toán.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai giá để tính thuế nhập khẩu theo giá hợp đồng ngoại thương thấp hơn giá thực thanh toán thì doanh nghiệp chỉ được tính vào chi phí theo giá kê khai tính thuế nhập khẩu.
c) Các khoản chi thù lao cho thành viên Hội đồng quản trị, các sáng lập viên, mà họ không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh không được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
d) Mục chi phí quy định tại điểm 11 mục III "các khoản chi phí hợp lý" Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20-02-2002 của Bộ Tài chính được xác định theo mức khống chế từ 5-7% tổng chi phí đã liệt kê tức là tổng chi phí của 10 điểm của mục III, không bao gồm các điểm 12, 13 và 14.
4.2- Các khoản thu nhập chịu thuế khác:
Cần lưu ý:
Trường hợp các doanh nghiệp trong nước liên doanh với nhau theo hình thức hợp đồng thì bên nhận liên doanh có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập. Sau khi nộp thuế thu nhập, phần thu nhập được chia không phải tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập ổn định nhưng phải tổng hợp vào thu nhập sau thuế thu nhập ổn định của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (nếu có) và trang trải các chi phí liên quan đến hoạt động liên doanh.
5- Quyết toán thuế thu nhập cá nhân:
Về thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2002/TT-BTC ngày 17/1/2002 của Bộ Tài chính.
5.1- Trường hợp cá nhân nhận thu nhập NET (thu nhập không có thuế) thì phải quy đổi ra thu nhập có thuế theo quy định sau:
Đối với công dân Việt Nam và cá nhân là người nước ngoài không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam, việc quyết toán thu nhập năm 2001 được quy định như sau:
- Tổng hợp thu nhập NET cả năm sau đó chia cho 12 tháng để xác định thu nhập NET bình quân tháng.
- Thu nhập chịu thuế và số thuế phải nộp của 6 tháng đầu năm 2001 và 6 tháng cuối năm 2001 được xác định căn cứ theo công thức quy đổi và biểu thuế tương ứng.
Biểu quy đổi áp dụng cho 6 tháng đầu năm 2001
Đơn vị: 1.000d
Thu nhập thực lĩnh (TNTL) | Thu nhập chịu thuế |
| TNTL - 200 0,9 |
| TNTL - 500 0,8 |
| TNTL - 900 0,7 |
| TNTL - 1.500 0,6 |
| TNTL - 2.300 0,5 |
| TNTL - 3.300 0,4 |
| TNTL - 4.710 0,28 |
Biểu quy đổi áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2001:
Đơn vị tính: 1000đ
Thu nhập không có thuế (NET) | Thu nhập chịu thuế |
| NET - 300 0,9 |
| NET - 900 0,8 |
| NET - 1.800 0,7 |
| NET - 3000 0,6 |
| NET - 4500 0,5 |
| NET - 7650 0,35 |
- Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam lao động và công tác tại nước ngoài:
Đơn vị: 1000đ
Thu nhập thực lĩnh (TNTL) | Thu nhập chịu thuế |
| TNTL - 800 0,9 |
| TNTL - 2.800 0,8 |
| TNTL - 7.800 0,7 |
| TNTL - 15.800 0,6 |
| TNTL - 27.800 0,5 |
Trường hợp cá nhân nhận thu nhập NET mà khoản thu nhập từ tiền lương chiếm 70% trở lên thì chỉ lấy thu nhập từ lương để quy đổi thu nhập chịu thuế. TNCT sau khi quy đổi phải cộng với phần thu nhập còn lại 30% để xác định tổng thu nhập chịu thuế và căn cứ vào Biểu thuế thu nhập để tính số thuế thu nhập phải nộp. Quy định này chỉ áp dụng cho hết năm 2001.
Riêng đối với khoản tiền nhà (người nước ngoài) căn cứ xác định mức khống chế không quá 15% trên số tiền lương đã được quy đổi.
5.2- Thu nhập chịu thuế được xác định là số thu nhập thực nhận trong năm 2001 bao gồm cả các khoản nhận bằng tiền về chi phí khoán đi lại hàng ngày, tiền ăn trưa...; Các khoản thu nhập chi trả bằng hiện vật.
5.3-Đối với khoản tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y té mà người lao động đã trả từ khoản tiền lương của mình thì khi xác định thu nhập chịu thuế 6 tháng cuối năm 2001 được trừ khoản thu nhập chịu thế bằng số tiền đã nộp cho bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Ví dụ: cá nhân A ký hợp đồng lao động năm 2001 lương mỗi tháng 3,4 triệu, các khoản thu nhập khác trong năm là 1,8 triệu. Trong hợp đồng lao động quy định khoản bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế người lao động phải nộp. Giả sử tính theo quy định của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế số tiền bảo hiểm phải nộp mỗi tháng là 100.000 đồng. Số thuế phải nộp của cá nhân A được xác định như sau:
1) Thu nhập tiền lương mỗi tháng 3,4 triệu
2) Thu nhập khác trong năm 2001 1,8 triệu
3) Trừ tiền bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế 6 tháng cuối năm 2001: 0,6 triệu
4) Tổng thu nhập chịu thuế năm: (3,4triệu x 12) + 1,8tr - 0,6 = 42 triệu
5) Thu nhập chịu thuế bình quân tháng 3,5 triệu
6) Thuế thu nhập phải nộp
Sáu tháng đầu năm 2001: (3,5 triệu x 20% - 0,500) x 6 = 1,2 triệu
Sáu tháng cuối năm 2001: (3,5 triệu x 10% - 0,3) x 6 = 0,3 triệu
7)- Tổng số thuế thu nhập phải nộp: 1,2 triệu + 0,3 triệu = 1,5 triệu.
5.4 Năm 2001 việc xác định số thuế TNCN phải nộp của người Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam được áp dụng hai biểu thuế thu nhập cụ thể: Tổng thu nhập chịu thuế năm 2001 được chia 12 tháng để xác định thu nhập bình quân tháng: 6 tháng đầu năm áp dụng biểu thuế quy định tại khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi một số điều Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 06-02-1997, 6 tháng cuối năm áp dụng biểu thuế quy định tại khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19 tháng 5 năm 2001.
5.5 Không tính thuế thu nhập đối với các khoản lợi ích được hưởng do cơ quan, tổ chức chi trả thu nhập thanh toán như phí đào tạo nhân viên trả cho nơi đào tạo, chi vé máy bay về phép của người nước ngoài về thăm gia đình, học phí cho con người nước ngoài mà cơ quan, tổ chức chi trả thu nhập thanh toán trực tiếp cho các trường học tại Việt Nam.
5.6- Tổ chức cá nhân gửi tờ khai quyết toán thuế theo các mẫu quy định tại Thông tư số 05/2002/TT-BTC ngày 17/01/2002 của Bộ Tài chính.
5.7- Người nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2001 được quy định như sau: Xác định thu nhập bình quân ngày: đối với thu nhập của số ngày 6 tháng đầu năm 2001 áp dụng thuế suất 10%; đối với thu nhập của số ngày 6 tháng cuối năm 2001 áp dụng thuế suất 25%.
6- Quyết toán thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
6.1- Đối với các chi nhánh của các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả chi nhánh Ngân hàng nước ngoài) thực hiện việc kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2001/TT-BTC ngày 18-1-2001 của Bộ Tài chính.
6.2- Về thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài thực hiện theo Thông tư số 13/2001/TT-BTC ngày 8-3-2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
6.3- Một số quy định tại Thông tư số 13/2001/TT-BTC ngày 8-1-2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn khác với quy định tại Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20-2-2002 của Bộ Tài chính thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20-2-2002 của Bộ Tài chính
6.4- Ưu đãi miễn giảm thuế và thuế suất theo Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1-8-2000 cho thời gian ưu đãi còn lại. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế theo mức chưa được điều chỉnh thì phần chênh lệch sẽ được trừ vào lần nộp tiếp theo.
6.5- Kiểm tra quyết toán thuế: Trên cơ sở các báo cáo kế toán, báo cáo quyết toán thuế đã được cơ quan kiểm toán kiểm tra xác định, cơ quan thuế kiểm tra tính toán lại từng chỉ tiêu phải nộp trong năm quyết toán. Trường hợp báo cáo quyết toán thuế thiếu chính xác, có nghi vấn cơ quan thuế tổ chức kiểm tra tại doanh nghiệp.
Đối với vật tư hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu nhưng trong năm thay đổi mục đích sử dụng không thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu thì phải truy thu thuế nhập khẩu theo quy định.
Việc kiểm tra báo cáo quyết toán thuế năm 2001 Cục thuế các địa phương cần làm tốt các điểm sau đây:
1- Phổ biến cho các Phòng, các Chi cục thuế và tới từng cán bộ thuế về yêu cầu nội dung kiểm tra báo cáo quyết toán thuế năm 2001, đặc biệt chú ý đến những điểm sửa đổi, điều chỉnh chính sách, chế độ thuế.
2- Gửi mẫu báo cáo quyết toán thuế; mẫu Bảng tổng hợp thanh toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước và thông báo thời hạn nộp báo cáo quyết toán thuế tới các đối tượng nộp thuế. Triển khai kiểm tra báo cáo quyết toán thuế theo các bước quy định .
3- Kiên quyết xử phạt đối với các đối tượng cố tình dây dưa, chậm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
4- Cơ quan thuế quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh hạch toán phụ thuộc phải làm tròn trách nhiệm kiểm tra thuế giá trị gia tăng, xác định chi phí hợp lý..., xác định các khoản thuế phải nộp, đã nộp ngân sách Nhà nước và gửi biên bản về cơ sở sản xuất kinh doanh chính và cơ quan thuế quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh chính để có căn cứ quyết toán thuế toàn cơ sở.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, việc kiểm tra báo cáo quyết toán thuế mang tính chất độc lập với việc kiểm tra quyết toán tài chính, cơ quan thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác định số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn cụ thể khi kiểm tra báo cáo quyết toán năm 2001 đối với các đối tượng nộp thuế, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương báo cáo bằng văn bản về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để nghiên cứu, giải quyết kịp thời.
| Nguyễn Thị Cúc (Đã ký)
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BẢNG TỔNG HỢP THANH TOÁN THUẾ VÀ CÁC KHOẢN PHẢI NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM ......
- Tên đơn vị:
- Mã số thuế:
- Địa chỉ:
- Tel: Fax:
Năm quyết toán từ ngày... tháng... năm... đến... ngày.... tháng... năm...
Tên loại thuế | Số còn phải nộp năm trước chuyển sang (năm ...) | Số phát sinh phải nộp năm quyết toán (năm...) | Tổng số đã nộp trong năm.... | Số còn phải nộp NSNN |
1. Thuế GTGT |
|
|
|
|
2. Thuế TTĐB |
|
|
|
|
3. Thuế TNDN |
|
|
|
|
4 Thu sử dụng vốn NSNN |
|
|
|
|
5 Thuế thu nhập cá nhân |
|
|
|
|
6. Thuế đất |
|
|
|
|
7. Thuế và thu khác |
|
|
|
|
8.... |
|
|
|
|
Cộng: |
|
|
|
|
Các số liệu trên đảm bảo chính xác, trung thực, nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện không đúng thực tế, đơn vị sẽ chịu xử phạt theo luật định.
..... ngày....... tháng....... năm......
Người lập biểu (Ký và ghi rõ họ tên) | Kế toán trưởng (Ký và ghi rõ họ tên) | Giám đốc (Ký và ghi rõ họ tên) |
BẢNG NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ SAU KIỂM TRA BÁO CÁOQUYẾT TOÁN THUẾ BƯỚC 1 NĂM ....
- Tên đơn vị:
- Mã số thuế
- Địa chỉ:
- Tel: Fax:
1- Nhận báo cáo kế toán: Ngày... tháng... năm....
2- Nhận tờ khai quyết toán thuế: ngày... tháng... năm.....
3- Nhận bảng tổng hợp thanh toán các khoản thuế và nộp ngân sách:
Ngày... tháng.... năm.....
.............
Chi phí:
Trong đó: + Nguyên vật liệu
+ Tiền lương.
....
6- Các dấu hiệu khác:
7- Kết luận:
- Đề nghị thành viên kiểm tra toàn diện:
..... Ngày..... tháng.....năm.....
Công chức thuế nhận xét, đánh giâ
(Ký, ghi rõ họ tên)
File gốc của Công văn 887/TCT/NV2 của Tổng cục Thuế về việc quyết toán thuế năm 2001 đang được cập nhật.
Công văn 887/TCT/NV2 của Tổng cục Thuế về việc quyết toán thuế năm 2001
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 887/TCT/NV2 |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Thị Cúc |
Ngày ban hành | 2002-02-26 |
Ngày hiệu lực | 2002-02-26 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |