BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
V/v hướng dẫn về chính sách thuế | Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2011 |
Kính gửi: Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 2805/DMC-TCKT ngày 16/12/2010 của Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí về việc hướng dẫn chính sách thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về thuế TNDN đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản:
Tại điểm 3 Mục VII Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
"Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu (kể cả giao, bán doanh nghiệp nhà nước), sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền. Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và được tiếp tục chuyển vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ."
Tại điểm 1 và điểm 2a Điều 2 Thông tư 40/2010/TT-BTC ngày 23/03/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản quy định:
"1. Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện đánh giá lại tài sản cố định (TSCĐ) theo quy định để chuyển đổi thành Công ty cổ phần thì giá trị TSCĐ được ghi nhận để trích khấu hao theo giá trị đánh giá lại và phần chênh lệch giữa giá trị TSCĐ đánh giá lại và giá trị còn lại của TSCĐ ghi trên sổ kế toán được ghi tăng phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp thực hiện đánh giá lại tài sản theo quy định để góp vốn, để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại điểm 1 Điều 2 nêu trên) thì doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như sau:
a) Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn, để điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì khoản chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ được tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, cụ thể như sau:
- Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn được phân bổ dần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại đem góp vốn. Việc phân bổ dần khoản chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ vào thu nhập khác của doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại đem góp vốn được tính theo số năm còn lại được trích khấu hao của TSCĐ tại doanh nghiệp nhận vốn góp.
- Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp tính một lần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại để điều chuyển."
Căn cứ các quy định trên:
Trường hợp Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí có các công ty con là công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần có phát sinh khoản chênh lệch tăng do đánh giá lại TSCĐ thì các công ty con thực hiện ghi tăng phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp đối với khoản chênh lệch này.
Trường hợp Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí hoạt động theo hình thức công ty cổ phần có các công ty con là công ty TNHH MTV 100% vốn của Tổng Công ty (không phải 100% vốn nhà nước) thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần có phát sinh khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản thì các công ty con phải thực hiện hạch toán khoản chênh lệch này vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với các khoản lỗ lũy kế, các công ty con được tính bù trừ vào thu nhập chịu thuế TNDN nếu các khoản lỗ này vẫn trong thời gian được chuyển lỗ (5 năm) kể từ khi phát sinh theo quy định.
2. Về ưu đãi thuế đối với các chi nhánh của Tổng Công ty được thành lập để thực hiện quản lý các dự án mới của Tổng Công ty đầu tư trong các khu công nghiệp:
2.1. Về thuế GTGT:
Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội khóa XII không có quy định về ưu đãi thuế GTGT.
2.2. Về thuế TNDN:
Tại khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/5/2005 quy định:
"Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp."
Tại điểm 2.2 Mục I Phần H Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:
"Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế TNDN là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu …".
Tại điểm 6 Phần I Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:
"Doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2009 có dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì phần thu nhập từ dự án đầu tư này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Các dự án đầu tư trước năm 2009 đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (theo diện ưu đãi đầu tư mở rộng) thì tiếp tục được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại và phần thu nhập tăng thêm của các dự án đầu tư mở rộng đang áp dụng thuế suất 28% được chuyển sang áp dụng thuế suất 25%".
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Tổng Công ty Dung dịch và Hóa phẩm Dầu khí có thành lập các chi nhánh để quản lý các dự án đầu tư mới của Tổng công ty đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì các chi nhánh trên không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư. Tổng Công ty không được hưởng ưu đãi thuế TNDN áp dụng đối với đầu tư mở rộng cho các dự án trên.
Tổng cục Thuế trả lời để Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí được biết.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Từ khóa: Công văn 754/TCT-DNL, Công văn số 754/TCT-DNL, Công văn 754/TCT-DNL của Tổng cục Thuế, Công văn số 754/TCT-DNL của Tổng cục Thuế, Công văn 754 TCT DNL của Tổng cục Thuế, 754/TCT-DNL
File gốc của Công văn 754/TCT-DNL hướng dẫn về chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành đang được cập nhật.
Công văn 754/TCT-DNL hướng dẫn về chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 754/TCT-DNL |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Vũ Thị Mai |
Ngày ban hành | 2011-03-07 |
Ngày hiệu lực | 2011-03-07 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |