TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2000/KHXX | Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 2000 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KHOA HỌC XÉT XỬ SỐ 12/2000/KHXX NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 2000 VỀ VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ TRUY NÃ NGƯỜI BỊ KẾT ÁN PHẠT TÙ BỎ TRỐN
Kính gửi: Toà án nhân dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An
Sau khi nghiên cứu Công văn số 01/CV.TA.2000 ngày 3 tháng 1 năm 2000 của Toà án nhân dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
1- Theo quy định tại khoản 3 Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án phạt tù. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn hiện nay là ở một số Toà án vì các lý do khác nhau nên chưa có Chánh án mà chỉ mới có Phó Chánh án; vì vậy, tại điểm 1 Công văn số 133/1999/KHXX ngày 26 tháng 11 năm 1999 của Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn một số vấn đề về công tác xét xử" đã hướng dẫn: "trong trường hợp Toà án chưa có chức danh Chánh án mà có chức danh Phó Chánh án, thì các quyết định về tạm giam, tạm tha... của Toà án sẽ do Phó Chánh án ký thay Chánh án". Hướng dẫn này cần được hiểu là việc ra các quyết định đó vẫn thuộc thẩm quyền của Chánh án nhưng do Phó Chánh án ký thay; do đó, nếu hiện nay quý Toà chưa có Chánh án, thì Phó Chánh án ký thay Chánh án đối với quyết định thi hành án phạt tù và các quyết định khác thuộc thẩm quyền của Chánh án (xem mẫu gửi kèm theo Công văn này).
2- Theo hướng dẫn tại điểm 1 Thông tư số 03/TT/BNV (C11) ngày 11 tháng 4 năm 1997 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) "hướng dẫn việc truy nã người bị phạt tù và bị cáo đang được tại ngoại bỏ trốn", thì việc áp giải người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại đi chấp hành án cũng như việc ra lệnh truy nã đối với họ nếu họ bỏ trốn là thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an (xem Thông tư gửi kèm theo Công văn này). Sau khi đã ra quyết định thi hành án phạt tù, nếu người bị kết án bỏ trốn, thì Toà án không cần phải yêu cầu cơ quan điều tra ra lệnh truy nã như trong giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, để các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, người bị kết án phạt tù đã có quyết định thi hành án phạt tù của Toà án phải đi chấp hành hình phạt tù, thì trong các cuộc giao ban của các cơ quan trong khối nội chính, Toà án cần trao đổi với cơ quan Công an về kết quả bắt người bị kết án phạt tù đi chấp hành hình phạt tù, về việc truy nã trong trường hợp họ bỏ trốn...
Về hình thức của văn bản, thì Bộ luật hình sự quy định là lệnh truy nã còn Bộ luật tố tụng hình sự quy định là quyết định truy nã; do đó, lệnh truy nã hay quyết định truy nã đều đúng. Vấn đề quan trọng là nội dung của lệnh truy nã hay quyết định truy nã cần đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến của Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao để quý Toà Tham khảo khi giải quyết các trường hợp cụ thể.
| Đặng Quang Phương (Đã ký)
|
File gốc của Công văn 12/2000/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc ra quyết định thi hành án phạt tù và truy nã người bị kết án phạt tù bỏ trốn đang được cập nhật.
Công văn 12/2000/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc ra quyết định thi hành án phạt tù và truy nã người bị kết án phạt tù bỏ trốn
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Số hiệu | 12/2000/KHXX |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Đặng Quang Phương |
Ngày ban hành | 2000-01-24 |
Ngày hiệu lực | 2000-01-24 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |