BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2010/TT-BQP | Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2010 |
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,
THÔNG TƯ
Thông tư này quy định nguyên tắc làm việc, mối quan hệ, chế độ công tác của Ban chỉ huy quân sự các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Ban Đảng ở trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương); Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp xã) và theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ.
1. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
2. Bộ Tư lệnh của quân khu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng.
1. Hoạt động của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, cấp ủy Đảng cùng cấp, sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu bộ, ngành trung ương; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng cùng cấp, sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó; Ban chỉ huy quân sự cấp xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã chịu sự quản lý, chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan quân sự cấp trên.
2. Mọi hoạt động của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải tuân thủ theo quy định của Luật dân quân tự vệ, Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ và các quy định của pháp luật về công tác quốc phòng.
3. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã làm việc theo nguyên tắc tập thể, cấp dưới phục tùng cấp trên và chịu trách nhiệm cá nhân theo chức trách, nhiệm vụ được phân công.
1. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải tổ chức, phân công người trực tiếp nắm tình hình, kết quả thực hiện công tác quốc phòng của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và của cấp xã; tổng hợp, báo cáo cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp trên theo quy định.
2. Thường xuyên nắm chắc tình hình về công tác quốc phòng, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác phòng thủ dân sự, công tác dân quân tự vệ, công tác động viên, tuyển chọn và gọi nam công dân nhập ngũ.
Điều 5. Chế độ xây dựng văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về công tác quốc phòng
1. Hằng năm, căn cứ vào chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy, kế hoạch, hướng dẫn về công tác quốc phòng của cơ quan quân sự cấp trên, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã tham mưu cho cấp ủy Đảng, ủy ban nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác phòng thủ dân sự, công tác dân quân tự vệ, công tác động viên, tuyển chọn và gọi nam công dân nhập ngũ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch công tác trên, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện;
2. Hằng năm hoặc từng thời kỳ, căn cứ chỉ đạo của cơ quan quân sự có thẩm quyền Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, công tác giáo dục quốc phòng-an ninh, công tác phòng thủ dân sự, công tác dân quân tự vệ, công tác động viên, tuyển chọn và gọi nam công dân nhập ngũ, cụ thể như sau:
a. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương:
- Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh;
- Kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên (nếu được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng các đơn vị chuyên môn dự bị);
- Kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng;
- Kế hoạch chuyển cơ quan, tổ chức từ hoạt động thời bình sang trạng thái thời chiến.
b. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở:
- Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh;
- Kế hoạch đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, người sẵn sàng nhập ngũ;
- Kế hoạch chuyển cơ quan, tổ chức từ hoạt động thời bình sang trạng thái thời chiến;
- Kế hoạch xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ;
- Kế hoạch chiến đấu bảo vệ cơ quan, tổ chức;
- Kế hoạch phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai;
- Kế hoạch phòng không nhân dân;
c. Ban chỉ huy quân sự cấp xã:
- Kế hoạch xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân;
- Kế hoạch mở rộng lực lượng dân quân trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trạng thái quốc phòng;
- Kế hoạch đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, người sẵn sàng nhập ngũ;
- Kế hoạch chiến đấu trị an;
- Kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn;
- Kế hoạch phòng không nhân dân.
d. Việc xây dựng hoặc bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch nêu tại điểm a, b, c khoản này và các kế hoạch khác theo chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp.
e. Việc xây dựng các kế hoạch về hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự địa phương) chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trụ sở ở địa phương thực hiện đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, lực lượng dự bị động viên, các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân;
2. Ban chỉ huy quân sự cấp xã tổ chức thực hiện việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, lực lượng dự bị động viên, các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân theo quy định của pháp luật.
3. Đăng ký, quản lý số lượng, chất lượng, số hiệu, chủng loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và các trang bị kỹ thuật khác; thực hiện quản lý tập trung ở nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự và được kiểm tra, bảo quản theo quy định.
Điều 7. Chế độ tập huấn, bồi dưỡng
1. Hằng năm, cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác quốc phòng, quân sự và dân quân tự vệ;
2. Thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác quốc phòng, quân sự và dân quân tự vệ được thực hiện theo quy định của Luật dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật dân quân tự vệ.
1. Một tháng 02 lần Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, một tuần 01 lần Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện hội ý do chỉ huy trưởng hoặc chính trị viên chủ trì để nắm tình hình, đánh giá kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của tuần, tháng và triển khai, phân công việc cần làm tiếp theo của Ban chỉ huy quân sự.
2. Hằng quý, dưới sự chủ trì của chỉ huy trưởng hoặc chính trị viên, các chỉ huy phó và chính trị viên phó báo cáo tình hình kết quả thực hiện các mặt công tác theo chức trách được phân công, đề xuất những công việc cần làm tiếp; đồng thời thống nhất nội dung, biện pháp thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của tháng, quý tiếp theo;
3. Khi có nhiệm vụ đột xuất, căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị, chỉ huy trưởng tổ chức hội ý trong Ban chỉ huy quân sự để kịp thời thông báo nhiệm vụ, thống nhất biện pháp và phân công cán bộ trong Ban chỉ huy quân sự để tổ chức thực hiện.
1. Chế độ giao ban của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương
a. Thời gian giao ban: Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương chủ trì giao ban mỗi quý một lần; giao ban quý 2 gắn với sơ kết công tác quốc phòng 6 tháng đầu năm, giao ban quý 4 gắn với sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng của năm;
b. Phương pháp tổ chức giao ban: Tổ chức tập trung hoặc giao ban trực tuyến theo điều kiện của từng bộ, ngành;
c. Thành phần giao ban gồm: Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự các cơ quan, tổ chức thành viên thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác quốc phòng thuộc bộ, ngành. Trường hợp đặc biệt, nếu các đồng chí trong thành phần giao ban nêu trên vắng mặt thì phải được sự đồng ý của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự hoặc đồng chí chủ trì giao ban và phải có báo cáo bằng văn bản với Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành. Khi tổ chức giao ban có thể mời đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan dự giao ban.
d. Khi Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị giao ban, cán bộ Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương đi dự phải đúng thành phần triệu tập, đúng thời gian, địa điểm quy định và báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện công tác quốc phòng ở bộ, ngành mình với Bộ Quốc phòng;
2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh
a. Thời gian giao ban: Chỉ huy trưởng chủ trì giao ban mỗi quý một lần; trường hợp đặc biệt có thể giao ban đột xuất thì báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
b. Phương pháp tổ chức giao ban: Tổ chức tập trung.
c. Thành phần giao ban gồm: Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự các cơ quan, tổ chức ở cơ sở thuộc phạm vi quản lý; cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng, quân sự. Trường hợp đặc biệt, nếu các đồng chí trong thành phần giao ban nêu trên vắng mặt thì phải được sự đồng ý của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự hoặc đồng chí chủ trì giao ban và phải có báo cáo bằng văn bản với Ban chỉ huy quân sự. Khi tổ chức giao ban có thể mời đại diện cơ quan quân sự địa phương nơi đặt trụ sở và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.
d. Khi Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh tổ chức giao ban: Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cử cán bộ đi dự phải đúng thành phần triệu tập, đúng thời gian, địa điểm quy định và báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức mình với Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh;
3. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện
a. Thời gian giao ban: Chỉ huy trưởng chủ trì giao ban mỗi quý một lần; trường hợp đặc biệt có thể giao ban đột xuất thì báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
b. Phương pháp tổ chức giao ban: Tổ chức tập trung
c. Thành phần giao ban gồm: các cán bộ trung đội, tiểu đội tự vệ thuộc quyền quản lý. Khi tổ chức giao ban có thể mời đại diện cơ quan quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã (nơi đặt trụ sở) và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.
d. Khi Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức giao ban (nơi Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức đặt trụ sở) thì thực hiện theo triệu tập của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
4. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành viên của các bộ, ngành trung ương:
a. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương tổ chức giao ban thì Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành viên thực hiện theo triệu tập của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành;
b. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức giao ban thì Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức có trụ sở đặt tại địa phương đó cử cán bộ đi dự phải đúng thành phần triệu tập, đúng thời gian, địa điểm quy định và báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện công tác quốc phòng của cơ quan, tổ chức mình với Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
c. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức khi tổ chức giao ban: Chỉ huy trưởng chủ trì giao ban thường mỗi quý một lần; trường hợp đặc biệt có thể giao ban đột xuất thì báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức mình và Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương.
5. Ban chỉ huy quân sự cấp xã
a. Khi Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức giao ban: Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải cử cán bộ đi dự theo đúng thành phần triệu tập, đúng thời gian, địa điểm quy định và báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của cấp mình với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
b. Ban chỉ huy quân sự cấp xã khi tổ chức giao ban: Chỉ huy trưởng chủ trì giao ban mỗi tháng một lần; đối với các xã vùng cao, hải đảo căn cứ điều kiện địa lý, đi lại khó khăn có thể tổ chức giao ban mỗi quý từ 1 đến 2 lần;
- Thành phần giao ban gồm: Thôn đội trưởng, trung đội trưởng dân quân cơ động; tiểu đội trưởng dân quân thường trực (nếu có); trung đội trưởng, tiểu đội trưởng dân quân binh chủng thuộc Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
- Mời lãnh đạo chính quyền cấp xã, đại diện Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, đại diện cán bộ công an xã, các tổ, trạm biên phòng và các đơn vị có liên quan đứng chân trên địa bàn dự giao ban để thông báo tình hình chung và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
- Địa điểm giao ban: Do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã quy định.
6. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cơ sở và cấp xã thực hiện giao ban thường xuyên theo quy định tại các khoản: 1, 2, 3, 4, 5 của điều này, đồng thời thực hiện giao ban theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp khi có nhiệm vụ đột xuất.
1. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương
a. Hằng quý, 6 tháng và năm báo cáo công tác quốc phòng bằng văn bản với người đứng đầu bộ, ngành và Bộ Quốc phòng (qua Cơ quan thường trực công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng); riêng báo cáo 6 tháng và báo cáo năm gửi Bộ Quốc phòng phải do người đứng đầu duyệt, ký.
b. Báo cáo đột xuất được thực hiện khi có nhiệm vụ đột xuất về quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng hoặc người đứng đầu bộ, ngành.
2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh
a. Hằng quý, 6 tháng và năm Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức phải báo cáo công tác quốc phòng, quân sự bằng văn bản với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên (nếu có) và Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
b. 6 tháng và hằng năm báo cáo bằng văn bản với Ban chỉ huy quân sự huyện nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở về công tác xây dựng lực lượng tự vệ, công tác dự bị động viên và tuyển quân, về hoạt động chiến đấu - trị an trong khu vực phòng thủ của địa phương.
c. Báo cáo đột xuất: Thực hiện theo yêu cầu của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên khi có nhiệm vụ đột xuất về quốc phòng, an ninh hoặc theo yêu cầu của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi đặt trụ sở.
3. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện
a. Hằng tháng, quý, 6 tháng và năm báo cáo công tác quốc phòng, quân sự bằng văn bản với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên (nếu có).
b. Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên (nếu có) hoặc khi có tình hình đột xuất về quốc phòng, an ninh.
4. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành viên thuộc các bộ, ngành trung ương
a. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành viên thuộc bộ, ngành trung ương do Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều này.
b. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành viên thuộc bộ, ngành trung ương do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều này.
5. Ban chỉ huy quân sự cấp xã
a. Hằng tháng, quý, 6 tháng và năm báo cáo công tác quốc phòng, quân sự bằng văn bản với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
b. Báo cáo đột xuất: Khi trên địa bàn có tình hình, tình huống đột xuất về quốc phòng, an ninh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quân sự cấp trên.
1. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương:
a. Chịu sự kiểm tra việc thực hiện công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng.
b. Giúp người đứng đầu bộ, ngành hoặc trực tiếp tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự khi được người đứng đầu ủy quyền.
c. Nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra; tổ chức, cơ cấu, thành phần đoàn kiểm tra công tác quốc phòng của các bộ, ngành trung ương phải được xây dựng trong kế hoạch công tác quốc phòng hằng năm của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng hoặc người đứng đầu bộ, ngành.
Trước khi kiểm tra phải thông báo cho địa phương và mời đại diện cơ quan quân sự địa phương, nơi đặt trụ sở của đơn vị thành viên được kiểm tra để tham gia đoàn kiểm tra. Số lượng cơ quan, tổ chức được kiểm tra hàng năm theo quy định của người đứng đầu bộ, ngành hoặc Bộ Quốc phòng.
2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh
a. Chịu sự kiểm tra thực hiện công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên (nếu có), Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Quốc phòng.
b. Giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc trực tiếp tổ chức kiểm tra công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ và kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, khi được người đứng đầu cơ quan, tổ chức ủy quyền;
c. Nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra; tổ chức, cơ cấu, thành phần đoàn kiểm tra công tác quốc phòng của các cơ quan, tổ chức phải được xây dựng trong kế hoạch công tác quốc phòng hằng năm của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan quân sự có thẩm quyền.
Trước khi kiểm tra phải thông báo cho địa phương và mời đại biểu cơ quan quân sự địa phương nơi cơ quan, tổ chức thành viên được kiểm tra đặt trụ sở để tham gia và phối hợp thực hiện. Số lượng cơ quan, tổ chức được kiểm tra hằng năm theo quy định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
3. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện và Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành viên thuộc bộ, ngành trung ương
a. Chịu sự kiểm tra của cơ quan quân sự có thẩm quyền và Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cấp trên (nếu có);
b. Tổ chức kiểm tra công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tự vệ thuộc quyền; tổ chức kiểm tra công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức cấp dưới (nếu có).
4. Ban chỉ huy quân sự cấp xã
a. Chịu sự kiểm tra trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện; khi Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Quân khu hoặc Bộ Quốc phòng kiểm tra được Ban chỉ huy quân sự cấp huyện thông báo trước về thời gian và nội dung kiểm tra;
b. Tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với lực lượng dân quân thuộc quyền.
Điều 12. Chế độ sơ kết, tổng kết
1. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tham mưu cho người đứng đầu chủ trì thực hiện sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng- an ninh.
2. Theo quyết định của người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, tổ chức:
a. Sơ kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm có thể kết hợp với giao ban quý II trong năm và có thể kết hợp với sơ kết thực hiện nhiệm vụ chung của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức.
b. Tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng -an ninh hằng năm, có thể kết hợp với giao ban quý IV, thời gian ít nhất là 1/2 ngày và có thể kết hợp với tổng kết thực hiện nhiệm vụ chung của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khi được sự nhất trí của cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp.
Điều 13. Chế độ lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách
1. Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành, cơ quan, tổ chức căn cứ vào nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự để lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách bảo đảm cho công tác quốc phòng, quân sự và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành; trình người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, tổ chức phê duyệt để triển khai tổ chức thực hiện.
2. Nhiệm vụ chi cho công tác quốc phòng của cơ quan, tổ chức thực hiện theo mục 3 Điều 5 Chương II, Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các quy định của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Dân quân tự vệ.
Điều 14. Quan hệ công tác của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương
1. Với Ban Cán sự, Đảng đoàn, cấp ủy Đảng cùng cấp là quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo. Ban chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng cùng cấp về công tác quốc phòng, quân sự và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với cấp ủy cùng cấp theo quy định.
2. Với người đứng đầu bộ, ngành trung ương là quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành và chịu sự chỉ đạo, điều hành. Ban chỉ huy quân sự chấp hành sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu bộ, ngành; đồng thời, đề xuất với người đứng đầu những nhiệm vụ, biện pháp tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự được cơ quan quân sự có thẩm quyền giao.
3. Với Bộ Quốc phòng: Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, quân sự theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên thuộc bộ, ngành thông qua sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Quốc phòng.
4. Với Quân khu, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh: Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương phối hợp với Bộ Tư lệnh hoặc Bộ Tham mưu quân khu, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra theo thẩm quyền việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự và phòng thủ dân sự của các cơ quan, đơn vị thành viên.
5. Với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, nơi có trụ sở của cơ quan, đơn vị thành viên: Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương phối hợp với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện để chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác tổ chức xây dựng, hoạt động của lực lượng tự vệ, công tác dự bị động viên, tuyển quân, hoạt động chiến đấu - trị an và phòng thủ dân sự của cơ quan, đơn vị thành viên có trụ sở tại địa phương.
6. Với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, đơn vị là thành viên thuộc bộ, ngành trung ương: Là quan hệ cấp trên với cấp dưới về công tác quốc phòng, quân sự; Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự đối với các cơ quan, đơn vị thành viên.
Điều 15. Quan hệ công tác của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh
1. Với cấp ủy Đảng cùng cấp: Là quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng sự lãnh đạo; dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ban chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với cấp ủy Đảng theo quy định.
2. Với người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Là quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành và chịu sự chỉ đạo, điều hành. Ban chỉ huy quân sự nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức về thực hiện công tác quốc phòng, quân sự thuộc đơn vị mình; đồng thời đề xuất những biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao.
3. Với Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh: Là mối quan hệ cấp trên, cấp dưới; Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh về công tác quốc phòng, quân sự địa phương;
4. Đối với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi đặt trụ sở: Là mối quan hệ phối hợp. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh phối hợp với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cơ quan, tổ chức mình và đơn vị thành viên đặt trụ sở để chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục quốc phòng -an ninh, công tác tự vệ, công tác dự bị động viên, tuyển quân, hoạt động chiến đấu - trị an khối cơ quan mình và đơn vị thành viên (nếu có).
5. Với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên (nếu có): Là quan hệ cấp dưới với cấp trên, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.
6. Với đơn vị tự vệ thuộc quyền: Là quan hệ giữa chỉ đạo, chỉ huy và phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao.
Điều 16. Quan hệ công tác của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện
1. Với cấp ủy Đảng cùng cấp: Là quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo; dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp, Ban chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với cấp ủy Đảng cùng cấp theo quy định.
2. Với người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Là quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành và chịu sự chỉ đạo, điều hành
Ban chỉ huy quân sự nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức về thực hiện công tác quốc phòng, quân sự thuộc cơ quan, đơn vị mình; đồng thời đề xuất những biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao.
3. Với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện: Là quan hệ cấp dưới với cấp trên về thực hiện công tác quốc phòng, quân sự.
Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự huyện về công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
4. Với Ban chỉ huy quân sự ngành dọc cấp trên (nếu có): Là quan hệ cấp dưới với cấp trên, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự và có trách nhiệm báo cáo công tác quốc phòng, quân sự theo quy định.
5. Với đơn vị tự vệ thuộc quyền là quan hệ giữa chỉ đạo, chỉ huy và phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao.
Điều 17. Quan hệ công tác của Ban chỉ huy quân sự cấp xã
1. Với Đảng ủy xã: Là quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo; dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban chỉ huy quân sự cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với Đảng ủy theo quy định.
2. Với Ủy ban nhân dân cấp xã: Là quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành và chịu sự chỉ đạo, điều hành.
Ban chỉ huy quân sự nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã mà trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân về thực hiện công tác quốc phòng, quân sự thuộc địa phương mình; đồng thời đề xuất những biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao.
3. Với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện: Là quan hệ cấp dưới với cấp trên về thực hiện công tác quốc phòng, quân sự.
Ban chỉ huy quân sự cấp xã chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự huyện về công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
4. Với lực lượng dân quân của xã là quan hệ giữa chỉ đạo, chỉ huy và phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.
1. Đối với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là thành viên thuộc bộ, ngành trung ương do Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý: Thực hiện theo Điều 15 của Quy chế này.
2. Đối với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là thành viên thuộc bộ, ngành trung ương do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý: Thực hiện theo Điều 16 của Quy chế này.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 209/2006/QĐ-BQP ngày 18/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Quy chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ.
1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các Tổng cục, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các Quân khu, Binh đoàn, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu bộ, ngành trung ương và cơ quan, tổ chức; Ban chỉ huy quân sự các bộ, ngành trung ương, Ban chỉ huy quân sự cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành.
2. Căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ công tác quốc phòng, người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự cấp mình, phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 81/2010/TT-BQP quy định về quy chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành, trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã do Bộ trưởng bộ Quốc phòng ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 81/2010/TT-BQP quy định về quy chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành, trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban chỉ huy quân sự cấp xã do Bộ trưởng bộ Quốc phòng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Quốc phòng |
Số hiệu | 81/2010/TT-BQP |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phùng Quang Thanh |
Ngày ban hành | 2010-06-23 |
Ngày hiệu lực | 2010-08-07 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |