ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3325/QĐ-UB-NC | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 07 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM CÂN, KIỂM TRA XE CHỞ QUÁ TẢI, QUÁ KHỔ QUY ĐỊNH VÀ XE BÁNH XÍCH TẠI KM 1880 + 650 QUỐC LỘ 01 THUỘC ĐỊA PHẬN XÃ BÌNH PHƯỚC, HUYỆN THỦ ĐỨC, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 / 6 / 1994 ;
Căn cứ Quyết định số 455/TTg ngày 4/9/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các trạm kiểm tra các loại xe có tải trọng lớn và xe bánh xích hoạt động trên đường bộ ;
Căn cứ Thông tư Liên Bộ số 3706/TT/LB/GTVT-NV ngày 7/11/1991 của Liên Bộ Giao thông vận tải- Nội vụ hướng dẫn việc cấp giấy phép và xử lý vi phạm đối với các loại xe quá tải trọng, quá khổ ;
Xét đề nghị của Khu quản lý đường bộ 7 tại công văn số 592/QTGT ngày 25/7/1995 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Trạm cân, kiểm tra xe chở quá tải, quá khổ quy định và xe bánh xích tại km 1880 + 650 quốc lộ 01 thuộc địa phận xã Bình Phước, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (tên gọi tắt là Trạm cân xe Bình Phước) kèm theo quyết định này.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Khu quản lý đường bộ 7, Giám đốc Phân khu quản lý đường bộ 711, Giám đốc Sở Giao thông công chánh, Giám đốc Công an thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Thủ trưởng các sở ngành thành phố có liên quan và Trạm trưởng Trạm cân xe Bình Phước có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM CÂN, KIỂM TRA XE CHỞ QUÁ TẢI, QUÁ KHỔ QUY ĐỊNH VÀ XE BÁNH XÍCH TẠI KM 1880 + 650 QUỐC LỘ 01.
(Ban hành theo Quyết định số 3325/QĐ-UB-NC ngày 15/7/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương I.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Trạm cân kiểm tra tải trọng và khổ hàng chở trên xe của các loại xe có tải trọng lớn, xe bánh xích di chuyển trên đường giao thông công cộng được thành lập theo Quyết định số 455/TTg của Thủ tướng Chính phủ được đặt tại km 1880 + 650 quốc lộ 01 thuộc địa phận xã Bình Phước, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trạm cân xe Bình Phước) Trạm được giao Phân khu Quản lý đường bộ 711 trực tiếp quản lý.
Điều 2. Trạm cân xe Bình Phước có chức năng kiểm tra, xử lý nhằm không cho lưu thông qua trạm đối với các loại xe quá tải, quá khổ giới hạn của cầu đường, các loại xe bánh xích mà lái xe và chủ xe có hành vi vi phạm các khoản mục trong điều 19 của điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ.
Điều 3. Trạm cân xe Bình Phước có nhiệm vụ quyền hạn :
1- Tiến hành kiểm tra giấy phép, cân, đo, kiểm tra các loại xe vận tải và xe bánh xích nhằm xác định mức độ vi phạm về chở quá tải, quá khổ của các loại xe này. Kiểm tra việc thực hiện các điều kiện hoạt động theo quy định đối với các loại xe bánh xích khi lưu thông qua Trạm.
2- Xử lý các vi phạm theo quy định được nêu tại khoản 1 điều 3 của Nghị định 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ, trên mức này trạm chuyển hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét quyết định xử lý.
3- Buộc lái xe, chủ xe chở quá tải, quá khổ và xe bánh xích phải tự tháo dỡ và bảo quản phần hàng quá tải, quá khổ, phải thực hiện các qui định bảo vệ cầu đường đối với xe bánh xích sau đó mới cho các loại phương tiện này tiếp tục lưu thông qua trạm.
4- Buộc lái xe vi phạm phải chịu trách nhiệm khôi phục lại tình trạng cầu đường đã bị hư hỏng do vi phạm xảy ra.
6- Kiến nghị với các cấp có liên quan giải quyết các khó khăn trong quá trình trạm hoạt động.
7- Trạm được sử dụng con dấu riêng để hoạt động theo quy định của Nhà nước.
Chương II.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Điều 4.
1- Tổ chức của Trạm cân xe Bình Phước bao gồm những lực lượng thuộc các cơ quan chức năng sau đây :
a- Phân khu Quản lý đường bộ 711 : 17 người
b- Cảnh sát giao thông thành phố : 03 người.
c- Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông công chánh TP : 03 người.
d- Kiểm soát quân sự Thành thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố : 03 người.
Biên chế của Trạm là : 26 người, trạm có 01 Trạm trưởng và 02 Phó Trạm trưởng.
2- Trạm trưởng là người có trách nhiệm điều hành thống nhất toàn bộ hoạt động của Trạm, đồng thời Trạm trưởng tôn trọng và bảo đảm việc thi hành nhiệm vụ theo chức năng chuyên ngành của thành viên nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Trạm. Trạm trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Phân khu Quản lý đường bộ 711 và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trạm.
3- Phó Trạm trưởng là người giúp việc Trạm trưởng và thay mặt Trạm trưởng điều hành trạm hoạt động khi được Trạm trưởng ủy quyền. Tùy theo tình hình cụ thể, Phó Trạm trưởng có thể bố trí đi ca hoặc kiêm nhiệm Trưởng ca.
4- Mỗi thành viên hoạt động theo chức năng chuyên ngành của mình và theo sự điều hành thống nhất của Trạm trưởng, chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật. Lương và phụ cấp (nếu có) của các thành viên biệt phái do cơ quan cử đến đài thọ ; được đảm bảo các điều kiện làm việc và trợ cấp do trạm giải quyết.
5- Các cơ quan chức năng có thành viên tham gia nói trên ra quyết định biệt phái cán bộ của mình làm việc tại Trạm theo số lượng qui định, có phân công người đại diện để quản lý về công tác và sinh hoạt của cán bộ ở Trạm.
Điều 5. Phân công trách nhiệm của các cơ quan chức năng :
1- Phân khu Quản lý đường bộ 711 :
a- Người đại diện cho lực lượng của Phân khu Quản lý đường bộ 711 làm việc tại trạm gồm : Trạm trưởng theo quyết định của Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7, 1 Phó Trạm trưởng và cán bộ nhân viên theo quyết định của Giám đốc Phân khu Quản lý đường bộ 711.
b- Phân khu Quản lý đường bộ 711 là đơn vị quản lý toàn bộ hoạt động của Trạm và chịu trách nhiệm về :
- Đầu tư và xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất của Trạm, quản lý tu bổ và hoàn thiện cơ sở vật chất đó.
- Đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt bình thường và thuận lợi cho mọi thành viên công tác tại trạm.
- Bố trí cán bộ là Thanh tra giao thông công tác tại Trạm đảm trách việc cân, đo kiểm tra giấy phép, xác định chính xác nhanh chóng các vi phạm và mức độ vi phạm. Trên cơ sở những kết quả cân đo và kiểm tra đó lập biên bản vi phạm và làm thủ tục đề nghị xử phạt.
- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tháo dỡ phần hàng hóa quá tải, quá khổ và việc thực hiện các điều kiện bảo vệ cầu đường đối với xe bánh xích.
- Kiểm tra việc thu, nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước ; giám sát việc sử dụng số tiền được trích từ nguồn tiền phạt theo quy định.
2- Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố :
a- Người đại diện cho lực lượng Cảnh sát giao thông biệt phái làm việc tại trạm đảm nhiệm chức vụ Phó Trạm trưởng do Công an thành phố ra quyết định.
b- Cảnh sát giao thông được điều động biệt phái công tác ở Trạm thực hiện chức năng bảo vệ thi hành luật pháp, chịu trách nhiệm :
- Đảm bảo an ninh trật tự cho hoạt động của Trạm. Trực tiếp thực hiện và quyết định việc dừng xe, kiểm tra giấy tờ, việc đình chỉ lưu thông hoặc cho phép lái xe tiếp tục lưu thông qua Trạm theo đúng qui định của pháp luật.
- Buộc các đối tượng phải chấp hành các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do họ gây ra.
3- Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông công chánh : Lực lượng Thanh tra giao thông được điều động biệt phái công tác tại Trạm cần làm nhiệm vụ Thanh tra giao thông vận tải của Phân khu 711 và theo sự phân công cụ thể của Trạm trưởng.
4- Lực lượng kiểm soát quân sự thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố :
a- Người đại diện cho lực lượng kiểm soát quân sự biệt phái công tác tại Trạm theo quyết định của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố.
b- Lực lượng kiểm soát quân sự được điều động biệt phái công tác tại Trạm làm nhiệm vụ như Cảnh sát giao thông trật tự đối với các xe mang biển số quân sự và xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 6.
1- Trạm hoạt động liên tục trong ngày (24/24 giờ) và liên tục trong cả năm. Trạm tổ chức làm việc theo ca.
2- Trạm thực hiện chế độ giao ca (nội dung giao ca do Trạm trưởng quy định) chế độ giao ban hàng tháng có lãnh đạo Phân khu Quản lý đường bộ 711 tham dự.
Chương III.
NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM
Điều 7. Trạm cân xe Bình Phước phải :
1- Sử dụng mẫu các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính theo qui định của Nhà nước.
2- Sử dụng biên lai thu tiền của Bộ Tài chính do Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh phát hành và thanh toán biên lai theo hướng dẫn của Cục Thuế.
3- Toàn bộ số tiền phạt thu được, nộp vào Kho bạc Nhà nước thành phố, sau đó mới lập hồ sơ trích ra theo quy định.
4- Sở Tài chánh, Kho bạc Nhà nước thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn (bằng văn bản) về thời gian nộp tiền phạt, tỷ lệ % được trích lại trong tổng số tiền thu phạt để duy trì hoạt động của Trạm, sử dụng và thanh toán số tiền phạt theo đúng Pháp lệnh Kế toán thống kê.
Chương IV.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan liên quan có trách nhiệm nghiên cứu đề nghị với Khu Quản lý đường bộ 7 để trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét bổ sung, sửa đổi.
File gốc của Quyết định 3325/QĐ-UB-NC năm 1996 phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Trạm cân, kiểm tra xe chở quá tải, quá khổ quy định và xe bánh xích tại km 1880 + 650 quốc lộ 01 thuộc địa phận xã Bình Phước, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 3325/QĐ-UB-NC năm 1996 phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Trạm cân, kiểm tra xe chở quá tải, quá khổ quy định và xe bánh xích tại km 1880 + 650 quốc lộ 01 thuộc địa phận xã Bình Phước, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 3325/QĐ-UB-NC |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Võ Viết Thanh |
Ngày ban hành | 1996-07-15 |
Ngày hiệu lực | 1996-07-15 |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
Tình trạng | Hết hiệu lực |