BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2060/BTC-ĐT | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2024 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 01, ước thực hiện 02 tháng kế hoạch năm 2024 như sau:
I. Kế hoạch và tình hình phân bổ kế hoạch vốn
1. Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024
1.1. Tổng số vốn năm 2024 được Quốc hội quyết nghị[1] và phân bổ chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng[2], bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 225.000 tỷ đồng (bao gồm: vốn trong nước là 205.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 432.349 tỷ đồng.
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện quy định tại Luật Đầu tư công 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng (bao gồm: vốn NSTW là 225.000 tỷ đồng, vốn NSĐP là 432.349 tỷ đồng), trong đó: (i) tổng số kế hoạch bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 92.900 tỷ đồng và (ii) dự án, nhiệm vụ thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là: 27.220 tỷ đồng.
1.2. Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 32.427 tỷ đồng.
1.3. Kế hoạch vốn các năm trước đã được cho phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là 105,2 tỷ đồng, trong đó: NSTW thuộc CTMTQG là 103,9 tỷ đồng, NSĐP là 1,3 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 (kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 689.881,2 tỷ đồng.
2. Tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Chi tiết theo Phụ lục số 01 đính kèm)
2.1. Kế hoạch vốn đã triển khai phân bổ
Tổng số vốn đã phân bổ là 664.484,9 tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (657.349 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 32.427 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng là 32.427 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 632.057,8 tỷ đồng, đạt 96,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).
Trong đó: (i) vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 93.234 tỷ đồng (số vốn tối thiểu phải bố trí theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 92.900 tỷ đồng), (ii) vốn bố trí cho 03 CTMTQG là 23.004/27.220 tỷ đồng và (iii) vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội là 6.022,67 tỷ đồng.
2.2. Kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ
Có 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.291,1 tỷ đồng, chiếm 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn NSTW là 10.751,7 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 14.539,4 tỷ đồng.
2.3. Nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn
a) Đối với nguồn vốn NSTW
Tính đến thời điểm báo cáo có 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương chưa phân bổ 10.751,7 tỷ đồng/225.000 tỷ đồng (chiếm 4,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cụ thể:
(1) Vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là 7.961,8 tỷ đồng trong đó:
- Vốn trong nước chưa phân bổ: 6.196 tỷ đồng
+ 3.002 tỷ đồng vốn theo ngành lĩnh vực của 10 bộ và 9 địa phương dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư trong đó, hiện nay một số bộ, địa phương đã dự kiến bố trí 333,4 tỷ đồng để hoàn trả vốn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
+ 903 tỷ đồng của của 03 bộ, ngành và 01 địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn thành.
+ 750 tỷ đồng của 2 bộ và 2 địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn làm căn cứ bố trí trong kế hoạch năm 2024.
+ 104 tỷ đồng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chưa gửi Quyết định phân bổ.
+ 1.438 tỷ đồng của các bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ do các nguyên nhân khác như: 1.098 tỷ đồng của Bộ Tài chính dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án, dự án đang tổng hợp để báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh bổ sung trung hạn và một phần không sử dụng hết do thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024 dự kiến bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên sau đó các dự án này đến nay đã được bố trí từ nguồn năm 2023 và được Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2024 nên không có nhu cầu sử dụng từ kế hoạch năm 2024, Bộ Tài chính đang dự kiến phương án đối với số còn lại chưa phân bổ báo cáo cấp thẩm quyền; 340 tỷ đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương dự kiến phân bổ trong đợt tới.
- Vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết là 1.767 tỷ đồng:
+ 1.182 tỷ đồng do vướng mắc trong công tác đấu thầu thuộc “Chương trình Kỹ năng và Kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á” (01 dự án của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), 01 dự án của Bộ Công thương, 04 dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT)) và vướng mắc do đang điều chỉnh chủ trương đầu tư (01 dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
+ 15 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đàm phán, ký kết Hiệp định sử dụng vốn ODA của Ý (Dự án Xây dựng hệ thống quan trắc giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình).
+ 570 tỷ đồng của các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh là 518 tỷ đồng (dự kiến bố trí cho dự án Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh chờ Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch trung hạn để giao kế hoạch năm 2024); tỉnh Cao Bằng là 18 tỷ đồng (chưa có dự án để bố trí tiếp), tỉnh Cà Mau là 33,9 tỷ đồng (dự kiến bố trí cho Tiểu dự án 8 thuộc dự án Chống chịu khí hậu và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2024 là năm cuối cùng dự án được giải ngân theo hiệp định nên chờ xác định giá trị giải ngân cuối cùng của năm 2023 làm cơ sở bố trí phần còn lại trong KH 2024).
(2) Vốn CTMTQG chưa phân bổ là 2.789,9 tỷ đồng
Nhiều dự án khởi công mới đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.
b) Đối với nguồn vốn NSĐP:
Có 20/63 địa phương chưa phân bổ hết vốn cân đối NSĐP là 14.539,4 tỷ đồng (trong đó một số địa phương có số vốn chưa phân bổ lớn như: Hưng Yên 6.564 tỷ đồng (35,3% kế hoạch vốn cân đối NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao), Bắc Ninh 1.548 tỷ đồng (21,9% KH vốn cân đối NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao), Long An 1.107 tỷ đồng (17,1% KH vốn cân đối NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao) do địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi NSĐP.
II. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn (Phụ lục số 02 đính kèm)
- Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 31.546,5 tỷ đồng/tổng kế hoạch là 689.881,1 tỷ đồng, đạt 4,57% tổng kế hoạch.
- Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29/02/2024 là 60.026,9 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch, cụ thể:
1. Giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024
- Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 22,1 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch (105,2 tỷ đồng).
- Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29/02/2024 là 28,8 tỷ đồng, đạt 27,4% kế hoạch.
2. Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2024
2.1. Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024
Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 31.524,5 tỷ đồng/tổng kế hoạch là 689.775,9 tỷ đồng, đạt 4,57% kế hoạch.
2.2. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29/02/2024
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29/02/2024 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch (đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2023 đạt tổng 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cụ thể như sau:
ĐVT: Tỷ đồng
STT | Nội dung | Ước thanh toán đến ngày 29/02/2024 | Tỷ lệ (%) thực hiện | Tỷ lệ (%) (so với KH TTg giao) | Cùng kỳ năm 2023 | ||
Số tiền | Tỷ lệ (%) thực hiện | Tỷ lệ (%) so với KH TTg giao | |||||
| TỔNG SỐ | 59.998,1 | 8,7% | 9,13% | 49.247,9 | 6,55% | 6,97% |
| VỐN TRONG NƯỚC | 59.713,7 | 8,92% | 9,37% | 49.136,3 | 6,79% | 7,24% |
| VỐN NƯỚC NGOÀI | 284,5 | 1,42% | 1,42% | 111,6 | 0,40% | 0,40% |
A | VỐN NSĐP | 40.185,9 | 8,65% | 9,29% | 33.506,5 | 8,64% | 9,76% |
B | VỐN NSTW | 19.812,2 | 8,81% | 8,81% | 15.741,4 | 4,33% | 4,33% |
- | Vốn NSTW đầu tư theo ngành, lĩnh vực | 16.547,7 | 8,37% | 8,37% | 14.374,8 | 4,23% | 4,23% |
+ | Vốn trong nước | 16.269,3 | 9,11% | 9,11% | 14.263,2 | 4,58% | 4,58% |
+ | Vốn nước ngoài | 278,5 | 1,45% | 1,45% | 111,6 | 0,40% | 0,40% |
- | Vốn Chương trình MTQG | 3.264,5 | 11,99% | 11,99% | 1.366,6 | 5,64% | 5,64% |
| Vốn trong nước | 3.258,5 | 12,34% | 12,34% | 1.366,6 | 5,64% | 5,64% |
| Vốn nước ngoài | 6,0 | 0,73% | 0,73% | - |
|
|
3. Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn
(Danh sách các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xếp theo thứ tự tỷ lệ giải ngân từ thấp đến cao theo Phụ lục số 02A, Phụ lục số 02B đính kèm).
- Tỷ lệ ước giải ngân 02 tháng kế hoạch năm 2024 đạt 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (6,55% tổng kế hoạch và 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
- Có 04/44 Bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (34,92%), Bộ Xây dựng (32%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (27,83%), Hậu Giang (30,15%), Tiền Giang (27,62%), Vĩnh Phúc (21,49%), Tuyên Quang (21,26%), Hòa Bình (20,95%).
- Có 32 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 06 địa phương tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 5%.
III. Tình hình thực hiện các dự án trọng điểm
Đến hết ngày 31/01/2024, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.463,21 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,63% kế hoạch năm 2024 được giao (67.365,78 tỷ đồng), trong đó, vốn NSTW là 4.230,67 tỷ đồng, đạt 6,82%; vốn NSĐP là 232,54 đạt 4,35%.
(Chi tiết giải ngân của từng dự án, dự án thành phần theo phụ lục số 3 đính kèm).
IV. Một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án
1. Vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn
- Việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN những tháng đầu năm 2024 (tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 25.291 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết, bằng 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó đối với nguồn vốn NSTW chưa phân bổ chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ đầu tư.
- Tháng 2 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung rà soát để tổng hợp nhu cầu kéo dài thời hạn thực hiện
- Một số bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết cho các dự án nhưng không đủ điều kiện để phê duyệt dự toán TABMIS như chưa có quyết định phê duyệt dự án, lũy kế vốn vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn,...Bộ Tài chính đã có văn bản kiểm tra, nhận xét chi tiết đến từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để điều chỉnh, hoàn thiện.
- Một số Bộ (Giao thông vận tải, NN&PTNT, LĐTBXH) giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trước mắt Bộ Tài chính đã duyệt dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 trên hệ thống TABMIS để các Bộ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024, bao gồm cả nguồn vốn kế hoạch năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2024 (văn bản số 1867/BTC-ĐT ngày 22/02/2024).
- Đến trước ngày 31/12/2023 vẫn còn một số cơ quan, địa phương chưa phân bổ vốn NSTW hoặc một phần NSTW là chưa đúng quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 3 Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phân bổ chi tiết trước 31/12/2023) gồm: Văn phòng Chính phủ (67,9 tỷ đồng), Hà Tĩnh (100 tỷ đồng), Quảng Bình (32,474 tỷ đồng).
2. Vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án quan trọng quốc gia đang gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:
- Đối với công tác GPMB: Hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ. Chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
- Về vật liệu xây dựng cho thi công: Việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao, thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá... đối với các dự án tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (theo tính toán sơ bộ, chỉ tính riêng các dự án cao tốc đang triển khai trong khu vực, nhu cầu vật liệu cần khoảng gần 56 triệu m3 cát, gần 7 triệu m3 đá, chưa kể các công trình, dự án của địa phương triển khai cùng thời điểm). Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Công tác triển khai thi công của 03 dự án cao tốc trục Đông - Tây; 02 đường vành đai và 02 DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án cao tốc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm so với kế hoạch đề ra do vướng GPMB, thiếu nguồn VLXD.
3. Vướng mắc liên quan đến các CTMTQG
3.1. Công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, đến nay vẫn còn một số cơ chế trung ương chưa ban hành dẫn đến các địa phương còn vướng mắc trong thực hiện như sau:
- Định mức kinh tế - kỹ thuật dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Nội dung số 02 Tiểu dự án 2 Dự án 3 của CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng.
- Quy định về hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG Giảm nghèo bền vững: vướng mắc xác định đối tượng người có lao động thấp; hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chủ xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3.2. Sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung thực hiện CTMQG Phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng dân tộc thiểu số miền núi: Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.
3.3. Sửa đổi, bổ sung nội dung thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững: Bộ LĐTBXH đang chủ trì xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 90/QĐ-TTg.
1. Liên quan đến công tác phân bổ vốn
- Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) phối hợp với các bộ, cơ quan trung và địa phương báo cáo phương án xử lý cụ thể đối với các vướng mắc liên quan đến kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 theo đúng Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024.
- Tại Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư NSNN năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể vốn cân đối NSĐP cho từng địa phương. Theo quy định tại Luật Đầu tư công, trước ngày 31/12/2023, UBND các cấp giao kế hoạch đầu tư năm 2024 cho các đơn vị thực hiện. Vì vậy, đối với số vốn 14.539,4 tỷ đồng nguồn cân đối NSĐP chưa phân bổ của một số địa phương, đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo cấp thẩm quyền các nguyên nhân, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.
- Đối với việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số Bộ: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT khẩn trương phối với các Bộ: Giao thông vận tải, NN&PTNT, LĐTBXH để kết luận thanh tra việc các Bộ giao cơ quan không trực thuộc làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước.
2. Liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải và địa phương:
- Triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
- Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
- Đối với nguồn vật liệu cho thi công: Các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ VLXD thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
3. Liên quan đến các CTMTQG
Các chủ Chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH,...), Cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ KHĐT) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
4. Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp:
- Triển khai ngay các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm thủ tục chuyển nguồn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024, làm căn cứ tiếp tục giải ngân.
- Khẩn trương rà soát các dự án đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công sang năm 2024 theo quy định tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 06/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Tại các Nghị quyết số 104/2023/QH15 và số 105/2022/QH15 ngày 11/11/2023 của Quốc hội
[2] Không bao gồm 20.000 tỷ đồng chi đầu tư cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển không thuộc phạm vi của Luật Đầu tư công: (i) 9.653 tỷ đồng xử lý bù giá trong bao tiêu sản phẩm cho dự án lọc hóa dầu Nghị Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 của Quốc hội và (ii) 10.347 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
File gốc của Công văn 2060/BTC-ĐT tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 01, ước thực hiện 02 tháng kế hoạch năm 2024 do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Công văn 2060/BTC-ĐT tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 01, ước thực hiện 02 tháng kế hoạch năm 2024 do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 2060/BTC-ĐT |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Bùi Văn Khắng |
Ngày ban hành | 2024-02-28 |
Ngày hiệu lực | 2024-02-28 |
Lĩnh vực | Đầu tư |
Tình trạng | Còn hiệu lực |