TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1266/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2001 |
Ngày 29/12/2000, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 122/2000/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT). Sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể một số nội dung về thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT
Theo quy định tại Điều 4 Luật thuế GTGT, Điều 4 Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ, các hàng hoá nhập khẩu không thuộc diện chịu thuế GTGT được hướng dẫn chi tiết tại mục II, phần A Thông tư 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính. Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể một số điểm sau:
- Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp;
- Máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuê của nước ngoài dưới mọi hình thức dùng cho sản xuất, kinh doanh (loại trong nước chưa sản xuất được).
- Thiết bị, máy móc, phụ tùng, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư cần thiết để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; phụ tùng, khí tài máy bay, thiết bị đặc chủng chuyên dùng cho máy bay (loại trong nước chưa sản xuất được).
Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ thuộc diện không chịu thuế GTGT nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì không tính thuế GTGT cho cả dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ.
Ví dụ: Công ty Dệt A nhập khẩu một số máy dệt loại trong nước chưa sản xuất được, trong đó có cả một số mô tơ điện đồng bộ của máy dệt là loại trong nước đã sản xuất được thì mô tơ nhập khẩu đồng bộ này cũng không chịu thuế GTGT.
Để xác định thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật liệu xây dựng để hình thành tải sản cố định, phụ tùng, vật tư cần thiết để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm do, phát triển mỏ dầu khí; phụ tùng, khí tài máy bay, thiết bị đặc chủng dùng cho máy bay loại trong nước chưa sản xuất được không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các hồ sơ sau:
+ Hợp đồng nhập khẩu, nếu nhập khẩu uỷ thác phải có thêm hợp đồng uỷ thác nhập khẩu;
+ Giấy báo trúng thầu và hợp đồng bán cho các doanh nghiệp theo kết quả đấu thầu (nếu cơ sở nhập khẩu để cung cấp cho dự án trúng thầu);
+ Hợp đồng cho thuê tài chính (nếu Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu để cho doanh nghiệp thuê tài chính);
+ Xác nhận thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Giám đốc doanh nghiệp sử dụng tài sản, vật tư xây dựng nhập khẩu hoặc xác nhận của Giám đốc doanh nghiệp kể cả trường hợp nhập khẩu phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư để tiến hành hoạt động thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; phụ tùng, khí tài bay, thiết bị đặc chủng chuyên dùng cho máy bay).
Riêng đối với máy bay, giàn khoan, tầu thuỷ thuê của nước ngoài, loại trong nước chưa sản xuất được, dùng cho sản xuất, kinh doanh không phải nộp thuế GTGT, các cơ sở đi thuê chỉ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan hợp đồng thuê ký với nước ngoài.
Doanh nghiệp trong trường hợp này bao gồm các pháp nhân là doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các loại hàng hoá nhập khẩu trên thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu được xác định căn cứ vào danh mục các !oại máy móc, thiết bị phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng, vật tư, phụ tùng trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
2. Hàng hoá nhập khẩu là phim đã ghi hình, bao gồm:
+ Phim nhựa không phân biệt chủ đề, loại phim;
+ Phim tài liệu, phóng sự, khoa học ghi trên băng hình, đĩa hình, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Loại phim và chủ đề phim được xác định theo các quy định của Bộ Văn hoá và Thông tin.
Một số khái niệm tại điểm này được hiểu như sau:
- Báo in (kể cả hoạt động truyền trang báo);
- Sách giáo khoa là sách dùng để giảng dạy và học tập trong tất cả các cấp từ mầm non đến phổ thông trung học;
- Sách giáo trình là sách dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề
- Tranh, ảnh, áp phích các loại tờ rơi, tờ gấp phục vụ cho mục đích tuyên truyền, cổ động, khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ, Đảng kỳ, quốc kỳ, Đoàn kỳ, đội kỳ.
- Băng, đĩa âm thanh hoặc ghi hình ghi nội dung các loại sách trên;
4. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh nhập khẩu:
Vũ khí, khí tài (kể cả vật tư, máy móc, thiết bị phụ tùng) chuyên dùng phục vụ cho quốc phòng, an ninh nhập khẩu thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo hạn ngạch hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng không phải nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu.
Điều kiện về hồ sơ để giải quyết hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ cho quốc phòng, an ninh thuộc diện không chịu thuế GTGT, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ sở nhập khẩu phải cung cấp đầy đủ các văn bản sau đây:
+ Công văn đề nghị không thu thuế GTGT của lãnh đạo Bộ chủ quản;
+ Danh mục cụ thể về số lượng, chủng loại hàng nhập khẩu chuyên dùng cho an ninh, quốc phòng do lãnh đạo Bộ chủ quản phê duyệt đã được đăng ký và thống nhất với Bộ Tài chính từ đầu năm (chậm nhất đến hết 3l/03 hàng năm Bộ chủ quản đã phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu);
+ Giấy phép nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp (nếu có)
+ Tờ khai Hải quan hàng hoá nhập khẩu
+ Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (nếu là hợp đồng nhập khẩu uỷ thác).
Các đơn vị căn cứ vào mặt hàng thực tế nhập khẩu, đối chiếu với danh mục mặt hàng được xác nhận theo hồ sơ và kê khai của cơ sở nhập khẩu để xác định cụ thể mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh không thuộc diện chịu thuế GTGT.
Trường hợp các cơ sở kinh doanh của Bộ quốc phòng hoặc Bộ Công an đồng thời có nhập khẩu hàng hoá không thuộc đối tượng theo quy định trên đều phải tính và thu thuế GTGT theo Luật thuế GTGT.
* Đối với hàng chuyên dùng phục vụ quốc phòng thuộc đối tượng được ưu tiên đặc biệt về thủ tục Hải quan theo qui định tại Thông tư liên tịch số 3339/1998/TTLT-BQP-TCHQ ngày 21/10/1998 của Bộ quốc phòng và Tổng cục Hải quan:
Về hồ sơ làm cơ sở không thu thuế GTGT thực hiện thống nhất như hướng dẫn trên. Riêng về các thủ tục hải quan đặc biệt vẫn thực hiện theo qui định của Thông tư liên tịch số 3339/1998/BQP-TCHQ, mọi vướng mắc khi giải quyết hàng phục vụ quốc phòng nhập khẩu, yêu cầu các đơn vị kịp thời báo cáo để Tổng cục Hải quan có chỉ đạo giải quyết.
5. Hàng nhập khẩu trong các trường hợp sau:
5.1. Đối với hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, để được xét không thu thuế GTGT, khi làm thủ tục Hải quan nhập khẩu hàng hoá phải có đầy đủ các hồ sơ sau:
a) Đối với hàng viện trợ nhân đạo:
+ Văn bản của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành cho phép nhập khẩu.
+ Giấy xác nhận nhập khẩu hàng viện trợ ghi rõ hàng viện trợ nhân đạo do Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế (Bộ Tài chính) cấp;
+ Các giấy tờ khác liên quan đến việc tiếp nhận hoặc viện trợ lô hàng; hoá đơn, vận đơn, bảng kê chi tiết.
b) Đối với hàng viện trợ không hoàn lại:
+ Dự án viện trợ hoặc Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức của nước ngoài hoặc văn bản thoả thuận viện trợ hoặc thông báo viện trợ;
+ Văn bản chi phép tiếp nhận, phân phối hoặc sử dụng hàng viện trợ của Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp;
+ Giấy xác nhận hàng viện trợ không hoàn lại do Bộ Tài chính cấp.
* Riêng đối với trường hợp hàng hoá nhập khẩu thuộc nguồn vốn ODA không hoàn lại, chủ dự án hoặc nhà thầu chỉ phải nộp cho cơ quan Hải quan Giấy xác nhận viện trợ không hoàn lại (do Bộ Tài chính cấp) cùng với hồ sơ nhập khẩu.
5.2. Quà tặng cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân ở Việt Nam có giá trị từ 100 USD trở xuống, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về thủ tục không thu thuế GTGT và các quy định khác đối với đối tượng này.
Trường hợp hàng quà tặng cho các đối tượng trên có giá trị trên 100 USD không thuộc thẩm quyền giải quyết không thu thuế GTGT của cơ quan hải quan.
5.3. Hàng hoá nhập khẩu theo định lượng và một số hàng hoá thiết yếu khác mua tại các cửa hàng được phép bán miễn thuế của các đối tượng được miễn trừ ngoại giao sau:
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc đóng tại Việt Nam và người đứng đầu các cơ quan đại diện này được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ về thuế GTGT đối với các hàng hoá nhập khẩu hoặc mua tại thị trường Việt Nam.
- Các viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, viên chức của tổ chức quốc tế và nhân viên hành chính kỹ thuật của các cơ quan đại diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ về thuế GTGT đối với các hàng hoá nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam.
Các mặt hàng nhập khẩu theo định lượng của các đối tượng được miễn trừ ngoại giao, cụ thể theo quy định tại Thông tư liên Bộ 04/TT-LB ngày 12/2/1996 của liên Bộ Thương mại - Ngoại giao - Tài chính - Tổng cục Hải quan (phụ lục I và phụ lục II). Khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng trên, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu các đối tượng được miễn trừ ngoại giao xuất trình sổ mua hàng do Bộ Ngoại giao cấp; giấy chứng nhận đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao gồm các nội dung sau để giải quyết không thu thuế GTGT:
+ Tên địa chỉ tại Việt Nam của đối tượng ưu đãi miễn trừ thuế GTGT;
+ Tên hàng hoá được miễn trừ thuế GTGT;
+ Tên tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng nhập khẩu;
+ Số, ngày của hợp đồng cung cấp hàng nhập khẩu ký giữa người cung cấp và đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ thuế GTGT;
* Đối với trường hợp đối tượng được miễn trừ ngoại giao mua hàng bán tại cửa hàng bán miễn thuế:
Các đối tượng được hưởng tiêu chuẩn quyền ưu đại miễn trừ ngoại giao, được mua hàng theo định lượng do Chính phủ Việt Nam quy định, khi mua hàng miễn thuế các đối tượng này phải xuất trình sổ mua hàng kèm theo hộ chiếu hoặc chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp nếu mua hàng cho cá nhân; sổ mua hàng kèm theo công hàm hoặc giấy giới thiệu của cơ quan nếu mua hàng cho cơ quan.
Khi bán hàng nhân viên cửa hàng phải ghi đầy đủ các nội dung cơ bản trong hoá đơn bán hàng:
- Tên người mua hàng;
- Số hộ chiếu người mua hàng, ngày cấp;
- Tên hàng, số lượng, trị giá;
- Ngày, tháng, năm bán hàng;
- Tên người bán hàng.
Hoá đơn bán hàng miễn thuế cho đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, doanh nghiệp của hàng miễn thuế phải giao cho hải quan 01 liên. Sau mỗi ngày bán hàng, doanh nghiệp phải làm báo cáo bán hàng và giao cho Hải quan cửa hàng miễn thuế một bản.
Thủ tục giải quyết không thu thuế GTGT cụ thể như sau:
6.1. Hàng kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu cần có những văn bản sau:
+ Hợp đồng mua hàng, hợp đồng bán hàng (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp)
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp).
6.2. Hàng quá cảnh và mượn đường qua lãnh thổ Việt Nam cần có đủ các văn bản theo quy định tại Thông tư số 01/1999/TT/TCHQ ngày 10/5/1999 của Tổng cục Hải quan. Cụ thể như sau:
a) Đối với hàng quá cảnh đi thẳng:
+ Văn bản cho phép quá cảnh của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền (trừ quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không).
+ Bản lược khai hàng hoá;
+ Nếu hàng quá cảnh là ôtô tự hành phải thêm giấy phép lưu hành tạm thời do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có cửa khẩu nhập hàng quá cảnh cấp.
b) Đối với hàng quá cảnh phải tạm lưu kho để chờ vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc thay đổi phương tiện vận chuyển.
+ Văn bản cho phép quá cảnh của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền;
+ Vận tải đơn hoặc phiếu vận chuyển hàng hoá.
6.3. Hàng tạm nhập - tái xuất; hàng tạm xuất - tái nhập
+ Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Thương mại (hoặc cơ quan được uỷ quyền) cấp trong đó có ghi rõ hàng tạm nhập - tái xuất; hàng tạm xuất - tái nhập;
+ Hợp đồng mua bán ngoại thương với người bán và hợp đồng mua bán
+ Ngoại thương ký với người mua.
+ Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu (nếu là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác)
b) Đối với hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập để làm đại lý giao, bán hàng cho nước ngoài; Hàng hoá nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế cần có các văn bản sau:
+ Công văn của Bộ Thương mại cho phép nhập khẩu trong đó có ghi rõ hình thức kinh doanh (nhập khẩu để bán cho các máy bay nước ngoài hạ cánh tại Việt Nam, bán cho máy bay Việt Nam bay chuyến quốc tế...);
+ Hợp đồng làm đại lý giao bán hàng và hợp đồng, hoặc thoả thuận cung cấp hàng;
c) Đối với máy móc, thiết bị phương tiện vận tải do các nhà thầu nước ngoài mang vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập - tái xuất để phục vụ thi công công trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), phải có các văn bản sau:
+ Văn bản công bố trúng thầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Hợp đồng thầu;
+ Giấy phép nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp, trong đó ghi rõ tạm nhập, tái xuất phục vụ thi công;
+ Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu, xuất khẩu (nếu là nhập khẩu, xuất khẩu uỷ thác).
d) Đối với các trường hợp hàng tạm nhập - tái xuất; tạm xuất - tái nhập theo các hình thức khác như tạm nhập dụng cụ, thiết bị để giảng dạy, hết khoá học tái xuất; hàng mẫu tạm nhập để dạy nghề, sau khi hoàn tất việc dạy nghề doanh nghiệp làm thủ tục tái xuất,... phải có các văn bản sau:
+ Văn bản của Bộ Thương mại hoặc Tổng cục Hải quan cho phép nhập khẩu, trong đó ghi rõ là hàng tạm nhập, tái xuất;
+ Hợp đồng hoặc văn bản thoả thuận nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ;
+ Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu, nếu là xuất nhập khẩu uỷ thác;
+ Hợp đồng gia công/phụ kiện hợp đồng kèm bảng định mức được Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền phê duyệt.
+ Văn bản cho phép thực hiện hợp đồng gia công của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền;
6.5. Đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải có:
+ Hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu;
+ Bản đăng ký vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu;
+ Hợp đồng xuất khẩu sản phẩm.
Khi làm thủ tục nhập khẩu cho đối tượng này, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không tính thuế GTGT trên tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Trường hợp nếu quá thời hạn 275 ngày doanh nghiệp không có hàng hoá xuất khẩu thì phải kê khai nộp thuế GTGT theo quy định. Việc xử lý thu thuế GTGT trong trường hợp này không thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan.
* Để thuận tiện cho việc quản lý theo dõi, thanh khoản tờ khai đối với các đối tượng không chịu thuế GTGT nêu trên, khi làm thủ tục nhập khẩu, các doanh nghiệp khai báo tại phần thuế GTGT trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại một trong các điểm của mục II phần A Thông tư số 122/2000/TT/BTC ngày 29/12/2000.
II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ:
Căn cứ tính thuế GTGT là giá tính thuế và thuế suất.
1. Giá tính thuế GTGT:
Theo quy định tại Điều 7 Luật thuế GTGT, Điều 6 của Nghị định số 79/2000/NĐ-CP và mục I phần B Thông tư số 122/2000/TT/BTC, giá tính thuế GTGT của hàng hoá nhập khẩu là giá nhập khẩu tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu; giá nhập khẩu tại cửa khẩu làm căn cứ tính thuế GTGT được xác định theo các nguyên tắc quy định về giá tính thuế nhập khẩu (kể cả về tỷ giá).
Ví dụ: Cơ sở nhập khẩu ti vi nguyên chiếc, giá tính thuế nhập khẩu là 2.000.000 đ/chiếc, thuế suất thuế nhập khẩu là 30%:
- Thuế nhập khẩu phải nộp:
2.000.000 đ x 30% = 600.000 đ
- Giá tính thuế GTGT là:
2.000.000 đ + 600.000 đ = 2.600.000 đ
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá hàng hoá nhập khẩu cộng với (+) thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.
2. Thuế suất thuế GTGT
Theo quy định tại Điều 8 Luật thuế GTGT, Điều 7 Nghị định số 79/2000/NĐ-CP của Chính phủ, việc áp dụng thuế suất thuế GTGT được quy định cụ thể tại mục II phần B Thông tư số 122/2000/TT/BTC của Bộ Tài chính.
Mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thực hiện theo Biểu thuế suất thuế GTGT theo danh mục hàng hoá nhập khẩu và bản hướng dẫn áp dụng Biểu thuế suất thuế GTGT theo danh mục hàng hoá nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 122/2000/TT/BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính.
III. KÊ KHAI, TÍNH THUẾ, NỘP THUẾ
1. Kê khai, tính thuế GTGT: Người nhập khẩu có hàng hoá nhập khẩu chịu thuế GTGT phải kê khai, tính thuế GTGT theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai, tính thuế nhập khẩu trên tờ khai hải quan và nộp tờ khai cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.
2. Nộp thuế GTGT:
Người nhập khẩu hàng hoá phải nộp thuế GTGT hàng hoá nhập khẩu theo từng lần nhập khẩu. Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế GTGT hàng hoá nhập khẩu thực hiện theo thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế nhập khẩu.
Đối với hàng hóa không phải nộp thuế nhập khẩu hoặc có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% thì thời hạn phải kê khai, nộp thuế GTGT thực hiện như quy định đối với hàng hoá phải nộp thuế nhập khẩu.
Đối với hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch, nhập khẩu tiểu ngạch biên giới thuộc đối tượng chịu thuế GTGT phải kê khai, nộp thuế GTGT ngay khi nhập khẩu.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện không phải nộp thuế GTGT khi nhập khẩu như: nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, quà biếu, quà tặng, hàng viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại.v.v. nếu đem bán hoặc xuất dùng vào mục đích khác phải kê khai, nộp thuế GTGT với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở như quy định đối với hàng hoá do cơ sở kinh doanh.
1. Xử lý vi phạm về thuế
Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế GTGT bị xử lý như sau:
1.1. Không thực hiện đúng những quy định về thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế và giữ chứng từ hoá đơn liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
1.2. Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp.
1.3. Khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật thuế GTGT, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lậu. Cụ thể một số trường hợp:
- Không khai báo hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
- Khai báo sai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu so với thực tế xuất khẩu, nhập khẩu như sai tên hàng, giá, số lượng, chủng loại, phẩm cấp, chất lượng, xuất xứ hàng...;
- Lập hồ sơ chứng từ mua bán giả, cung cấp không đầy đủ, sai lệch hồ sơ có liên quan đến việc tính thuế cho cơ quan Hải quan;
- Khai báo sai mục đích, thực trạng hàng hoá để được áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT, giảm thuế GTGT;
- Sử dụng hàng hoá khác với mục đích đã được áp dụng là đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng cố tình không khai báo để kê khai nộp thuế;
Trường hợp trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn có hành vi tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1.4. Không nộp thuế, nộp phạt sẽ bị xử lý như sau:
a) Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt;
Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách Nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ;
b) Giữ hàng hoá, tang vật của đối tượng nộp thuế, nộp phạt để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt;
c) Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.
d) Cơ quan hải quan không cho phép làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cho các lô hàng tiếp theo của đối tượng nộp thuế cho đến khi đối tượng đó nộp đủ tiền thuế, tiền phạt thuế tiền phạt.
Việc xử lý các vi phạm về thuế GTGT nói trên được thực hiện theo các thủ tục, trình tự quy định tại các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm về thuế.
2. Thẩm quyền xử lý vi phạm về thuế.
Cơ quan Hải quan các cấp, khi phát hiện các đối tượng nộp thuế vi phạm về Luật thuế GTGT, phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ, nguyên nhân vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định. Căn cứ vào các quy định và mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cơ quan hải quan trong phạm vi thẩm quyền xử phạt vi phạm của từng cấp mà ra quyết định xử phạt hoặc kiến nghị lên cơ quan hải quan cấp trên hoặc cơ quan pháp luật xử lý theo thẩm quyền quy định, cụ thể như sau:
- Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý thu thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp thuế quy định tại tiết 1.1 , tiết 1.2 và xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại tiết 1.3, điểm 1, mục IV công văn này.
- Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu được áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại tiết 1.4 điểm 1 mục IV công văn này.
V. KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU THI HÀNH
1. Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế trong việc khiếu nại về Thuế:
Theo quy định Điều 23 của Luật thuế GTGT, đối tượng nộp thuế có quyền khiếu nại việc cán bộ hải quan, cơ quan hải quan thi hành không đúng luật thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu.
Đơn khiếu nại phải gửi cơ quan phát hành thông báo thuế hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thuế hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, tổ chức, cá nhân khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo. Nếu tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi đơn chưa nhận được ý kiến giải quyết thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại lên Tổng cục Hải quan. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm giải quyết xong đơn khiếu nại của đối tượng nộp thuế.
Nếu tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của Tổng cục Hải quan hoặc quá thời hạn giải quyết theo quy định mà chưa nhận được ý kiến giải quyết của Tổng cục Hải quan thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài chính thì quyết định xử lý khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.
Thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện và việc xem xét, giải quyết phải thực hiện đúng theo các quy định pháp luật hiện hành.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan trong việc giải quyết khiếu nại về thuế GTGT:
Cơ quan hải quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của đối tượng nộp thuế đúng thời hạn quy định tại Điều 24 của Luật thuế GTGT. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian, thì cần thông báo cho đương sự biết, nhưng thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho đương sự biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra phát hiện và kết luận có sự nhầm lẫn về thuế dẫn đến số thuế thực tế phải nộp tăng thì cơ quan hải quan có trách nhiệm truy thu số tiền thuế, tiền phạt tính không đúng trong thời hạn một năm về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn về thuế.
Việc áp dụng thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 122/2000/TT/BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính được hướng dẫn cụ thể tại công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2001.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo để Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết và thực hiện.
| Hoả Ngọc Tâm (Đã ký) |
File gốc của Công văn 1266/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 122/TT-BTC đang được cập nhật.
Công văn 1266/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 122/TT-BTC
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 1266/TCHQ-KTTT |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Hoả Ngọc Tâm |
Ngày ban hành | 2001-04-03 |
Ngày hiệu lực | 2001-01-01 |
Lĩnh vực | Đầu tư |
Tình trạng | Còn hiệu lực |