Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
Điều 11. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư. lập, thẩm định và phê duyệt dự án và đối với dự án phát triển nhà ở xã hội
1. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này):
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các trường hợp sau đây:
- Dự án thuộc mọi nguồn vốn có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên.
- Dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, không phân biệt quy mô sử dụng đất.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng đối với các trường hợp sau đây:
- Dự án thuộc mọi nguồn vốn có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha (trừ dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương quy định tại Điểm a Khoản này).
- Dự án thuộc mọi nguồn vốn (trừ dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương quy định tại Điểm a Khoản này) có diện tích đất dưới 20 ha, nhưng có quy mô từ 2.500 căn hộ trở lên.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án còn lại.
d) Thời gian thẩm định và ban hành quyết định chấp thuận đầu tư quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này tối đa không vượt quá 45 ngày. thời gian ban hành văn bản góp ý tối đa không vượt quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin chấp thuận đầu tư.
2. Chủ đầu tư dự án phải có hồ sơ xin chấp thuận đầu tư đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này xem xét, quyết định chấp thuận đầu tư trước khi tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án.
3. Trường hợp dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách mà áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư. Khi thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bổ sung các nội dung yêu cầu nêu tại Khoản 4 Điều này trong hồ sơ dự thầu.
4. Quyết định chấp thuận đầu tư quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên dự án (dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập hoặc dự án phát triển nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20%).
- Tên chủ đầu tư.
- Mục tiêu đầu tư và hình thức đầu tư.
- Địa điểm dự án. diện tích và ranh giới sử dụng đất, quy mô dân số.
- Tổng mức đầu tư và các nguồn vốn đầu tư của dự án.
- Các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng hiện hành.
- Tổng diện tích sàn nhà ở của toàn bộ dự án, diện tích sàn của từng loại nhà ở, kể cả nhà ở thương mại (nếu có). số lượng căn hộ từng loại nhà ở trong phạm vi dự án.
- Diện tích sử dụng công cộng, gồm: Chỗ để xe, khu vực sinh hoạt cộng đồng, diện tích kinh doanh dịch vụ (nếu có).
- Phương án tiêu thụ sản phẩm, gồm: Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. số lượng và diện tích nhà ở xã hội dành để bán, cho thuê, cho thuê mua.
- Quyền lợi, nghĩa vụ của chủ đầu tư và trách nhiệm của chính quyền địa phương. các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi mà dự án được hưởng.
- Thời gian, tiến độ thực hiện dự án.
5. Hồ sơ xin chấp thuận đầu tư, gồm:
a) Đơn xin chấp thuận đầu tư.
b) Bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
c) Phần thuyết minh hồ sơ và bản vẽ thiết kế có liên quan.
d) Nội dung đề nghị xin chấp thuận đầu tư.
Giao Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể nội dung hồ sơ và trình tự, thủ tục thực hiện xin chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội quy định tại Điều này.
6. Việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng.
7. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ thì không phải lập dự án nhưng phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về xây dựng nhà ở riêng lẻ. khảo sát, thiết kế và xây dựng nhà ở riêng lẻ. quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng.
b) Phù hợp với điều kiện quy định về nhà ở xã hội của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.
c) Có phương án đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét để được hưởng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể trên cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện của từng địa phương để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.