ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 06 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM TỔ CHỨC DỊCH VỤ MANG THƯ RA NƯỚC NGOÀI VÀ MANG THƯ TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM KHÔNG HỢP PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Từ năm 1990 trở lại đây, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số tổ chức của Trung ương, địa phương và một số cá nhân hợp tác, liên doanh với các tổ chức nước ngoài mở dịch vụ mang thư ra nước ngoài, mang thư từ nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh không hợp pháp. Để thực hiện Chỉ thị 175/CT ngày 20/5/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và văn bản hướng dẫn thực hiện số 2229/BĐ ngày 11/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải- Bưu điện, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị :
1- Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Bưu điện thành phố, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân mở dịch vụ mang thư ra nước ngoài và mang thư từ nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh dưới các hình thức thư nhanh, thư hồi âm, nhắn tin, báo tin thư video, tài liệu, thương mại, giao dịch v.v... mà chưa được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Thư nói trong chỉ thị này bao gồm những giấy tờ, tài liệu viết tay, đánh máy sao hoặc in, ghi băng v.v... bằng ngôn ngữ viết, chữ số, ký hiệu, băng âm thanh, băng hình có nội dung thông tin riêng.
2- Các tổ chức, cá nhân trong nước, các tổ chức liên doanh hay tổ chức nước ngoài có trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh muốn mở các dịch vụ kể trên phải liên hệ với Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh để có sự xem xét và hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thủ tục xin phép.
Việc chuyển nhận thư bằng facximin phải thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước, thể lệ Bưu điện và qui định cụ thể về việc lắp đặt, sử dụng của Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh.
3- Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa thông tin và các báo, đài ở thành phố tổ chức một đợt tuyên truyền, giải thích sâu rộng Chỉ thị 175/CT và các văn bản pháp luật liên quan của Nhà nước trong lĩnh vực thư tín và dịch vụ nhận, chuyển, phát thư tín, đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh đảm bảo an ninh quốc gia trong lĩnh vực này.
4- Trong tháng 6 và 7/1992, thành lập một đoàn kiểm tra gồm đại diện Công an thành phố, Hải quan thành phố, Sở Ngoại vụ, Sở Kinh tế đối ngoại, Bưu điện thành phố do Giám đốc Bưu điện làm Trưởng đoàn để kiểm tra, thống kê và nắm chắc tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân ở thành phố hiện đang làm dịch vụ mang thư ra nước ngoài, mang thư từ nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh không hợp pháp, báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố để xử lý theo pháp luật.
5- Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các cảng biển quốc tế, Bưu điện thành phố dán thông báo và đặt hộp thư tại nơi làm thủ tục hải quan để hành khách và các chủ hàng tự giác bỏ thư mang theo không hợp pháp vào hộp thư.
Hải quan và Công an cửa khẩu có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì phải giữ lại tang vật và báo cho Bưu điện thành phố để cùng xử lý. Đối với những vi phạm nhỏ thì xử lý phạt vi phạm hành chính ; nếu vi phạm nghiêm trọng, phải lập biên bản và thủ tục giữ tang vật và người phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.
6- Bưu điện thành phố cần mở rộng mạng lưới, cải tiến tổ chức và phong cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, mở thêm dịch vụ bưu chính mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng Bưu điện của các cơ quan, tổ chức và nhân dân thành phố. Đối với các tổ chức đang làm dịch vụ này, một mặt đình chỉ hoạt động không hợp pháp của họ, mặt khác cần nghiên cứu khả năng của từng tổ chức, nếu có thể sử dụng dưới những hình thức thích hợp và hợp pháp theo các quy định hiện hành.
7- Trong lúc chờ đợi Hội đồng Bộ trưởng quy định mức phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân mang thư ra nước ngoài và mang thư từ nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh không hợp pháp, được sự nhất trí của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố tạm thời qui định phạt gấp 3 (ba) lần giá cước thư chuyển, phát nhanh EMS (Express Mail Service) từ nước gởi đến nước nhận cho mỗi thư mang không hợp pháp. Nếu tái phạm thì áp dụng mức phạt gấp 10 (mười) lần giá cước như trên.
Bưu điện thành phố được quyết định phạt đến 2 triệu đồng. Trên mức này Bưu điện thành phố chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xử phạt.
Tiền thu phạt nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trích 15% tổng số tiền phạt để phục vụ cho chi phí hoạt động và khen thưởng cho người có công phát hiện vi phạm.
Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý hành chánh Nhà nước về Bưu chính viễn thông ở thành phố, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Hải quan và các cơ quan pháp luật khác của thành phố làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện chỉ thị này. Hàng tháng, Bưu điện thành phố phải báo cáo với Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện và những vướng mắc để giải quyết kịp thời.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các tổ chức, cơ quan và nhân dân thành phố nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị số 175/CT ngày 20/5/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản có liên quan đến chỉ thị trên./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 27/CT-UB năm 1992 về việc nghiêm cấm tổ chức dịch vụ mang thư ra nước ngoài và mang thư từ nước ngoài vào Việt Nam không hợp pháp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 27/CT-UB năm 1992 về việc nghiêm cấm tổ chức dịch vụ mang thư ra nước ngoài và mang thư từ nước ngoài vào Việt Nam không hợp pháp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 27/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Nguyễn Văn Huân |
Ngày ban hành | 1992-06-29 |
Ngày hiệu lực | 1992-06-29 |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
Tình trạng | Hết hiệu lực |