Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
2. Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng quy định về quản lý giá của giao dịch liên kết, bao gồm cả Cơ quan thuế của quốc gia, vùng lãnh thổ có Hiệp định thuế đang còn hiệu lực với Việt Nam.
...
Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết
1. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với giá giao dịch liên kết theo quy định của pháp luật thuế.
2. Cơ quan thuế căn cứ các nguyên tắc phân tích so sánh, nguyên tắc và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được quy định tại Nghị định này và các thông tin kê khai nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết để thực hiện ấn định thuế trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ: Việc ấn định doanh thu, chi phí hoặc thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế được thực hiện theo các nguyên tắc phân tích so sánh, phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và cơ sở dữ liệu sử dụng trong quản lý giá giao dịch liên kết quy định tại Nghị định này.
b) Các trường hợp khác: Việc ấn định thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế theo quy định về ấn định thuế đối với doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ hoặc các quy định xử lý vi phạm về thuế.
3. Cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá. tỷ suất lợi nhuận. tỷ lệ phân bổ lợi nhuận được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết trong kỳ tính thuế căn cứ các thông tin, dữ liệu và phân tích đánh giá của Cơ quan thuế, trong các trường hợp người nộp thuế có các hành vi vi phạm pháp luật về xác định giá giao dịch liên kết sau:
a) Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Mẫu số 02, Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không xuất trình Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các dữ liệu, chứng từ và tài liệu được sử dụng làm căn cứ phân tích so sánh, xác định giá tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo yêu cầu của Cơ quan thuế trong thời hạn theo quy định tại Nghị định này.
c) Người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết.
d) Người nộp thuế có hành vi vi phạm các quy định về xác định giá giao dịch liên kết tại Điều 11 Nghị định này.
4. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin do người nộp thuế cung cấp liên quan đến việc xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này. Việc cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định giá giao dịch liên kết có phát sinh vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến các ngành, lĩnh vực chuyên ngành, Cơ quan thuế lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, cụ thể:
a) Cơ quan quản lý chuyên ngành, các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành.
b) Cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến xác định giá giao dịch liên kết cho các cơ quan, tổ chức chuyên ngành được lấy ý kiến. Các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
6. Cơ quan thuế trao đổi thông tin với người nộp thuế và Cơ quan thuế đối tác theo thủ tục thẩm vấn trước, trong và sau quá trình thanh tra, kiểm tra giá giao dịch liên kết như sau:
a) Trường hợp qua việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với giá giao dịch liên kết, Cơ quan thuế thấy cần thiết trao đổi thông tin trước với người nộp thuế về Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế, Cơ quan thuế gửi công văn đề nghị tổ chức tham vấn với người nộp thuế để trao đổi, cung cấp trước các thông tin về Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo quy định tại Nghị định này.
b) Trường hợp Cơ quan thuế cần thực hiện việc liên lạc, trao đổi với Cơ quan thuế đối tác về Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và các thông tin liên quan khác thực hiện theo quy định tại điều khoản về thủ tục thỏa thuận song phương và trao đổi thông tin tại Hiệp định thuế có liên quan. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc tạm dừng thanh tra, kiểm tra để tiến hành trao đổi thông tin với Cơ quan thuế đối tác theo quy định của pháp luật thuế.
c) Cơ quan thuế có trách nhiệm tạo điều kiện cho người nộp thuế chứng minh, giải trình về số liệu, dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập sử dụng trong Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
7. Trường hợp Cơ quan thuế ký Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá với người nộp thuế, Cơ quan thuế có trách nhiệm:
a) Thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
b) Quản lý, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá của người nộp thuế theo quy định.