Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 14. Kiểm tra hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
1. Khi kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan kiểm tra để xác định các tiêu chí phải được khai đầy đủ trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các tiêu chí khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải phù hợp với chứng từ khác trong hồ sơ hải quan. Người khai hải quan không được tự ý sửa chữa các nội dung trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, trừ trường hợp việc sửa chữa do chính cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện theo quy định pháp luật và quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp hoặc phát hành theo các hình thức sau:
a) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư này ở dạng chứng từ giấy hoặc điện tử.
b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải ở dạng chứng từ giấy.
3. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có chữ ký của người sản xuất hoặc người xuất khẩu, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp dưới dạng điện tử truyền qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Điều 15. Kiểm tra nội dung trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
1. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, cơ quan hải quan kiểm tra việc khai đầy đủ các tiêu chí sau trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
a) Người xuất khẩu.
b) Người nhập khẩu.
c) Phương tiện vận tải.
d) Mô tả hàng hóa, mã số hàng hóa.
đ) Số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa.
e) Nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ xuất xứ hàng hóa.
g) Ngày/tháng/năm cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
h) Chữ ký trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam, cơ quan hải quan kiểm tra các tiêu chí phải được khai đầy đủ, hợp lệ trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo đúng mẫu quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp cho cả lô hàng nhưng chỉ nhập khẩu một phần của lô hàng thì cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với phần hàng hóa thực nhập khẩu.
4. Trường hợp số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế hàng hóa nhập khẩu vượt quá số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận cho hưởng ưu đãi đối với số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
5. Đối với hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành, cơ quan hải quan kiểm tra trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa các thông tin về tên, nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ của Công ty phát hành hóa đơn bên thứ ba và thông tin về hóa đơn bên thứ ba theo quy định tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
6. Các trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp có sai sót nhỏ hoặc khác biệt nhỏ giữa nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan nếu những sai sót, khác biệt này phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu, gồm:
a) Lỗi chính tả hoặc đánh máy không làm thay đổi nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
b) Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng “x” hay “√”.
c) Khác biệt nhỏ giữa chữ ký trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chữ ký mẫu.
d) Khác biệt về đơn vị đo lường trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (như tờ khai hải quan, hóa đơn, vận tải đơn).
đ) Sự khác biệt giữa khổ giấy của C/O nộp cho cơ quan hải quan với mẫu C/O theo quy định.
e) Sự khác biệt về màu mực của các nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
g) Sự khác biệt nhỏ trong mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ khác.
h) Sự khác biệt mã số trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa và hàng hóa thực tế nhập khẩu phải phù hợp với mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
i) Các khác biệt nhỏ khác theo thỏa thuận tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được Tổng cục Hải quan thông báo.