BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 151/1998/TTLT-BTC-BYT | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1998 |
Căn cứ vào Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế, liên Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế như sau:
1. Chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) quy định tại Thông tư này áp dụng đối với hệ thống Bảo hiểm y tế Việt Nam, bao gồm:
- Bảo hiểm y tế Việt Nam.
- Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHYT tỉnh), Bảo hiểm y tế ngành trực thuộc BHYT Việt Nam.
- Chi nhánh bảo hiểm y tế quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chi nhánh Bảo hiểm y tế huyện).
2. Quỹ BHYT được hình thành từ các nguồn: tiền đóng BHYT, một phần tiền sinh lời từ hoạt động bảo toàn, tăng trưởng quỹ và thu khác. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống Bảo hiểm y tế Việt Nam, hạch toán độc lập với Ngân sách Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ.
3. Quỹ BHYT dùng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, chi quản lý bộ máy của hệ thống Bảo hiểm y tế Việt Nam.
4. Trong giai đoạn đầu, hệ thống BHYT Việt Nam được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm được duyệt.
5. Hệ thống BHYT Việt Nam mở tài khoản tiền gửi quỹ BHYT tại các Ngân hàng Thương mại quốc doanh. Số tiền dư trên các tài khoản gửi tiền của hệ thống BHYT ở ngân hàng Thương mại quốc doanh được hưởng lãi theo mức lãi suất tiền gửi quy định.
6. Tiền tạm thời nhàn rỗi (nếu có) của quỹ BHYT được mua tín phiếu, trái phiếu do Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại quốc doanh phát hành và được thực hiện các biện pháp khác nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHYT nhưng phải đảm bảo nguồn chi trả khi cần thiết.
Quỹ BHYT bắt buộc được hình thành từ các nguồn sau đây:
- Tiền đóng BHYT của các đối tượng bắt buộc quy định tại Điều 2 của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ.
- Một phần tiền sinh lời từ hoạt động bảo toàn và tăng trưởng quỹ (bao gồm cả lãi tiền gửi Ngân hàng).
- Thu từ tài trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Lãi của số tiền chậm nộp BHYT.
- Thu khác (nếu có).
1. Thu BHYT bắt buộc theo Điều 12, Điều 13 của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ.
2. Cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý kinh phí của đối tượng tham gia BHYT có trách nhiệm trích trước tiền đóng BHYT phần do cơ quan, đơn vị đóng và thu tiền đóng BHYT của người lao động để nộp vào quỹ BHYT đầy đủ, kịp thời đúng quy định theo định kỳ ít nhất 3 tháng một lần. Cơ quan BHYT có thể ký hợp đồng nhờ thu BHYT với cơ quan Tài chính, cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan. BHYT Việt Nam được hạch toán vào chi phí quản lý bộ máy của hệ thống BHYT để chi trả lệ phí thu BHYT bằng 0,1% đến 0,5% tổng số tiền thu BHYT. Tổng giám đốc BHYT Việt Nam quyết định tỷ lệ chi trả lệ phí thu BHYT đối với từng đối tượng, khu vực cụ thể. Cơ quan BHYT và cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng về việc nộp tiền và cấp thẻ BHYT dài hạn nhưng phải đảm bảo không để thất thoát nguồn thu.
3. Bảo hiểm y tế các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thu BHYT của tất cả các đối tượng tham gia BHYT đúng kỳ, đủ số lượng theo đúng quy định.
4. Trường hợp cơ quan, đơn vị quản lý kinh phí, người sử dụng lao động chậm nộp tiền BHYT thì phải nộp:
- Số tiền đóng BHYT mà cơ quan, đơn vị quản lý kinh phí, người sử dụng lao động và người lao động chưa nộp. Số tiền truy thu này được chuyển vào quỹ BHYT. Trong thời gian chậm nộp thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm dùng kinh phí của cơ quan đơn vị mình để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh thuộc cơ quan đơn vị mình quản lý theo giá viện phí.
- Lãi của số tiền chậm nộp tính theo lãi suất tiền vay quá hạn theo quy định của Ngân hàng Thương mại quốc doanh tại thời điểm truy nộp. Số tiền lãi này được chuyển vào quỹ dự phòng khám, chữa bệnh.
5. Bảo hiểm y tế Việt Nam thống nhất quản lý thu BHYT trong toàn ngành. Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam có trách nhiệm quy định cụ thể việc quản lý thu BHYT trong toàn ngành.
C. PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU BHYT BẮT BUỘC:
Tiền thu BHYT của đối tượng tham gia BHYT bắt buộc được phân phối và sử dụng như sau:
1. Chi khám, chữa bệnh bằng 91,5% số tiền thu BHYT được sử dụng hàng năm, trong đó:
- Quỹ khám, chữa bệnh để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT bằng 86,5%.
- Quỹ dự phòng khám, chữa bệnh tại BHYT Việt Nam bằng 5%.
2. Chi cho hoạt động quản lý bộ máy của hệ thống BHYT Việt Nam bằng 8,5% số tiền thu BHYT được sử dụng hàng năm.
D. NỘI DUNG CHI QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ BẮT BUỘC BAO GỒM:
1. Chi quỹ khám, chữa bệnh.
a) Bảo hiểm y tế tỉnh, ngành được sử dụng 86,5% số tiền thu BHYT được sử dụng trong năm để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT do tỉnh, ngành quản lý và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh đúng mục đích, đúng chế độ, đảm bảo cân đối thu chi quỹ khám, chữa bênh BHYT.
Đến cuối năm, nếu quỹ khám, chữa bệnh có kết dư thì được chuyển vào quỹ dự phòng khám, chữa bệnh của BHYT tỉnh, ngành. Trường hợp chi phí khám, chữa bệnh trong năm vượt quá khả năng thanh toán của quỹ khám, chữa bệnh tại BHYT tỉnh, ngành thì được bổ xung từ quỹ dự phòng khám, chữa bệnh.
b) Chi phí khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT được thanh toán như sau:
- Cơ quan BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí đối với đối tượng ưu đãi xã hội quy định tại pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
- Cơ quan BHYT chi trả 80% chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí, 20% chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí còn lại, người bệnh tự trả cho cơ sở khám chữa bệnh đối với các đối tượng không thuộc diện ưu đãi xã hội như quy định trên. Số tiền 20% chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí người bệnh tự trả cho cơ sở khám, chữa bệnh trong năm tối đa chỉ bằng 6 tháng lương tối thiểu. Nếu vượt quá 6 tháng lương tối thiểu thì các chi phí khám, chữa bệnh tiếp theo trong năm sẽ được cơ quan BHYT thanh toán toàn bộ.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A là người có thẻ BHYT, trong năm ông A đi khám chữa bệnh 3 lần và khám chữa bệnh theo đúng chế độ BHYT; mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành là 144.000đ/tháng. Tổng số tiền 20% theo giá viện phí mà ông A phải trả tối đa trong năm là:
144.000 đ/tháng x 6 tháng = 864.000 đ.
Lần khám, chữa bệnh thứ nhất:
Chi phí khám, chữa bệnh của ông A theo giá viện phí là: 2.500.000 đ
+ Ông A phải thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh là:
20% x 2.500.000 đ = 500.000 đ
+ Cơ quan BHYT thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh là:
80% x 2.500.000 đ = 2.000.000 đ
Lần khám chữa bệnh thứ hai:
Chi phí khám, chữa bệnh của ông A theo giá viện phí là: 3.000.000 đ
+ 20% chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí là:
20% x 3.000.000 = 600.000 đ
Nhưng lần khám, chữa bệnh thứ nhất, ông A đã phải tự thanh toán 500.000đ nên lần khám, chữa bệnh thứ 2 này ông A chỉ phải trả chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí tối đa là:
864.000 đ - 500.000 đ = 364.000 đ
+ Cơ quan BHYT thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh 80% chi phí khám, chữa bệnh là:
80% x 3.000.000đ = 2.400.000 đ
Đồng thời, cơ quan BHYT phải thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh phần còn lại trong khoản 20% chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí lần 2 mà ông A không phải trả là:
600.000 đ - 364.000 đ = 236.000 đ
Như vậy tổng số tiền mà cơ quan BHYT phải thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh lần thứ 2 là:
2.400.000 + 236.000 đ = 2.636.000 đ
Lần khám, chữa bệnh thứ ba:
Chi phí khám chữa bệnh của ông A theo giá viện phí là: 5.000.000 đ
+ Ông A không phải thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh
+ Cơ quan BHYT thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh: 5.000.000 đ
- Người có thẻ BHYT chỉ được hưởng chế độ BHYT theo quy định trên khi:
+ Khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế đã đăng ký trên thẻ để quản lý và chăm sóc sức khoẻ.
+ Khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế khác theo giới thiệu chuyển viện phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.
+ Khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào của Nhà nước trong trường hợp cấp cứu.
c) Trường hợp khám, chữa bệnh theo yêu cầu riêng của bệnh nhân: tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh, tự chọn cơ sở khám, chữa bệnh, tự chọn các dịch vụ y tế; khám, chữa bệnh vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế mà không có giấy giới thiệu chuyển viện; khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế không có hợp đồng với cơ quan BHYT (trừ trường hợp cấp cứu) thì cơ quan BHYT chỉ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo giá viện phí tại tuyến chuyên môn kỹ thuật phù hợp theo quy định của Bộ Y tế và theo quy định tại điểm b, khoản 1, Phần D này. Phần chênh lệch tăng thêm (nếu có) do người có thẻ BHYT tự trả cho cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Quản lý và sử dụng quỹ dự phòng khám, chữa bệnh.
Bảo hiểm y tế Việt Nam thống nhất quản lý quỹ dự phòng khám, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là quỹ dự phòng) bao gồm quỹ dự phòng tại BHYT tỉnh, ngành và quỹ dự phòng tại BHYT Việt Nam.
a) Nguồn hình thành quỹ dự phòng.
- Quỹ dự phòng tại BHYT tỉnh, ngành được hình thành từ các nguồn sau:
+ Số kết dư quỹ khám, chữa bệnh hàng năm.
+ Một phần của số lãi tiền gửi Ngân hàng và tiền sinh lời do hoạt động bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHYT.
+ Lãi của số tiền chậm nộp khi truy thu BHYT.
- Quỹ dự phòng tại BHYT Việt Nam được hình thành từ các nguồn sau:
+ 5% số tiền thu BHYT của toàn hệ thống bảo hiểm Y tế.
+ Một phần của số lãi tiền gửi ngân hàng và tiền sinh lời do hoạt động bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHYT.
+ Tiền điều tiết từ quỹ dự phòng tại BHYT tỉnh, ngành trong trường hợp cần thiết.
+ Một phần kết dư (nếu có) của kinh phí quản lý bộ máy của hệ thống BHYT.
b) Quản lý và sử dụng quỹ dự phòng.
Trong trường hợp chi phí khám, chữa bệnh trong năm của BHYT tỉnh, ngành do nguyên nhân khách quan vượt quá quỹ khám, chữa bệnh (86,5%) thì BHYT tỉnh, ngành được sử dụng quỹ dự phòng tại BHYT tỉnh, ngành để bù đắp sau khi có ý kiến bằng văn bản của BHYT Việt Nam. Trường hợp đã sử dụng hết quỹ dự phòng tại BHYT tỉnh, ngành mà vẫn chưa đủ bù đắp thiếu hụt thì được xem xét cấp bổ sung từ quỹ dự phòng tại BHYT Việt Nam, nhưng mức tối đa chỉ bằng 5% tổng số tiền thu BHYT của tỉnh, ngành mà BHYT tỉnh, ngành đó đã nộp về quỹ dự phòng của BHYT Việt Nam. Trường hợp đặc biệt nếu quỹ dự phòng tại BHYT Việt Nam đã sử dụng hết mà chi phí khám, chữa bệnh vẫn vượt quá khả năng thanh toán thì BHYT Việt Nam lập tờ trình báo cáo liên Bộ Y tế và Tài chính để giải quyết.
c) Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam quy định nguyên tắc, thủ tục và quyết định việc sử dụng quỹ dự phòng. Trường hợp cần phải điều tiết quỹ dự phòng giữa các BHYT tỉnh, ngành và điều tiết quỹ dự phòng từ BHYT tỉnh, ngành về BHYT Việt Nam thì phải được Hội đồng quản lý BHYT Việt Nam thông qua.
3. Chi phí quản lý bộ máy của hệ thống BHYT Việt Nam.
a) Hệ thống BHYT Việt Nam được trích 8,5% số tiền thu BHYT được sử dụng hàng năm để chi cho hoạt động quản lý bộ máy của toàn hệ thống BHYT, BHYT Việt Nam quản lý tập trung, cân đối và điều tiết việc sử dụng quỹ này trong hệ thống BHYT. Cuối năm, nếu quỹ quản lý có kết dư thì số kết dư được phân bổ như sau:
- Một phần chuyển vào quỹ khen thưởng, phúc lợi để đảm bảo quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 3 tháng quỹ tiền lương thực tế của toàn hệ thống BHYT (Trường hợp quỹ khen thưởng, phúc lợi không đủ).
- Phần còn lại chuyển vào quỹ dự phòng khám chữa bệnh tại BHYT Việt Nam.
b) Căn cứ vào kế hoạch thu BHYT được Hội đồng Quản lý BHYT Việt Nam thông qua và tình hình thực tế thực hiện, hàng quý BHYT Việt Nam được tạm trích quỹ quản lý BHYT để phân bổ và cấp phát kinh phí cho các đơn vị hoạt động theo dự toán đã được duyệt. Việc phân bổ kinh phí cho các đơn vị tùy thuộc vào tính chất nhiệm vụ, quy mô tổ chức bộ máy đã được phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc tổng kinh phí quản lý phân bổ không vượt quá tổng quỹ quản lý của hệ thống BHYT Việt Nam và khuyến khích nâng cao hiệu quả hoạt động của từng đơn vị trực thuộc. Kết thúc năm, căn cứ số liệu quyết toán thu BHYT để xác định chính thức số được trích quỹ quản lý; nếu số đã trích vượt quá mức được trích thì phải trừ vào kế hoạch của năm sau; nếu số đã trích nhỏ hơn số được trích thì sẽ được trích thêm. Số trích thêm dùng để:
- Chuyển một phần vào quỹ khen thưởng, phúc lợi để đảm bảo quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 3 tháng quỹ tiền lương thực tế của toàn hệ thống BHYT (Trường hợp quỹ khen thưởng, phúc lợi không đủ).
- Chuyển một phần vào quỹ quản lý năm sau tương ứng với nhiệm vụ quản lý của năm trước mà phải thực hiện vào năm sau.
- Phần còn lại chuyển vào quỹ dự phòng khám chữa bệnh tại BHYT Việt Nam.
c) Căn cứ vào kế hoạch chi quản lý bộ máy của hệ thống BHYT, BHYT Việt Nam xét duyệt dự toán chi quản lý bộ máy của BHYT các tỉnh, ngành thông báo và cấp phát trực tiếp kinh phí quản lý bộ máy cho BHYT tỉnh, ngành.
d) Nội dung chi quản lý bộ máy của hệ thống BHYT Việt Nam theo định mức, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước quy định. Những khoản chi đặc thù của hệ thống BHYT, Bảo hiểm y tế Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
e) Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam quy định cụ thể việc lập, xét dự toán, phân bổ dự toán được duyệt, cấp phát và quyết toán kinh phí quản lý bộ máy cho các đơn vị trực thuộc trong hệ thống BHYT.
4. Chi đầu tư cơ sở vật chất.
a) Kinh phí chi đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống BHYT Việt Nam được ngân sách Nhà nước đầu tư theo dự toán hàng năm. Ngoài ra trong một số năm đầu được trích 50% số lãi tiền gửi Ngân hàng và 50% số tiền sinh lời do hoạt động bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHYT đem lại để bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất toàn ngành.
b) Khi tiến hành đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp và bằng nguồn vốn trích từ khoản tiền lãi và tiền sinh lời, BHYT Việt Nam phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước.
E. HOẠT ĐỘNG BẢO TOÀN VÀ TĂNG TRƯỞNG QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ:
1. Hệ thống BHYT Việt Nam được sử dụng tiền tạm thời nhàn rỗi để thực hiện các biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHYT theo nguyên tắc:
- Đảm bảo nguồn để chi khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT
- Đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.
- Đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.
2. Các hình thức bảo toàn và tăng trưởng quỹ:
- Mua tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu do Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại quốc doanh phát hành.
- Cho các Ngân hàng Thương mại vay.
- Đầu tư có thu hồi cho các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược và trang thiết bị y tế của Nhà nước. Việc đầu tư phải lập dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hội đồng quản lý BHYT Việt Nam quyết định các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHYT.
- Trong một số năm đầu, trích 50% để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của toàn hệ thống BHYT.
- Trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi; tổng mức trích 2 quỹ hàng năm tối đa không quá 3 tháng quỹ tiền lương thực tế của toàn hệ thống BHYT Việt Nam.
- Phần còn lại bổ sung vào quỹ dự phòng khám, chữa bệnh.
F. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHEN THƯỞNG, QUỸ PHÚC LỢI:
1. Quỹ phúc lợi dùng để:
- Tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa các công trình phúc lợi của hệ thống BHYT.
- Chi cho các hoạt động phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống, phúc lợi xã hội.
- Ngoài ra có thể sử dụng một phần để hỗ trợ đời sống cho cán bộ, nhân viên của hệ thống BHYT, kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức hoặc làm công tác từ thiện xã hội.
Việc sử dụng quỹ phúc lợi tại BHYT tỉnh, ngành do Giám đốc BHYT tỉnh, ngành quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn BHYT tỉnh, ngành. Việc sử dụng quỹ phúc lợi tại BHYT Việt Nam do Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn BHYT Việt Nam.
2. Quỹ khen thưởng dùng để:
- Thưởng thường kỳ, cuối năm cho cán bộ, nhân viên toàn ngành.
- Thưởng cho cá nhân, tập thể trong hệ thống BHYT có sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Việc sử dụng quỹ khen thưởng tại BHYT tỉnh, ngành do Giám đốc BHYT tỉnh, ngành quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn BHYT tỉnh, ngành. Việc sử dụng quỹ khen thưởng tại BHYT Việt Nam để chi thưởng cho cán bộ, nhân viên cơ quan BHYT Việt Nam do Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn BHYT Việt Nam.
3. Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam trình hội đồng quản lý BHYT Việt Nam quyết định việc phân bổ, điều tiết quỹ khen thưởng, phúc lợi cho BHYT các tỉnh, ngành và sử dụng trong các trường hợp khác.
1. Lập kế hoạch thu chi quỹ BHYT.
Hàng năm, căn cứ các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch phát triển của ngành Y tế, hệ thống BHYT Việt Nam tiến hành lập kế hoạch thu chi BHYT hàng năm (có chi theo quý) theo trình tự sau:
- Chi nhánh BHYT huyện căn cứ hướng dẫn của BHYT Việt Nam và BHYT tỉnh, ngành để lập kế hoạch thu chi BHYT gửi BHYT tỉnh, ngành.
- BHYT tỉnh, ngành tổng hợp kế hoạch thu chi BHYT của chi nhánh BHYT huyện, lập kế hoạch thu chi BHYT do mình quản lý gửi BHYT Việt Nam.
- BHYT Việt Nam thẩm tra, xét duyệt kế hoạch thu chi BHYT do BHYT tỉnh, ngành gửi; lập kế hoạch thu chi BHYT toàn ngành trình Hội đồng quản lý BHYT Việt Nam thông qua, báo cáo Bộ Y tế để Bộ tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính. Bộ Y tế giao kế hoạch thu chi cho BHYT Việt Nam và gửi Bộ Tài chính.
Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt và giao kế hoạch, BHYT Việt Nam giao kế hoạch cho BHYT tỉnh, ngành. BHYT tỉnh, ngành căn cứ vào chỉ tiêu được BHYT Việt Nam giao thông báo kế hoạch cho chi nhánh BHYT huyện.
Kế hoạch do chi nhánh BHYT huyện, BHYT tỉnh, ngành và BHYT Việt Nam lập phải thể hiện đầy đủ các hoạt động như: kế hoạch thu, phát thẻ BHYT; kế hoạch chi quỹ khám, chữa bệnh; kế hoạch chi quản lý; kế hoạch bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHYT. Tổng Giám đốc BHYT Việt Nam hướng dẫn chi tiết về trình tự, nội dung kế hoạch năm, kế hoạch quý để áp dụng thống nhất trong toàn ngành.
2. Về kế toán và báo cáo kế toán tài chính.
- BHYT Việt Nam, BHYT tỉnh, ngành thực hiện hạch toán, kế toán, báo cáo kế toán theo quy định tại Quyết định số 999 QĐ-CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ Tài chính, Quyết định số 144/BYT-QĐ ngày 31/1/1997 của Bộ Y tế và các quy định hiện hành.
- BHYT tỉnh, ngành tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập và báo cáo quyết toán hàng quý, năm theo chế độ quy định gửi BHYT Việt Nam. BHYT Việt Nam có trách nhiệm xét duyệt quyết toán của BHYT tỉnh, ngành và tổng hợp quyết toán toàn hệ thống trình Hội đồng quản lý thông qua để báo cáo Bộ Y tế phê duyệt và thông báo quyết toán cho BHYT Việt Nam. Sau khi quyết toán của hệ thống BHYT Việt Nam được duyệt, BHYT Việt Nam có trách nhiệm thông báo duyệt quyết toán cho BHYT tỉnh, ngành và hướng dẫn BHYT tỉnh, ngành điều chỉnh những điểm cần thiết (nếu có) theo đúng quyết toán đã được duyệt.
III. QUẢN LÝ QUỸ BHYT TỰ NGUYỆN
Nguồn thu BHYT tự nguyện được hạch toán riêng và được quản lý thống nhất. Liên Bộ Y tế, Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn sử dụng quỹ BHYT cho từng loại hình BHYT tự nguyện.
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/1999, những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Bảo hiểm y tế Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan BHYT cấp dưới thực hiện đúng các quy định ở Thông tư này. Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét giải quyết.
Lê Ngọc Trọng (Đã ký) | Nguyễn Thị Kim Ngân (Đã ký) |
Từ khóa: Thông tư liên tịch 151/1998/TTLT-BTC-BYT, Thông tư liên tịch số 151/1998/TTLT-BTC-BYT, Thông tư liên tịch 151/1998/TTLT-BTC-BYT của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Thông tư liên tịch số 151/1998/TTLT-BTC-BYT của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Thông tư liên tịch 151 1998 TTLT BTC BYT của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, 151/1998/TTLT-BTC-BYT
File gốc của Thông tư liên tịch 151/1998/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế do Bộ tài chính – Bộ y tế ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 151/1998/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế do Bộ tài chính – Bộ y tế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính, Bộ Y tế |
Số hiệu | 151/1998/TTLT-BTC-BYT |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Lê Ngọc Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành | 1998-11-20 |
Ngày hiệu lực | 1999-01-01 |
Lĩnh vực | Bảo hiểm |
Tình trạng | Đã hủy |