BỘ LAO ĐỘNG, | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3629/LĐTBXH-LĐVL | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2005 |
Kính gửi: Bộ Thuỷ sản
Trả lời Công văn số 2145/TS-TCCB ngày 16/9/2005 của quý Bộ về việc ghi ở trích yếu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1- Thời gian đi làm việc theo Hiệp định hợp tác lao động với các nước XHCN được quy định tại Thông tư 26/2003/TT-BLĐTBXH ngày 09/12/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đi hợp tác lao động về nước thì thực hiện theo điểm a và c, phần 2 Chương II của Thông tư liên bộ số 12/TT-LB ngày 03/8/1992 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính như sau: “Thời gian làm việc ở nước ngoài được tính là thời gian công tác. Trường hợp một người có nhiều lần đi lao động ở nước ngoài thì được cộng thời gian các lần đó thành thời gian công tác ở nước ngoài. Thời gian công tác ở nước ngoài cộng với thời gian chờ đợi (nếu có) và thời gian công tác ở trong nước (nếu có) thành tổng thời gian công tác của người lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hoặc chế độ thôi việc”.
Quy định trên áp dụng cho các đối tượng về nước đúng thời gian cho phép, không áp dụng đối với người tự nguyện xin ở lại hoặc không về nước đúng thời hạn (quy định tại điều 3 Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 11/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ).
2- Thời gian được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm theo chế độ lao động dôi dư được quy định tại tiết c điểm 1 mục II của Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là tổng thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, bao gồm: thời gian người lao động thực tế làm việc tại doanh nghiệp nhà nước; cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước;mọi thời gian có hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn doanh nghiệp nhà nước, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (thời gian đào tạo, công tác, nghỉ ốm đau, thai sản…); thời gian làm việc theo hình thức nhận khoán sản phẩm, khối lượng công việc trong thời gian này mà doanh nghiệp có trả lương và có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, thời gian lao động ở nước ngoài không được tính để hưởng chế độ theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP nêu trên.
3- Theo Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, tại điểm 5 phần I quy định: Thời gian được tính để mua cổ phần theo ưu đãi là tổng thời gian (không kể tháng lẻ) đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đến thời điểm cổ phần hóa, kể cả thời gian người lao động đã nhận trợ cấp mất việc, thôi việc, hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên.
Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để quý Bộ nghiên cứu hướng dẫn người lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn số 3629/LĐTBXH-LĐVL của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thời gian để tính chế độ theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đang được cập nhật.
Công văn số 3629/LĐTBXH-LĐVL của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thời gian để tính chế độ theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Số hiệu | 3629/LĐTBXH-LĐVL |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Đại Đồng |
Ngày ban hành | 2005-10-28 |
Ngày hiệu lực | 2005-10-28 |
Lĩnh vực | Bảo hiểm |
Tình trạng | Còn hiệu lực |