Thông tư 19/2008/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
8. Bổ sung các khoản 10, 11 và khoản 12 vào Phần D như sau:
“10. Cán bộ xã thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, đã có quyết định nghỉ việc chờ đủ tuổi để hưởng trợ cấp hàng tháng, thì được hưởng trợ cấp hàng tháng khi đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ. Mức trợ cấp hàng tháng được tính theo quy định của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, trên mức bình quân sinh hoạt phí của 5 năm cuối trước khi nghỉ việc, sau đó được điều chỉnh theo các quy định về trợ cấp hàng tháng của từng thời kỳ.
Trong thời gian nghỉ chờ để hưởng trợ cấp hàng tháng mà bị chết, thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
11. Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị và có quyết định nghỉ chờ việc (không bao gồm người bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc, bị phạt tù giam trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài không hợp pháp) nếu chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội thì được tổ chức bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người bao gồm:
a) Tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội.
b) Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương.
c) Danh sách của đơn vị có tên người lao động đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 hoặc các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31 tháng 12 năm 1994.
d) Quyết định nghỉ chờ việc. Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, trong đó đảm bảo người lao động có tên trong danh sách của đơn vị tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa hưởng các khoản trợ cấp một lần.
Trường hợp đơn vị đã giải thể, thì do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.
12. Người có thời gian làm chuyên gia ở nước ngoài về nước đúng hạn, đủ điều kiện nâng thêm bậc lương để làm cơ sở tính lương hưu theo quy định tại Thông tư số 02/LĐTBXH-TT ngày 11 tháng 2 năm 1998 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thì việc giải quyết nâng lương để tính lương hưu được thực hiện theo quy định sau:
a) Trường hợp khi giải quyết nâng lương mà trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ còn hệ số bậc lương thì thực hiện nâng lên hệ số bậc lương cao hơn liền kề trong ngạch hoặc trong chức danh đó.
b) Trường hợp khi giải quyết nâng lương mà trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ không còn hệ số bậc lương thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian tính hưởng thâm niên vượt khung là thời gian để tính nâng lương theo Thông tư số 02/LĐTBXH-TT, theo đó 3 năm đầu được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó. từ năm thứ tư trở đi, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm phụ cấp thâm niên vượt khung 1%, trường hợp còn lẻ thời gian từ đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm để tính thêm 1%.
c) Trường hợp khi giải quyết nâng lương mà hệ số lương đã bao gồm phụ cấp thâm niên vượt khung thì được hưởng thêm phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian tính hưởng thêm thâm niên vượt khung là thời gian để tính nâng lương theo Thông tư số 02/LĐTBXH-TT, cứ mỗi năm được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 1%, trường hợp còn lẻ thời gian từ đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm để tính thêm 1%.
Ví dụ 9: Ông H, nguyên là giảng viên chính của Trường Đại học C, nghỉ hưu tháng 6/2008, trước khi nghỉ hưu hưởng lương bậc 8/8, ngạch Giảng viên chính, hệ số lương 6,78. Thời gian để tính nâng lương theo Thông tư số 02/LĐTBXH-TT của ông H là 4 năm 7 tháng. Như vậy, ông H được tính 5% phụ cấp thâm niên vượt khung cho 3 năm đầu và 2% phụ cấp thâm niên vượt khung cho 1 năm 7 tháng còn lại. Hệ số lương sau khi điều chỉnh của ông H là 6,78 cộng với 7% phụ cấp thâm niên vượt khung.
Ông H được lấy hệ số lương 6,78 cộng với 7% phụ cấp thâm niên vượt khung để tính mức bình quân tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội trong 3 năm cuối cùng, và lấy hệ số lương 6,78 cộng với 5% phụ cấp thâm niên vượt khung để tính mức bình quân tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội trong 2 năm còn lại làm cơ sở tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Ví dụ 10: Bà K, nguyên là bác sĩ Bệnh viện T, nghỉ hưu tháng 01/2008, trước khi nghỉ hưu hưởng lương bậc 9/9, ngạch bác sĩ, hệ số lương 4,98 cộng với 5% phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian để tính nâng lương theo Thông tư số 02/LĐTBXH-TT của bà K là 3 năm 2 tháng. Như vậy, bà K được tính thêm 3% phụ cấp thâm niên vượt khung cho 3 năm 2 tháng. Hệ số lương sau khi điều chỉnh của bà K là 4,98 cộng với 8% phụ cấp thâm niên vượt khung.
Bà K được lấy hệ số lương 4,98 cộng với 8% phụ cấp thâm niên vượt khung để tính mức bình quân tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội trong 3 năm cuối cùng, và lấy hệ số lương 4,98 cộng với 5% phụ cấp thâm niên vượt khung để tính mức bình quân tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội trong 2 năm còn lại làm cơ sở tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.”