Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định hiện hành
Đăng ký kết hôn là một thủ tục pháp lý để ràng buộc hai bên nam nữ trong mối quan hệ hôn nhân. Vậy Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định hiện hành như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu quy định này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Điều kiện, hồ sơ đăng ký kết hôn
1.1. Điều kiện để đăng ký kết hôn
Hôn nhân là một vấn đề trọng đại đối với mỗi người. Là minh chứng cho tình yêu giữa hai người được nhà nước và xã hội công nhận. Đây cũng là sợi dây pháp lý ràng buộc hai người trong một mối quan hệ hôn nhân để họ có trách nhiệm hơn đối với nhau.
Điều kiện đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”
Nhiều người thường có thắc mắc rằng có bắt buộc phải tự mình đi đăng ký kết hôn không thì câu trả lời là có. Điều này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mỗi người cũng như đảm bảo sự tự nguyện giữa nam và nữ khi kết hôn. Đảm bảo việc đăng ký kết hôn hoàn toàn tự nguyện không có sự ép buộc, lừa dối, cưỡng ép kết hôn.
1.2. Hồ sơ đăng ký kết hôn
Để tiến hành đăng ký kết hôn, các cặp đôi cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
– Chứng minh nhân dân/ hộ chiếu/ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân còn giá trị sử dụng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Bản sao sổ hộ khẩu;
– Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn làm thủ tục đăng ký kết hôn.
– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu.
– Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn, hủy việc kết hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký kết hôn đến nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền.
- Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu toàn bộ thông tin trong tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ do người có yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, người tiếp nhận hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định. Sau khi được hướng dẫn mà người có yêu cầu không tiến hành hoàn thiện hồ sơ thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ và lập thành văn bản.
- Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, xét thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
3. Phải tiến hành đăng ký kết hôn tại quê vợ hay chồng?
Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.”
Như vậy, không có quy định cụ thể về việc phải đăng ký kết hôn tại quê vợ hay quê chồng. Vì vậy, người có yêu cầu có thể lựa chọn nơi cư trú của 1 trong 2 người làm nơi đăng ký kết hôn.