TAND tối cao giải đáp vướng mắc trong xét xử vụ án hình sự

Ngày 27/12/2022, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 206/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.

Theo đó, một số thắc mắc liên quan đến lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự đã được giải đáp như sau:

(1) Người đủ 18 tuổi phạm tội nhưng trước đó đã bị kết án khi chưa đủ 16 tuổi thì có thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” hay không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án được coi là không có án tích. Vì vậy, trường hợp người đủ 18 tuổi phạm tội nhưng trước đó đã bị kết án khi chưa đủ 16 tuổi thì thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu”.

(2) Bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, viện kiểm sát đã truy tố các hành vi phạm tội này nhưng chỉ truy tố về 01 tội danh. Khi xét xử, tòa án xét xử các hành vi đã bị truy tố nhưng với 02 tội danh khác nhau thì có vi phạm quy định về giới hạn của việc xét xử hay không?

Trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, viện kiểm sát đã truy tố các hành vi phạm tội này về 01 tội danh thì căn cứ điểm b khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Nếu viện kiếm sát vẫn giữ quyết định truy tố thì tòa án tiến hành xét xử vụ án. Khi xét xử, tòa án căn cứ khoản 1 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ xét xử hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố.

(3) Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi hơn về phần án phí, áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không đúng. Căn cứ quy định nào của pháp luật để hội đồng xét xử phúc thẩm sửa các nội dung này?

Khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm về án phí, áp dụng tình tiết tăng nặng không đúng.

Việc sửa hai nội dung này nếu có lợi cho bị cáo thì hội đồng xét xử có thể vận dụng Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc thẩm để sửa. Tuy nhiên, tại phần quyết định của bản án cần căn cứ cả Điều 345 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.

(4) Trong vụ án hình sự, tại phiên tòa lần đầu, bị hại có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có đơn đề nghị vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa. Trong trường hợp này, tòa án hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử vụ án?

Đối với trường hợp vắng mặt bị hại thì tòa án căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự xem xét hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định trường hợp vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại thì tòa án xem xét hoãn phiên tòa. Vì vậy, trường hợp này, tòa án vẫn mở phiên tòa theo quy định.

Tuy nhiên, nếu việc vắng mặt này ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì hội đồng xét xử có thể căn cứ Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự để hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không, nếu có yêu cầu thì hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

XEM CHI TIẾT: Công văn 206/TANDTC-PC

Đánh giá: