Mẫu Báo cáo thành tích và báo cáo tóm tắt thành tích mẫu số 11 ban hành – THÔNG TƯ 17/2019/TT-NHNN
1. Giới thiệu
Đang cập nhật.
2. Biểu mẫu
Mẫu số 11: Hướng dẫn chung về phương pháp lập báo cáo thành tích và báo cáo tóm tắt thành tích.
1. Quy định chung:
a. Đối với mỗi danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải có Báo cáo thành tích chi tiết và Báo cáo tóm tắt thành tích. Các mẫu Báo cáo tại các phụ lục của Thông tư chỉ mang tính đề cương, tổng hợp chung cho cả các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
b. Đối với đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước thực hiện theo mẫu biểu quy định.
2. Quy định về Báo cáo thành tích chi tiết:
a. Khi viết Báo cáo, cần căn cứ vào nội dung công việc đã làm được theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tập thể, cá nhân để làm rõ các thành tích đã đạt được phù hợp với tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đề nghị theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
b. Mỗi tập thể, cá nhân có thành tích với nội dung và mức độ khác nhau. Vì vậy, Báo cáo thành tích không được sao chép giống nhau, mà phải do từng tập thể hoặc cá nhân được đề nghị khen thưởng trực tiếp xây dựng Báo cáo.
c. Đối với đề nghị khen thưởng đột xuất, Báo cáo thành tích cần tập trung phân tích thành tích có tính đặc thù, đột xuất trong công tác (thành tích đột xuất là thành tích lập được trong hoàn cảnh không được dự báo trước, diễn ra ngoài dự kiến kế hoạch công việc bình thường mà tập thể, cá nhân phải đảm nhận). Đối với đề nghị khen thưởng theo chuyên đề, báo cáo đánh giá kết quả cụ thể, mô tả làm nổi bật thành tích xuất sắc đã đạt được sau khi kết thúc đợt thi đua.
d. Đối với Báo cáo thành tích cá nhân thì người viết báo cáo ký tên; đối với Báo cáo thành tích của tập thể thì Lãnh đạo của tập thể đơn vị ký tên. Báo cáo thành tích của cá nhân và Báo cáo thành tích của tập thể phải có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trình (ký tên, đóng dấu).
đ. Báo cáo thành tích của tập thể cần nêu rõ kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên; công tác xây dựng đảng, đoàn thể và kết quả hoạt động, xếp loại; hoạt động xã hội, từ thiện, an sinh xã hội, đóng góp NSNN, thực hiện chính sách bảo hiểm cho người lao động, thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính.
e. Báo cáo thành tích của cá nhân cần nêu rõ thành tích, hiệu quả đã lập được trong thực hiện nhiệm vụ được giao; giải pháp công tác, đổi mới quản lý, sáng kiến, kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học vào thực tiễn; việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện công tác kê khai tài sản đối với đối tượng phải kê khai; công tác bồi dưỡng, học tập; vai trò của cá nhân trong công tác xây dựng đảng, đoàn thể; công tác tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, đóng góp NSNN, thực hiện chính sách bảo hiểm cho người lao động, cải cách thủ tục hành chính.
f. Đối với Báo cáo thành tích đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tại phần cuối của Báo cáo cần dành khoảng trống để Ngân hàng Nhà nước xác nhận.
g. Báo cáo thành tích được đánh máy theo quy định của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
3. Quy định về Báo cáo tóm tắt thành tích:
Đơn vị trình khen thưởng có trách nhiệm xây dựng Báo cáo tóm tắt thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.
+ Báo cáo tóm tắt thành tích cần ngắn gọn, đảm bảo chính xác, trung thực với Báo cáo thành tích chi tiết, bao gồm các thành tích chính, hiệu quả đã đạt được theo các nội dung tại Báo cáo thành tích chi tiết và được Thủ trưởng đơn vị ký tên và đóng dấu.
+ Phần tóm tắt thành tích của mỗi tập thể, cá nhân được đánh máy theo quy định của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
4. Quy định về thống kê các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã đạt được (trong Báo cáo thành tích chi tiết và Báo cáo tóm tắt thành tích):
Việc thống kê các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã đạt được là rất cần thiết để chứng minh đủ điều kiện và tiêu chuẩn xét khen thưởng theo quy định.
a. Trước hết phải nêu thành tích cao nhất đã đạt được. Tiếp theo, kê khai những danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng về công tác chuyên môn hàng năm trong khoảng thời gian tương ứng với quy định của Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Ngân hàng Nhà nước cho mỗi danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Ngoài ra, cần kê khai ngắn gọn các hình thức khen thưởng đột xuất, chuyên đề các mặt công tác khác và khen thưởng của các tổ chức Đảng, đoàn thể, Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
b. Khi thống kê phải nêu rõ thời gian được khen thưởng (năm… hoặc từ năm… đến năm…), tên danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng; số quyết định; ngày, tháng, năm, cơ quan ban hành quyết định khen thưởng và nội dung khen thưởng.
c. Thời gian thống kê thành tích tương ứng với danh hiệu thi đua, hình thức đề nghị khen thưởng. Ví dụ:
– Đề nghị “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước”, “Cờ thi đua của Chính phủ” (01 năm).
– Đề nghị “Chiến sĩ thi đua ngành Ngân hàng” phải thống kê các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã đạt được của 3 năm liên tục liền kề trước thời điểm đề nghị khen thưởng.
– Đề nghị “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải thống kê các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã đạt được của 7 năm liên tục liền kề trước thời điểm đề nghị khen thưởng.
Ngoài ra, trong thời gian đề nghị khen thưởng cần thống kê các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng chuyên đề hoặc đột xuất đã đạt được và sáng kiến đã được công nhận (nếu có).