QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH CÔN TRÙNG VÀ NHỆN NHỎ HẠI THỰC VẬT
PHẦN 2-1: YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI MỌT TO VÒI CAULOPHILUS ORYZAE (GYLLENHAL)
Procedure for identification of insect and mite pests
Part 2-1: Particular requirements for broad-nosed grain weevil Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
Lời nói đầu
TCVN 12709-2-1: 2019 do Cục Bảo vệ thực vật biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 12709 Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật gồm các phần sau đây:
- Phần 1: Yêu cầu chung
- Phần 2-1: Yêu cầu cụ thể đối với mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
- Phần 2-2: Yêu cầu cụ thể đối với mọt thóc Sitophilus granarius Linnaeus
- Phần 2-3: Yêu cầu cụ thể đối với mọt cứng đốt (Trogoderma granarium Everts), mọt da vệt thận (Trogoderma inclusum Leconte) và mọt da ăn tạp (Trogoderma variable Ballion)
Phần 2-4: Yêu cầu cụ thể đối với rệp sáp vảy San Jose' Diaspidiotus perniciosus (Comstock) Danzig
QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH CÔN TRÙNG VÀ NHỆN NHỎ HẠI THỰC VẬT
PHẦN 2-1: YÊU CẦU CỤ THỂ ĐỐI VỚI MỌT TO VÒI CAULOPHILUS ORYZAE (GYLLENHAL)
Procedure for identification of insect and mite pests
Part 2-1: Particular requirements for broad-nosed grain weevil Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu về quy trình giám định mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal) hại thực vật.
2 Tài liệu viện dẫn
Tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các phiên bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 8597: 2010. Kiểm dịch thực vật - Phương pháp luận về việc lấy mẫu chuyến hàng
TCVN 12709-1: 2019. Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật - Phần 1: Yêu cầu chung
3 Thiết bị, dụng cụ
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thiết bị dụng cụ cơ bản dùng trong phòng thí nghiệm và các dụng cụ thiết bị sau:
3.1 Kính lúp soi nổi có độ phóng đại 10 đến 40 lần
3.2 Kính hiển vi có thước đo, có độ phóng đại 40 lần đến 1000 lần
3.3 Bàn gia nhiệt có dải nhiệt từ 20 °C đến 100 °C
3.4 Tủ định ôn có thể vận hành ở nhiệt độ từ 0 °C đến 50 °C.
3.5 Tủ sấy có thể vận hành từ 0 °C đến 100 °C
3.6 Tủ lạnh có thể vận hành từ -10 °C đến 5 °C
3.7 Máy sàng côn trùng
3.8 Bộ sàng côn trùng có đường kính mắt sàng là: 3,5 mm; 2,8 mm; 2 mm; 1,4 mm; 0,7 mm; 0,5 mm.
3.9 Túi đựng mẫu
3.10 Ống nghiệm có nắp
3.11 Hộp nhựa có nắp lưới (diện tích mắt lưới 1 cm2 có từ 630 mắt lưới đến 700 mắt lưới)
3.12 Dụng cụ thủy tinh cốc thuỷ tinh có dung tích thích hợp; ống nghiệm thủy tinh có đường kính (φ 2 cm)
3.13 Lọ thủy tinh nút mài có dung tích thích hợp
3.14 Kim côn trùng đầu nhọn và đầu gập (dạng chữ L)
3.15 Lam
3.16 Lamen
3.17 Đèn cồn
3.18 Bình thủy tinh chống ẩm
3.19 Hộp đựng mẫu
3.20 Hộp đựng mẫu lam
4 Hóa chất
Chỉ sử dụng các hóa chất loại tinh khiết phân tích và nước cất, trừ khi có quy định khác.
4.1 Dung dịch Natri Hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali Hydroxit (KOH) 10 % (xem A.1 của TCVN 12709- 1: 2019)
4.2 Kali xyanua (KCN) tinh thể
4.3 Cồn (C2H6O) 99,8 %
4.4 Dung dịch cồn (C2H6O) 70 % (xem A.2 của TCVN 12709-1: 2019)
4.5 Dung dịch Hoyer’s (xem A. 15 của TCVN 12709-1: 2019)
4.6 Bôm Canada
4.7 Keo dính mẫu
4.8 Dung dịch Formalin - glycerol (FG) (xem A.17 của TCVN 12709-1: 2019)
4.9 Dung dịch tổng hợp (xem A.18 của TCVN 12709-1: 2019)
4.10 Fluon
5 Lấy mẫu và bảo quản mẫu
5.1 Lấy mẫu
- Lấy mẫu theo TCVN 8597: 2010
- Mẫu hàng hóa thu được đặt trong các hộp nhựa có nắp lưới (3.11). Thành phía trong của hộp nhựa (1/3 khoảng cách tính từ trên nắp xuống) được phủ một lớp fluon (4.10) chất ngăn trưởng thành bò lên nắp. Các hộp nhựa có dán nhãn ký hiệu mẫu và đặt trong các tủ đựng mẫu lưu ở điều kiện nhiệt độ phòng.
- Thu các giai đoạn phát dục (trưởng thành, sâu non, nhộng) dựa vào ký chủ và triệu chứng gây hại:
Mọt to vòi đã được ghi nhận là loài có phổ ký chủ rộng, gây hại trên rất nhiều loài thực vật thuộc nhiều họ khác nhau như: khoai lang, đậu gà, hạt dẻ, bơ, kê, ngô, gừng... (xem phụ lục A). Sâu non mọt to vòi gây hại bên trong và tạo thành đường đục trong hạt, củ, quả. Pha trưởng thành tạo thành lỗ thủng trên bề mặt hạt, củ, quả sau khi vũ hoá. Vì vậy, có thể thu sâu non, nhộng, trưởng thành của các loài này bằng sàng hoặc thu trực tiếp:
+ Sàng mẫu: Dùng máy sàng côn trùng (3.7) hoặc bộ sàng côn trùng (3.8) với kích thước mắt sàng phù hợp để thu bắt sâu non và trưởng thành trong hàng hóa.
+ Kiểm tra và thu trực tiếp:
Tách thu sâu non, nhộng từ củ, quả, hạt có triệu chứng hại như lỗ đục, đường đục.
Kiểm tra thu trưởng thành của mọt trên bề mặt, tại các khe, kẽ bao bì đóng gói, kệ hàng, khe kẽ hở trên sàn, tường, trần nhà, hầm tàu...
5.2 Xử lý mẫu
- Đối với trưởng thành mọt to vòi: trước khi giám định hoặc bảo quản, cá thể trưởng thành được làm chết bằng phương pháp sử dụng lọ độc hoặc xử lý lạnh.
Xử lý bằng lọ độc: Mẫu thu được cho vào lọ độc, đậy nắp kín để trong 2 giờ. Cách làm lọ độc xem TCVN 12709-1:2019, điều 5.2.1
Xử lý lạnh: Mẫu thu được cho vào trong túi đựng mẫu (3.9) hoặc ống nghiệm có nắp (3.10) bỏ trong ngăn đá tủ lạnh (3.6) từ 1 giờ đến 3 giờ.
- Đối với sâu non, nhộng mọt to vòi: trước khi giám định hoặc bảo quản được làm chết bằng phương pháp xử lý lạnh hoặc xử lý nước nóng.
Xử lý lạnh: Mẫu thu được cho vào trong túi đựng mẫu (3.9) hoặc ống nghiệm có nắp (3.10) bỏ trong ngăn đá tủ lạnh (3.6) từ 1 giờ đến 3 giờ.
Xử lý bằng nước nóng: Cho mẫu vào cốc thủy tinh (3.12) và đổ trực tiếp nước nóng 100 °C lên mẫu và để trong thời gian từ 3 phút đến 7 phút.
- Mẫu hàng hóa: bảo quản trong các hộp nhựa có nắp lưới (3.11). Thành phía trong của hộp nhựa (1/3 khoảng cách tính từ trên nắp xuống) được phủ một lớp fluon (4.10) chất ngăn trưởng thành bò lên nắp. Các hộp nhựa có dán nhãn ký hiệu mẫu và đặt trong các tủ đựng mẫu lưu ở điều kiện nhiệt độ phòng.
5.3 Bảo quản
Mẫu giám định và mẫu lưu sau giám định được bảo quản như sau:
- Mẫu là hàng hóa nghi nhiễm mọt to vòi được bảo quản trong các hộp nhựa có nắp lưới (3.11). Thành phía trong của hộp nhựa (1/3 khoảng cách tính từ trên nắp xuống) được phủ một lớp fluon (4.10) chất ngăn trưởng thành bò lên nắp. Các hộp nhựa có dán nhãn ký hiệu mẫu và đặt trong các tủ đựng mẫu lưu.
- Đối với trưởng thành mọt to vòi: Các cá thể trưởng thành sau khi được xử lý để trong tủ sấy (3.5) ở nhiệt độ 40 °C đến 45 °C từ 5 ngày đến 7 ngày. Chuyển mẫu vào lọ thủy tinh nút mài (3.13) đặt trong bình thủy tinh chống ẩm (3.18) hoặc trong hộp đựng mẫu (3.19). Các mẫu được lưu giữ trong phòng tiêu bản có nhiệt độ nhỏ hơn 20 °C, ẩm độ nhỏ hơn 50 % hoặc trong tủ định ôn (3.4).
- Đối với sâu non, nhộng mọt to vòi: Các cá thể sâu non, nhộng sau khi được xử lý được cho vào các lọ nút thủy tinh mài (3.13) chứa dung dịch Formalin - glycerol (FG) (4.8) hoặc dung dịch tổng hợp (4.9).
- Đối với tiêu bản lam: Tiêu bản lam được dán nhãn, để trong hộp đựng mẫu lam (3.20) và đặt trong phòng tiêu bản có nhiệt độ nhỏ hơn 20 °C, ẩm độ không khí nhỏ hơn 50 %, hoặc trong tủ định ôn (3.4).
6 Giám định
Giám định mọt to vòi bằng phương pháp quan sát các đặc điểm hình thái dưới kính lúp soi nổi (3.1) và kính hiển vi (3.2). Có thể định loại đến loài đối với mẫu giám định là pha sâu non tuổi 4 và pha trưởng thành.
6.1 Pha sâu non
6.1.1 Làm tiêu bản lam
Bước 1: Xử lý mẫu làm tiêu bản lam
- Cho sâu non cần giám định vào ống nghiệm thủy tinh (3.12) chứa 5 ml dung dịch Natri Hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali Hydroxit (KOH) 10 % (4.1) đun trên đèn cồn (3.17) từ 15 phút đến 20 phút (vừa đun vừa lắc ống nghiệm); hoặc cho mẫu vào cốc thủy tinh (3.12) có chứa 10 ml dung dịch Natri Hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali Hydroxit (KOH) 10 % (4.1) đun trên bàn gia nhiệt (3.3) ở 60 °C từ 15 phút đến 20 phút.
- Vớt mẫu đã xử lý ra, đặt vào một giọt dung dịch Hoyer’s (4.5) hoặc Bôm Canada (4.6) hoặc nước cất trên lam (3.15). Các thao tác thực hiện dưới kính lúp soi nổi (3.1).
Bước 2: Dùng kim côn trùng tách lấy bộ phận cần quan sát.
- Tiêu bản phần miệng
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) tách nhẹ lấy phần đầu
+ Tách rời hàm trên.
+ Tách riêng phần môi trên.
+ Đặt phần môi trên, xúc biện và xương hàm lên lam (3.15) để quan sát
- Tiêu bản đốt bụng
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) đầu nhọn tách ít nhất 3 đốt bụng cuối, làm sạch bằng cách sử dụng kim côn đầu nhọn (3.14) trùng gạt nhẹ lớp mỡ trong cơ thể ra ngoài.
+ Đặt mặt lưng của đốt bụng lên lam quan sát các ngấn trên mặt lưng và đường rãnh ở mặt bên.
Bước 3: Chuyển bộ phận giải phẫu cần quan sát lên lam
+ Đặt lam (3.15) dưới kính lúp soi nổi (3.1) và nhỏ 1 giọt dung dịch Hoyer’s (4.5) hoặc Bôm Canada (4.6) vào giữa lam (3.15).
+ Dùng kim côn trùng (3.14) chuyển bộ phận giải phẫu cần quan sát như bước 2 đã tách rời lên giọt dung dịch Hoyer’s (4.5) hoặc Bôm Canada (4.6) và chỉnh tiêu bản trên lam (3.15).
Bước 4: Đậy lamen
Đặt lamen (3.16) tạo góc 45° từ từ hạ xuống sao cho mẫu trên lam (3.15) không có bọt khí. Dùng kim côn trùng đầu gập (3.14) ấn nhẹ lên lamen (3.16) để giữ mẫu và làm cho dung dịch tràn đều.
CHÚ THÍCH 1: Đối với tiêu bản soi ngay, tiêu bản lam sau khi hoàn thành được đặt trên bàn gia nhiệt (3.3) làm khô ở 30 °C đến 45 °C trong 2 giờ.
CHÚ THÍCH 2: Đối với tiêu bản bảo quản trong thời gian dài, tiêu bản lam sau khi hoàn thành được đặt trên bàn gia nhiệt (3.3) làm khô ở 30 °C đến 45 °C từ 4 tuần đến 6 tuần.
6.1.2 Trình tự giám định
- Quan sát hình thái sâu non dưới kính lúp soi nổi (3.1).
- Quan sát mẫu lam phần phụ miệng và đốt bụng dưới kính hiển vi (3.2).
- So sánh các đặc điểm hình thái quan sát được với khóa phân loại của sâu non loài mọt to vòi Caulophilus oryzae (điều 6.1.3).
6.1.3 Đặc điểm giám định pha sâu non tuổi 4 mọt to vòi
1. Sâu non có chân giả, chân giả phát triển đầy đủ ............................... Không phải C. oryzae
Sâu non không có chân giả ............................................................................................... 2
2. Cơ thể có phủ nhiều lông cứng, mặt lưng của đốt bụng có ngấn ...... Không phải C. oryzae
Cơ thể chỉ phủ ít lông cứng, mặt lưng của đốt bụng không có ngấn (hình 6) ........................ 3
3. Mảnh xương môi phân nhánh, dạng trái tim hoặc ovan; xúc biện không phân đốt ……………. …………………………………………………………………………………….. Không phải C. oryzae
Mảnh xương môi phân nhánh dạng dĩa 3 răng; xúc biện có 1 đến 2 đốt (hình 5) ................... 4
4. Có mắt đơn, phần đầu phân tách rõ ràng với mặt bên và mặt lưng ……………………………… ……………………………………………………………………………………..Không phải C. oryzae
Không có mắt đơn, phần đầu phân tách rõ ràng với mặt bên và mặt lưng, phần rìa phía trước và hàm trên có màu đậm 5
5. Mặt lưng từ đốt bụng 1 đến đốt bụng 6 có 4 lông, ngấn mặt lưng lồi rõ …………………….. …………………………………………………………………………………..Không phải C. oryzae
Mặt lưng từ đốt bụng 1 đến đốt bụng 7 có 5 lông, ngấn mặt lưng không lồi rõ (hình 2) ………………………………………………………………………………….. Caulophilus oryzae
6.2 Pha trưởng thành
6.2.1 Làm mẫu tiêu bản lam
Bước 1: Xử lý mẫu làm mẫu tiêu bản lam.
- Cho trưởng thành cần giám định vào ống nghiệm thủy tinh (3.12) chứa 5 ml dung dịch Natri Hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali Hydroxit (KOH) 10 % (4.1) đun trên đèn cồn (3.17) từ 15 phút đến 20 phút (vừa đun vừa lắc ống nghiệm); hoặc cho mẫu vào cốc thủy tinh (3.12) có chứa 10 ml dung dịch Natri Hydroxit (NaOH) 10 % hoặc Kali Hydroxit (KOH) 10 % (4.1) đun trên bàn gia nhiệt (3.3) ở 60 °C từ 15 phút đến 20 phút.
- Vớt mẫu đã xử lý ra, đặt vào một giọt dung dịch Hoyer’s (4.5) hoặc Bôm Canada (4.6) hoặc nước cất trên lam (3.15). Các thao tác thực hiện dưới kính lúp soi nổi (3.1).
Bước 2: Dùng kim côn trùng tách lấy bộ phận cần quan sát
- Tiêu bản râu đầu:
+ Luồn kim côn trùng đầu nhọn (3.14) đầu nhọn tách râu đầu.
- Tiêu bản cánh cứng
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) cắm vào giữa mảnh thuẫn nhẹ nhàng tách rời đôi cánh cứng.
+ Khi chuyển phần cánh cứng đã tách rời lên lam phải chú ý đặt mặt lưng hướng lên trên để quan sát đường rãnh cánh.
Bước 3: Chuyển bộ phận giải phẫu cần quan sát lên lam
+ Đặt lam (3.15) sạch dưới kính lúp soi nổi (3.1) và nhỏ 1 giọt dung dịch Hoyer’s (4.5) hoặc Bôm Canada (4.6) vào giữa lam (3.15).
+ Dùng kim côn trùng đầu nhọn (3.14) chuyển bộ phận giải phẫu cần quan sát đã tách rời như bước 2 lên giọt dung dịch Hoyer’s (4.5) hoặc Bôm Canada (4.6) và chỉnh tiêu bản trên lam.
Bước 4: Đậy lamen
Đặt lamen (3.16) tạo góc 45° từ từ hạ xuống sao cho mẫu trên lam (3.15) không có bọt khí. Dùng kim côn trùng đầu gập (3.14) ấn nhẹ lên lamen (3.16) để giữ mẫu và làm cho dung dịch tràn đều.
CHÚ THÍCH 1: Đối với tiêu bản soi ngay, tiêu bản lam sau khi hoàn thành được đặt trên bàn gia nhiệt (3.3) làm khô ở 30 °C đến 45 °C trong 2 giờ.
CHÚ THÍCH 2: Đối với tiêu bản bảo quản trong thời gian dài, tiêu bản lam sau khi hoàn thành được đặt trên bàn gia nhiệt (3.3) làm khô ở 30 °C đến 45 °C từ 4 tuần đến 6 tuần.
6.2.2 Trình tự giám định
- Quan sát hình thái trưởng thành dưới kính lúp soi nổi (3.1).
- Quan sát các tiêu bản lam dưới kính hiển vi (3.2).
- So sánh các đặc điểm hình thái quan sát được với khóa phân loại của trưởng thành loài mọt to vòi (điều 6.2.3).
6.2.3 Đặc điểm giám định pha trưởng thành mọt to vòi
Cơ thể màu nâu đậm đến đen bóng, dài từ 2,5 mm đến 3 mm (hình 7). Đầu ngắn, rộng và có nhiều chấm lõm rải rác phía trên mắt kép (hình 8).
Râu đầu có 9 đốt, dạng đầu gối gập, gốc râu mọc từ giữa phần vòi, đốt thứ nhất dài gập về phía sau chạm tới bờ trên của mắt kép. Đốt ngoài cùng hình chùy, màu nâu có lông mịn (hình 9).
Mảnh lưng ngực ngắn, chiều dài bằng chiều rộng, có nhiều chấm lõm tròn nhỏ cách đều nhau. Cánh trước ở phía đầu hơi cong, chiều dài cánh cứng gấp 2 lần chiều dài ngực. Đường chấm lõm trên cánh cứng rất sâu. Đường rãnh thứ 7 và thứ 8 nhập vào nhau ở phía sau vai. Các đường rãnh ở giữa cong với các chấm lõm không rõ, bề mặt phần dưới phía thân có những đường chấm thưa. Tỷ lệ giữa độ dài vòi, mảnh lưng ngực và cánh là 1:1:2.
6.3 Kết luận
Mẫu giám định được kết luận là loài mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal) khi:
Mẫu sâu non hoặc mẫu trưởng thành có đặc điểm điểm hình thái phù hợp với các đặc điểm đã nêu ở điều 6.1.3 và 6.2.3
7 Báo cáo kết quả
Nội dung phiếu kết quả giám định gồm những thông tin cơ bản sau:
- Thông tin về mẫu giám định.
- Tên khoa học của loài
- Phương pháp giám định
- Tài liệu giám định
- Người giám định/cơ quan giám định
Phiếu kết quả giám định chi tiết có thể tham khảo phụ lục B.
A.1 Tên khoa học và vị trí phân loại
- Tên khoa học: Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
- Tên tiếng Việt: Mọt to vòi
- Vị trí phân loại:
Ngành: Arthropoda
Lớp: Insecta
Bộ: Coleoptera
Họ: Curculionidae
Giống: Caulophilus
A.2 Phân bố
Bắc Mỹ: Mexico, Florida, Georgia, Hawaii, USA, California;
Trung Mỹ và Carribean: Cuba, Guatemala, Jamaica, Panama, Puerto Rico;
Châu Âu: Portugal, Madeira;
A.3 Ký chủ
Loài mọt to vòi đã được ghi nhận là loài có phổ ký chủ rộng, gây hại trên rất nhiều loài thực vật thuộc nhiều họ khác nhau như: họ Convulvulaceae: Ipomoea batatas (khoai lang); họ Fabaceae: Cicer arietinum (đậu gà); họ Fagaceae: Castanea (hạt dẻ); họ Lauraceae: Persea americana (bơ); họ Poaceae: Panicum miliaceum (kê), Pennisetum (cỏ đuôi voi), Zea mays (ngô); họ Zingiberaceae: Zingiber officinale (gừng).
A.4 Đặc điểm sinh học
Ở điều kiện thuận lợi, thời gian phát dục từ trứng đến trưởng thành của loài mọt to vòi là khoảng 1 tháng. Tuỳ thuộc vào điều kiện nhiệt độ mà thời gian phát dục này là khác nhau, ở 28 °C là 26 ngày, nhưng ở 17 °C là 76 ngày. Trưởng thành có khả năng sống tới 5 tháng và đẻ trứng trong suốt thời gian sống. Trưởng thành chủ yếu gây hại trên các hạt và đẻ trứng ở bên trong hạt. Trong 1 vòng đời, một cá thể cái có khả năng sinh sản từ 200 trứng đến 300 trứng. Sâu non có 4 tuổi, phát triển và gây hại ở bên trong hạt.
Cơ quan giám định ……………………… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ………., ngày ... tháng ... năm 20…... |
PHIẾU KẾT QUẢ GIÁM ĐỊNH
1. Tên hàng hoá:
2. Nước xuất khẩu:
3. Xuất xứ:
4. Phương tiện vận chuyển: Khối lượng:
5. Địa điểm lấy mẫu:
6. Ngày lấy mẫu:
7. Người lấy mẫu:
8. Tình trạng mẫu:
9. Ký hiệu mẫu:
10. Số mẫu lưu:
11. Người giám định:
12. Phương pháp giám định: Theo TCVN 12709-2-1:2019 về “Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ gây hại thực vật - Phần 2-1: Yêu cầu cụ thể đối với với Mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal)”.
13. Kết quả giám định:
Tên khoa học: Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
Bộ: Coleoptera
Họ: Curculionidae
Giống: Caulophilus
Loài: Caulophilus oryzae
TRƯỞNG PHÒNG KỸ THUẬT | THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Nghị định 86/2012/NĐ-CP. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đo lường.
[2] QCVN 01-106:2012/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình giám định mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
[3] QCVN 01-175:2014/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình lưu giữ, bảo quản và vận chuyển mẫu trong kiểm dịch thực vật
[4] TCVN 1-2: 2008, Phần 2: Quy định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia.
[5] CABl, 2018. Crop Protection Compedlum
(https://www.cabi.Org/cpc/datasheet/11635)
[6] Đối tượng Kiểm dịch thực vật của Liên xô, 1995
[7] Gorham J. R., 1991. Insect and mite pests in food. U. S. Government printing office. Washington, D. C. 20402. Page 75 - 85.
[8] Gorham J. R., 1991. Insect and mite pests in food. U. S. Government printing office. Washington, D. C. 20402. Page 95-113.
[9] (http://www.pesticidy.ru)
[10] IPPC, (2006), ISPM 27 Diagnostic protocols for regulated pests.
File gốc của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12709-2-1:2019 về Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật – Phần 2-1: Yêu cầu cụ thể đối với mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal) đang được cập nhật.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12709-2-1:2019 về Quy trình giám định côn trùng và nhện nhỏ hại thực vật – Phần 2-1: Yêu cầu cụ thể đối với mọt to vòi Caulophilus oryzae (Gyllenhal)
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Đã xác định |
Số hiệu | TCVN12709-2-1:2019 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2019-01-01 |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |