ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1719/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 13 tháng 8 năm 2024 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/06/2014; Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 13/3/2024 của HĐND tỉnh Nam Định thông qua Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ văn bản số 07/UBND-VP5 ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh Nam Định về việc lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy, Nghĩa Hưng - Ý Yên, tỉnh Nam Định;
Căn cứ Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070;
Căn cứ văn bản số 775/UBND-VP5 ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Nam Định về việc điều chỉnh tầm nhìn các quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy, Nghĩa Hưng - Ý Yên, Nam Trực - Trực Ninh;
Xét văn bản số 68/SXD-QH ngày 31/5/2024 của Sở Xây dựng về việc thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 99/TTr-SXD ngày 29/7/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng (QH-01)
2. Bản đồ hiện trạng phân bổ dân cư, sử dụng đất, hệ thống hạ tầng xã hội và giao thông vùng (QH-02)
3. Bản đồ hiện trạng chuẩn bị kỹ thuật vùng (KT-03)
4. Bản đồ hiện trạng cấp nước, cấp điện và hạ tầng viễn thông thụ động (QH- 04)
5. Bản đồ phân vùng quản lý phát triển (QH-05)
6. Bản đồ định hướng phát triển không gian vùng (QH-06)
7. Bản đồ định hướng chuẩn bị kỹ thuật vùng (KT-07)
8. Bản đồ định hướng phát triển giao thông vùng (QH-08)
9. Bản đồ định hướng cấp nước vùng (QH-09)
10. Bản đồ định hướng hệ thống điện, cung cấp năng lượng và hạ tầng viễn thông thụ động (QH-10)
11. Bản đồ định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang (QH-11)
II. QUY MÔ, PHẠM VI LẬP QUY HOẠCH
- Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 466 km2.
- Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 02 huyện Hải Hậu và Giao Thủy.
III. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÙNG
- Xây dựng các phương án phát triển liên vùng Hải Hậu - Giao Thủy trở thành vùng kinh tế biển động lực của toàn tỉnh Nam Định theo hướng: “Hiện đại - xanh - sạch - bền vững”, gắn kết chặt chẽ với các vùng lân cận, vùng Nam đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên Hải Bắc Bộ.
- Phân bổ hợp lý vị trí các khu - cụm công nghiệp; xây dựng vùng phát triển kinh tế đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng và sản xuất công nghiệp hiện đại; xác định vùng nông nghiệp sinh thái, mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
- Bảo vệ, phát huy giá trị của vườn quốc gia Xuân Thủy.
IV. ĐỘNG LỰC VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA VÙNG
- Vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy với tổng chiều dài đường biển khoảng 64km, được xác định là vùng động lực kinh tế lớn của tỉnh về phát triển kinh tế biển.
- Huyện Giao Thủy là một trong năm cực phát triển mới của tỉnh, là một trong những vùng phát triển đô thị lớn, thuộc một trong năm hành lang kinh tế quan trọng có ý nghĩa, là vị trí kinh tế chiến lược của tỉnh. Vườn quốc gia Xuân Thủy - hệ sinh thái đất rừng ngập nước mặn, nơi cư trú của hàng trăm loài chim quý hiếm, một không gian du lịch sinh thái cần được bảo vệ. Huyện Hải Hậu là vùng đất trù phú, giàu nguồn tài nguyên. Dự án nhà máy điện năng lượng Nam Định, khu kinh tế Ninh Cơ.
- Tầm nhìn phát triển vùng: Đến năm 2030 nâng cấp các đô thị hiện hữu, phát triển hệ thống đô thị, khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo,... khai thác thế mạnh không gian ven biển và ngoài biển. Giai đoạn đến năm 2040, khai thác tối đa lợi thế của vùng ven biển và ngoài biển. Nâng cấp và nâng cao chất lượng hệ thống đô thị, tiếp tục phát triển các khu - cụm công nghiệp, khu du lịch, khu nghiên cứu, khu đào tạo, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao cao cấp, bảo tồn thiên nhiên,... Tầm nhìn đến năm 2050 phát triển vươn ra biển, kết hợp với vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên trở thành một vùng kinh tế biển trọng điểm của tỉnh, một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Đông Nam của tỉnh bảo đảm phát triển bền vững gắn với môi trường sinh thái biển. Bảo vệ, gìn giữ nghiêm ngặt các giá trị đặc sắc vườn quốc gia Xuân Thủy gắn với du lịch và giáo dục.
1. Về phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,2%, bình quân giai đoạn 2031-2040 đạt 11,3%.
- Thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trên 140 triệu đồng/người/năm, đến năm 2040 đạt khoảng 310 triệu đồng/người/năm.
2. Về dân số, lao động
- Dự báo đến năm 2030 dân số toàn vùng khoảng 486.000 người; đến năm 2040 dân số toàn vùng khoảng 614.000 người.
- Dự kiến đến năm 2030 lực lượng lao động trong toàn vùng có khoảng 316.000 người, chiếm 65% tổng dân số; cơ cấu lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35÷40%, ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 60÷65%. Đến năm 2040 lực lượng lao động trong toàn vùng có khoảng 402.000 người, chiếm 65,5% dân số; cơ cấu lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25÷30%, ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 70÷75%.
3. Về tỷ lệ đô thị hóa
- Định hướng đến năm 2030: Tỷ lệ đô thị hoá 53,1%, dân số đô thị khoảng 258.000 người.
- Định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Tỷ lệ đô thị hoá 66%, dân số đô thị khoảng 405.000 người.
4. Về nhu cầu sử dụng đất
Dự báo nhu cầu đất cho phát triển các khu chức năng chính vùng huyện Hải Hậu và Giao Thủy đến năm 2040 như sau:
- Đất dành cho phát triển xây dựng (đô thị, dân cư nông thôn, công nghiệp, thương mại dịch vụ, di tích, tôn giáo, an ninh quốc phòng, hạ tầng và các chức năng khác) đến năm 2030 khoảng 11.500ha, đến năm 2040 khoảng 16.400ha.
- Đất sản xuất nông nghiệp và chức năng khác (phát triển nông nghiệp, mặt nước sông, suối, ao, hồ, kênh mương thủy lợi) đến năm 2030 khoảng 35.100ha, đến năm 2040 khoảng 30.200ha.
5. Về bảo vệ môi trường
Các vấn đề môi trường chính cần được quan tâm xem xét trong quá trình lập quy hoạch: Các tác động đến môi trường kinh tế, xã hội; các tác động đến môi trường không khí, tiếng ồn; các tác động đến môi trường nước; các tác động đến môi trường đất; các tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học; các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
6. Các rủi ro về biến động, thảm họa thiên nhiên
Tiếp tục đầu tư nâng cấp đê kè biển cũng như các công trình đầu mối phòng chống thiên tai. Thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ môi trường và góp phần củng cố an ninh, quốc phòng.
VI. TỔ CHỨC PHÂN VÙNG VÀ YÊU CẦU QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN THEO CÁC PHÂN VÙNG
1. Vùng 1: Vùng phát triển kinh tế ven biển gắn với đô thị dịch vụ du lịch và công nghiệp
- Phạm vi: Bao gồm các đô thị và xã có vị trí nằm gần biển (không gồm khu kinh tế Ninh Cơ và vườn Quốc gia Xuân Thủy).
- Tính chất: Là vùng phát triển kinh tế biển bao gồm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, tắm biển, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản gắn với hai thị trấn mở rộng (thị trấn Cồn, thị trấn Quất Lâm) và các điểm dân cư nông thôn hiện hữu.
- Định hướng phát triển: Hình thành tuyến đường kết nối giữa hai huyện Hải Hậu - Giao Thủy. Phát triển 04 đô thị, trong đó có 02 đô thị hiện hữu (thị trấn cồn và Quất Lâm mở rộng), 02 đô thị mới (Hải Đông và đô thị mới (Giao Tân + Giao Yến + Bạch Long). Phát triển 06 khu công nghiệp và 06 cụm công nghiệp. Xây dựng khu nghỉ dưỡng, tắm biển, thể dục thể thao, sân golf, vui chơi cao cấp Bạch Long; khu du lịch, đô thị sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Giao Phong - thị trấn Quất lâm.
2. Vùng 2: Vùng phát triển đô thị gắn với các lưu vực sông
- Phạm vi: Bao gồm các đô thị có vị trí gắn với các lưu vực sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Sò.
- Tính chất: Là vùng phát triển kinh tế gắn với lưu vực sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Sò. Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, dịch vụ của huyện Hải Hậu và Giao Thủy.
- Định hướng phát triển: Mở rộng ranh giới 2 thị trấn hiện hữu, phát triển thành đô thị Yên Định và đô thị Giao Thủy. Hình thành 3 đô thị mới (Hải Phú, Thiện Hương Thanh, Đại Đồng). Giai đoạn 2040, xây dựng tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và logistics tại xã Giao Hương.
3. Vùng 3: Vùng phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ thuộc huyện Hải Hậu
- Phạm vi: Toàn bộ ranh giới của 4 đơn vị hành chính gồm thị trấn Thịnh Long, xã Hải Châu, Hải Hòa và Hải Ninh, huyện Hải Hậu.
- Tính chất: Là khu vực tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của khu vực, phát triển khu kinh tế trở thành khu vực trung tâm kinh tế biển, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cảng biển,...
- Định hướng phát triển: Đô thị Thịnh Long trở thành trung tâm kinh tế thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng, tắm biển, cảng biển hiện đại, đồng bộ. Xây dựng khu du lịch, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng và sân golf Thịnh Long và 01 tổng kho xăng dầu quy mô trên 79.000m3 tại thị trấn Thịnh Long.
4. Vùng 4: Vùng dân cư nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp sinh thái truyền thống
- Phạm vi: Bao gồm 08 xã hiện hữu thuộc huyện Hải Hậu và 02 xã hiện hữu thuộc huyện Giao Thủy.
- Tính chất: Là vùng dân cư nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
- Định hướng phát triển: Các điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, trên cơ sở các sản phẩm chủ lực theo chương trình OCOP. Xây dựng nông thôn mới theo mô hình nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
5. Vùng 5: Vùng phát triển không gian biển
- Phạm vi: Khu vực khai thác không gian ngoài biển khu vực biển thị trấn Thịnh Long, Cồn mở rộng, xã Hải Đông, xã Hải Triều, thị trấn Quất Lâm mở rộng và các xã Bạch Long, Giao Hải và Giao Long.
- Tính chất: Là vùng không gian khai thác tối đa thế mạnh để hình thành các điểm đô thị, thương mại - dịch vụ, vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái biển và công nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
- Định hướng phát triển: Khai thác tối đa thế mạnh biển, ưu tiên bố trí các không gian cho xây dựng sân golf tại Hải Hậu. Xây dựng không gian ngoài biển và hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản chất lượng cao tại huyện Giao Thủy.
6. Vùng 6: Vùng bảo tồn và phát huy giá trị vườn Quốc gia Xuân Thủy
- Phạm vi: Toàn bộ ranh giới khu bảo tồn vườn quốc gia Xuân Thủy.
- Tính chất: Là vùng đất cửa sông ven biển của hệ sinh thái đất rừng ngập mặn, đa dạng sinh học nơi cư trú của nhiều loài chim nước quý hiếm cần được giữ gìn, bảo tồn, bảo vệ; là vùng phát triển đô thị dịch vụ sinh thái biển hỗ trợ cho các hoạt động du lịch và bảo tồn thiên nhiên.
- Định hướng phát triển: Giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt, tuân thủ các quy định về xây dựng trong khu vực vùng lõi. Xây dựng khu trung tâm dịch vụ, nghiên cứu, trải nghiệm, đa dạng sinh học, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, quy mô 20÷30ha. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng kết hợp tham quan khám phá vườn quốc gia Xuân Thủy tại khu vực vùng đệm (bãi trong) thuộc khu vực vườn quốc gia Xuân Thủy.
VII. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN
1. Vị trí, quy mô, phương hướng tổ chức
1.1. Khu vực phát triển đô thị
- Định hướng đến năm 2030: Huyện Hải Hậu phát triển 05 đô thị, trong đó 02 đô thị loại IV là thị trấn Yên Định mở rộng (sáp nhập thêm xã Hải Trung, Hải Hưng, Hải Bắc, Hải Thanh, Hải Hà, Hải Phương) và thị trấn Thịnh Long mở rộng (sáp nhập thêm xã Hải Châu, Hải Hòa); 03 đô thị loại V là thị trấn Cồn mở rộng (sáp nhập thêm xã Hải Chính, Hải Lý) và đô thị Hải Phú, Hải Đông. Huyện Giao Thủy phát triển 02 đô thị loại IV là thị trấn Quất Lâm mở rộng (sáp nhập thêm xã Giao Phong, Giao Thịnh) và đô thị Giao Thủy (sáp nhập thị trấn Ngô Đồng, xã Hoành Sơn, Giao Tiến); phát triển 01 đô thị loại V là đô thị Đại Đồng (xã Hồng Thuận).
- Định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Huyện Hải Hậu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho các xã mới sáp nhập đạt tiêu chí đô thị loại V, phấn đấu cả huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, hướng tới thành thị xã sau năm 2040. Huyện Giao Thủy thành lập thêm 02 thị trấn mới loại V trên cơ sở 06 xã Giao Thiện, Giao Thanh, Giao Hương và Giao Tân, Giao Yến, Bạch Long, phấn đấu cả huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, hướng tới thành thị xã sau năm 2040.
1.2. Khu dân cư nông thôn
Tiếp tục phát triển các vùng dân cư nông thôn theo cấu trúc mạng như hiện nay. Tuân thủ định hướng của các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã đã được phê duyệt.
1.3. Khu chức năng
1.3.1. Định hướng phát triển khu kinh tế
Định hướng xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu vực trung tâm kinh tế biển, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cảng biển.
1.3.2. Định hướng phát triển các khu công nghiệp (KCN)
- Đến năm 2030: Phát triển 03 KCN gồm: KCN Hải Long giai đoạn 1 là 180ha; KCN Thịnh Tân giai đoạn 1 là 100ha; KCN Lạc Xuân giai đoạn 1 là 100ha.
- Đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Huyện Hải Hậu phát triển thêm 09 KCN mới gồm: KCN Nam Hải Hậu 1 quy mô 100ha; KCN Nam Hải Hậu 2 quy mô 200ha; KCN Hải Nam 170ha; KCN Hải An 1 quy mô 185ha; KCN Hải An 2 quy mô 145ha; KCN Phú Cường là 200ha; KCN Hải Phương 100ha; KCN Phúc Hà 300ha; KCN Hà Thanh 130ha. Huyện Giao Thủy tiếp tục mở rộng 03 KCN gồm: KCN Hải Long thêm 920ha; KCN Thịnh Tân thêm 300ha; KCN Lạc Xuân thêm 110ha và hình thành KCN Thanh Hương 250ha, KCN Xuân Hải 250ha.
- Việc bổ sung quy hoạch 01 KCN điện năng quy mô 300ha tại huyện Hải Hậu và KCN Giao Thịnh quy mô 200ha tại huyện Giao Thủy (theo định hướng tại Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt) nhưng chưa được phân bố chỉ tiêu sử dụng đất, được thực hiện khi có chỉ tiêu sử dụng đất được cơ quan chức năng có thẩm quyền phân bổ.
1.3.3. Định hướng phát triển các khu du lịch
- Huyện Giao Thủy: Đến năm 2030 xây dựng khu du lịch, đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Giao Thủy, quy mô dự kiến khoảng 270ha; khu nghỉ dưỡng, tắm biển, thể dục thể thao, khu đánh golf, vui chơi cao cấp tại xã Bạch Long, quy mô dự kiến khoảng 250ha. Xây dựng tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí, thể dục thể thao và logistics tại xã Giao Hương quy mô từ 10÷20ha.
- Huyện Hải Hậu: Đến năm 2030 xây dựng khu dịch vụ, nghỉ dưỡng phức hợp sân golf Thịnh Long tại thị trấn Thịnh Long, quy mô dự kiến khoảng 179 ha.
1.3.4. Định hướng phát triển các khu chức năng khác
Được xác định trên cơ sở định hướng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện, phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1 điều 28 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, làm cơ sở triển khai các quy hoạch tiếp theo theo quy định.
1.4. Khu vực an ninh quốc phòng
Đến năm 2030: Dự báo đất an ninh quốc phòng khoảng 78ha đến 90ha (trong đó đất quốc phòng trên 67ha). Đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Dự báo đất an ninh quốc phòng khoảng 90ha đến 105ha (trong đó đất quốc phòng trên 87ha).
1.5. Khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp
- Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Vùng rau tại các xã: Giao Phong, Giao Thịnh, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long. Vùng chăn nuôi lợn tại các xã Hải Lộc, Giao Tiến. Vùng nuôi tôm nước lợ tại xã Giao Long, Hải Xuân, Hải Triều, Thịnh Long. Vùng nuôi cá an toàn tại xã Hải Châu.
- Nghiên cứu hình thành vùng trồng gạo Tám Hải Hậu theo hướng chất lượng cao. Xây dựng cảng thủy sản tại khu vực Thịnh Long; nâng công suất khu vực cảng cá Ninh Cơ.
- Dự kiến đến năm 2030, toàn huyện có khoảng 700 ha đất rừng phòng hộ, tập trung nhiều ở Cồn Lu, Cồn Ngạn.
1.6. Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Định hướng: Tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt các công trình di tích cấp quốc gia phải đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, gắn bảo tồn với phát triển, hài hoà với cảnh quan môi trường.
1.7. Cơ sở kinh tế - kỹ thuật khác
Định hướng phát triển các Cụm công nghiệp
- Đến năm 2030: Huyện Hải Hậu mở rộng diện tích CCN Hải Phương lên thành 50ha, thành lập mới 02 CCN Hải Đông 50ha và Làng nghề Hải Minh 50ha. Huyện Giao Thủy quy hoạch 12 CCN gồm: Có 09 CCN quy mô 50 ha là CCN Giao Thiện, Giao Hải, Giao Xuân, Nhân Châu, Giao Nhân, Giao Thiện 2, Hồng Thuận, Giao Tiến, Giao An; 01 CCN quy mô 60ha là CCN Giao Lạc; 02 CCN quy mô 75ha là CCN Giao Yến 1 và Yến Châu.
- Đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Huyện Giao Thủy mở rộng diện tích 05 CCN thêm 25ha gồm: Giao Thiện, Giao Thiện 2, Giao Nhân, Hồng Thuận, Giao An và CCN Nhân Châu thêm 15ha.
2. Tổ chức phân bố hệ thống trung tâm
2.1. Trung tâm hành chính
- Trung tâm hành chính huyện Hải Hậu, Giao thủy phát triển trên cơ sở trung tâm hành chính hiện hữu của 2 huyện.
- Khu trung tâm hành chính thị trấn và các xã được xây dựng cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
2.2. Trung tâm thương mại - dịch vụ
- Dự kiến đến năm 2030, xây dựng chợ đầu mối nông thủy sản của vùng ven biển với quy mô 1ha tại khu vực các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu.
- Huyện Hải Hậu: Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại đa năng, khu thương mại dịch vụ tổng hợp Logistis. Phát triển thêm 02 ÷ 05 siêu thị và 05 chợ tại khu kinh tế, cụm công nghiệp, khu đô thị. Đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại Hải Thanh; khu dịch vụ thương mại huyện giáp tuyến đường tránh Yên Định. Phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hải Đông, khu thương mại dịch vụ biển xã Hải Lý.
- Huyện Giao Thủy: Xây dựng khu dịch vụ thương mại tổng hợp logistics tại Giao Thủy quy mô khoảng 20ha. Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Giao Thủy lên hạng II, xây mới hoặc nâng cấp chợ thị trấn Quất Lâm thành chợ đầu mối thủy hải sản, phát triển thêm 04 chợ dân sinh, 04 siêu thị tại các điểm du lịch biển, khu đô thị mới. Toàn huyện, mỗi xã xây dựng 1 chợ trung tâm.
- Căn cứ thực tế phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu phát triển khu dịch vụ thương mại tổng hợp logistics tại khu vực kênh nối Đáy - Ninh Cơ và hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển khu vực Hải Hậu”.
2.3. Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao
Tại các khu vực đô thị phát triển mới xây dựng hệ thống công trình văn hóa hiện đại, đa chức năng kết hợp với thể dục thể thao. Bổ sung các nhà văn hóa, thư viện bảo tàng cho đô thị loại IV trong tương lai theo tiêu chuẩn. Xây dựng Bảo tàng vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành Trung tâm văn hóa, giáo dục, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Đồng quê trở thành điểm tham quan du lịch, tìm hiểu di sản văn hóa vùng quê đồng bằng Bắc bộ.
2.4. Trung tâm nghiên cứu, đào tạo
Tiếp tục duy trì, nâng cấp hệ thống các trường THPT hiện có trên địa bàn 02 huyện. Định hướng đến năm 2040, tầm nhìn 2050: Huyện Hải Hậu quy hoạch xây dựng mới thêm 02 trường THPT tại đô thị Hải Đông và thị trấn Thịnh Long mở rộng. Huyện Giao Thủy quy hoạch xây dựng mới thêm 02÷03 trường THPT tại thị trấn Quất Lâm, đô thị mới Thiện Thanh Hương và xã thành lập mới Hải Long Châu.
2.5. Trung tâm Y tế
- Huyện Hải Hậu: Mở rộng Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu thêm 2ha, nâng cấp thành bệnh viện đa khoa khu vực - hạng I phía Nam tỉnh Nam Định, quy mô 900 giường bệnh. Nâng cấp Trung tâm y tế huyện Hải Hậu lên đạt tiêu chí hạng II. Xây dựng mới bệnh viện hạng II tại Thịnh Long.
- Huyện Giao Thủy: Triển khai 10÷15 ha xây dựng mới cơ sở dưỡng lão tại Quất Lâm, Bạch Long và 1 bệnh viện đa khoa tư nhân tại xã Giao Hải.
3. Các quy hoạch xây dựng cần lập theo các giai đoạn phát triển
- Lập các đồ án quy hoạch chung đô thị: Đại Đồng, Hải Phú, Hải Đông. Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ và đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn hai huyện.
- Trên cơ sở phương án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh giai đoạn 2023- 2025, tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng các xã hình thành mới trên địa bàn hai huyện.
- Rà soát, lập điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện được duyệt.
VIII. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VÙNG
1. Định hướng chuẩn bị kỹ thuật
1.1. Định hướng công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai
- Kiên cố hoá hệ thống kênh cấp I, cấp II, kênh nội đồng trên địa bàn 2 huyện Hải Hậu, Giao Thủy. Nạo vét các bãi bồi trên sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Sò.
- Mở rộng sông Sò đảm bảo yêu cầu dẫn nước và trữ nước tiêu.
- Xây dựng âu thuyền tại cống số 9 xã Giao Long; cống ngăn mặn sông Ninh Cơ. Xây mới 3 trạm bơm tiêu úng (Ninh Mỹ; Ngô Đồng; Mốc Giang). Làm đập điều tiết cuối sông Trệ, làm đập điều tiết đập Hải Ninh.
- Xây dựng, tu bổ cống dưới đê; hệ thống kè mỏ khu vực kè cồn Tròn; kè mỏ và thềm cơ giảm sóng khu vực kè Hải Thịnh 2 và kè Hải Thịnh 3. Sửa chữa các vị trí kè hư hỏng tại khu du lịch Thịnh Long. Nâng cấp, tu sửa kè cồn Tư, kè cồn Nhì, kè Cồn Ba, kè Đồng Hiệu.
1.2. Định hướng cao độ nền
- Tuân thủ cao độ khống chế nền xây dựng đã được xác định trong các đồ án quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chung xây dựng xã, các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, giảm thiểu khối lượng đào đắp.
- Kết hợp hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực hiện trạng. Đảm bảo khu vực không bị ngập úng, sạt lở, thoát nước mặt thuận lợi, không gây xói mòn, rửa trôi đất.
- Phải bảo đảm an toàn cho các đô thị và các điểm dân cư, tần suất chống lũ phù hợp với cấp đô thị, tính chất khu vực xây dựng, tuân thủ QCVN 01:2021/BXD.
1.3. Định hướng thoát nước
- Đối với các khu đô thị mới, các khu công nghiệp tập trung sẽ xây hệ thống thoát nước mưa riêng hoàn toàn. Khu dân cư hiện hữu đang có hệ thống thoát chung, trong tương lai cần đầu tư xây dựng thành hệ thống nửa riêng. Khu vực nông thôn xây dựng hệ thống thoát nước chung trước khi thoát ra sông, kênh tiêu trong khu vực.
- Lưu vực thoát nước mưa bao gồm 4 lưu vực chính: Lưu vực 1 (gồm thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng dự kiến và các xã phía Đông Bắc huyện Giao Thủy). Lưu vực 2 (gồm xã, thị trấn khu vực Ba Lạt, 1 phần ngoài đê biển thị trấn Quất Lâm, các xã phía Nam huyện Giao Thủy, 1 phần ngoài đê biển thị trấn Thịnh Long và các xã phía Đông Nam huyện Hải Hậu). Lưu vực 3 gồm (1 phần phía Tây thị trấn Giao Thủy, khu vực trong đê của thị trấn Quất Lâm, các xã phía Tây Bắc huyện Giao Thủy và các xã phía Đông Bắc huyện Hải Hậu). Lưu vực 4 gồm (phần lớn diện tích phía Bắc đê biển thị trấn Thịnh Long, thị trấn Cồn, thị trấn Yên Định, đô thị Hải Phú và các xã phía Tây Bắc huyện Hải Hậu).
2. Định hướng giao thông
2.1. Đường bộ
- Quốc lộ: QL.37B; QL.21; QL.21B nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III đồng bằng, riêng đoạn qua đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được phê duyệt.
- Đường tỉnh: ĐT.488C; ĐT.488; ĐT.489; ĐT.489B hoàn thiện nâng cấp mở rộng quy mô toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, tuyến nhánh ĐT.489 quy hoạch cấp IV đồng bằng, đoạn qua thị trấn Ngô Đồng, Quất Lâm và Đại Đồng dự kiến đảm bảo theo quy hoạch của đô thị. ĐT.484 quy hoạch tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, quy mô 8 làn xe. Tuyến Trưng Hòa - Nam Ninh Hải nâng cấp lên thành đường tỉnh, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
- Đường bộ ven biển quy hoạch toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.
- Các tuyến đường quy hoạch mới: Tuyến nhánh Trực Tuấn - Yên Định quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp I đồng bằng. Tuyến nhánh Lạc Quần - Ngô Đồng quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng. Các tuyến đường: Tuyến đường kết nối với Đường bộ ven biển - QL21B, tuyến đường kết nối với Đường bộ ven biển + Đường An Đông xã Hải An, tuyến nhánh kết nối vào KCN điện năng (trong khu kinh tế Ninh Cơ) đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; Tuyến đường An - Cường đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng.
- Đường huyện: Giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục triển khai thực hiện theo các dự án đã được duyệt, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường huyện đạt từ cấp V đến cấp IV đồng bằng. Giai đoạn sau năm 2030, mở mới kết hợp nâng cấp cải tạo hệ thống đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV đồng bằng. Cụ thể, huyện Hải Hậu gồm đường: An Đông, Trung Hoà, Tây Sông Múc, Long Sơn, Phú Ninh, Yên Định - Múc, Cồn - Văn Lý, Phương Long, Thanh Quang; Huyện Giao Thủy gồm đường: Bình Xuân, Tả Sông Sò, Thiện Lâm, Tiến - Thịnh, Tiến Long, Thanh Hương, Bình Xuân 2, đường trục huyện, Lạc - Lâm, Xuân Hà.
2.2. Đường thủy
- Phát triển hệ thống bến cảng hàng hóa dọc sông Ninh Cơ và sông Sò. Mở rộng, nâng cấp các điểm neo đậu tàu thuyền, phà, nâng cấp các bến khách ngang sông.
- Mở rộng, nâng cấp cảng Hải Thịnh và xây dựng thành khu cập cảng tàu LASH. Xây dựng bến cảng hàng lỏng khu vực Hải Thịnh tiếp nhận tàu đến 7.000 DWT; nâng cấp, khai thác khu bến Hải Thịnh - cửa Đáy
- Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cửa Hà Lạn, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Ninh Cơ. Nghiên cứu hình thành một số bến, cảng thủy nội địa tổng hợp, hành khách khu vực xã Giao Hương, xã Giao Thiện huyện Giao Thủy. Bổ sung cảng cạn tại trung tâm logistics Giao Thủy tại huyện Giao Thủy, quy mô cảng cạn dự kiến khoảng 15÷20 ha.
- Quy hoạch cảng chuyên dùng: Cảng Hải Châu, cảng Thịnh Long mới, cảng hàng lỏng Hải Thịnh. Cảng hành khách: Cảng khách Giao Thủy, cảng khách Vọp 1, 2, 3. Các cảng hàng hóa tổng hợp: Cảng Hải Hậu 1, cảng Giao Thủy 1, cảng Giao Thiện, cảng Hồng Thuận.
- Bổ sung quỹ đất phục vụ hậu cần cảng, logistics tại các vị trí thuận lợi kết nối hạ tầng kỹ thuật.
2.3. Đường sắt
- Dành quỹ đất xây dựng mới tuyến đường sắt Nam Định - Thịnh Long.
- Xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường đấu nối vào quốc lộ, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.
2.4. Công trình đầu mối giao thông
- Huyện Hải Hậu: Mở rộng, nâng cấp bến xe Hải Hậu, bến xe Thịnh Long đạt tiêu chuẩn bến xe loại III. Sau năm 2030, nâng cấp bến xe tại đô thị Thịnh Long thành bến xe loại II. Quy hoạch mới bến xe Cồn đạt tiêu chuẩn bến xe loại III.
- Huyện Giao Thủy: Xây mới bến xe Giao Thiện đạt tiêu chuẩn bến xe loại III.
- Quy hoạch 02 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: cầu Cồn Nhất trên tuyến QL.37B, cầu Giao Thiện trên tuyến đường bộ ven biển.
- Quy hoạch 05 cầu đường bộ qua sông Sò gồm: Cầu trên tuyến Lạc Quần - Ngô Đồng, cầu trên tuyến Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, cầu trên tuyến đường quy hoạch mới dự kiến 03 cầu.
3. Định hướng hệ thống điện
- Nguồn, lưới điện: Xây dựng mới trạm 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định I và đường dây đấu nối. Xây dựng mới các trạm biến áp 220kV Hải Hậu, Giao Thủy và đường dây đấu nối. Xây dựng mới các xuất tuyến đường dây 220kV sau trạm biến áp 500kV và xuất tuyến 220kV thuộc nhà máy nhiệt điện Nam Định I.
- Nâng công suất các trạm biến áp 110kV (Hải Hậu, Giao Thủy, Lạc Quần, Trực Ninh) hiện đang cấp nguồn cho khu vực huyện Giao Thủy và Hải Hậu.
- Xây mới các trạm biến áp 110kV: KCN Giao Thịnh, Giao Thủy 2, 3, 5, 6, Quất Lâm, Giao Thanh, Yên Định, Thịnh Long, KCN điện năng Hải Hậu và các tuyến đường dây đấu nối.
- Việc xác định vị trí đặt các trạm biến áp từ cấp điện áp 22kV trở lên và hướng tuyến đường dây đấu nối từ cấp điện áp 22kV trở lên sẽ được cụ thể khi triển khai dự án công trình và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
4. Định hướng hệ thống cấp nước
- Nguồn nước: Khai thác nguồn nước sông Hồng và sông Ninh Cơ, sông Sò.
- Huyện Hải Hậu: Chuyển đổi nhà máy nước Hải Toàn (giai đoạn 2025-2030), Yên Định giai đoạn (2031-2040) thành trạm bơm tăng áp, nguồn nước ngầm dự kiến sẽ làm nguồn nước dự phòng. Xây mới nhà máy nước Hải Minh, Hải Trung, KCN điện năng Hải Hậu; trạm bơm tăng áp khu công nghiệp Nam Hải Hậu 1&2.
- Huyện Giao Thủy: Xây mới nhà máy nước KCN Hải Long; KCN Thịnh Tân; KCN Lạc Xuân; KCN Giao Thịnh và nhà máy nước Giao Thủy.
- Công trình phòng cháy, chữa cháy: Bố trí mạng lưới trụ sở các đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy với bán kính phục vụ tối đa là 3km đối với khu vực trung tâm đô thị và 5 km đối với các khu vực khác.
5. Định hướng hệ thống cung cấp năng lượng
Khu vực cảng Thịnh Long, xây dựng 01 tổng kho xăng dầu quy mô trên 79.000 m3 và 01 tổng kho LPG > 1.000m3 nằm trong khuôn viên tổng kho xăng dầu 79.000m3 trên.
6. Định hướng thoát nước và xử lý nước thải
- Các đô thị quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn, có trạm xử lý nước thải tập trung. Các điểm dân cư nông thôn xây dựng mới được quy hoạch hệ thống thoát nước riêng. Với các khu dân cư cũ, từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Các khu/cụm công nghiệp quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn, có các trạm xử lý nước thải riêng, công nghệ xử lý phù hợp với tính chất nước thải công nghiệp.
- Trạm xử lý nước thải tập trung: Huyện Hải Hậu bố trí 05 hạm, huyện Giao Thủy bố trí 05 trạm xử lý nước thải tập trung trên địa bàn từng huyện.
7. Định hướng quản lý chất thải, nghĩa trang
- Trong giai đoạn đến năm 2040, dự kiến quy hoạch nhà máy xử lý CTR hiện đại cấp vùng liên huyện, có công suất khoảng 1400 tấn/ ngày, diện tích khoảng 13,6 ha tại thị trấn Quất Lâm.
- Đối với các nghĩa trang hiện có: Cải tạo, trồng thêm cây xanh, từng bước, có lộ trình dừng chôn cất mới (hung táng), chỉ tiếp nhận mộ cát táng, hỏa táng.
- Đối với các nghĩa trang quy hoạch mới: Tuân thủ quy hoạch nghĩa trang đã được phê duyệt theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng.
8. Định hướng hạ tầng viễn thông thụ động
- Nâng cấp các trạm host mới cho toàn khu vực. Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới,... Sử dụng các tuyến cáp quang từ trạm chuyển mạch mới.
- Xây dựng mới các tuyến cột treo cáp viễn thông; các công trình hạ tầng kỹ thuật,.. .tại các khu đô thị mới, tại các tuyến đường khu vực trung tâm, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh,...
- Phát triển mới hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G. Xây dựng mới trạm thu phát sóng của nhà cung cấp dịch vụ chính, phát triển trạm BTS theo công nghệ đa tần. Xây dựng, lắp đặt các điểm truy nhập Internet không dây. Phát triển mạng lưới bưu chính rộng khắp trên địa bàn toàn.
IX. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Ưu tiên các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng khung, các công trình đầu mối đảm bảo kết nối các khu vực công nghiệp - dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị và nông thôn. Các dự án đầu tư phát triển cho khu vực đô thị giữ vai trò chủ chốt (Ngô Đồng, Quất Lâm, Giao Thiện, Thịnh Long, Yên Định), khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích lịch sử quốc gia. Các dự án phục vụ cho đề án nâng loại đô thị, các dự án chỉnh trang, nâng cấp công trình hạ tầng xã hội. Các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên, các dự án tái tạo năng lượng và tái sinh môi trường tự nhiên,...
X. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH SAU KHI ĐƯỢC PHÊ DUYỆT
- Huy động các nguồn lực để lập quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư,...
- Khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, cụ thể hóa cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác sử dụng đất. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát triển xây dựng. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường,... theo quy định.
- Huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện: Vốn ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ và đầu tư từ chính phủ nước ngoài (ODA); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư tư nhân, doanh nghiệp; vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
XI. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG VÙNG
Khu vực nghiên cứu quy hoạch được phân thành 3 vùng bảo vệ, như sau:
1. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt các hệ sinh thái, khu hệ động, thực vật, đa dạng sinh học trong vườn quốc gia Xuân Thủy. Xây dựng hành lang kết nối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn và kết nối các khu vực trong khu bảo tồn. ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý đa dạng sinh học. Hạn chế quy hoạch, phát triển dự án khai thác khoáng sản; xây dựng kho chứa hóa chất độc hại, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu có yếu tố độc hại đối với với môi trường. Xây dựng cơ sở xử lý, bãi chôn lấp, vị trí thải bỏ chất thải rắn, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất ô nhiễm độc hại, có hoạt động xâm hại đến các đối tượng, yếu tố cần bảo vệ nghiêm ngặt.
2. Vùng hạn chế phát thải: Phát triển đô thị, cụm dân cư hài hoà với cảnh quan môi trường, có cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, xử lý nước thải; tỷ lệ cây xanh tự nhiên cao. Tập trung bảo vệ và phát triển bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa trong khu vực di sản, di tích, phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường. Kiểm soát xả thải chất ô nhiễm tại các vùng đất ngập nước quan trọng.
3. Vùng khác: Quản lý, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ngăn ngừa ô nhiễm do hoạt động các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN, làng nghề, các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, bảo vệ chất lượng nước và chất lượng không khí khu đô thị, dân cư.
XII. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THEO QUY HOẠCH
Việc quản lý thực hiện quy hoạch được quy định cụ thể trong “Quy định quản lý theo Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050” kèm theo đồ án.
1. Sở Xây dựng
- Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, dữ liệu, chỉ tiêu kỹ thuật của đồ án đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và các đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch được duyệt theo quy định.
- Theo chức năng nhiệm vụ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, quản lý công tác xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. UBND các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy
- Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch được duyệt theo quy định.
- Quản lý chặt chẽ quỹ đất và trật tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Căn cứ Đồ án quy hoạch được duyệt triển khai việc lập các quy hoạch xây dựng có liên quan tại các khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm cập nhật quy hoạch theo ngành để quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định.
Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;
- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch các UBND huyện: Hải Hậu, Giao Thủy và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Quyết định 1719/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thuỷ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Nam Định ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 1719/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thuỷ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Nam Định ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nam Định |
Số hiệu | 1719/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Hà Lan Anh |
Ngày ban hành | 2024-08-13 |
Ngày hiệu lực | 2024-08-13 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |