BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1386/QĐ-BTTTT | Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2024 |
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC BƯU ĐIỆN TRUNG ƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Cục Bưu điện Trung ương là đơn vị thông tin liên lạc đặc biệt thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đảm bảo thông tin liên lạc cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành cơ mật, khẩn cấp; phục vụ thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan (sau đây gọi chung là các cơ quan Đảng, Nhà nước).
2. Cục Bưu điện Trung ương có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.
1. Tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước
a) Chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, Mạng điện báo Hệ đặc biệt, mạng Truyền số liệu chuyên dùng, Mạng điện thoại Hệ đặc biệt và các mạng, hệ thống thông tin khác phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây gọi chung là các mạng, hệ thống thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước).
b) Chủ trì, tham gia xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, phương án, giải pháp về tổ chức hoạt động của các mạng, hệ thống thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước.
c) Tham gia xây dựng các quy định, yêu cầu kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật cho các mạng, hệ thống thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước.
2. Trực tiếp tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước
2.1. Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về các mạng, hệ thống thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước.
2.2. Công tác phục vụ thông tin liên lạc
a) Đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác các mạng, hệ thống thông tin dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đảm bảo an toàn, bảo mật, chống chịu cao, thông suốt trong mọi tình huống.
b) Trực tiếp phục vụ thông tin liên lạc cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đối tượng được quy định trong công tác chỉ đạo, điều hành cơ mật, khẩn cấp.
c) Chủ trì xây dựng phương án, điều phối, tổ chức phục vụ thông tin liên lạc cho các sự kiện lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước theo nhiệm vụ được phân công.
d) Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông được chỉ định và các đơn vị liên quan đảm bảo kết nối, an toàn và an ninh trong cung cấp dịch vụ cho cơ quan Đảng, Nhà nước.
đ) Quản lý, triển khai, sử dụng sản phẩm mật mã và các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp cho các mạng, hệ thống thông tin của Cục Bưu điện Trung ương phục vụ Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật về Cơ yếu.
e) Phối hợp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Bộ Thông tin và Truyền thông.
g) Chủ trì xây dựng phương án tổ chức, kết nối các mạng thông tin do Cục Bưu điện Trung ương quản lý đến các mạng viễn thông dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh và các mạng thông tin khác trong các trường hợp khẩn cấp.
h) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động của các mạng, hệ thống thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước.
i) Là đầu mối cung cấp, lắp đặt thiết bị đầu cuối, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cho Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan trung ương theo nhiệm vụ được phân công.
k) Triển khai các hoạt động tư vấn, thiết kế, xây lắp; chủ trì triển khai các đề án, dự án tích hợp các hệ thống bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước.
l) Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động đảm bảo thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước theo sự phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
2.3. Về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
a) Chủ trì triển khai, quản lý, vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước thống nhất, tập trung, xuyên suốt bốn cấp hành chính, bảo đảm năng lực, an toàn thông tin.
b) Chủ trì, phối hợp xây dựng, phát triển hạ tầng Chính phủ số, các nền tảng mang tính hạ tầng phục vụ Đảng, Nhà nước; thúc đẩy phát triển các ứng dụng dùng chung, nền tảng số quốc gia theo phân công của Bộ trưởng.
c) Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ.
3. Thực hiện công tác quản trị nội bộ
a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động phục vụ thông tin liên lạc cho Đảng, Nhà nước, hoạt động quản lý của Cục; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của Cục theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chính sách, chế độ tiền lương và các chế độ khác đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.
c) Quản lý tài chính, tài sản, hồ sơ, tài liệu và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc được Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo Cục:
Cục Bưu điện Trung ương có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác của Cục được phân công, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Tổ chức bộ máy:
a) Các phòng:
- Văn phòng.
- Phòng Tài chính - Kế toán.
- Phòng Kế hoạch - Đầu tư.
- Phòng Dữ liệu và Chuyển đổi số.
- Phòng An toàn thông tin - Cơ yếu.
- Phòng Chính sách.
- Phòng Điều hành mạng.
b) Các cơ quan trực thuộc:
- Bưu điện CP16 tại thành phố Hà Nội.
- Bưu điện T78 tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Bưu điện T26 tại thành phố Đà Nẵng.
c) Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc:
- Trung tâm Tư vấn, thiết kế và Tích hợp hệ thống.
Các cơ quan trực thuộc có con dấu để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc có con dấu và tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trực thuộc và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc do Cục trưởng xây dựng trình Bộ trưởng quyết định.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng và mối quan hệ công tác giữa các đơn vị thuộc Cục, trực thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận cơ yếu thuộc Phòng An toàn thông tin - Cơ yếu do Cục trưởng quy định.
3. Biên chế:
a) Biên chế công chức, số lượng người làm việc của Cục do Cục trưởng xây dựng trình Bộ trưởng quyết định theo yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
b) Số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở mức độ tự chủ tài chính được giao theo quy định của pháp luật.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2289/QĐ-BTTTT ngày 11/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bưu điện Trung ương.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Quyết định 1386/QĐ-BTTTT năm 2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bưu điện Trung ương do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 1386/QĐ-BTTTT năm 2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bưu điện Trung ương do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Số hiệu | 1386/QĐ-BTTTT |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Mạnh Hùng |
Ngày ban hành | 2024-08-19 |
Ngày hiệu lực | 2024-08-19 |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
Tình trạng | Còn hiệu lực |